VỊ THẾ VÀ TÀI NGUYÊN VỊ THẾ CÁC VÙNG QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

Một phần của tài liệu Sách chuyên khảo: Biển đảo Việt Nam tài nguyên vị thế và các kỳ quan địa chất, sinh thái tiêu biểu (Trang 65 - 70)

2.6.1. Thông tin chung

Quần đảo Hoàng Sa (QĐHS), theo tiếng Việt trước đây gọi là Bãi Cát Vàng và tên tiếng Anh là Paracel Islands, nằm ở Bắc Biển Đông trong khu vực rộng khoảng 15.000 km2 có toạ độ vào khoảng 15°45′-17°15′ vĩ Bắc và 111°00′-113°00′ kinh Đông, bao gồm hơn 100 đảo, đá, bãi nông, bãi ngầm với trên 60 nơi đã được đặt tên, gồm 3 cụm lớn là Lưỡi Liềm, Vĩnh An và Maclecphin (Macclessfield). Quần đảo nằm cách mũi Ba Làng An (Quảng Ngãi) 135 hải lý, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 123 hải lý, cách đảo Hải Nam 140 hải lý và cách lục địa Trung Hoa 235 hải lý. Quần đảo Hoàng Sa được lập thành huyện Hoàng Sa vào tháng 12/1982 trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, và từ tháng 1 năm 1997 thuộc Tp. Đà Nẵng và cách thành phố này 170 hải lý (khoảng 315km) về phía Đông. Huyện đảo bao gồm các đảo chính: đảo Hoàng Sa, Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, Đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến, Đá Tháp.

Quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) là quần đảo san hô lớn ở Nam Biển Đông, trong khu vực có vị trí vào khoảng 6030’-12000’ vĩ Bắc và 111030’-117030’ kinh Đông, có diện tích vào khoảng 180.000km2, dài 770km theo hướng ĐB-TN và rộng 330km. Quần đảo Trường Sa (QĐTS) thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, bao gồm hàng trăm đảo, đá, bãi nông, bãi ngầm với trên 130 nơi đã được đặt tên, gồm 8 cụm lớn là Song T, Th T, Loi Ta, Nam Yết, Sinh Tn, Trường Sa, An Bang (Thám Him) và Bình Nguyên. Quần đảo nằm cách Vũng Tàu 305 hải lý và cách Cam Ranh 250 hải lý, cách đảo Phú Quý 240 hải lý.

Hai quần đảo cách nhau 350 hải lý qua lòng chảo nước sâu Biển Đông. Chúng có đặc điểm địa chất-địa mạo khá giống nhau, đặc trưng bởi nhiều rạn san hô phát triển trên các dạng địa hình dương phần lớn có chân nằm ở độ sâu 1.000-1.500m đối với QĐHS và 1.500-2.500m đối với QĐTS.

2.6.2. V thế và tài nguyên địa-t nhiên

Hai quần đảo nằm ở khu trung tâm phía Bắc và khu trung tâm phía Nam của Biển Đông, và như mục đầu đã giới thiệu, đó là biển rìa lớn nhất của Thái Bình Dương, nửa kín được bao bọc bởi lục địa châu Á và bờ biển bán đảo Malacca ở phía Tây; đảo Đài Loan, quần đảo Philippin và đảo Borneo ở phía Đông và Đông Nam. Hai quần đảo nằm trên những khối lục địa sót tách rời với lục địa Đông Dương, bị thoái hoá và bị khống chế bởi hệ thống đứt gãy các phương ĐB-TN và TB-ĐN chia thành các khối khác nhau. Vỏ Trái Đất kiểu lục địa và ranh giới bề mặt Moho từ độ sâu 18-20km đến 28-30km. Tại trũng trung tâm Biển Đông thuộc đới tách dãn vỏ đại dương, độ sâu mặt Moho khoảng 10 - 15km (NT Tiệp và nnk, 2008).

Do phân bố trong đai nhiệt đới cận xích đạo, các kiến trúc hình thái dương cấp cao nhất của quần đảo là các cao nguyên san hô quy mô khác nhau, bị phân cách bởi các dạng thung lũng ngầm có độ sâu trên 2.500m. Các cao nguyên này thường bị chia cắt thành các khối riêng biệt bởi các rãnh ngầm, trên mặt khối phát triển các quần thể san hô với các rạn vòng, các bãi ngầm, các đá nằm lập lờ mặt nước và các đảo (LĐ An, 1991, 1999; TĐ Thạnh, 1989, TĐ Thạnh và NĐ Hồng, 1989). Theo thống kê bước đầu (LĐ An, 1999), trong phạm vi vùng biển QĐHS và QĐTS có 41 đảo (trong đó có 1 đảo đá basalt), 135 rạn san hô nổi, 196 rạn san hô chìm và 16 bãi ngầm. Cũng đã thống kê được 18 atol (atoll: rạn san hô vòng) phức, trong đó có 2 atol phức cực lớn (trục dài 130 đến 185km) và 16 atol phức lớn và trung bình (trục dài 22 đến 75km), cùng 29 atol đơn (trục dài 2,5 đến 27km) và 14 rạn san hô mặt bàn.

Các atol (rạn vòng) nằm trong các đường đẳng sâu 100-200m. Các vụng giữa rạn (lagoon) có đường kính 20-30km, đôi nơi tới 100km. Độ sâu của vụng trung bình là 50m, đôi khi tới 70-80m. Trên vành khuyên (đê viền) của atol điển hình thường có mặt đầy đủ các đá, bãi nông và một vài đảo. Các bãi ngầm (coral bank) ở khoảng độ sâu 70-80m, 40-50m và 10-20m. Các bãi ngầm ở Trường Sa thường nhỏ hơn nhưng phân bố dầy đặc hơn ở Hoàng Sa. Các đá (coral reef) hầu hết có bề mặt sâu 3-5m, có khi lộ ra khi triều kiệt. Chúng là loại rạn chủ yếu, kích thước thay đổi từ 500x300m đến 5x6km và kéo dài tới 30km như Thuyền Chài và Đá Lớn.

Giữa các đá thường có một hay vài hồ nước đóng kín hoặc có cửa thông. Các bãi nông (coral shoal) tương tự các đá nhưng chúng bị ngập chìm sâu dưới chục mét, điển hình là các bãi Đinh Ba, Núi Cầu, Trăng Khuyết và Suối Ngà. Các đảo (nổi khi triều cao nhất)(coral cay/island) thường nằm trên mặt thềm các đá tạo rạn vòng (như Hoàng Sa, Nam Yết), hoặc trên các rạn mặt bàn thuộc đỉnh các cao nguyên hình tháp riêng lẻ (Tri Tôn, Trường Sa). Các thành tạo rạn san hô có hình thái phụ thuộc cấu trúc địa chất và hướng gió thịnh hành với trục dài phân bố theo hướng ĐB-TN hoặc B-N. Nhiều đảo biến dạng về cả diện tích và hình dáng theo mùa gió (Krempf, 1933 và TĐ Thạnh, 1989). Động thái dao động lên xuống của mực nước ngầm trên đảo, phụ thuộc vào dao động lên xuống của mực nước triều trong ngày, không phụ thuộc vào mùa mưa hay mùa khô.

Rạn san hô phát triển trên nền thềm lục địa cổ bị nhấn chìm, bắt đầu vào Miocen giữa do một đợt biển tiến qui mô rộng lớn. Trong Pleistocen san hô bị phá hủy nhiều lần ứng với các kỳ băng hà, không phát triển liên tục, và được phát triển cao lên cùng sự nâng cao mực biển vào kỳ gian băng; bề dầy tổng cộng đạt vài trăm đến ngàn mét. Sau nhiều biến động, bình đồ phân bố các rạn được ổn định chủ yếu trong thời gian Holocen (TT Nhân, 1978; TĐ Thạnh, 1989). Hiện nay, xu thế nâng lên của mực biển tại đây khá rõ ràng.

Như vậy vị trí nhiệt đới cận xích đạo đã là nguồn gốc tạo nên các cao nguyên san hô vĩ đại có quy mô thế giới, với rất đa dạng các loại hình rạn san hô, là những kỳ quan địa chất- địa mạo;

và với sự phong phú và đa dạng các HST và thế giới sinh vật, cũng đồng thời là những kỳ quan sinh thái của vùng biển nhiệt đới. Cùng với sự hình thành các bồn trũng tích tụ Kainozoi là triển vọng về dầu khí, v.v.

Bão và tố là thiên tai có thể gây thiệt hại cho tàu thuyền và cơ sở hạ tầng trên các đảo và đá.

Nhiều vụ tai nạn tàu thuyền đã xảy ra trên vùng biển do va phải đá ngầm. Xói lở bờ biển gần đây tăng lên do tăng cường động lực biển cũng như sự can thiệp trực tiếp của con người. Mực nước biển dâng cao liên quan đến biến đổi khí hậu là nguy cơ thực tế ở vùng quần đảo. Nguy cơ sóng thần có thể xuất hiện tại vùng.

2.6.3. V thế và tài nguyên địa-kinh tế

Vùng biển QĐTS và QĐHS có vị thế kinh tế vô cùng quan trọng và để phát huy được, đòi hỏi cấp bách là sự bình ổn về an ninh, chính trị trên biển phải được thiết lập cùng với việc xác lập chủ quyền của Việt Nam. Biển Đông, như đã nêu trong mục đầu của chương này là con đường hàng hải nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, với hàng hoá quan trọng như dầu hoả, khí đốt và vận tải container, là một trong những vùng có mật độ hàng hải đông đúc nhất trên thế giới.

Nếu lấy giữa Biển Đông làm trung tâm thì trong vòng bán kính 1.500 hải lý có các cảng và thành phố lớn quan trọng như Băng Cốc, Rangun, Cancutta, Singapo, Giacacta, Manila, Đài Bắc, Hồng Công, Thượng Hải, Nagaxaki; trong vòng 2.500 hải lý, có các cảng và thành phố lớn quan trọng như Madrat, Côlômbô, Bombay, Bali, Đacuyn, Guam, Tôkiô, Xêun, Bắc Kinh... bao trùm hầu hết lãnh thổ các nước đông dân nhất thế giới, bao gồm một nửa nhân loại. Đường bay quốc tế từ Singapo, Băng Cốc qua Hồng Kông, Manila, Tôkiô, v.v. đều qua Biển Đông. Chính vì vậy hai QĐTS và QĐHS có vị trí tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn. Tương lai, kinh tế dịch vụ chắc chắn đóng vai trò quan trọng cho cả hàng hải, nghề cá và dầu khí, và có thể cả dịch vụ khai thác băng cháy.

Do vị trí phân bố của mình, QĐHS là vọng gác lớn ở cửa Vịnh Bắc Bộ, khống chế toàn bộ các tuyến đường biển vào các cảng của phía Bắc Việt Nam, của các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam của Trung Quốc; nhưng QĐHS là đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam vì cửa Vịnh Bắc Bộ là con đường biển độc đạo đi ra biển khơi của nửa đất nước phía Bắc trong đó có Thủ đô Hà Nội. Việc Trung Quốc chiếm đóng trái phép QĐHS của Việt Nam đã hạn chế rất nhiều vai trò quốc tế của các cảng biển ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, kể cả các hoạt động khai thác hải sản. Quần đảo Trường Sa lại phân bố chếch về phía ĐN của Biển Đông, gần với các nước Philippin, Malaixia, Brunây và nằm chắn ngang con đường biển huyết mạch của Biển Đông mà tầm quan trọng về kinh tế của nó đã nêu ở trên. Như vậy từ QĐTS có thể tiếp cận nhanh chóng vùng biển và hải cảng của các nước trên, thuận lợi cho phát triển thương mại và dịch vụ biển; đồng thời cũng theo dõi được hầu như toàn bộ các tầu qua lại trong khu vực, thuận lợi cho việc quản lý tài nguyên và môi trường biển. Vị trí phân bố của hai quần đảo tạo điều kiện thuận lợi không những cho triển khai các hoạt động dịch vụ kinh tế biển mà quan trọng còn là các hoạt động khai thác tài nguyên biển như hải sản, dầu khí, du lịch.

Đối với Việt Nam tiềm năng vị thế kinh tế của hai quần đảo tập trung vào phát triển các lĩnh vực như giao thông - cảng và neo trú tránh gió bão; du lịch - dịch vụ: du lịch lữ hành tầu biển, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và du lịch khoa học; đánh bắt xa bờ; bảo tồn tự nhiên gắn kết với đảm bảo an ninh, quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển (NV Cư và nnk, 2004).

Định hướng phát triển vùng là tổ chức các hoạt động dịch vụ quốc tế về hàng hải và đường hàng không; tổ chức cứu hộ và cứu nạn trên biển cho các hoạt động hàng hải quốc tế; xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khai thác biển, đặc biệt là nghề cá xa bờ thu hút ngư dân các vùng ven biển Việt Nam đến khai thác, đánh bắt thuỷ sản; tổ chức các hoạt động quan trắc định kỳ tài nguyên và môi trường biển; tổ chức điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học để phát hiện các nguồn tài nguyên, quản lý môi trường góp phần thực thi chủ quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, ngăn ngừa và phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường; xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên biển nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên để hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.

2.6.4. V thế và tài nguyên địa-chính tr

Với vị trí phân bố trung tâm và cấu trúc không gian rộng lớn của mình, QĐHS và QĐTS không những có vị thế kinh tế quan trọng như đã nêu trên mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng về địa-chính trị, địa-quân sự. Có thể nói là làm chủ được hai quần đảo này tức là có điều kiện trực tiếp khống chế được mọi hoạt động qua lại ở Biển Đông và có thể tạo ảnh hưởng nhất định đến các nước xung quanh, đặc biệt đối với việc xác định chủ quyền quốc gia trên biển và an ninh quốc phòng. Hiện nay tình hình tranh chấp chủ quyền căng thẳng giữa các nước trong khu vực và môi trường quân sự hóa tồn tại ở tất cả các nơi. Với QĐHS, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ năm 1974. Trên QĐTS, ngoài Việt Nam làm chủ, đóng quân và có dân sinh sống, còn có bốn nước và vùng lãnh thổ khác chiếm đóng trái phép. Theo báo Dân Trí điện tử (dantri.com.vn) ngày 25/11/2011 trong phần trả lời các đại biểu Quốc Hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 1975 Việt Nam ban đầu tiếp quản 5 đảo (Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa), sau đó tiếp tục tiếp quản 21 đảo với 33 điểm đóng quân.

Hiện tại, Trung Quốc có 9 bãi ngầm, Đài Loan có 1 đảo, Philippin có 9 đảo, Malaixia có 5 đảo.

Ở Trường Sa, Việt Nam có cư dân làm ăn sinh sống với 21 hộ, 80 khẩu, trong đó có 6 khẩu sinh ra ở đó.

Từ lâu, các nhà nước phong kiến Việt Nam trước kia cũng đã nhận thức rất rõ vị thế hai quần đảo nên đã công bố chủ quyền và quyết tâm bảo vệ, khai thác, mặc dù lợi ích vật chất thu được khi đó không phải là lớn đối với sự hy sinh gian khổ giữ gìn vùng ngoài xa (N Nhã, 2002). Khi người Pháp đến đô hộ nước ta cũng đã biết tận dụng lợi quyền của nhà nước bảo hộ mà công bố chủ quyền ở vùng biển đảo này cùng với QĐHS và QĐTS. Người Nhật vào Đại chiến Thế giới Thứ hai đã lập tức chiếm đóng hai quần đảo này và chỉ chịu từ bỏ khi ký kết ở Hội Nghị San Francisco năm 1951. Hiện nay, với vai trò địa-chính trị đặc biệt quan trọng của hai quần đảo mang tầm khu vực và quốc tế, nhiều nước ngày càng rắp tâm tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, mặc dù những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam là hết sức đầy đủ và rõ ràng.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, với việc làm chủ hai QĐTS và QĐHS, Việt Nam có vùng biển rộng lớn khoảng 1 triệu km2, có đường biên giới biển chung với hầu hết các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Philippin, Malaixia, Brunây, Inđônêxia, Thái Lan, Campuchia. Điều này mở ra triển vọng hết sức to lớn về phát triển kinh tế biển và kinh tế đối ngoại, cũng như hợp tác bảo đảm an ninh khu vực. Đối với Việt Nam là thực hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, dân sự hóa và di dân ra sinh cư, lập nghiệp trên các đảo.

Để phát huy tiềm năng TNVT cần tăng cường các nhóm giải pháp thể chế, chính sách; tổ chức, quản lý, quy hoạch; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, hợp tác vùng lãnh thổ. Tích cực đấu tranh bằng phương pháp hòa bình theo con đường ngoại giao và pháp lý để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên vùng quần đảo; xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và bảo tồn tự nhiên; thăm dò và khai thác tài nguyên trong lòng đáy biển, trong khối nước và khai thác, sử dụng không gian biển đảo.

2.6.5. Tài nguyên đi kèm

Nguồn lợi sinh vật vùng biển hai quần đảo rất phong phú (NH Yết và ĐN Thanh, 2008). Khu vực quần đảo Trường Sa có đa dạng sinh học cao, được biết có 2.927 loài sinh vật (ĐC Thung, 2009), gồm 130 loài thực vật trên cạn, 467 loài thực vật phù du, 262 loài động vật phù du, rong- cỏ biển, 776 loài động vật đáy, 382 loài san hô, 524 loài cá biển, 20 loài rùa biển và thú biển, 35 loài Chim biển. Khả năng tối đa nguồn lợi cá nổi của vùng nước QĐTS là 309.089 tấn và khả năng cho phép khai thác hợp lý là 64.900 tấn, khả năng khai thác hàng năm là 90.792 tấn cá nổi và đáy các loại (NT Cảnh, 2005).

Vùng QĐTS có chứa trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên lớn, ngoài ra có thể còn có tài nguyên băng cháy. Hai quần đảo còn có tài nguyên vật liệu xây dựng, photphorit (ước tính trữ lượng 48.000 tấn ở Trường Sa, hàng triệu tấn ở Hoàng Sa). Nước ngầm trên các đảo trữ lượng không lớn, nhưng quan trọng về chiến lược. Nguồn nước mưa (1.170 mm/năm ở Hoàng Sa và 2.575 mm/năm ở Trường Sa) là tài nguyên quý. Yếu tố tài nguyên nhân văn tại đây đã được hình thành với các di tích lịch sử và khảo cổ đã được ghi chép, hoặc được phát hiện như bia chủ quyền, trạm khí tượng, đèn biển, v.v.

Một phần của tài liệu Sách chuyên khảo: Biển đảo Việt Nam tài nguyên vị thế và các kỳ quan địa chất, sinh thái tiêu biểu (Trang 65 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(314 trang)