Cốt truyện truyền thống

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 25 - 32)

7. Dự kiến đóng góp mới

1.1.1. Một số kiểu cốt truyện trong truyện ngắn Lan Khai

1.1.1.1. Cốt truyện truyền thống

Cốt truyện truyền thống là kiểu cốt truyện “tự sự theo mạch thời gian, chuyện gì trước kể trước, quan hệ nhân quả được duy trì, kịch tính được chú trọng, ra đời từ thời cố đại”[59, tr.186]. Như vậy đây là kiểu cốt truyện tôn trọng tính biên niên, quan hệ nhân quả. Cốt truyện này tôn trọng sự kiện theo một hệ thống tổ chức nghiêm ngặt. Các thành phần của cốt truyện cũng như sự tiến triển của nó trong tác phẩm thường theo trình tự: truyện bắt đầu ở một trạng thái tĩnh, ổn định, sau đó xảy ra các mâu thuẫn, xung đột rồi lại trở về trạng thái thăng bằng như lúc ban đầu, kết thúc một quá trình phát triển.

Truyện được chia thành năm thành phần: trình bày, thắt nút, phát triển, cao trào và kết thúc. Tuy nhiên, không phải bất cứ truyện nào cũng bao gồm các thành phần này hoặc vị trí của chúng cũng có thể thay đổi.

Là một trong số ít nhà văn có nhiều tìm tòi, thể nghiệm và để lại nhiều thành tựu cho nền văn học hiện đại, Lan Khai đã phát huy một cách sáng tạo những ưu thế của cốt truyện truyền thống. Đây là những truyện ngắn hay và để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc. Ấn tượng bởi cách xây dựng cốt truyện rất ngắn gọn, giản dị, mang được cái mạch nguồn của cuộc cuộc sống hiện thực muôn màu. Như tác giả Bùi Việt Thắng đã khẳng định: “Những truyện ngắn hay, thông thường những cốt truyện giản dị có sức mạnh chinh phục độc giả hơn sự li kì rắc rối, bởi vì cái đẹp là sự giản dị”[75, tr.118].

Là thế hệ những nhà văn mở đường cho nền văn học Việt Nam hiện đại, truyện ngắn của Lan Khai vừa phát huy những yếu tố truyền thống, vừa có những cách tân mới lạ của một cây bút “đường rừng” đầy tài hoa, tinh tế.

Các truyện ngắn trên đều khai thác từ những đề tài gần gũi với cuộc sống con người như đề tài săn thú dữ trong truyện ngắn Dưới miệng hùm; hay những câu chuyện liên quan đến đề tài lịch sử khi bọn giặc cờ Đen gây ra những

thảm cảnh tang thương trong Sóng nước Lô Giang, Mưu thằng Đợi; rồi đề tài về kiếp sống của những con người dưới đáy xã hội bất hạnh, bần cùng:

Anh xẩm, Thằng Gầy, Cái của nợ... Tất cả đều là những hiện thực thảm khốc làm nhức nhối và gợi lên trong lòng bạn đọc sự cảm thương sâu sắc. Đặc biệt, tình yêu là một mảng đề tài chiếm số lượng lớn nhất trong cốt truyện truyền thống của Lan Khai. Đó phần lớn là những chuyện tình đứt gánh, thậm chí kết thúc bi thảm, xót xa như: Tiền mất lực, Bỡn cợt với tình, Khảm Khắc, Một việc tự tử, Vì cánh hoa trôi, Khóc thông reo, Khổ tình... phần lớn những câu chuyện ấy đều sáng ngời lên một thứ tình yêu thủy chung, thiêng liêng, mãnh liệt và cao đẹp.

Cốt truyện truyền thống của Lan Khai được kết thành bởi hệ thống các sự kiện nối tiếp tuân theo một quy luật tất yếu của tư duy, tự nhiên và xã hội...

Cốt truyện ấy trực tiếp được tạo nên từ những hành động, những xung đột và mâu thuẫn giữa những thế lực đối lập. Quy luật nhân quả được thể hiện trong các truyện ngắn: Dưới miệng hùm, Bỡn cợt với tình... Như một lẽ đương nhiên của cuộc sống: kẻ gieo gió ắt phải gặp bão, người đàn ông dám cả gan chiến đấu với “con hùm ranh mãnh và táo tợn” hay nhân vật Lộc dám “bỡn cợt với tình” đều có một kết thúc trong bi kịch.

Dưới miệng hùm là một truyện ngắn do nhân vật tôi kể lại về một chuyến đi săn tại động Đèo Hoa. Con hùm ranh mãnh, táo tợn đã làm cho dân ở cái động Mán này mất ăn, mất ngủ. Người ta tin nó là tay sai của Sơn Thần nên đã mời thầy mo, thầy bụt về cúng vái nhưng tiếc thay những cuộc lễ tốn kém ấy chẳng đem lại ích lợi gì. Nhân vật “tôi” đi săn đã có tiếng từ trước nên đến động Đèo Hoa đã được đón tiếp như một vị phúc tinh. Suốt bảy đêm liền dử nhưng con hùm ranh mãnh không bị mắc bẫy. Lúc người thợ săn định bỏ cuộc cũng là khi bọn thổ dân tìm thấy tung tích của con hùm. Họ sắp đặt vị trí cho nhân vật tôi dễ dàng tiêu diệt con mồi nhưng “tiếng dê vừa bắt đầu kêu,

bọn thổ dân chào tôi rồi bắt đầu lủi hết”. Trong cái lặng lẽ ghê ghớm của đêm rừng, đã diễn ra một cuộc chiến đấu rùng rợn giữa người thợ săn và con hùm táo tợn. Khi bị bắn gãy cả hai chân mà con hùm vẫn rất khỏe, nó đã chụp lấy người thợ săn như cái nhà táng, ra sức cắn kẻ thù của nó đến chết. Người thợ săn may mắn co được chân và đạp thốc vào bụng con hùm khiến nó lăn tuột xuống lòng khe. Thoát chết nhưng anh trở thành một kẻ tật nguyền. Đó là cái kết cục cho sự lẻ loi, đơn độc, cho những ai dám đối chọi với thiên nhiên phải ghê sợ, hãi hùng.

Bỡn cợt với tình là chuyện tình yêu giữa Liên và Lộc. Chỉ vì chuyến đi chơi về đồn điền phụ thân của Liên, nàng đã có những câu nói khiến Lộc ngờ vực, sầu tủi, ghen tuông, đau đớn lạ. Chàng lủi thủi đi đến nương khoai thì gặp Xuân - một cô gái quê xinh đẹp đã khiến chàng nghĩ ra cách trả thù Liên.

Trước những lời nói yêu đương ngọt ngào, Xuân đã không kháng cự nổi. Cô ngả vào lòng Lộc một cách tin cậy, ngây thơ. Nhưng việc làm của Lộc không qua nổi mắt Liên. Khi cơ hội đến, cô đã lật tẩy bộ mặt của Lộc. Vì không biết Xuân nấp sau bình phong nên anh đã vô tình đâm vào tim một cô gái ngây thơ lần đầu rung động vì tình phải đau đớn ngã xuống bất tỉnh vì câu anh nói với Liên: “Liên phải biết đó chỉ là một cách tôi trả thù Liên đó thôi, chứ có đời nào tôi yêu đến những hạng ấy”[70, tr.186]. Cùng một lúc, trước hai người phụ nữ, anh trở thành một kẻ dã man, khốn nạn, dối trá, dám bỡn cợt với tình.

Truyện ngắn của Lan Khai được hình thành, phát triển trên cơ sở hành động của các nhân vật. Điều đó đã tạo ra các sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự hình thành của cốt truyện. Có thể thấy truyện ngắn của Lan Khai là những dòng chảy của những sự kiện cô đặc. Qua truyện ngắn Thằng Gầy chúng ta sẽ thấy sự tạo dựng cốt truyện trên nền cơ bản của những sự kiện cô đặc. Đây là truyện ngắn mang tính hiện thực sâu sắc. Nó khiến người đọc cảm thương, xót xa cho số phận một thằng bé bơ vơ. Sự kiện mở màn cho

một chuỗi những đau khổ, bất hạnh của nó là bố nó chết, mẹ nó đi ở vú cho một nhà giàu. Vì sự ham muốn rất thường tình của con trẻ nó đã ăn cắp con búp bê của con gái bà chủ. Nó đâu biết đấy là một tội, nên đã bị tống cổ ra đường. Xuyên suốt câu chuyện người đọc cứ dõi theo những bước chân ù té chạy của thằng Gầy, vì đi đến đâu nó cũng bị ngược đãi, đánh đập, bắt nạt. Đó là các sự kiện: nó bị bọn học trò nhỏ cướp cái ống bơ; rồi nó bị bắt giả làm tiếng ve, đánh đập, ném đá không một chút thương xót khiến thằng Gày phải chạy vào trong phố. Tiếp đó, một thầy cảnh sát nhìn nó trừng trừng khiến nó hốt mà ù té chạy. Lạc vào trong đám rước sư tử, nó lại bị thằng du côn dẹp đám tát ngã lăn quay, nó vùng dậy được rồi cứ chỗ nào tối tăm vắng vẻ là nó đâm đầu chạy. Nó chết mang theo một giấc mộng hồn nhiên của một đứa trẻ bị bỏ rơi: “Mai ta chờ u ở chợ, xin tiền mua bánh và mua đầu sư tử”. Với nhiều những cụm động từ như: “cúi đầu chạy”, “vẫn chạy nhanh”, “cắm đầu ù té chạy”, “đâm đầu chạy đến”... đã giúp bạn đọc có thể trực tiếp nhìn thấy tình cảnh đáng thương, tội nghiệp của nhân vật. Càng xót xa hơn nữa khi song hành với những bước chân ấy, tác giả liên tiếp miêu tả những ước muốn bên trong rất tự nhiên của thằng Gầy: “ước gì nó cũng được mặc những quần áo đẹp, cũng được cầm một cái đèn xếp mà đi lẫn lộn với những đứa trẻ may mắn kia!”[70, tr.207]. Có thể thấy, trên cơ sở các hành động liên tiếp của nhân vật đã góp phần quan trọng tạo dựng sự kiện, cấu thành nên cốt truyện truyền thống của nhà văn Lan Khai.

Một yếu tố quan trọng nữa tạo nên cốt truyện truyền thống của nhà văn Lan Khai đó chính là sự góp mặt của các tình huống truyện. Mỗi truyện ngắn của ông đều cấu thành bởi những tình huống đặc sắc, đặc biệt các truyện ngắn viết về đề tài tình yêu đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Các truyện ngắn: Pàng Nh, Khảm Khắc, Một việc tự tử, Vì cánh hoa trôi, Khóc thông reo, Kh tình... đều xuất hiện những tình huống gặp gỡ, yêu thương và cuối cùng chia

ly, trắc trở. Điều đó tạo ra những cái kết thúc truyện mới mang đậm chất đời thường, chất hiện thực và để lại nhiều thổn thức, băn khoăn, trăn trở, suy tư...

trong lòng người tiếp nhận. Truyện ngắn Pàng Nh là cuộc tình duyên của Pàng Nhả và Lo Trồng. Pàng Nhả là cô gái có nhan sắc nhất trong các cô gái Bản Vài, đó là vẻ đẹp thuần khiết của các cô gái sơn lâm. Cô đã được Lo Trồng cứu thoát khỏi một con trăn rất dữ tợn trong rừng. Nhưng tình yêu của họ lại bị ngăn trở bởi mối thâm thù từ trước giữa hai gia đình; bởi kẻ phá đám sảo quyệt, thâm hiểm - Noọng Hà. Câu chuyện có sự đan cài giữa lòng thù hận và tình yêu thương, giữa cái thiện và cái ác cùng tồn tại. Chuyện có một kết thúc bi thảm khiến người đọc không khỏi thổn thức, xót xa cho một bông hoa thuần khiết và một chàng trai tốt bụng, cao thượng, giàu lòng vị tha ở chốn rừng xanh. Lo Trồng chết oan dưới bàn tay của Bạch Sẩu (anh trai của Pàng Nhả), còn Pàng Nhả thì hóa điên sau cái chết của người cô yêu. Truyện ngắn Khảm Khắc lại là “một thiên tình sử không cùng”của “một đóa danh hoa” tế nhị, nhã nhặn có giọng hát rất hay ở núi rừng - Mai Kham - và một khách phong tình - anh Lìu Khắc. Họ trở thành một đôi tình nhân khăng khít lạ lùng. Nhưng sự ghen tuông, đố kị, căm phẫn của bao khách si tình không có được Mai Kham đã tìm cách hãm hại đôi tình nhân bằng thủ đoạn tàn ác đến rùng rợn: chúng treo Lìu Khắc lên ngọn cây sung, tiện chung quanh đầu gối của Lìu Khắc và bắt Mai Kham đánh đu cái thây cho đến sáng. Nhưng Mai Kham đã cắn lưỡi liều mình, còn Lìu Khắc thấy vậy vùng mình cọ quậy cho đến khi hai ống chân rơi rớt xuống chỗ Kham nằm.

Không giống với hai câu chuyện thảm tình trên, các truyện ngắn: cánh hoa trôi, Khóc thông reo lại làm nổi bật tình yêu mãnh liệt, tấm chân tình và sự thủy chung sâu sắc của người phụ nữ. Đưa nhân vật vào hoàn cảnh rất thương tâm: những người phụ nữ mất đi người chồng mà họ yêu thương sâu sắc, nhà văn Lan Khai lại có cơ hội để cho nhân vật của mình tự bộc lộ

diễn biến tâm lý, tính cách của họ. Trong Vì cánh hoa trôi, Vân đã một mình lên tận rừng xanh núi đỏ để nhặt nhạnh nắm xương tàn của chồng. Khóc thông reo lại là bi kịch của người phụ nữ vì không thể vượt qua nổi nỗi đau đớn khi mất chồng đã không làm chủ được hành động và tình cảm của mình.

Đầu óc cô ngày càng hoang tưởng, rồi Thu hóa điên. Một đêm mưa gió, vì muốn che trở, ôm ấp cho cây thông mọc ở bên mộ của chồng - mà cô nghĩ đấy là linh hồn của chồng - thân thể của Thu đã nát nhừ vì bị sét đánh. Cả hai câu chuyện đều cho thấy tình yêu mãnh liệt, có thể quên mình của những người phụ nữ.

Như vậy, bằng những sự kiện cô đặc; những tình huống truyện độc đáo, đặc sắc... đã tạo nên biến cố, số phận của nhân vật, Lan Khai mang đến cho độc giả những hương vị tình yêu rất riêng của miền núi rừng tươi đẹp hay của chốn thị thành sôi động. Cốt truyện trong truyện ngắn của Lan Khai rất đơn giản. Vậy điều gì làm nên sức sống đặc biệt trong truyện ngắn của ông? Có thể thấy rằng người nghệ sĩ tài hoa ấy đã rất thành công với việc xây dựng các chi tiết nghệ thuật. Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã đưa ra quan điểm của mình về vai trò quan trọng của các chi tiết nghệ thuật: “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết”. Hay tác giả Bùi Việt Thắng đã khẳng định: “truyện ngắn có thể không có một cốt truyện tiêu biểu nhưng sống được lại nhờ vào các chi tiết hay, vì nhờ chúng mà không khí, cảnh trí, tình huống, tính cách, hành động, tâm tư nhân vật được bộc lộ đầy đủ”[75, tr.73]. Trong truyện ngắn của Lan Khai, ông đã xây dựng thành công nhiều chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Đó là sự góp mặt của các chi tiết nghệ thuật đã giúp thế giới truyện ngắn của Lan Khai xuất hiện những nhân vật dị thường; làm hiện ra những điều kì lạ, bí ẩn của chốn sơn lâm; biểu lộ thế giới nội tâm chất đầy suy tư của nhân vật... đã làm nên sức sống cho truyện ngắn của ông. Các truyện ngắn: Dưới miệng hùm, Người hóa hổ, Sóng nước Lô

Giang, Mưu thằng Đợi, Anh xẩm, Thằng Gầy, Cái của nợ, Tiền mất lực, Bỡn cợt với tình, Khảm Khắc, Một việc tự tử, Vì cánh hoa trôi, Khóc thông reo, Khổ tình... đã xuất hiện hàng loạt các chi tiết độc đáo và đặc sắc. Như trong truyện ngắn Người hóa hổ, Lan Khai đã xây dựng thành công nhiều chi tiết vừa ám ảnh, vừa lạ lẫm. Nó ẩn chứa trong đó tình thương sâu sắc với bà mẹ và nỗi đau khổ, mất mát của người con trai. Ở đó xuất hiện tình mẫu tử thiêng liêng, và cả sự bất lực buồn đau trước một hiện thực phũ phàng: “Bà cụ bấy giờ đã mất hết áo xống. Toàn thân lông lá mọc đầy, sắc đỏ như lông bò non. Người nom gầy trơ xương, hai cái vú đã cạn sữa buông lõng thõng xuống như hai cái bị bẹp, mồm miệng máu me loe loét, hai mắt hốt hoảng như đã mất hết trí khôn. Anh Mèo phục xuống trước mặt mẹ khóc như mưa”[70, tr.68]... Nhiều chi tiết, tình huống nghệ thuật đã đem lại cho khá nhiều truyện ngắn của Lan Khai hương vị của những câu truyện cổ tích xa xưa nhưng vấn đề đặt ra lại là của cuộc sống ngày hôm nay; nghệ thuật viết truyện của ông là nghệ thuật tự sự của đàn anh lão luyện trong thế giới sơn lâm. Những tình huống chàng trai khỏe mạnh, can đảm cứu các cô gái gặp nạn như Lo Trồng cứu Pàng Nhả thoát chết khi bị con trăn “quấn tròn lại như một khúc giò”, Tsi Tôđay đã giết chết con hùm cứu Lô Hli thoát chết... rồi họ yêu nhau, hẹn ước nên duyên vợ chồng khiến người đọc như bắt gặp hành động cứu công chúa Quỳnh Nga của chàng Thạch Sanh trong truyện cổ tích cùng tên. Những chi tiết hóa thân của nhân vật trong truyện Khảm khắc cũng đưa người đọc lạc vào thế giới của truyện cổ tích Sự tích con chim cuốc. Hay chi tiết người hóa hổ cũng khiến người đọc nhớ đến truyện cổ tích Nghè hóa cọp... Tất cả những điều ấy cho thấy sự nối tiếp những tinh hoa của cốt truyện truyền thống và không ngừng sáng tạo, đổi mới để khẳng định tài năng của một nhà văn đã

“khai sơn phá thạch” cho nền văn học hiện đại. Như vậy, Lan Khai xây dựng

môtip của cốt truyện truyền thống nhưng cũng lại có những phá cách mới tạo nên một cây bút viết truyện ngắn rất tài hoa.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 25 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)