Chương 2: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI
2.2. Một số thủ pháp xây dựng nhân vật
2.2.1. Đặt tên, miêu tả ngoại hình nhân vật
Tên gọi cho các nhân vật cũng là một trăn trở khi người nghệ sĩ lựa chọn để viết truyện ngắn. Bởi nó góp phần quan trọng biểu lộ một phần tính cách, phẩm chất của con người. Có lẽ bởi vậy mà trong sáng tác văn học nói chung, trong truyện ngắn nói riêng, các nhà văn thường rất chú ý đến việc đặt tên cho nhân vật của mình nhằm tạo nên hiệu quả nghệ thuật nhất định. Nhà văn Lan Khai cũng vậy, ông rất có ý thức trong việc đặt tên các nhân vật của mình để qua đó bộc lộ một ý đồ tư tưởng nghệ thuật nào đó. Một phần do thói quen tư duy của người Việt, phần khác theo dụng ý nghệ thuật riêng, các nhân vật trong truyện ngắn của Lan Khai phần nhiều được ông đặt tên đúng với thế giới riêng của những người mạn ngược nhưng phần nhiều những nhân vật ấy không được được gọi bằng những cái tên riêng, Lan Khai gọi tên nhân vật theo công việc, hoàn cảnh, công việc, số phận, ngoại hình... của họ.
Trước hết trong trang văn của Lan Khai, chúng ta bắt gặp những cái tên riêng của rất nhiều những nhân vật là dân tộc thiểu số. Chính cách lựa chọn, đặt tên như vậy, Lan Khai đã đứng trong thế giới của riêng mình, thế giới của miền đường rừng kì bí, tươi đẹp. Những cái tên vừa lạ lùng với những ai còn
xa lạ với nhân dân vùng mạn ngược nhưng cũng lại là những cái tên thân thuộc, đặc trưng cho đồng bào các dân tộc thiểu số người Mèo, Mán, Thổ...
Những cái tên như: Lô Hli, Tsi Tôđay, Tsi Nèng, Pàng Nhả, Lo Trồng, Noọng Hà, Tạo Phay, Bạch Sẩu, Bạch Thông, Ma Thái Ảnh, Sau Rắt, cô Nhình, Bếp Nai, nàng Khao, Mai Kham, Lìu Khắc... đã trở nên thân thuộc trong các truyện ngắn đường rừng của Lan Khai. Mỗi một nhân vật có một số phận, tính cách, chiều hướng con đường đời riêng nhưng bản thân mỗi cái tên ấy luôn khơi gợi trong lòng bạn đọc sự tò mò muốn khám phá về cuộc sống con người trên mảnh đất được coi là cương thổ riêng biệt của nhà văn Lan Khai. Khám phá những phong tục, tập quán của nhân dân vùng mạn ngược với thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, mượt mà trữ tình của tác giả đã khai thác tận sâu thẳm tâm hồn những con người có cá tính và đời sống không dễ dàng bộc bạch ra bên ngoài là một điều vô cùng lý thú.
Trên đây là những nhân vật được nhà văn định danh bằng những cái tên cụ thể, nhưng trong rất nhiều truyện ngắn của Lan Khai, nhân vật của ông không được gọi bằng những cái tên riêng. Ông gọi nhân vật theo đặc điểm của hoàn cảnh, công việc, tuổi tác như: “bác thầy cúng”, “anh xẩm”, “thằng gầy”,
“cô bụt”, “chàng trẻ tuổi”, “thằng bé ghê tởm”... Hoặc có khi ông gọi nhân vật qua giới tính như “người đàn bà” trong Ma thuồng luồng; hay qua vai vế trong gia đình như: “bà mẹ”, “hai vợ chồng”, “một đứa con thơ” trong truyện Người hóa hổ; hoặc truyện ngắn Sóng nước Lô Giang cũng xuất hiệc các nhân vật với các tên gọi như: “một vợ, một chồng với một đứa con thơ còn ẵm ngửa”... Các nhân vật này đều được nhà văn trần thuật từ ngôi thứ ba, một điểm nhìn ở bên ngoài, không tiếp cận gần nhân vật, điều ấy cho phép nhà văn tăng cường tính khách quan cho câu chuyện. Lúc này ông không gọi tên cho nhân vật bằng những cách gọi thông thường, mà sự nhấn mạnh đến những đặc điểm của hoàn cảnh, nghề nghiệp, tuổi tác, quan hệ, vai vế trong gia đình
lại đem lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Như trong truyện ngắn Thằng Gầy nhân vật chính không được định danh bằng một cái tên riêng. Riêng nhan đề của truyện đã hướng bạn đọc có thể hình dung ra dáng vẻ, diện mạo và vị thế của nhân vật trong truyện. Đó là một thằng bé “không quá sáu, bảy tuổi, thân thể gày guộc, chân tay ngẳng nghiu, màu da xám đen, nhem nhuốc, thằng bé con khốn nạn lăng quăng trên đường vắng ấy đã vô tình vẽ lên cảnh yên lặng chiều thu cái hình ảnh một cuộc đời trơ vơ, thiểu não[70, tr.204]. Từ đó cái
“số phận khốn nạn của nó” cứ lần lượt hiện ra trên từng trang truyện ngắn để rồi người đọc cảm thương và trăn trở cho số phận thằng Gầy, cho bao nhiêu những thân phận nhỏ bé khác “sống giữa sự hắt hủi của đồng loại và sự thờ ơ của thiên nhiên”. Còn ở đó trong truyện ngắn Lan Khai những cách đặt tên mà Lan Khai định vị luôn cả cái vị thế “khốn nạn”, bần cùng dưới đáy xã hội cho nhân vật của mình. Cũng là một kiếp người nhưng thằng bé đi ở trong truyện Cái của nợ lại được gọi bằng những cụm từ như: “cái của nợ”, “con khỉ ốm yếu”, “thằng bé khốn nạn”... Những cụm từ ấy cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc nhấn mạnh sự khinh bỉ, coi thường đối với thằng bé đi ở dưới cái nhìn của đồng loại.
Như vậy là trong sáng tác của Lan Khai việc đặt tên cho nhân vật mang đầy dụng ý nghệ thuật của tác giả. Tên gọi ấy không chỉ góp phần bộc lộ tính cách, phẩm chất của nhân vật mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm trong các thiên truyện.
* Miêu tả ngoại hình
Cùng với dụng ý khi đặt tên cho các nhân vật của mình, trong sáng tác truyện ngắn, Lan Khai cũng rất có ý thức khi miêu tả ngoại hình nhân vật.
Ngoại hình vốn là một khái niệm dùng để chỉ toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật, từ diện mạo, trang phục, hình dáng cho đến cử chỉ, tác phong. Đối với chân dung, ngoại hình của nhân vật thì văn học sử
dụng các chi tiết để miêu tả và sự miêu tả ấy có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người kể chuyện hoặc qua cái nhìn của nhân vật khác. Ngoại hình nhân vật cũng là một yếu tố quan trọng biểu hiện tính cách, con người của nhân vật, đặc biệt nó có tác dụng khá rõ trong việc cá biệt hóa nhân vật.
Với Lan Khai, mỗi thể loại truyện ngắn lại được ông thể hiện với một bút pháp miêu tả, trần thuật khác nhau nhằm hướng tới một dụng ý nghệ thuật nhất định. Miêu tả ngoại hình là một biện pháp nghệ thuật được nhà văn Lan Khai chú trọng, nhất là trong các truyện ngắn kì ảo. Việc miêu tả ngoại hình nhân vật thể hiện quan niệm thẩm mĩ của nhà văn theo nhu cầu kiểu loại của câu chuyện.
Trong các truyện ngắn kỳ ảo, Lan Khai đã phân chia ra các kiểu nhân vật để miêu tả. Khi miêu tả nhân vật chính diện, tác giả thường so sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm chuẩn, vẻ đẹp của thiên nhiên là tuyệt đích. Tất cả đều là những vẻ đẹp quý giá miền sơn cước. Họ luôn sống hài hòa cùng thiên nhiên, mang vẻ đẹp, hương sắc của thiên nhiên. Vì thế mỗi bức chân dung đều tỏa ra cái hương vị riêng của rừng và với cái hương vị ấy, nhà văn Lan Khai đã khẳng định: cái đẹp tồn tại ở khắp mọi nơi mà trung tâm của nó chính là con người. Đó là cô Nhình trong Đôi vịt con với vẻ đẹp hiếm có “là bông hoa hiếm của rừng xanh”, “thân hình tròn trặn như một đoạn song non”, “cặp môi thắm như một nụ hồng”, vẻ đẹp ấy “thấp thoáng dưới ánh trăng”; là Lô Hli trong Tiền mất lực với một vẻ đẹp “kín đáo của bông hoa rừng”, “bông hoa nở giữa cõi đìu hiu”. Hình ảnh những cô sơn nữ mang vẻ đẹp của núi rừng gợi cho người đọc ấn tượng về cuộc sống bình dị, thuần khiết của con người nơi đây. Tất cả đã trở thành mạch sống nuôi dưỡng những đứa con của rừng. Tác giả đã sử dụng bút pháp lãng mạn trong khi miêu tả những cô gái như hoa rừng, sương núi.
Khi miêu tả những nhân vật độc ác dị thường, tác giả lại sử dụng những nét tả chân kết hợp với các biện pháp so sánh, liên tưởng. Hình ảnh Tiên Nhân trong Mũi tên dẹp loạn được tác giả so sánh với diện mạo của loài mãnh thú: “Dưới hơn ba chục nếp khăn ngũ sắc cuốn cao như cái trõ úp, mặt nàng dài đườn đưỡn, nét sắc đanh. Cặp mắt như mắt hùm sáng quắc lạnh lẽo và trắng trợn khiến cho ai nhìn thấy cũng phải khiếp đảm. Trán dô ra như mảnh sọ dừa. Mũi khoằm khoằm. Miệng rộng, môi dưới trề, lộ hàm răng trắng nõn nhưng khấp khểnh. Hai tai vểnh ra, động đậy luôn như tai con ác thú đang rình mò nghe ngóng. Tóc rễ tre buông xuống hai bên mắt, cái màu đỏ quạch in lên khuôn mặt một nét thảm thê. Cổ to, cứng nhắc như khúc gỗ”[70, tr.57]. Vốn phận nữ nhi nhưng Tiên Nhân lại có mộng tưởng lớn lao và những hành động vô cùng ác độc: “thẳng tay giết chồng”. Vì vậy Lan Khai nhấn mạnh đến bản chất của loài mãnh thú qua diện mạo và hàng loạt hành động bất nhân tính của nhân vật này.
Miêu tả nhân vật nghèo khổ, Lan Khai diễn tả được cái nhọc nhằn hiện ngay trong hình dáng xấu xí, tính cách lạnh lùng. Đó là bức chân dung người con trai trong truyện ngắn Người hóa hổ. Một chàng trai tuổi độ ba mươi,
“hình thù cũng xấu xí như mẹ. Anh ta cử động chậm chạp, ít nói, vẻ mặt lúc nào cũng lạnh lùng. Ăn mặc bẩn thỉu, áo quần hàng nửa tháng anh ta chưa buồn thay. Hai hàm răng anh ta cáu bẩn, môi anh ta nhớp nháp, lúc nào cũng ngậm cái điếu can bằng đất. Vợ anh ta thì thấp bé xủn xoẳn, nét mặt choắt...
Mắt nhỏ tí, sáng lấp lánh như mắt dơi... Hai cổ chân tù hãm trong đôi kha cặt trắng, bàn chân to như lưỡi cày, xù xì da cóc. Chị ta cũng như chồng lầm lì, ít nói”[70, tr.62].
Miêu tả nhân vật có tâm tính, biểu hiện khác thường, nhà văn chú ý miêu tả ngoại hình kì bí, vẻ mặt khác lạ. Như trong truyện ngắn Con bò dưới Thủy Tề, ngoại hình nhân vật Ma Thái Ảnh đã nói lên phần nào cái tính cách
thật ương bướng, lầm lì, khó bảo: “Ma Thái Ảnh ngồi bó gối, đôi mày cau có, vẻ mặt hằm hằm. Tuổi trẻ, vóc người cao và mảnh, chân tay dài gân guốc.
Đầu tuy bé mà cổ rất to, mặt lưỡi cày, da bánh mật điểm mấy nốt rỗ huê. Cái trán thót và ngắn không đủ chỗ cho cặp lông mày chữ bát rậm rì che trên đôi mắt voi. Cái mũi ghé nhòm cái mồm, cặp môi thường mím chặt, họa hoằn nở một nụ cười khi đắc chí... sau cái bộ dạng lì lì ấy thường ẩn chứa vô số tinh nghịch”[70, tr.32].
Miêu tả người có dũng khí, ý chí và hành động phi thường, tác giả chú ý miêu tả bộ trang phục, sức khỏe vạm vỡ. Đó là bức chân dung chàng trẻ tuổi trong Mũi tên dẹp loạn “cao lớn, khỏe mạnh đầu bịt khăn vải, mình mặc áo xanh, lưng đeo dao, chân cuốn xà cạp, tay cầm chiếc nỏ cánh dâu... Khuôn mặt bầu bầu, da bánh mật, cặp mắt to sáng quắc dưới đôi lông mày rậm, mũi sư tử, miệng rộng, môi dày, điểm loáng thoáng mấy sợi râu non”[70, tr.49]. Ý chí quyết tâm tiêu diệt cái ác của chàng trẻ tuổi ánh lên trong đôi mắt, trong suy nghĩ và trong từng hành động quyết tâm tiêu diệt giặc.
Miêu tả những nhân vật kì dị, khác thường, nhà văn chú ý làm nổi bật những yếu tố dị biệt, khác người. Đó là hình ảnh người mẹ khi hóa thành hổ trong truyện Người hóa hổ: “răng móm sạch, quai hàm dưới đưa sát lên quai hàm trên... hai má trũng, đổ vừa hai chén nước”; là nhân vật ma trong truyện Người lạ: “mắt như mắt thỏ, răng như răng mèo”, “tiếng như tiếng chim”, ngay cả cách cô gái đến rồi đi cũng đầy bí ẩn mà người thường không hiểu được. Tất cả những chi tiết ấy được tác giả miêu tả rất cụ thể, tỉ mỉ khơi gợi được trí tò mò của người đọc về những điều bí ẩn trong thế giới sơn lâm.
Như vậy khi miêu tả ngoại hình nhân vật, Lan Khai đã sử dụng bút pháp nghệ thuật lãng mạn cùng với bút pháp tả thực; các biện pháp tu từ nghệ thuật; các kiểu câu văn miêu tả, trần thuật... nhằm đưa người đọc bước vào khám phá những điều xa lạ, bí ẩn để thỏa mãn trí tưởng tượng. Miêu tả ngoại
hình nhân vật là cách để nhà văn thể hiện đời sống hay tính cách của nhân vật, ngoại hình sẽ tự nói lên tâm tính hay số phận của nhân vật. Tác giả đã đem đến những cảm nhận khách quan về thế giới nhân vật trong mỗi trang viết của mình.