Chương 3: NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI
3.1. Giọng điệu trần thuật
3.1.4. Giọng điệu chân chất, mộc mạc, bình dị của người dân miền núi
Sống gần gũi với thế giới thiên nhiên, gắn bó với phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc thiểu số và biết nhiều thứ ngôn ngữ của họ, vì vậy nhà văn Lan Khai am hiểu sâu sắc bản tính con người miền núi cũng như nếp sống từ xa xưa của họ. Và tất cả nếp sống, sinh hoạt, vui chơi, tín ngưỡng;
những nét tâm lý riêng của mỗi cộng đồng từ Việt Bắc tới Tây Nguyên đều nằm trọn trong các sáng tác của “nhà văn đàn anh trong thế giới sơn lâm” này.
Điều đó khiến độc giả hình dung ông như một nhà dân tộc học. Góp phần quan trọng khắc họa thành công hình tượng những người dân miền núi không thể không nhắc đến cái chất giọng chân chất, mộc mạc, bình dị của những con người nơi đây. Nó thể hiện trực tiếp qua chính ngôn ngữ của nhân vật và đồng thời qua đó các nhân vật tự bộc lộ được tính cách, chiều sâu trong thế giới tâm hồn vô cùng phong phú, đa dạng như cuộc sống đời thường.
Cuộc đối thoại giữa Lô Hli và Tsi Tôđay trong truyện ngắn Tiền mất lực đã cho bạn đọc thấy một chuyện tình đẹp đẽ, trong sáng, lãng mạn, hồn nhiên của lứa đôi. Đây là lời thoại của Lô Hli, vừa hờn giận, trách móc, vừa chất chứa yêu thương được bộc bạch một cách thẳng thắn, chân tình: “- Ồ, Tsi Tôđay! Anh làm gì ở đây? Sao từ bữa ấy không thấy anh lại chơi? - Giọng nói trách móc mà yêu thương. - ... Em chờ mãi... mong ngóng mãi... em tìm kiếm anh mãi, chẳng gặp lần nào! Anh cho lòng em một cái ơn nặng rồi chẳng để em nói một lời nào!”[70, tr.75].
Không giống như Lô Hli, Pàng Nhả trong truyện ngắn cùng tên lại thốt lên những lời chân chất, mộc mạc trước khi cô quá đau khổ mà rơi vào trạng thái điên dại: “Con ấy à? Ồ, mà sao không bắt lấy nó! Bắt lấy nó để trả thù
cho Lo Trồng... Phá ởi... Phá và anh đừng ghét bỏ Lo Trồng nữa nhé... Lo Trồng đã giết con trăn... Lo Trồng đã giết... đã giết... Lo Trồng thương con lắm lắm, phá à...”[70, tr.102].
Hay cái chất vui tươi, dí dỏm, hồn hậu của người đồng bào dân tộc cũng được thể hiện qua nhân vật người chồng cô lục sao trong truyện ngắn Đêm ấy. Mặc dù chỉ là những lời thoại rất ngắn khi nhân vật được đối thoại trong một hoàn cảnh trớ trêu: “Cái anh làm gì thế?”, “Thôi cái anh! Cái anh đừng vờ nữa”, “Anh nói đùa làm gì thế?”, “Anh có biết nó là ai không? Vợ tôi đấy!”, “Cái anh còn dại lắm!...Thật mà! Cái anh còn dại lắm! Trước kia tôi cũng bò nhiều lần như anh nhưng chẳng để người ta bắt được bao giờ”. Cách xưng hô vừa lạ mà chân chất của “lão” với nhân vật “tôi” bằng cụm từ xưng hô “cái anh”, đan cài các từ tình thái: “lắm”, “thật mà” đã cho thấy cái bản tính tốt bụng, dịu dàng, nhân từ của lão. Quả đúng như bản chất của lão, dưới cái nhìn của nhân vật “tôi” thì lão đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp: “Trước tôi còn cãi chày cãi cối mãi nhưng sau thấy nét mặt dịu dàng của lão, tôi phải thú đã lầm tưởng cô em là con gái lão... Lão cười mà kể lại cho tôi biết, trước tôi cũng có đôi ba người “bò” như thế. Nhưng lão rất nhân từ chẳng muốn làm
“cái gì” cho ai, mà chỉ than trách cái tuổi già của mình đã làm cho nhiều khách lạ phải lầm ông chồng ra ông bố”[70, tr.128]. Để rồi khi cái người mắc lỗi không rõ vì “lương tâm thúc giục hay nghĩ đến một điều ghê sợ” đã bỏ chạy như một tên tù vượt ngục khiến lão gọi với theo vì lo lắng cho kẻ băng mình vào đêm trường đơn độc.
Truyện đường rừng của Lan Khai những năm ba mươi thu hút mạnh mẽ sự chú ý của bạn đọc. Tấm màn bí mật của thế giới rừng thiêng từng bước được mở ra khi Lan Khai “mở đường vào thế giới sơn lâm”, vén bức màn bí ẩn về cuộc sống, con người miền rừng núi tươi đẹp. Một trong những yếu tố đưa truyện ngắn của ông thu hút mạnh mẽ độc giả chính là yếu tố giọng điệu -
cái chất giọng chân chất, mộc mạc, bình dị đã nói lên bản tính thật thà, ngay thẳng, dễ mến, tốt bụng của những người dân chốn hoa rừng sương núi.
Trên đây là các loại giọng điệu chiếm vị trí chủ đạo trong các truyện ngắn của Lan Khai. Tuy nhiên truyện ngắn của ông còn có sự đan xen các kiểu giọng điệu khác như: giọng chiêm nghiệm, triết lý (như trong truyện ngắn Đôi vịt con, qua suy nghĩ của cô Nhình người đọc có thể thấy được cách cư xử của người đàn ông với người đàn bà: “Người đàn ông có thể ăn ở với một người đàn bà rất lâu mà chỉ coi như một vật mua vui, một thứ giải buồn khi lữ thứ”[70, tr.45]; hay trong truyện ngắn Dưới miệng hùm, qua lời bình luận: “Sống trong cái tình thế gieo neo ấy, loài người, nếu chẳng biết yêu thương, đùm bọc lấy nhau, tránh sao thoát khỏi cái chết nó rình đợi mình luôn?”[60, tr.107]... Lan Khai khẳng định tinh thần đoàn kết cộng đồng làm nên sức mạnh, chiến thắng mọi kẻ thù; rồi trong Chiếc xe trên đường người đọc thấy được sức mạnh kì diệu của tình yêu qua những hình ảnh biểu tượng đầy thú vị: “Con đường ghồ ghề nguy hiểm đó, có người bảo tôi nó là con đường đời, mà chiếc xe trên đường ấy là hình tượng của thời gian, nó lôi kéo ta đi. Người thiếu nữ đáp xe ấy là một vị thần hiện hình. Vị thần ấy có cái bí quyền làm chủ được hết thảy mọi sức mạnh, gây cho ta cái lòng can đảm không sợ nguy hiểm, không sợ chết, cho ta đủ cái sinh thú mà ngồi yên trên chiếc xe của thời gian nó vùn vụt qua trên con đường đời cát bụi. Vị thần ấy là ái tình”[60 tr.239]...); hay giọng điệu chậm rãi, huyền bí, rùng rợn để vẽ lên cái bí ẩn của đại ngàn, những khoảnh khắc căng thẳng, gay cấn tạo ra bởi những hoàn cảnh tang thương, những âm mưu, thủ đoạn vô nhân tính: “Một phút... hai phút qua đi... Sự yên lặng vẫn nặng nề...”[70, tr.101]; “Bên ngoài, tiếng gió gào thét, tiếng cú kêu, tiếng lá rụng như nối nhời cô tiểu khóc chồng”[70, tr.179]...). Dù không chiếm vị trí chủ đạo nhưng các loại giọng điệu này lại góp phần thể hiện cái nhìn sâu sắc của nhà văn về cuộc sống nhân
sinh, sự phong phú, đa dạng về hệ thống ngôn từ và sự sáng tạo, thông minh của một nhà văn luôn tìm tòi, đổi mới.