Miêu tả tâm lý nhân vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 91 - 97)

Chương 2: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI

2.2. Một số thủ pháp xây dựng nhân vật

2.2.2. Miêu tả tâm lý nhân vật

Để có được một tác phẩm hay có thể nói rằng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của nhà văn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Tâm lý là: “Toàn bộ nói chung sự phản ánh của hiện thực khách quan vào ý thức con người, bao gồm nhận thức, tình cảm, ý chí... biểu hiện trong hành động và cử chỉ của mọi người”. Dùng ngôn ngữ làm cho người đọc, người nghe có thể hình dung được thế giới nội tâm của con người chính là nghệ thuật miêu tả tâm lý.

Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát số phận và tính cách của con người. Nhân vật văn học thể hiện quan niệm nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Với chức năng như vậy, để cho nhân vật hiện lên một cách chân thật, sống động, có hồn thì nhà văn phải thổi vào đó những nét tâm lý, tính cách. Hay nói cách khác, với việc đi sâu miêu tả đời sống tâm lý của nhân vật, tác giả làm nên sức sống nội tại cho những đứa con tinh thần của mình.

Trước hết có thể thấy, truyện ngắn hiện thực và truyện ngắn lịch sử của Lan Khai là những thể loại sử dụng những mảng đề tài gần gũi với cuộc sống đời thường, vì thế tác giả tập trung miêu tả nội tâm nhân vật nhằm tái hiện đầy đủ và chân thực nhất đời sống tinh thần phong phú của họ. Để nhân vật bộc lộ toàn bộ diễn biến đời sống nội tâm, Lan Khai đã đặt nhân vật của mình vào các tình huống truyện đặc sắc, độc đáo; lựa chọn các sự kiện tiêu biểu tạo nên những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của họ... Qua đó các nhân vật tự biểu lộ thế giới nội tâm của mình qua các hành động, cử chỉ, ngôn ngữ (đối thoại và độc thoại nội tâm)... Có những nhân vật biểu lộ tâm lí, tính cách

của mình một cách đơn giản, một chiều theo kiểu con người “bên ngoài” và

“bên trong” hoàn toàn thống nhất với nhau. Nhưng đồng thời cũng có những nhân vật hành động không thống nhất với lời nói, lời nói không đồng nhất với nội tâm, một hành động có thể xuất phát từ nhiều động cơ tâm lý và ngược lại.

Tất cả đều do chính bản chất, tính cách của từng nhân vật sẽ chi phối đến sự biểu lộ đơn giản hay phức tạp ở con người bên trong của chính họ. Pàng Nh là một trong những truyện ngắn tiêu biểu. Với truyện ngắn này người đọc được tiếp xúc với nhiều kiểu nhân vật, chia ra hai tuyến nhân vật hoàn toàn đối lập nhau. Pàng Nhả, cô gái mang vẻ đẹp thuần khiết của chốn sơn lâm luôn có những hành động bên ngoài hoàn toàn giống với bản chất bên trong của con người cô. Đó là một cô gái rất nhạy cảm, có chiều sâu về đời sống nội tâm, yêu thương và căm ghét rõ ràng; yêu cái đẹp và lẽ phải đã hiện lên thật chân thực qua hàng loạt những suy nghĩ và các hành động của cô trong truyện. Những biểu hiện khác thường của cô gái vốn thường ngày “vui cười hoạt bát” lại trở nên “bâng khuâng nhất” vì câu chuyện với chàng trai Lo Trồng đã đè xuống trái tim cô như một cái gánh nặng. Điều đó được nhà văn thể hiện qua những diễn biến rất tinh tế trong lòng cô gái “nhan sắc hơn hết các cô gái Bản Vài”. Tâm trạng của cô được soi chiếu dưới nhiều điểm nhìn.

Trước hết nó hiện lên qua điểm nhìn của người trần thuật giấu mặt trong truyện: “Nhưng bâng khuâng nhất có chăng Pàng Nhả, nãy giờ vẫn lặng lẽ âm thầm. Pàng Nhả hẳn có tâm sự gì đây, vì bình nhật tính nàng vui cười hoạt bát”; “Pàng Nhả lặng lẽ âm thầm... Những câu hát quanh mình, Pàng Nhả hình như không để ý, thực ra vẫn đưa linh hồn nàng về những ý nghĩ não nùng”[70, tr.91]. Không chỉ hiện lên dưới điểm nhìn bên ngoài (người trần thuật), tâm lý nhân vật còn hiện lên chân thực hơn, ở một điểm nhìn gần hơn biểu hiện qua chính hành động và ngôn ngữ của Pàng Nhả. Pàng Nhả mang ơn Lo Trồng, người đã cứu cô thoát chết khỏi con trăn dữ trong rừng. Nhưng

vì gia đình hai bên đã có mối thâm thù từ trước nên để lại trong lòng cô gái trẻ bao nhiêu mối băn khoăn. Những tiếng thở dài cùng những lời độc thoại nội tâm đã nói lên chân thật nhất những băn khoăn, lo lắng ấy trong lòng cô. Vừa vui mừng, hạnh phúc vì được Lo Trồng quên thù cứu, vừa trăn trở vì mối thù từ trước của hai nhà khiến “Pàng Nhả thở dài: - Bônđin nỏ! Cho tôi được mang ơn Lo Trồng làm gì! Chẳng thà cho tôi chết ngay từ hôm ấy...”[70, tr.92]. Đi đánh cá cùng các cô gái Thổ nhưng tâm trí cô lại “mơ tưởng xa xa về buổi gặp gỡ trong rừng”. Chị em gọi về cô mới sực nhớ đến “thở dài” như tự trách móc bản thân: “Ồ nhỉ, ta phải chèo mau mới kịp họ!”. Cái cô gái “cử chỉ dịu dàng cũng như nói cười chẳng bao giờ thô bạo” nhưng trước kẻ độc ác, nhan hiểm, cô tỏ rõ thái độ và kiên quyết từ chối Noọng Hà: “Phấy, không đời nào!”. Trước hành động “như phát điên lên, hùng hổ sấn lại” của Noọng Hà, Pàng Nhả không hề cam chịu, cô tìm mọi cách để bảo vệ mình: “Pàng Nhả thất kinh nhảy trái sang một bên, vung cái cán chum lên đỡ, thế nào trúng ngay giữa mặt Noọng Hà. Pàng Nhả nhân dịp ấy ù té chạy”[70, tr.95]. Nếu như những biểu hiện nội tâm của Pàng Nhả hoàn toàn được bộc lộ ra bên ngoài một cách thống nhất thì kẻ xảo quyệt, thâm hiểm như Noọng Hà, Tạo Phay lại luôn có xu hướng che đậy những giã tâm độc ác, quỷ quyệt của bọn chúng. Noọng Hà tới nhà Tạo Phay, mục đích không phải như câu hắn nói lúc đầu: “Hôm nay qua đây tạt vào thăm ông Tạo”. Còn Tạo Phay lại quá hiểu con người của Noọng Hà, thấy hắn vào nhà mình nên “nét mặt thoáng một nụ cười tinh quái’. Mọi việc làm xấu xa, độc ác của Noọng Hà: theo chân Pàng Nhả, đặt nỏ máy giết Lo Trồng, âm mưu chiếm đoạt Pàng Nhả và gia sản nhà cô... hắn đều biết tất. Qua đoạn văn trần thuật của tác giả, chân dung của hai kẻ lòng lang dạ sói hiện lên rõ mồn một: “Tạo Phay bèn ghé tai Noọng Hà nói nhỏ mấy câu. Dưới ánh lửa đỏ, cái cảnh hai người bí mật thì thào bàn tán trong túp nhà rách vách ấy thực thê thảm, hãi hùng”[70, tr.98]. Những cuộc

đối thoại bỏ dở, lấp lửng đã nói lên bản chất thâm hiểm, gian xảo của nhân vật: “- Được lắm! Mai ông Tạo Phay cứ làm như thế... - Phải, chập tối mai cứ cho thằng ấy lại nhà Bạch Thông là xong...”[70, tr.98].

Có những âm mưu được che đậy, giấu kín nhưng cũng có những nhân vật hành động ngược lại với lời nói suy nghĩ của chính mình. Thầy lục sự trong truyện ngắn Tiền mất lực có hành động mâu thuẫn với lời nói: “- Cái gì đấy?... Ai thèm ăn lễ của anh?...Thầy lục sự trông trước trông sau, thủ tiền bỏ túi rồi rõng rạc nói: - Ừ, thôi được. Hãy cho ra ngoài”[70, tr.80]. Tất cả đều do chính bản chất, tính cách của từng nhân vật sẽ chi phối đến sự biểu lộ đơn giản hay phức tạp ở con người bên trong của chính họ.

Đặc biệt, với ngôn ngữ độc thoại nội tâm, Lan Khai đã rất tinh tế khi để nhân vật tự bộc lộ những suy nghĩ, trăn trở mà chỉ riêng độc thoại nội tâm nhân vật mới trở về với con người thật của chính mình. Chúng ta có thể tìm thấy trong các truyện ngắn: Bỡn cợt với tình, Vì cánh hoa trôi, Giông tố, Lẩn sự đời, Một truyện tự tử, Khổ tình, Khóc thông reo, Đào rụng, Bên rừng xuân, Nơi ước hẹn, Kiếp con tằm thế giới nội tâm rất phong phú của các nhân vật. Đi vào khám phá đời sống tinh thần của tầng lớp văn nghệ sĩ như Thanh, Khang trong Nơi ước hẹnKiếp con tằm, chúng ta sẽ thấy hiện lên rất rõ con người bên trong luôn suy nghĩ, trăn trở của nhân vật. Nhân vật thường xuyên rơi vào những mâu thuẫn, xung đột nên ngày càng có nhu cầu bộc lộ cảm xúc. Truyện ngắn Nơi ước hẹn xuất hiện những tiếng thở dài, những cảm xúc, suy nghĩ triền miên của nhân vật: “Khang thở dài, nhận thấy cuộc đời chỉ là một sự vui đùa thảm đạm... Khang phân vân chẳng biết nên cười hay đáng khóc... Chàng nhớ lại cuộc hội kiến của chàng với nhà xuất bản nọ... Chàng hi vọng, mừng rỡ, rồi lại lo sợ, băn khoăn...”[70, tr.196]. Rồi những lời độc thoại nội tâm xuất hiện sau tiếng thở dài: “Thở dài, Khang lẩm bẩm: Lại anh chàng tinh nghịch nào định nhạo mình đây! Nó biết mình đến

chết vẫn không chừa mơ mộng nên bày trò để mua cười giây lát chứ gì?

Trước kia nhà tư bản đã cho mình nở mũi để rồi lợi dụng. Nay kẻ ranh ma lại phỉnh nịnh để nhạo báng mình giữa lúc mình đau khổ. Than ôi, loài người với nhau nỡ độc ác đến thế là cùng!...”[29, tr.201]. Dòng độc thoại cho thấy niềm tin của Khang vào cuộc sống, con người đã hoàn toàn biến mất. Giờ chỉ còn lại một tấm thảm kịch của người văn nhân có tài, có tâm bị hoàn cảnh bóp nghẹt mọi mơ ước, anh “âm thầm sống với sự tuyệt vọng, cô đơn”. Cũng giống Nơi ước hẹn, nhân vật Thanh trong Kiếp con tằm cũng đầy trăn trở với dòng đời nhiều nỗi éo le. Chàng “cảm thấy mình trơ vơ như một kẻ lưu lạc, một kẻ đáng nhẽ không nên có mặt trong nhân quần”[70, tr.233]. Độc thoại nội tâm đã trở thành một phương pháp hữu hiệu giúp nhà văn thể hiện tất cả những suy tư thầm kín nhất của nhân vật: “Chàng thở dài lẩm bẩm: Ta không phải là người của cuộc đời sôi nổi, ta đã nhầm mà về đây”[70, tr.233]; “Khi đã chấm hết bài văn chàng thở dài đứng lên... Thanh ngắm nghía bài văn, nói như tự nhủ: Bài này có lẽ là bài cuối cùng ta viết bằng cả tâm hồn ta. - Rồi mỉm cười một cách chua cay, chàng tự an ủi: - Sự bắt buộc như thế, ta không thể không phụ bạc hồn văn được”[70, tr.235]. Rồi Thanh sẽ tha hóa, sẽ chạy theo lợi nhuận của đồng tiền để rồi tài năng dần mai một, nhiệt huyết và niềm mê nghệ thuật cũng chỉ còn trong quá khứ đã xa.

Truyện ngắn Đôi vịt con đã thể hiện quá trình diễn biến tâm lí của cô Nhình một cách chân thật, sâu sắc, tự nhiên. Để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng bạn đọc chính là đoạn văn bộc lộ những trăn trở, lo âu của cô Nhình khi chồng cô phải về xuôi: “Cô hoảng hốt nhìn chồng, nhìn dải đường xa đầy những bí mật. Chồng cô đi, đi về quê. Cái tình quyến luyến ngấm ngầm của cô không biết có đủ sức làm cho chồng lại có ngày nhớ đến mà lên chăng! Khó lòng lắm! Họ hàng, làng nước cùng những lẽ bó buộc, những sức mạnh tối tăm khác nó sẽ xui giục, uốn nắn thầy phải theo một lối khác, cái lối

chẳng đưa hai người lại gần nhau, chẳng phải là lối trở lên rừng. Vả chăng, đối với nhau, cô chỉ biết có lòng mình, cô chỉ chắc ở lòng ân ái của mình; còn thày, đã hẳn đâu thầy thực tình thương cô như một người vợ”[70, tr.45]. Nhân vật đã có thể giãi bày những điều thầm kín mà chỉ mình cô mới thấu hết. Bởi

“đau đớn cũng như yêu đương, cái tình cảm của cô gái sơn lâm nó chỉ ngấm ngầm trong lòng”. Điều đáng tiếc là cô Nhình bị mất lòng tin với chồng nên mới dẫn đến một tấn bi kịch trong lòng: sai lầm ấy bắt đầu từ trong ý nghĩ và rồi sau đó nó chi phối đến hành động sai lầm của nhân vật.

Như vậy, với việc tập trung miêu tả thế giới nội tâm qua hành động, ngôn ngữ của nhân vật, ngôn ngữ của người trần thuật thì thế gới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai hiện lên phong phú và đa dạng. Nhà văn đã đặt nhân vật trong một chuỗi diễn biến phức tạp, qua các xung đột, mâu thuẫn chúng ta thấy được nhiều cung bậc của tâm hồn con người. Chính vì vậy truyện ngắn của Lan Khai giàu cảm xúc và thấm đẫm chất thơ.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 91 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)