Giọng điệu trữ tình mượt mà thấm đẫm chất thơ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 99 - 103)

Chương 3: NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI

3.1. Giọng điệu trần thuật

3.1.1. Giọng điệu trữ tình mượt mà thấm đẫm chất thơ

Đó là thứ giọng điệu khơi gợi được trong lòng bạn đọc những cảm xúc giàu mĩ cảm. Nó chất chứa và cô đặc cảm xúc như một bài thơ trữ tình và tác động mạnh mẽ vào tâm hồn bạn đọc. Như nhà thơ Puskin đã từng nói: “văn xuôi là sợi cốt còn thơ là sợi ngang. Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt người ta đi đâu cả”.

Giọng điệu trữ tình được tạo nên bởi thứ ngôn từ uyển chuyển, mượt mà, giàu có về hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu; phong phú, đa dạng về hệ thống từ vựng; với sự hỗ trợ đắc lực của các biện pháp tu từ và hệ thống các câu thơ, ca dao, dân ca cổ đan cài lồng ghép trong nhiều truyện ngắn của Lan Khai...

Giọng điệu ấy xuất hiện mở ra những bức tranh nhiên nhiên nơi núi rừng tươi

đẹp, lãng mạn; những trạng thái tâm lý chất chứa nhiều xúc cảm của nhân vật.

PGS.TS Trần Mạnh Tiến đã nhận xét rằng: “đi vào thế giới văn chương của Lan Khai cho hay, nhiều trang viết của ông có sự hài hòa các phẩm chất tinh túy của thi ca, nhạc họa...”[67, tr.40]. Chính các phẩm chất tinh túy ấy tạo nên nét đẹp, sự tinh tế trong truyện ngắn Lan Khai. Tác dụng của chất thơ trong tác phẩm của Lan Khai được PGS.TS Trần Mạnh Tiến đánh giá như sau:

“Nhiều trang viết của Lan Khai lấp lánh chất thơ với những câu ca dao hồn nhiên xen lẫn, làm tăng thêm sức uyển chuyển, sinh động của thế giới ngôn từ giàu cảm xúc”[67, tr.25]. Như vậy, chất thơ đã góp phần quan trọng đẩy truyện ngắn Lan Khai mang cái chất giọng trữ tình sâu lắng.

Với việc sử dụng những từ láy tượng thanh, tượng hình, những tính từ chỉ màu sắc, những động từ chỉ âm thanh, những biện pháp điệp từ... đã mở ra những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Là một chiều thu với sắc vàng rực rỡ: “những dải núi xa in lên chân mây vàng rực, những cách rừng xanh thẫm hoen ố màu thu, những đám ruộng hoang bát ngát. Ánh chiều in lên những chỏm cây cao, những bãi cỏ áy sắc vàng rực rỡ. Thỉnh thoảng một đàn chim bay tung ngang không, kêu ríu rít rồi xa xa chập vào ngọn cây trên đồi cao”[70, tr.58]. Thêm vào đó, những lối so sánh ví von rất giàu hình ảnh, sắc màu đã khiến trang văn của Lan Khai giàu chất hội họa, âm nhạc: “Cái cảnh mới rực rỡ làm sao! Ánh chiều in lên mọi vật, làm cho toàn cảnh sáng trưng lên như một hoàng kim thế giới. Trên mặt đồng lúa chín, nhà cửa rải rác ẩn khuất sau những rặng chuối rườm rà. Rừng thu căng lên chân trời một thấm sa dài màu úa thẫm. Vòm trời cao tít, điểm vệt mây lòng tôm, hạt lựu, lửa đỏ, cánh sen, tàn hương, bạch yến, phớt tím sạm vàng. Nước ngòi in sắc mây trời, lung linh như một con đường ngũ sắc chạy xa về cõi mộng mơ”[70, tr.51];

“Núi xa gợn thành những vệt thiên thanh sẫm. Những đám hơi nước kéo ngang sườn núi như những dải xô trắng... mặt hồ rềnh lên như một mảnh

gương mờ[70, tr.32]... Tất cả gợi lên những hình tượng sống động, sự cảm nhận tinh tế của nhà văn... Bằng ngôn ngữ giàu hình tượng, nhà văn đã khắc họa lên những bức tranh sống động, kì ảo.

Trong nhiều câu văn, tác giả đã phối hợp các thanh bằng trắc một cách nhịp nhàng; hài hòa về âm thanh, hình ảnh, nhịp điệu đã tạo nên cái giọng điệu trữ tình đằm thắm gợi trong lòng bạn đọc nhiều cung bậc cảm xúc:

“Trên đỉnh núi ở phương đông, mây trắng lấp lánh như màu bạc mới.

Rừng cây mờ mờ trong sương trắng. Không khí mát lạnh, rung lên vì những tiếng chim đua hót...”[70, tr.85].

(Gò thần)

“Vượt qua đỉnh núi, mặt trời đã nhô lên như một chiếc đĩa tây vàng.

Trong nắng mới ấm áp dịu dàng, rừng xuân lộng lẫy đẹp như một bài thơ. Gió ngàn hiu hắt thổi, màn lá cây rung rinh nổi lên như muôn làn sóng gợn”[70, tr.37].

(Bên rừng xuân) ...

Hơn nữa trong rất nhiều truyện ngắn của Lan Khai như: Đôi vịt con, Mũi tên dẹp loạn, Tiền mất lực, Khảm khắc, Người hóa beo, Bỡn cợt với tình, Vì cánh hoa trôi, Kiếp con tằm, Đào rụng... đan xen các đoạn thơ, câu thơ hay những bài ca dao, dân ca cổ đã khiến nhiều truyện ngắn của ông càng mượt mà, đằm thắm. Đó có thể là những bài ca dao bằng tiếng dân tộc mộc mạc trìu mến ca ngợi cảnh núi non bằng tình yêu quê hương sâu sắc, hay những câu thơ than thân trách phận khi nhân vật rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu, đáng thương... Như trong truyện ngắn Tiền mất lực, với rất nhiều tính từ chỉ màu sắc, những từ láy... khi miêu tả thiên nhiên, Lan Khai dẫn bạn đọc bước vào “một cảnh tượng thần tiên” để cảm nhận cái tinh nguyên, long lanh, tươi tắn của một buổi sớm mai: “Ánh sáng lộng lẫy soi xuống một cảnh tượng

thần tiên. Quanh mình nàng, rừng cây man mác, chỗ nấp trong bóng tối mát dịu màu xanh, chỗ phơi ra ánh nắng rực rỡ vàng hoe. Trên nền trời phơn phớt hồng, những chỏm núi xa in những nét thiên thanh dịu. Giọt sương mai long lanh trên ngọn cỏ như nghìn hạt pha lê. Ẩn hình trong búi rậm, con hoàng anh chào đón chiêu dương”[70, tr.70]. Cảnh vật thiên nhiên đẹp như một bài thơ được mở ra bằng những tầng không gian nhiều chiều, bằng ánh sáng nhiều sắc màu tươi tắn, trong cái tinh nguyên thanh vắng lại rộn lên tiếng hót của con chim hoàng anh. Cảnh vật ấy hòa điệu với tâm hồn cô gái Lô Hli trẻ và đẹp kín đáo như bông hoa rừng phải bật lên tiếng hát như một khúc sơn ca:

“Ta yêu cảnh non cao rừng rậm

Những chòm cây xanh tốt, những vách đá chênh vênh Ta yêu tiếng suối xa thánh thót năm canh

Tiếng chim mừng hoa sớm, vượn hót trăng thanh, Ta yêu sắc hoa mận trắng tinh, sắc hoa đào phơn phớt, Những ruộng lúa mông mênh, những nương ngô bát ngát,

Những trâu, bò, dê, lợn thả đầy ngàn.

Ta yêu những khúc kèn, điệu hát nồng nàn Đêm mùa rét ngồi nhàn bên bếp lửa”

Tình yêu gắn với những điều thật bình dị, gần gũi của quê hương qua bài thơ đã mang đến cho truyện ngắn Lan Khai không gian cả miền núi rừng mênh mông, tươi đẹp, ngập tràn sức sống. Hay trong truyện ngắn Đôi vịt con, chúng ta lại bắt gặp cái chất thơ kì bí gợi nhiều xúc cảm của đêm rằm tháng tám: “Qua những đám mây xốp trắng, mặt trăng tròn vành vạnh như một cái đĩa ngọc dạ quang treo lơ lửng giữa vòm trời xám nhạt. Ánh sáng trong và mát dịu soi xuống mặt sông Chảy như một dòng thiếc lỏng, in lên mặt đường trắng lốp và những mái nhà tranh âm thầm. Chân trời sáng trưng lên. Những chòm cây lẻ loi đằng xa thu bóng đứng cù rù”[70, tr.41]. Và trong cái đêm

trăng vừa huyền ảo, vừa dân dã ấy đã rộn lên tiếng hát của các cô gái khi phụ

“nàng Cuôi” - một cuộc vui nhiều thi vị ở chốn đường rừng. Tiếng hát sang sảng của các cô đã “tấu thành một điệu nhạc huyền bí, mơ hồ”:

“Mơ... ơi, mơi me nàng li tả, Mơi me pả nàng Cuôi...

Cuôi ngần tắc nậm lẩu nậm ní, Pi cắp noọng... chùa lù...ùng...

Lùng kin thắc mậy chủ...ủ...

Lùng tiêu chủ... thế gia...an...”

Những câu hát tươi vui, trẻ trung, yêu đời hòa trong những khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, chân thực và đậm chất đường rừng đã tạo thành một chất giọng thật khó quên trong truyện ngắn của Lan Khai - một chất giọng vừa ngọt ngào sâu lắng, vừa mượt mà đằm thắm và chất chứa nhiều xúc cảm...

Điều đó tạo nên trong truyện ngắn của ông cái nhịp đập trẻ trung, tươi mới, khỏe khoắn ở chốn non cao rừng thẳm. Vì ông dồn hết “tâm huyết vào mạch cảm hứng tình yêu và những nỗi buồn vui, cay đắng nhất của đời người. Vì thế văn chương của ông thẫm đẫm chất trữ tình”[68, tr.42].

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 99 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)