Kết cấu đơn tuyến

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 49 - 55)

7. Dự kiến đóng góp mới

1.2.2. Một số kiểu kết cấu trong truyện ngắn Lan Khai

1.2.2.1. Kết cấu đơn tuyến

Đây là một phương thức kết cấu cổ điển kiểu như trong các sáng tác dân gian. Nghệ thuật trần thuật thường tuân theo trình tự diễn tiến của cốt truyện tự nhiên theo thời gian tuyến tính: cái gì xảy ra trước kể trước, cái gì xảy ra sau kể sau. Mối quan hệ nhân - quả hết sức chặt chẽ trong loại truyện này. Các sự kiện được nhà văn chú ý khai thác sao cho nó có khả năng mở ra những viễn cảnh khác nhau để làm nổi bật tư tưởng chủ đề cho câu chuyện.

Đã có một thời các nhà lý luận xem kiểu kết cấu cốt truyện như thế này là tốt nhất bởi lẽ nó thể hiện được sự nhất quán và hoàn chỉnh về nội dung và hình thức. Theo lý thuyết lý luận cổ điển thì đối với loại truyện xây dựng theo kết cấu này phải làm cho bạn đọc hình dung một cách cụ thể và rõ ràng toàn bộ diễn biến của câu chuyện, phải có mở đầu, diễn biến và kết thúc, từ sự việc này dẫn đến sự việc kia. Và nói như Aristote trong Nghệ thuật thi ca thì không phải bắt đầu hay kết tùy tiện ở chỗ nào cũng được. Kiểu kết cấu cổ điển này thường mở đầu bằng việc giới thiệu lai lịch, tiểu sử nhân vật. Cách mở đầu này thường trùng khít với phần mở đầu trong cốt truyện truyền thống.

Chẳng hạn như các truyện cổ tích thường mở đầu bằng các từ ngữ quen thuộc như: “Ngày xửa ngày xưa...” và cho ta biết lai lịch cụ thể của từng nhân vật.

Yếu tố này thường chi phối cuộc đời của các nhân vật trong truyện, đặc biệt là các nhân vật chính. Phần giữa tác giả thường chăm chú vào việc khai thác một tình huống xung đột nhất định, các sự kiện được cấu trúc theo mối quan hệ nhân quả và thống nhất cao. Điều này được quy định chặt chẽ tới mức nói như Aristote thì: “một hành động và đồng thời là hành động nhất quán, và các bộ phận của sự kiện cần phải được liên kết sao cho nếu đổi thay hay tước bỏ một bộ phận nào đó thì chỉnh thể sẽ thay đổi và bắt đầu biến động”[32, tr.61]. Như thế thì trình tự xuất hiện của các sự kiện cũng phải tuân theo nguyên tắc cái gì xảy ra trước kể trước, cái gì xảy ra sau kể sau. Và đến phần kết thúc câu chuyện thì cũng có nghĩa là những mối xung đột, mâu thuẫn cũng được giải quyết thấu đáo, trọn vẹn. Câu chuyện hoàn toàn khép kín lại. Người đọc không phải suy nghĩ nhiều về cách giải quyết vấn đề của tác giả. Họ chấp nhận kết cục ấy như một điều tất yếu, đương nhiên. Bởi lẽ như trên đã nói tác giả trình bày sự việc có tình có lý, nhân nào quả ấy. Với cách giải quyết vấn đề như thế thì người đọc có thể tự mình phán đoán được trước số phận nhân vật cũng như những kết cục tất yếu sẽ xảy ra. Tóm lại, với tất cả những gì nhà

văn đã đặt ra thì chỉ có một cách giải quyết vấn đề, và người đọc không cần quan tâm cách giải quyết khác.

Với kết cấu đơn tuyến, truyện ngắn của Lan Khai đã tổ chức được một hệ thống các sự kiện, tình tiết theo mối quan hệ nhân quả chặt chẽ. Ông tự mình giải quyết mọi vấn đề đã đặt ra một cách trọn vẹn theo cách riêng của mình nhưng tất cả đều tuân theo các quy luật tất yếu của tự nhiên, xã hội và tư duy. Những truyện ngắn được nhà văn Lan Khai tổ chức theo kết cấu đơn tuyến như: Con bò dưới Thủy tề, Đôi vịt con, Tiền mất lực, Dưới miệng hùm, Gò thần... Mỗi truyện ngắn đều này được bắt đầu bằng việc giới thiệu ngắn gọn lai lịch, hoàn cảnh của các nhân vật chính:

“Ngày xưa, về dòng họ Ma có một người đàn bà rất nghèo. Cách sinh nhai duy nhất của người ấy là ngày ngày xách giỏ ra ngòi đánh cá”

(Con thuồng luồng nhà họ Ma)

“Lúc ấy, trên cái sân phơi trước mấy gian nhà tre lớn, cách xa lợi nước bốn năm chục thước, Ma Thái Ảnh ngồi bó gối, đôi mày cau có, vẻ mặt hằm hằm... Nhà có độc một mẹ một con, thế mà hơi được vãn việc ruộng nương, anh ta đã xách nỏ vào rừng. Bà mẹ, vì vậy, thường âm thầm một mình trong mấy gian nhà trống rỗng. Lắm lúc bà thấy con mình ham mê săn bắn quá, thường can ngăn hoặc rức lác, nhưng lời mẹ nói chẳng ăn thua!”

(Con bò dưới Thủy Tề) “Lô Hli còn trẻ và đẹp lắm, cái đẹp kín đáo của bông hoa rừng. Hai mắt ngây thơ nhìn như chép lấy bài thơ bằng hình sắc phô bày ra ở quanh mình”

(Tiền mất lực)

“Thuộc về tổng Thượng Ấm, châu Sơn Dương có một cái gò đất, tục gọi là gò Thần. Cổ lai, dân tổng không người nào dám bén mảng đến đấy chém tre, ngả gỗ hay đốt phá gì cả. Thế mà, một ngày kia, mãn lính về làng,

Bếp Nai, vì tham chỗ đất tốt, dám quả quyết phá gò Thần để tra lúa. Bà con can ngăn hết lẽ, Bếp Nai cứ khăng khăng ý mình, lại cam đoan rằng, nếu xảy ra tai nạn gì, bác ta xin chịu hoàn toàn trách nhiệm”

(Gò Thần) ...

Từ việc giới thiệu lai lịch, hoàn cảnh sống của các nhân vật, tác giả lần lượt triển khai các sự kiện, các mối quan hệ giữa các nhân vật, các xung đột mâu thuẫn... để rồi từ đó dẫn dắt câu chuyện đi tới cái kết thúc tuân theo những mối quan hệ nhân quả tất yếu. Qua đó bộc lộ rõ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

Vì người đàn bà nghèo kia may mắn cứu được một con vật nên được nó trả ơn: “cuộc đời chị đánh cá thế là xoay sang một tình trạng mới”. Nhưng rồi cái hạnh phúc mà chị chàng có được cũng chỉ ngắn tày gang, chính chị chém nhầm phải đứa con nuôi yêu dấu, để rồi lại quay về với cuộc sống nghèo đói xưa kia: “chị chàng lại âm thầm tha cái đời hiu quạnh”. Vì những may mắn trong cuộc sống thường đến và rồi cũng sẽ đi một cách ngẫu nhiên giống như dân gian vẫn thường nói: “của thiên trả địa”. Bạn đọc có thể thấu hiểu hoàn cảnh của những người dân nghèo miền núi qua truyện ngắn Con thuồng luồng nhà họ Ma đượm màu sắc cổ tích nhưng lại giàu tính hiện thực này của Lan Khai.

Vì Thái Ảnh có sở thích tham mê săn bắn; tính tình lại lì lợm, ương bướng... nên dẫn đến hàng loạt các sự kiện tịnh tiến đến một kết thúc bi thảm trong truyện Con bò dưới Thủy Tề. Khi Sau Rắt đến báo tin về sự xuất hiện của “một con bò, to lắm, béo lắm”. Nhưng nó không phải là con vật bình thường, nó là con bò dưới Thủy Tề lạc lên, vì vậy bà mẹ Thái Ảnh khuyên con “của thiêng chớ có động vào”. Vậy nhưng Thái Ảnh và Sau Rắt đã bí mật khởi cuộc săn cùng với bọn Khán Nạn, “nhất định bắn con bò ấy” vào sớm

hôm sau. Tiếp đến là sự xuất hiện của con vật lạ “Thốt nhiên, mặt hồ hơi sóng sánh, dập dềnh, nhấp nhô, chao lộn, rồi phun lên hai vệt nước trắng, phè phè như tiếng bễ lò rèn... Cái đầu thú lập lờ nghe ngóng chán rồi mới men lại gần bờ và nổi mình lên trên mặt nước. Chớp mắt con vật đã sừng sững hiện trên bãi cát. Hình dáng, tầm vóc, cả sắc lông đỏ quạch đều hiển nhiên là một con bò”[70, tr.36]. Con bò bị trúng tên, rồi người ta chia nhau “kẻ một xâu, người một xách”. Những việc làm động đến của thiêng y như lời cảnh báo của mẹ Thái Ảnh sẽ phải nhận về những kết cục đáng tiếc: một trận phong ba đã chìm đắm tất cả những con người làm điều ác, chỉ còn lại duy nhất khu nhà của mẹ Thái Ảnh.

Truyện ngắn Dưới miệng hùm hay Gò thần cũng đều có một cái kết thúc tương ứng với những hành động của nhân vật. Vì đơn độc chiến đấu với con thú dữ nên nhân vật người thợ săn trở thành kẻ tật nguyền; hay Bếp Nai vì dám phá gò Thần trồng lúa nên bị con lợn kỳ lạ dẫm nát, phá lúa.

Một số truyện ngắn khác có kết cấu đơn tuyến cũng được Lan Khai “xử lý” một cách triệt để, ở đó hệ thống hình tượng các nhân vật được triển khai trong những mối quan hệ đa chiều và chặt chẽ. Dường như mối quan hệ nhân - quả đã chi phối cách thức nhà văn triển khai cốt truyện, chi phối chiều hướng con đường đời của các nhân vật. Chẳng hạn trong truyện ngắn Tiền mất lực, nhân vật Lô Hli đã được đặt trong mối quan hệ với Tsi Tôđay, với Tsi Nèng và với cả phong tục nghìn đời của người dân miền núi. Nhưng người con gái ấy đã dũng cảm chống lại cả thế lực của cường quyền, của đồng tiền để ở bên Tsi Tôđay - người mà cô yêu thương. Tiếc rằng đôi trai gái ấy muốn ở bên nhau thì chỉ có một sự lựa chọn duy nhất: cả hai cùng chết. Họ chết bên nhau trong vũng máu đào, với cái chết hạnh phúc và mãn nguyện.

Nhưng họ lại là nạn nhân của những hủ tục lạc hậu, của thế lực cường quyền, của đồng tiền chi phối. Sau này, trong những truyện ngắn viết về đề tài miền

núi, dưới ngọn cờ của Đảng, đôi trai gái Mị và A Phủ trong truyện ngắn V chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài đã có thể thoát khỏi cường quyền và thần quyền, họ từng bước được giác ngộ cách mạng và vùng lên tự giải phóng đời mình, đi theo tiếng gọi của Đảng.

Tình yêu là vốn là đề tài bất tận và hấp dẫn nhất trong cuộc sống muôn màu này, có tình yêu nhưng phải có niềm tin thì tình yêu ấy mới cập tới bến bờ hạnh phúc. Truyện ngắn Đôi vịt con đã cho chúng ta bài học thật quý giá.

Cô Nhình được đặt trong mối quan hệ với chồng - thầy Biên, cùng với tình huống thử thách niềm tin của cô vào tình yêu. Những những trăn trở, băn khoăn, lo lắng rất dữ dội diễn ra trong lòng cô Nhình đã cho thấy tình yêu rất đằm thắm, sâu nặng nhưng cũng ngờ vực đầy đau khổ: “Cô hoảng hốt nhìn chồng, nhìn dải đường xa đầy những bí mật. Chồng cô đi, đi về quê. Cái tình quyến luyến ngấm ngầm của cô không biết có đủ sức làm cho chồng lại có ngày nhớ đến mà lên chăng! Khó lòng lắm! Họ hàng, làng nước cùng những lẽ bó buộc, những sức mạnh tối tăm khác, cái lối chẳng đưa hai người lại gần nhau, chẳng phải là lối trở lên rừng. Và chăng, đối với nhau, cô chỉ biết có lòng mình, cô chỉ chắc ở lòng ân ái của mình; còn thày, đã hẳn đâu thầy thực tình thương cô như một người vợ!”[70, tr.45]. Khi đặt cô Nhình trong mối quan hệ với người cha thì chính cha cô trở thành tác nhân mạnh mẽ để đưa cô tiến nhanh hơn đến sự lựa chọn: dùng thuật yểm bùa với chồng. Ông Chánh - bố cô Nhình - đã đưa cho cô hai quả trứng khiến “cô rụt rè kinh hãi”. Mặc dù vậy cuối cùng thì “sự nghi ngờ sau cũng thắng được dạ thuần lương”. Cho dù đối với chồng, cô không muốn dùng những cách ám muội. Tất cả điều này đã đưa câu chuyện đến một cái kết đau lòng: Thầy Biên vẫn nhớ lời hẹn, định quay về nhưng vì sai hẹn mất một ngày mà cái kết tang thương đã diễn ra như một điều tất yếu: “Biên chỉ giãy giụa chừng mười lăm phút đồng hồ, bỗng thổ

huyết rất nhiều rồi chết... Sáng ngày hôm sau, ở trên rừng, người ta thấy xác mẹ con cô Nhình lập lờ theo dòng suối trong xanh”[70, tr.47].

Như vậy chọn kiểu kết cấu đơn tuyến, Lan Khai đã tỏ ra hết sức nhuần nhuyễn khi vận dụng lý thuyết lý luận cổ điển, đồng thời ông cũng có sự sáng tạo nhất định trong việc xây dựng hệ thống các hình tượng nhân vật, điểm nhấn đậm nhất là ở lối kết thúc hoàn toàn mới so với kết thúc truyện truyền thống: kết thúc không có hậu - thể hiện một lối tư duy hiện thực, dù bi thảm nhưng người đọc vẫn chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên, bởi đó là quy luật của cuộc sống thực tại.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 49 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)