Giọng điệu ai oán, xót xa, thương cảm

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 103 - 106)

Chương 3: NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI

3.1. Giọng điệu trần thuật

3.1.2. Giọng điệu ai oán, xót xa, thương cảm

Lan Khai “đã phất lá cờ tiên phong” với “khuynh hướng tả thực xã hội chủ nghĩa” nên truyện ngắn của ông đã phơi bày tất cả những tình cảnh khổ đau, bất hạnh của kiếp sống con người. Vì thế “văn Lan Khai tổng hợp, đằm thắm và dễ cảm động”[67, tr.240]. Nhân vật trong truyện ngắn của ông thuộc đủ mọi tầng lớp nhưng chủ yếu là những “con người bất hạnh và bế tắc trong xã hội như cảnh thiếu cơm ăn áo mặc, tài năng bị khinh rẻ, tình yêu bị chia lìa, tình đời nhiều đen bạc... thể hiện cái nhìn sâu sắc của nhà văn vào chiều sâu tâm hồn và cuộc sống”[70, tr.24]. Đó là hoàn cảnh đáng thương của người đàn bà nghèo khổ ngày đêm mò cua bắt cá tưởng rằng sẽ mãi hạnh phúc, đủ

đầy khi được con vật trả ơn nhưng rồi lại trở về với nỗi nhọc nhằn, héo úa ngày xưa trong truyện Con thuồng luồng nhà họ Ma; là cuộc sống nghèo túng của các cặp vợ chồng trong truyện Ma thuồng luồng hay truyện Người hóa h; là hoàn cảnh thương tâm của đôi vợ chồng gặp nạn giặc cờ Đen trong Sóng nước Lô Giang; là những kiếp người bần cùng bế tắc khi phải đi ở, bị bỏ rơi, đi hát xẩm... trong các truyện Cái của nợ, Thằng Gầy, Anh Sẩm; là những văn sĩ có tài nhưng bị khinh rẻ trong một xã hội mà người ta hăm hở chạy theo lợi nhuận của đồng tiền trong truyện Nơi ước hẹn, Kiếp con tằm; là những số phận bi thảm khi tình yêu của họ bị cản trở, chia lìa, bội ước trong các truyện: Tiền mất lực, Khảm khắc, Tiếng sáo đêm thu, Khóc thông reo, Đào rụng... Tất cả những nỗi đau thương, bất hạnh ấy đều hòa trong cái chất giọng ai oán, xót xa, thương cảm được thể hiện qua bút pháp nghệ thuật đậm chất hiện thực của nhà văn. Điều đó được phản ánh qua hệ thống ngôn ngữ, hình ảnh thể hiện nỗi khổ đau, bất hạnh, tủi cực, bế tắc, bần cùng... của nhân vật.

Người đàn bà nghèo trong Con thuồng luồng nhà họ Ma xuất hiện với ngoại hình nói lên chính cuộc sống cơ hàn của chị: “vẻ nhọc nhằn chán nản đã in thành những vệt dăn sâu trên cái dung nhan những hom hem vì đói”. Người đọc nghe được cái tiếng “thở dài” và “cái giọng hát mới buồn làm sao!” cùng tiếng khóc “sụt sùi” của chị. Để rồi thương cảm biết bao khi “Chị chàng bắt đầu làm việc. Lưng cúi rạp, tay cầm cái xẻo con, chân bì bõm dưới làn nước lạnh, chị ta cố kiếm lấy ít mồi, cái mồi nó giữ cho chị chút hơi tàn để mà đau khổ”. Không chỉ tả và kể, người trần thuật còn đồng cảm và thương tiếc cho số phận của nhân vật khi đưa ra những lời bình luận: “Nhưng tiếc thay! Cái may mắn, cái hạnh phúc của chị chàng đánh cá nọ chẳng bao lâu đã tan mất, cũng như cái bóng xà phòng... Trong khoảng non cao rừng rậm, ngòi thẳm

nước xanh, chị chàng lại âm thầm tha cái đời hiu quạnh. Mà nỗi quạnh hiu lần này, chị thấy nặng như một tấm đá đè trên miệng huyệt”[70, tr.70].

Một thảm cảnh của gia đình hai vợ chồng nghèo có người mẹ hóa hổ đã được Lan Khai miêu tả chân thực đầy xót xa: “Một cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến cho hai người cùng kêu lên một tiếng xót xa, kinh hoảng: bà già không thấy đâu nữa và giữa sàn, xác đứa con thơ bị cắn xé tan nát, nằm trơ trên vũng máu đào!... Người mẹ khốn nạn kêu rú lên một tiếng, ngã quay ra bất tỉnh. Run như rẽ, sắc mặt tái nhợt, người chồng cố nâng vợ dậy, lay gọi hồi lâu chị ta mới tỉnh dần lại...”[70, tr.66].

Hay bằng cách vẽ ra những cảnh tượng đối lập, những ý muốn trái với thực tế để làm nổi bật nỗi đau khổ, bế tắc của cô dâu: “Trái với các cô thiếu nữ khác, Lô Hli khóc thực, khóc cái tình của Tsi Tôđay, khóc vì đồng tiền đã chiến thắng một cách hỗn hào, khóc vì sự sẽ phải ăn chung ở lộn với kẻ mình không yêu mến. Chị em xúm lại khuyên giải, an ủi hết điều. Đáp lại những lời bạn gái, Lô Hli cất tiếng hát bài “Than vãn của cô dâu” nghe rất thiết”[70, tr.77]. Nhưng đúng là hát thì hát, khóc than mặc khóc than, cô dâu khó lòng làm thay đổi cái tục lệ nghìn đời. Lô Hli gạt nước mắt bước ra, bước từ chỗ tự do vào nơi áp chế[70, tr.79].

Không chỉ riêng Lô Hli, tình yêu giữa Pàng Nhả và Lo Trồng cũng kết thúc trong bi thảm. Cảnh tượng Lo Trồng bị chết oan dưới bàn tay Bạch Sẩu thật thảm thiết: “Lo Trồng không cựa quậy gì nữa. Đầu ngả ra sau, vỡ nát máu và óc chảy ra đầm đìa, mồm phun bọt đỏ...”. Trước cảnh tượng ấy, cô gái xinh đẹp nhất bản Vài thốt lên những lời đầy cảm động cuối cùng với “phá”: “Con ấy à? Ồ, mà sao không bắt lấy nó!... Bắt lấy nó để trả thù cho Lo Trồng... Phá ởi... Phá và anh đừng ghét bỏ Lo Trồng nữa nhé... Lo Trồng đã giết con trăn...

Lo Trồng đã giết... đã giết... Lo Trồng thương con lắm lắm, phá à...”[70, tr.102] để rồi sau đó Pàng Nhả trở thành một người điên loạn. Những lời nói

của cô rất chân chất, đáng thương, lại đứt quãng trong sự hốt hoảng hoảng, bàng hoàng cao độ đã gợi được niềm cảm thương sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Với các truyện ngắn thuộc khuynh hướng hiện thực thì giọng điệu ai oán, xót xa, thương cảm luôn chiếm vị trí chủ đạo. Nó đã thể hiện sự nhạy cảm, tinh tế của một ngòi bút giàu tính nhân văn và tinh thần nhân đạo cao cả của một nhà văn tài năng, giàu tâm huyết luôn trăn trở về số phận con người.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 103 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)