Trần thuật từ ngôi thứ nhất

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 119 - 127)

Chương 3: NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI

3.2. Điểm nhìn trần thuật

3.2.2. Trần thuật từ ngôi thứ nhất

Hình thức trần thuật này mới xuất hiện trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX. Trong hình thức trần thuật này, người trần thuật được “nhân vật hóa” (G.N.Pospelop) dưới hình thức một cái “tôi” nào đó, hoặc tự kể câu chuyện của chính mình theo ngôi thứ nhất, hoặc thực hiện vai trò của một người dẫn chuyện hướng điểm nhìn trần thuật đến những nhân vật khác ở ngôi thứ ba. Tuy số lượng các truyện ngắn được trần thuật từ ngôi thứ nhất ít hơn so với các truyện ngắn được trần thuật từ ngôi thứ ba, nó chỉ chiếm gần 30% (11/37) số lượng truyện ngắn của Lan Khai nhưng lại là hình thức trần thuật có nhiều đặc sắc và đa dạng về cách thức thể hiện. Có thể thấy Lan Khai đã hướng điểm nhìn trần thuật từ ngôi thứ nhất với hai dạng cơ bản: trần thuật từ ngôi thứ nhất với vai trò “người dẫn chuyện” và trần thuật từ ngôi thứ nhất với những nhân vật hướng nội.

3.2.2.1. Trần thuật từ ngôi thứ nhất với vai trò “người dẫn chuyện”

Thực chất đây là kiểu trần thuật ngôi thứ ba mà người kể chuyện được

“nhân vật hóa” để thực hiện vai trò dẫn chuyện. Trong kiểu trần thuật này, tác giả phải thiết kế một khung cốt truyện để tạo lập mối quan hệ giữa đối tượng

trần thuật và người kể chuyện. Người kể chuyện có khi đóng vai trò là nhân vật phụ trong truyện, nhân vật được sắp xếp trong một vị trí thuận lợi để có thể giao tiếp, quan sát rõ nét nhân vật chính - đối tượng trần thuật của anh ta.

Chúng ta có thể bắt gặp kiểu trần thuật này trong các truyện ngắn như:

Người lạ, Ma thuồng luồng, Khảm khắc, Chiếc xe trên đường, Lyđêan. Mỗi truyện ngắn lại xuất hiện điểm nhìn trần thuật là nhân vật “tôi” nhưng không phải họ kể lại câu chuyện của của cuộc đời họ mà là những câu chuyện họ được trực tiếp chứng kiến, tham gia và kể lại cho độc giả. Chính vì thế điểm nhìn được luân phiên, được dịch chuyển sang một nhân vật thuộc ngôi thứ ba.

Đó là ông Hội Cảnh trong hai truyện ngắn Người lạ Ma thuồng luồng; là nàng Khao trong truyện ngắn Khảm Khắc; là người “khách” trong Chiếc xe trên đường và nhân vật Vi trong truyện ngắn Lyđêan. Ở đây người kể chuyện xưng “tôi” đóng vai trò của chủ thể trần thuật, đã quan sát và miêu tả tỉ quá trình diễn biến của kết cấu “truyện lồng truyện” cũng như tất cả những yếu tố nghệ thuật tạo nên cốt truyện mà người trần thuật thuộc ngôi thứ ba trần thuật lại. Phát huy những thế mạnh của ngôi kể chuyện thứ nhất, đó là tác giả tạo dựng được niềm tin vững chắc nơi người đọc, đồng thời lại gia tăng thêm điểm nhìn trần thuật vào một nhân vật thứ ba trong truyện đã giúp cho truyện ngắn của Lan Khai tăng cường yếu tố khách quan. Đồng thời, đây cũng là những truyện ngắn có kết cấu truyện lồng truyện đã tạo một mạch nguồn tươi mới khi nhà văn đường rừng mở đường và định hình cho mình một phong cách truyện ngắn hiện đại. Thế nên không phải ngẫu nhiên Lan Khai được Vũ Ngọc Phan đánh giá Lan Khai là một nhà văn rất “tài tình” trong thể loại truyện ngắn.

Với truyện ngắn Lyđêan, người kể chuyện xưng “tôi” đã trần thuật lại một câu chuyện thảm tình. Nhân vật chính của câu chuyện là Vi cùng người kể chuyện xưng “tôi” đã có một chuyến đi ngược thuyền trên dòng sông

Chảy. Cảnh vật mơ hồ như trong các truyện thần tiên. Trăng trong, trời đẹp, vậy mà trong lòng Vi vẫn chất chứa một nỗi buồn về một câu chuyện tình thương tâm của chính cuộc đời chàng. Nhân vật “tôi” với vai trò vừa là một người bạn - đã trở thành đối tượng để nhân vật Vi san sẻ mọi nỗi lòng, chính vì thế mà nhân vật “tôi” có thêm cơ hội để lồng hai câu chuyện vào nhau, đồng thời vừa là người quan sát, dẫn dắt, trần thuật lại những sự việc xảy ra trong đêm trăng thơ mộng. Đó là cảnh một đêm trăng trên sông Chảy - đẹp thơ mộng “như đang rì rào đánh thức nàng thơ dậy: “Dưới ánh sáng dãy Móng Sơn như một con rắn đen lớn đang vặn mình uốn khúc chạy thẳng về phương nam. Trên sông, xóm Ninh Thành, lơ thơ mấy nóc nhà mái sẫm hiện ra như một cảnh mơ hồ tả trong các truyện thần tiên. Rặng xoan khô in hình lên nền trời trắng những nét đen nghệch ngoạc lờ mờ... Vì, tôi đang nhìn cảnh vật như để tâm hồn đuổi theo một giấc mộng chưa tan” - là cái cớ để cho người ta tìm ra cái dòng chảy nội tâm thật nhất của chính mình. Nhân vật

“tôi” thì đắm chìm trong cảnh “trăng trong trời đẹp” nhưng vẫn tinh tế nhận ra có người nhìn cảnh đẹp mà lòng vẫn thảm sầu: “Tôi sẽ nói vào tai Vi để ngắt đứt dây liên tưởng của anh, vì tôi biết anh đang nghĩ đến một sự buồn”[70, tr.244].

Khi sử dụng kết cấu truyện lồng truyện, Lan Khai luôn tạo ra những mạch truyện đứt quãng. Cái “quãng” không liền mạch ấy là lúc Lan Khai đưa vào câu chuyện sự hòa điệu của không gian, thời gian, con người và cảnh vật của hai thế giới nhập vào làm một. Chính vì thế người đọc sống với những li kì, lo âu, sợ hãi; với những niềm vui, hạnh phúc và cả sự khổ đau như chính mình tận mắt chứng kiến. Bắt nguồn cho Lyđêan, cái cảnh thần tiên cũng đồng cảm và nhập vào với câu chuyện thảm tình: “Thuyền lướt trên dòng nước bạc rẽ hai bên những làn sóng lăn tăn mấy khóm lau già dưới làn gió chạy như đang thì thầm kể chuyện cuộc tang thương...Thuyền đã bỏ xa chợ

Ngọc mà đêm đã quá khuya, chúng tôi giục cho thuyền quay trở lại. Thuyền lửng lơ trôi theo dòng nước như nổi theo cái ánh trăng vô cùng đẹp đang in lên sự vật một vẻ mơ mộng. Trong xóm Ninh Thành đã thấy tiếng gà eo óc gáy. Vi mỏi mệt hay quá xúc động về quãng đời đầy mơ mộng ấy nên ngả lưng vào mạn thuyền”. “Vi nói tới đó thò tay vào túi lôi một cuốn sách nhỏ đã nhàu nát, nhưng dưới ánh trăng mờ, tôi chỉ thấy những dòng nhỏ ly ti”, “Vi thở dài như muốn trút hết những cái chứa đầy trong tâm khảm…Trời về khuya, trăng thêm mờ lạnh, chúng tôi cho thuyền vào bến”[70, tr.253]. Đây là một thế mạnh, một sự sáng tạo đáng ghi nhận của nhà văn Lan Khai khi ông vừa nới rộng được điểm nhìn trần thuật lại vừa thu gọn điểm nhìn ấy trong một phương thức viết truyện ngắn đầy mới lạ và tài hoa.

Nhìn chung với kiểu trần thuật từ ngôi thứ nhất với vai trò “người dẫn chuyện” tác giả đã tạo được sự đa dạng, linh hoạt trong lối kể vì có sự dịch chuyển và luân phiên điểm nhìn. Đồng thời với những truyện ngắn này nhà văn có thể tăng cường thêm yếu tố khách quan; mở rộng thêm cốt truyện, mở rộng thêm các yếu tố không gian, thời gian; đa dạng hóa các mối quan hệ của nhân vật... và chính vì vậy đã tạo nên sự mới mẻ, cuốn hút bạn đọc với từng trang truyện ngắn.

3.2.2.2. Trần thuật từ ngôi thứ nhất với những nhân vật hướng nội.

Trong hình thức trần thuật này, chủ thể trần thuật được “nhân vật hóa”

làm người kể chuyện của chính mình với ý thức hướng nội, tự vấn hoặc chiêm nghiệm. Hình tượng tác giả trong các sáng tác này khá phức tạp. Nhân vật tôi có khi in đậm dấu ấn của chính tác giả với những trạng thái tâm hồn, cảm xúc hoặc cuộc đời, số phận; cũng có khi nhân vật chỉ là một khách thể độc lập được tác giả quan sát và thể hiện ở ngôi thứ nhất để tăng sức thuyết phục bởi màu sắc chủ quan của nhân vật. Khác với điểm nhìn trần thuật ở ngôi tứ ba hướng tới sự kiện, tâm trạng của một khách thể ở bên ngoài, ở kiểu trần thuật

này, điểm nhìn hướng vào những diễn biến tâm lí bên trong của cái “tôi” chủ thể đang ở vai trò người kể chuyện. Qua hình thức trần thuật này, nhân vật hiện lên là những con người hướng nội, có đời sống nội tâm phong phú, có những quá trình diễn biến tâm lý tinh tế, phức tạp.

Các nhân vật xưng “tôi” trong các truyện ngắn: Dưới miệng hùm, Đêm ấy, Cái của nợ, Ngày qua, Người hóa beo, Cô Bụt... đều là những nhân vật xuất hiện ở ngôi thứ nhất để kể lại câu chuyện và bộc lộ con người bên trong của chính mình. Người đọc được khám phá không chỉ là những dòng chảy của các sự kiện lí thú mà quan trọng nhất là những cảm nhận, suy tư của nhân vật về các sự kiện đó. Dưới miệng hùm được nhân vật “tôi” - người thợ săn trong truyện - kể lại về một chuyến đi săn hùm ở động Đèo Hoa đã diễn ra vừa tròn một năm. Còn gì chân thật hơn, đáng tin hơn khi người kể chuyện lại là người trực tiếp chiến đấu với “con hùm ranh mãnh và táo tợn”. Câu chuyện diễn ra theo trình tự thời gian tuyến tính: từ khi con hùm xuất hiện khiến dân Đèo Hoa mất ăn mất ngủ, người ta tìm mọi cách để diệt trừ con hùm tinh nọ nhưng đều vô ích; rồi nhân vật tôi - một người thợ săn có tiếng tới động Đèo Hoa đã khởi cuộc săn; đến khi cuộc chiến đấu một mất một còn với con hùm diễn ra và cái kết thúc trong sự mất mát to lớn khi người thợ săn trở thành kẻ tật nguyền như thế nào đã được nhân vật “tôi” trần thuật lại rất hồi hộp, gay cấn. Cốt truyện khá đơn giản nhưng người đọc lại bắt gặp bản hòa tấu của các chi tiết sắc sảo từ cảnh vật, âm thanh của đêm rừng đầy bí mật hãi hùng cho đến những cảm xúc sợ hãi rất tự nhiên được bộc bạch khi bước vào cuộc chiến đấu của nhân vật “tôi”: “Tôi nín hơi chờ”, “tôi bắt đầu rùng mình dữ dội”, “linh hồn tôi náo loạn, trái tim tôi đập mạnh, hai bàn tay tôi ẩm ướt cả báng súng”, “tôi tự ngờ mình nhát sợ, cáu lắm, đang tìm những ý nghĩa mạnh bạo để gợi lòng can đảm”, “tái người”, “sự căm giận làm cho tôi xung tiết”... đã khiến người đọc hồi hộp theo dõi diễn biến của câu chuyện. Cuộc

chiến đấu đã diễn ra hết sức căng thẳng và đầy hiểm nguy, bất trắc với nhân vật “tôi”: Con hùm ranh mãnh, táo tợn bị bắn gãy cả hai chân rồi mà nó vẫn:

“hăng máu, nó đè dập tôi xuống, nặng như cả một toa xe điện. Tôi ngã ngửa, hai vai mắc vào búi rậm, chỗ tôi vừa nấp. Con hùm cắn vào cổ tôi một cách dữ dội... Con hùm cắn vào tay tôi nhàu nát... Nó cắn xây xát cả mặt tôi. Một nanh cày mạnh ngang trán, một nanh cắn ngập vào đuôi mắt trái, làm vỡ nát xương gò má... Nó càng hăng, cắn vào mặt tôi, làm cho xương hàm tôi gãy răng rắc... Con hùm vẫn úp chụp lấy tôi như cái nhà táng, ra sức cắn tôi đến chết mới nghe”[70, tr.106]. Con hùm càng dữ tợn, càng chiếm được phần thắng thì người đọc lại càng lo ắng cho tính mạng nhân vật tôi bấy nhiêu.

Không chỉ trần thuật lại toàn bộ cuộc chiến đấu gay cấn mà người trần thuật còn chia sẻ những lời bình luận, nhận xét về sự việc đã qua. Đó là những lời chân thành, đầy tâm huyết của một người đã trải qua mất mát: “Những thương tích còn ghi dấu vết lại ở trên mặt tôi có thể gọi là những chứng cớ đẫm máu về sự lẻ loi, hèn yếu của loài người giữa đám đông toàn kẻ tử thù. Phải, quanh mình ta, rặt những thù địch cả. Từ con ong cái kiến, từ hùm beo rắn rết, đến gió mưa bão chớp, nước tràn, đất động, hết thảy đều là kẻ thù ta đáng sợ...

Sống trong cái tình thế gieo neo ấy, loài người, nếu chẳng biết yêu thương, đùm bọc lấy nhau, tránh sao thoát khỏi cái chết nó rình đợi mình luôn?...”[70, tr.107]. Con người ta cần đoàn kết, yêu thương và tương trợ lẫn nhau. Nếu đám trai Thổ không lủi hết, để lại người thợ săn ở đó một mình với con thú táo tợn thì kết cục chắc chắn sẽ khác. Và nếu con người không phạm vào thiên nhiên thì có lẽ sẽ không phải chịu hậu quả đáng tiếc. Quy luật nhân quả được rút ra một cách tự nhiên, một cách tất yếu như lẽ thường của cuộc sống qua người trần thuật ngôi thứ nhất đã khai thác tối đa hiệu quả trần thuật.

Truyện ngắn Đêm ấy lại là một truyện ngắn trữ tình khi nhân vật tôi kể lại cái “đời phiêu lưu... ở suối rừng”. Những xúc cảm mãnh liệt của ái tình

được nhân vật tôi trần thuật lại rất hồn nhiên, dung dị: “Mà cái tình yêu của tôi lúc ấy nó nồng nàn quá đi mất, nó sùng ở trong tim chưa đủ, nó chạy sục ra cả mười đầu ngón tay, khiến tôi, xin lỗi các ngài, muốn được ôm ấp lấy tấm thân ngà ngọc và mạnh hơn nữa nó chạy cả lên môi mà phát ra những cái hôn nóng nảy”[70, tr.125]. Chàng ở lại nhà cô lục sao, đã được ông già mà chàng chắc chắn là bố cô gái “tỏ ý bằng lòng”. Những cảm xúc chân thật của chàng trai mới yêu: “Tuy đường xa mà hôm ấy tôi không thấy mệt mỏi chút nào.

Sau bữa cơm chiều tôi ngồi tựa cửa sổ mà lặng nghe gió thổi chim kêu. Mơ mộng... Tuy đặt mình nằm xuống nhưng tôi có ngủ được đâu. Tôi quên bẵng hết cả những công việc ngày mai phải làm mà chỉ nghĩ vẩn vơ về cô gánh nước ban chiều...”; những hành động ngồ ngộ “không cần nghe tiếng gọi của thiên lương thổi vào trang văn của Lan Khai sự trẻ trung, duyên dáng theo cái ma lực của ái tình, theo lời trần thuật chân chất, sôi nổi của nhân vật tôi: “Con vật trong lòng tôi nó đã thức dậy. Có lẽ nó cũng có bốn chân nên bắt tôi đi như nó. Các ngài ạ, tôi bò, khẽ bò đến đằng đầu nhà, chỗ cô nằm. Con chuột rúc rích trên mái nhà, tôi tưởng nó gọi chủ nhân - ông dậy mách. Con chim hót ở ngoài cành, tôi tưởng nó mỉa mai cái hành vi đê tiện của tôi. Nhưng tôi vẫn cứ bò... khẽ bò... khẽ bò...”. Ông già trong truyện đã đưa nhân vật tôi vào cái tình thế không ngờ đến, cái tình thế mà chỉ một lời lão nói giống như một tiếng sét đánh ngang tai: “Anh có biết nó là ai không? Vợ tôi đấy”. Cái dí dỏm, hài hước khiến người đọc thích thú lại là lúc nhân vật tôi sợ hãi, kinh hoàng: “Lúc ấy tôi mới bắt đầu lo ngại... Nếu là ban ngày lão đã nhìn thấy nét mặt xám xanh của tôi... Từ lúc vào nhà, tôi cứ tưởng cô vợ trẻ măng ấy là con gái lão, nên mới đầu tôi không sợ lắm khi nghe thấy lão nói cô là bạn trăm năm của lão... Con vật trong lòng tôi trốn biệt, để trơ tôi lại đó với một sự kinh hoàng”; “chờ lão ngủ say, đeo khăn gói vào vai, trèo qua cửa sổ, theo cột nhà tuột xuống rồi cắm đầu chạy như một tên tù vượt ngục”[70, tr.128].

Chính sự bất ngờ, sự phong phú của các cung bậc cảm xúc được bộc lộ một cách chân thực, giản dị của nhân vật tôi khi hướng nội đã khiến truyện ngắn Lan Khai có thể khai thác tận cùng những mạch cảm xúc sâu kín nhất của lòng người.

Như vậy, khi sử dụng điểm nhìn trần thuật ngôi thứ nhất với những nhân vật hướng nội, tác giả đã để nhân vật xưng “tôi” tự bộc bạch tất cả những nấc thang cảm xúc từ đó khám phá toàn bộ đời sống tâm lý bên trong của nhân vật rất tự nhiên và sâu sắc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 119 - 127)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)