Cốt truyện tâm lý

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 32 - 38)

7. Dự kiến đóng góp mới

1.1.1. Một số kiểu cốt truyện trong truyện ngắn Lan Khai

1.1.1.2. Cốt truyện tâm lý

Với loại cốt truyện này, nó đánh dấu một cách tân nghệ thuật lớn của các nhà văn hiện đại trong lĩnh vực tự sự học. Trong đó, các thành phần của cốt truyện (mở đầu, thắt nút, phát triển, cao trào, kết thúc), các mối liên hệ nhân quả... bị lấn át, che khuất bởi diễn biến trong đời sống tâm lý của nhân vật. Loại cốt truyện này thường có sự đan xen phức tạp giữa tự sự với trữ tình.

Người đọc thường cảm thấy khó tóm tắt, khó có thể kể lại được do kĩ thuật tự sự “dòng ý thức” của nhà văn đem lại. Đặc điểm nổi bật của loại truyện này là gần với chất thơ, chất trữ tình nhiều hơn. Các sự kiện quan trọng tại các thời điểm có tính chất bước ngoặt trong tính cách, cuộc đời của nhân vật bị giản lược đến mức tối đa. Loại cốt truyện tâm lý đang dần chiếm địa vị độc tôn trong văn học hậu hiện đại. Lan Khai đã trưởng thành sớm hơn những nhà văn cùng thời bởi cách xây dựng cốt truyện đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật bằng kĩ thuật tự sự của “dòng ý thức”. Để rồi sau Lan Khai, chúng ta biết đến những nhà văn rất xuất sắc ở loại truyện này như: Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Thành Long, Y Ban... Rồi sang thời kì văn học hậu hiện đại, bạn đọc ngày càng bị cuốn theo những sáng tác phá vỡ những khuynh hướng tuyến tính, đề cao tính bất định, đứt đoạn, phân mảnh trong việc xây dựng cốt truyện của hàng loạt những cây bút tài năng như: Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Hà, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo...

Với truyện ngắn của Lan Khai, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều các câu chuyện được ông đi sâu vào khai thức những “dòng ý thức” trong thế giới nội tâm của nhân vật như: Tiếng sáo đêm thu, Đêm ấy, Bên rừng xuân, Lẩn sự đời, Giông tố, Anh xẩm, Cô Bụt, Ngày qua, Một nạn nhân của lãng mạn, Chung tình, Nơi ước hẹn, Kiếp con tằm...

Tiếng sáo đêm thu là một câu chuyện tình yêu của một anh chàng người Kinh và một cô gái người Thổ. Tình yêu của họ khơi nguồn từ tiếng sáo, hẹn hò trong tiếng sáo và cái kết thúc cũng lặng đi trong tiếng sáo bổng trầm. Tiếng lòng gửi trong tiếng sao, đó là sợi dây duy nhất dẫn hai người đến bên nhau. Những tiếng lòng thổn thức, rung động ngẩn ngơ của cô gái mới yêu lần đầu; cả “khối tình” đầy “mãnh lực” gửi trong tiếng sáo nỉ non tha thiết của chàng trai và cả một khối u sầu, oán hận cho “hai người tình câm điếc” đã được Lan Khai chú ý khai thác làm nổi bật những dòng cảm xúc rất chân thật, cảm động.

Đêm ấy khai thác những dòng chảy tâm trạng của nhân vật tôi khi lần đầu tiên biết xao xuyến, rung cảm trước một cô gái. Cô lục sao xinh đẹp đã gợi trong lòng anh nhiều thứ tình cảm nồng nàn, say đắm. Nhưng tác giả lại đưa nhân vật rơi trạng thái kinh hoàng trước một tình thế bất ngờ, thật khó để lường trước. Truyện ngắn rất thú vị khi tác giả tạo dựng được tình huống truyện có chất hài hước, dí dỏm để lại trong bạn đọc ấn tượng đẹp về những con người miền núi tốt bụng, dễ mến, thật thà và tốt bụng.

Truyện ngắn Bên rừng xuân là những cảm nhận của nhân vật Bản về

“cái tình cao thượng, những tấm lòng vị tha, nhân từ và quảng đại” của một gia đình người Thổ đã cứu giúp khi anh gặp nạn tại bản Cuông. Câu chuyện thêm lãng mạn, dịu ngọt như một bài thơ trữ tình khi Thi - cô gái Thổ xinh đẹp, “cái đẹp dã man như ru người vào cõi mộng” đã khiến ngay lần đầu gặp gỡ Bản đã “nghe tiếng gọi của con tim”. Chàng đã rất xúc động khi cảm nhận được tình yêu hồn nhiên, thánh thiện của Thi. Nhưng cuộc sống giang hồ nay đây mai đó buộc chàng không được nghĩ đến tình yêu, chàng phải xa nơi này mà trong lòng đầy quyến luyến, vấn vương. Bản ra đi trong sự bâng khuâng, não nùng của gia đình cô gái Thổ.

Lẩn sự đời chủ yếu khai thác con người “bên trong” của nhân vật Vân.

Chàng tìm đến chốn non nước kì thú để lánh xa sự hờ hững, độc ác, giả trá, đê hèn của chốn phồn hoa. Chàng muốn đem hết tâm trí của mình vào việc thi ân báo đức. Với bản tính nhân từ, Vân đã lấy một cô gái mù làm vợ, bởi người con gái ấy, đôi mắt nàng chưa từng in bóng những sự đổi thay lật lọng ở đời.

Chàng đã đem đến cho gia đình khuất nẻo ấy sự sung sướng, tươi cười, hạnh phúc.

Giông t đi vào khai thác một tình huống truyện hết sức éo le. Đặt nhân vật vào tình huống éo le ấy, nhân vật của Lan Khai đã bộc lộ tất cả những gì sâu kín nhất ấp ủ trong lòng. Tất cả những cung bậc tình cảm: từ yêu thương, nhớ mong, đau thương, thù hận, khoan dung, ân hận, biệt ly... của đời người đều dồn lại trong một truyện rất ngắn, một quãng thời gian cô đặc - cái đêm hấp hối của Văn Khanh. Đoan Trang là một cô gái mang một “vẻ đẹp huyền diệu của thiếu nữ êm đềm”. Nhưng vì cô phụ bạc chồng đi theo nhân tình nên cô phải gánh chịu mọi hậu quả tồi tệ nhất. Nhân tình bị chồng của cô giết chết, sau đó chồng cô phiêu bạt giang hồ. Trớ trêu thay, sau năm năm, cô gặp lại người chồng trong cơn hấp hối tại chùa Linh Đỗng. Đoan Trang phải đối mặt với “giông tố”, với cơn bão lòng đầy xót xa, ân hận và những tiếc nối đớn đau.

Những cảm nhận của nhân vật tôi về một phong tục độc đáo, thú vị của miền thượng du đã được nhà văn đường rừng miêu tả rất sinh động qua truyện ngắn Cô Bụt. Người xem như bị thôi miên, say mê, đắm chìm vào trong giấc mộng trước điệu múa ghê thường và “gương mặt trẻ trung, tươi đẹp”, “cặp mắt đen như cặp hạt huyền nhìn thăm thẳm, nhìn bới móc vào tận cùng đáy linh hồn của người ta”. Dù có nhiều điều chưa hiểu về đám người miền thượng du nhưng hình ảnh cô Bụt không bao giờ phai nhạt, đã in sâu vào trí não của nhân vật tôi. Nó bắt nguồn cho tình yêu với “miền đất đầy những bí

hiểm hãi hùng nhưng cũng rất nhiều vị thơ và đẹp” của chốn “non cao, rừng thẳm, xa tuyệt hồng trần”.

Tất cả cốt truyện tâm lý của Lan Khai đều đi sâu vào thế giới nội tâm của các nhân vật. Khám phá ra con người bên trong của nhân vật là mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của các nhà văn, đó cũng là yếu tố quyết định vị trí của tác phẩm ấy trong lòng bạn đọc. Mỗi nhà văn đều có những bí quyết của riêng mình. Truyện ngắn luôn là thể loại năng động đã “bấm huyệt” đời sống bằng cách sáng tạo các tình huống nghệ thuật đặc sắc để phản ánh sự đa dạng và phức tạp của đời sống con người. Và nhà văn Lan Khai đã “bấm huyệt” đời sống bằng những tình huống tâm lý: Tiếng sáo đêm thu là điểm đến của những yêu thương, khao khát nhưng cũng đầy nỗi éo le khi hai người yêu nhau lại bất đồng về ngôn ngữ; Giông t lại là cuộc gặp gỡ cuối cùng đầy ngỡ ngàng của một người vợ phụ tình và người chồng luôn yêu thương cô sâu sắc trong một đêm đầy giông tố của trời đất và của lòng người; Đêm ấy là đêm của những ngỡ ngàng, kinh hoàng và khiếp sợ khi những phán đoán của nhân vật bị đảo lộn hoàn toàn... Những tình huống tâm trạng ấy lại được sự trợ giúp đắc lực của các yếu tố không gian, thời gian nhạy cảm dễ khơi gợi xúc cảm đã khiến chất trữ tình được gia tăng mạnh mẽ trong các truyện ngắn của Lan Khai.

Đặc biệt nhân vật luôn được đặt vào những mâu thuẫn, xung đột, những hoàn cảnh buộc phải trải lòng, phải biểu lộ cảm xúc. Truyện ngắn Nơi ước hẹn, Kiếp con tằm là xung đột giữa chủ nhà báo, chủ nhà xuất bản và những văn nghệ sĩ tài năng và giàu tâm huyết. Nơi ước hẹn là một truyện ngắn mang tính hiện thực về bi kịch tinh thần của những người văn nhân, trí thức nghèo. Nhà văn đi sâu vào những cảm nhận, suy nghĩ của Khang về cuộc sống, con người và nghệ thuật. Vốn là một văn nhân rất thiết tha, yêu nghệ thuật nhưng thực tế lại vô cùng cay nghiệt, phũ phàng: chủ nhà xuất bản luôn

cố ý lợi dụng hoàn cảnh để bắt chẹt, trả rẻ tác phẩm của anh. Khang vốn thật thà, chưa từng so kè, bớt một thêm hai về giá tiền một áng văn hay. Anh thấy mình lẻ loi đơn độc giữa rừng người xa lạ và nhìn cuộc đời một cách chán trường, tê tái. Anh không còn tin ở người độc giả rất yêu thích, quan tâm đến các bài viết của mình và muốn giúp anh trên con đường văn giới. Vì vậy Khang đã quên “nơi ước hẹn”, sống âm thầm trong sự tuyệt vọng, cô đơn.

Anh đâu biết rằng vẫn có người tới “nơi ước hẹn” và đợi chờ, mong mỏi được gặp, giúp đỡ anh trên con đường văn giới. Cùng một đề tài với Nơi ước hẹn, truyện ngắn Kiếp con tằm lại có tính xung đột, mâu thuẫn khá gay gắt giữa chủ báo và Thanh - một văn sĩ nghèo nhưng chàng không vì tiền mà phạm vào những điều cao quý của nghệ thuật. Chàng có ý thức trách nhiệm rất cao trong nghề viết: “Một chữ dùng chưa đúng hẳn, một đoạn nghe chưa êm tai, một lối đặt câu chưa mới lạ, chàng nhất định chưa dùng. Thành thử lắm bài thầy viết lại ba, bốn chục lần mà vẫn chưa vừa ý”. Cách làm việc chậm chạp ấy đã nhiều lần thành ra cái cớ để ông chủ báo gắt bẳn, nói Thanh bằng những câu thiếu vẻ ôn tồn. Chính xung đột đó dập tắt mọi ước mơ, lý tưởng cao đẹp của người nghệ sĩ, đẩy Thanh đi đến một quyết định sau bài viết mà chàng dồn tất cả tâm huyết, bằng tất cả tình yêu và tài năng của mình, chàng buộc phải “phụ bạc hồn văn”. Nhận xét về hai truyện ngắn này, PGS.TS Trần Mạnh Tiến đã viết: “Đi sâu vào nội tâm con người, hai câu chuyện Nơi ước hẹn, Kiếp con tằm vẽ nên bi kịch tinh thần của người nghệ sĩ bán rẻ tài năng trong quan hệ đồng tiền lạnh lẽo, nhưng vẫn hiểu rõ thiên chức của mình”[70, tr.9].

Hơn nữa trong các truyện ngắn này, những sự kiện đã được giản lược và cô đọng đến mức tối đa để gia tăng các yếu tố tâm lý, cảm xúc khiến con người “bên trong” của nhân vật luôn trở thành tâm điểm của cốt truyện tâm lý. Một nạn nhân của lãng mạn là bức thư với những lời gan ruột nhất của

Mai, cô viết thư cho Hải khi cuộc sống của cô chỉ còn đếm từng giờ, từng phút. Mai ân hận, xót xa cho những tham vọng đớn hèn của chính mình, cái tham vọng sống một cuộc đời hoa lệ chốn Hà thành. Mai cầu xin sự tha thứ vì tội bội bạc và mong Hải cứu vớt đứa hài nhi. Dù đã chạy theo những tham vọng đớn hèn nhưng người cô yêu chính là anh.

Với Chiếc xe trên đường, tác giả đã sử dụng những hình ảnh biểu tượng qua đó bộc lộ những chiêm nghiệm, triết lí nhân sinh. Tác giả sáng tạo nhân vật “khách” một mình trên chiếc xe đối diện với cảnh tráng quang hùng vĩ của vũ trụ. Khi có một mình “khách” cảm thấy thân mình như cát bụi, quanh mình là những cảnh tượng ghê ghớm của núi, của thung lũng, của vực sâu. Một cảm giác hoàn toàn cô độc. Nhưng khi cô gái xin đi nhờ ngồi cùng trên chiếc xe thì “khách” sung sướng cảm thấy mình cao quý, tài ba hơn vũ trụ; bao nhiêu cảnh nguy nan trước mắt “khách” thấy nó vô vị nhỏ nhen.

“Khách” tự hào tự đắc như đã được làm bá chủ cả không gian. Khi cô gái xuống xe, tâm trạng của “khách” lại trở về như lúc ban ban đầu. Con đường gồ ghề nguy hiểm ấy chính là con đường đời, chiếc xe trên đường là hình tượng của thời gian và người thiếu nữ đáp xe là một vị thần của ái tình. Vị thần ái tình ấy có thể ngự trị và chiến thắng mọi khó khăn trên đường đời cát bụi.

Chung tình là truyện ngắn trút hết mọi tâm sự của Thục Oanh gửi cho chị Bích Đào về vấn đề chung tình của người chồng. Văn Khanh (chồng của Thục Oanh) vốn “là một văn sĩ... nên chàng cũng hay lôi thôi như mọi văn sĩ khác”. Thục Oanh rút ra vấn đề với chị Bích Đào rằng: “Trong phạm vi tình cảm đều phiền phức lắm, chẳng dễ dàng như ta vẫn tưởng” nhưng nàng tin ở sự chung tình của chồng mình...

Có thể thấy cốt truyện tâm lý của Lan Khai không éo le, phức tạp;

ngược lại nó rất giản dị, ngắn gọn nhưng nhà văn đã đưa nhân vật của mình

vào những tình huống đắt giá để tạo nên cốt truyện đậm chất trữ tình giúp nhân vật tự bộc lộ hết những dòng chảy bất tận của cảm xúc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)