Chương 2: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI
2.1. Một số kiểu nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai
2.1.2. Nhân vật chính diện
2.1.2.2. Hình tượng người phụ nữ miền núi
Th.s Nguyễn Thanh Trường khi nghiên cứu về hình tượng người phụ nữ miền núi trong tác phẩm của Lan Khai đã đưa ra nhận xét: “Trong các sáng tác viết về miền núi giai đoạn 1930-1945 của Lan Khai, nhà văn đã thể hiện được chân dung của các nhân vật ở nhiều bình diện, nhưng nổi bật nhất là hình tượng người phụ nữ. Mỗi nhân vật một hoàn cảnh, cùng những nét tâm lí, tính cách khác nhau tạo thành những bức tranh sinh động về người phụ nữ miền núi những năm trước cách mạng”[67, tr.87].
Trong tập Vàng và máu của Thế Lữ, hình ảnh người phụ nữ là những cô gái Thổ có “nhan sắc tiên nga” nhưng lại có tâm hồn “bí ẩn lạnh lùng”
(Một đêm trăng). Trong tình yêu họ chủ động đến và đi như cái bóng nhưng không có sự hòa hợp giữa con người với con người. Bởi họ có sự cách biệt giữa “hai giống người miền núi và miền xuôi. Còn ở trong những truyện đường rừng của Đái Đức Tuấn ta lại bắt gặp cô gái Pengslao trong Thần Hổ và Oanh Cơ trong Ai hát giữa rừng khuya, họ là những cô gái Mường mang vẻ đẹp “giai nhân”, “diễm lệ” nhưng sống “âm thầm” trong sự “huyền ảo”...
“Đến với các trang viết về miền núi của Lan Khai, tác giả đã đem đến cho bạn đọc cái nhìn về người phụ nữ miền núi chân thực hơn”[67, tr.87].
Số phận người phụ nữ là đề tài quen thuộc và luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của các cây bút có tài năng và tâm huyết với cuộc sống. Trở đi trở lại trong các truyện ngắn của Lan Khai là hình tượng những nhân vật phụ nữ và phần lớn ông viết rất thành công với hình tượng những người phụ nữ miền núi. Nhà nghiên cứu Trần Mạnh Tiến đã từng nhận định rằng: “Tác giả đã dành nhiều tâm huyết viết về những người phụ nữ, cho dù ở địa vị nào, họ đều mong muốn tự do, khát khao được yêu thương, hạnh phúc, sống và làm đẹp cho đời. Ở họ ý thức về con người trần thế bản năng luôn vượt thoát con người của cương thường đạo lý”[37, tr.42]. Có thể thấy trong hàng loạt các sáng tác của Lan Khai, hình tượng những người phụ nữ luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp, luôn là những tấm gương về tình người cao thượng và tình yêu son sắt.
Không chỉ là những phụ nữ có ngoại hình đẹp mà điều quý giá nhất là vẻ đẹp tâm hồn của họ đã chinh phục tất cả các nhân vật trong truyện khi Lan Khai đặt họ trong những mối quan hệ với các nhân vật khác và họ đã thực sự chiếm được cảm tình của độc giả. Đó là những cô gái miền núi rất đẹp đang ở cái độ tuổi căng tràn sức sống, sức cuốn hút và khát khao tình yêu, hạnh phúc
nhân duyên. Trong truyện ngắn Đôi vịt con, chúng ta bắt gặp một cô Nhình
“mới mười tám tuổi xuân” và được coi “là một bông hoa hiếm của rừng xanh”. Vẻ đẹp ấy toát lên từ cái dáng vẻ “mềm mại, tròn trặn như một đoạn song non. Chiếc xiêm thêu ngắn để hở hai bắp chân xinh và đôi gót đỏ như son. Mấy vuông khăn cài những miếng trám vàng đỏ quấn sơ ngoài mái tóc đen nhánh càng tôn cái màu da sữa. Nét mặt trái xoan. Tia mắt sáng như lưu ly. Cặp môi thắm như một nụ hồng. Đến cái dáng đi thì thật tuyệt. Nó là cái dáng đi của một bà công chúa trong mơ”[70, tr.43]. Còn Lô Hli trong Tiền mất lực thì lại mang nét đẹp “kín đáo của bông hoa rừng. Hai mắt ngây thơ nhìn như chép lấy bài thơ bằng hình sắc phô bày ra ở quanh mình”[70, tr.70].
Pàng Nhả trong truyện ngắn cùng tên lại toát lên cái vẻ đẹp thuần khiết của gái sơn lâm: “Tầm vóc phải khoảng, cử chỉ dịu dàng cũng như nói cười chẳng bao giờ thô bạo. Hai bàn tay nhỏ nhắn đều đặn, hai bàn chân cũng xinh xinh trông khác hẳn chân những cô thôn nữ khác, nặng nề thô kệch, người ta thường trách là một khuyết điểm lớn của vẻ đẹp thiên nhiên. Mái tóc đen như đêm không có trăng sao thường buông lòa xòa xuống trán. Mấy chiếc vòng bạc lớn ôm tròn lấy cái cổ cao ba ngấn... Màu da tươi thắm, hai mắt long lanh như hai ngôi sao buổi quang trời. Miệng hơi rộng thường điểm một nụ cười nồng nàn như buổi trưa hè, và cũng vì vậy, qua cặp môi hoa lựu, người ta luôn luôn nhận thấy cái tia sáng ươn ướt của hai hàm răng ngọc. Mũi thì nhỏ và thẳng, lúc nào cũng thổn thức như hô hấp riêng một thứ không khí say sưa.
Đến cái cằm thon thon đầy đặn thì dù ai khó tính cũng phải chịu là nét bút kỳ tuyệt của thiên công”[70, tr.91]. Nàng Mai Kham trong truyện ngắn Khảm Khắc lại là một đóa danh hoa ở núi rừng: “Kham là một cô gái đẹp. Ai đã từng gặp nàng đều nhận thấy như thế. Nàng đẹp lắm. Chẳng những bọn con trai thời đó phải ngơ ngẩn mê say, đến cả các chị em, bạn gái khi đã biết đến nàng cũng yêu nàng như một tình nhân vậy. Tóc nàng đen và dài, mắt nàng
trong và sắc, người tầm thước và mềm mại”. Cô sơn nữ trong truyện ngắn Bên rừng xuân dưới cái nhìn của Bản hiện lên thật khó quên, đó là “một thứ đẹp dã man như ru người vào cõi mộng. Dưới vành khăn chàm xanh, đôi má ửng đỏ. Đôi mắt long lanh và trong suốt như dòng suối, như đang thu gọi hết tình yêu của nhân loại. Đôi mắt tươi thắm như còn đang tiếc một nụ cười trong giấc mơ xuân”[70, tr.130]. Hình ảnh Cô Bụt “trẻ trung, tươi đẹp” trong truyện ngắn cùng tên lại đem đến cho bạn đọc những rung cảm đầy ma lực huyền bí. Với “khuôn mặt đầy những vẻ dáng say xưa vì cái màu da đằm thắm, vì cặp mắt đen như cặp hạt huyền nhìn thăm thẳm, nhìn bới móc vào tận cùng đáy linh hồn người ta” của cô Bụt đã khiến cho “người đứng xem đông nghìn nghịt”. Cái sức hút mạnh mẽ của cô Bụt không chỉ ở cái đẹp về ngoại hình mà nó lan tỏa từ “những nhịp điệu của của một thứ linh hồn bí mật” do những diệu múa ghê thường mà cô trổ hết tài nhảy múa. Hình ảnh cô Bụt đã in sâu vào trí não nhân vật “tôi”, đã “khởi đầu cho cái lòng yêu cảnh non cao, rừng thẳm, xa tuyệt hồng trần, đầy những vẻ bí hiểm hãi hùng nhưng cũng rất nhiều vị thơ và đẹp”[70, tr.216].
Trong truyện các truyện ngắn Ma thuồng luồng, Sóng nước Lô Giang, Con thuồng luồng nhà họ Ma... Lan Khai lại hướng sự quan tâm tới những người phụ nữ lao động nghèo khổ ở miền núi nhưng họ vẫn toát lên vẻ đẹp rất đáng chú ý. Đó là người vợ của anh thầy cúng trong truyện Ma thuồng luồng:
“nom mảnh dẻ, chân tay nhỏ nhắn, dáng điệu mềm mại. Trên khuôn mặt bầu bầu, nước da trắng mịn, cặp mắt bồ câu lóng lánh như nước hồ khi lũng gió.
Cái mũi tuy nhòm mồm nhưng không làm giảm mất vẻ đẹp của nụ cười ý nhị thường nở trên cặp môi tươi”[70, tr.21]. Hay vẻ đẹp của người vợ trong truyện ngắn Sóng nước Lô Giang: “tuổi còn trẻ, khuôn mặt trái xoan, mơn mởn trong vuông khăn nâu thẫm... trong khóe mắt bồ câu lấp lánh, trên làn
môi thắm tươi lại hiện ra vẻ vui cười âu yếm”[70, tr.108]. Đó là vẻ đẹp rất đằm thắm, tự nhiên của người phụ nữ lao động miền núi.
Tất cả những người phụ nữ ấy mỗi người mang một vẻ đẹp rất riêng nhưng đều toát lên cái nét mặn mà, thuần khiến, khỏe khoắn. Nhưng cũng như Cô Dung trong tiểu thuyết cùng tên, họ không chỉ đẹp ở ngoại hình mà vẻ đẹp đức hạnh của những người phụ nữ ấy đã thực sự trở thành những bông hoa ngát hương thơm nơi rừng xanh núi thẳm.
Đó là những cô gái hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ. Cô Nhình trong truyện ngắn Đôi vịt con chỉ vì một câu nói bỡn của thầy Biên mà khiến cô
“thẹn”. Vì vậy mà trong tình yêu, những lời người con gái nói ra khá mộc mạc, hồn nhiên, bộc lộ cảm xúc rất chân thành. Lô Hli được Tsi Tôđay cứu thoát khỏi miệng cọp đã mang nặng cái ơn ấy trong lòng. Thế nên khi lần thứ hai được gặp lại chàng trai đã cứu cô thoát chết, Lô Hli đã chẳng ngại mà bày tỏ tấm lòng mình: “Anh khỏe quá!... Yêu anh lắm”. Cũng bởi vậy nên người thiếu nữ miền sơn cước đến với tình yêu cũng rất hồn nhiên, chân thành mang theo cả một tấm lòng thủy chung son sắt. Hay Mai Kham trong truyện ngắn Khảm khắc đã không nỡ nhìn người yêu phải chịu đau đớn nên trước hành động đê hèn, man rợ của bọn trai làng, cô thà chết chứ nhất định không chịu làm theo sự sắp đặt độc ác của chúng: “Trời ơi, em đâu nỡ... Nói xong câu ấy, nàng ngã gục xuống, máu từ trong mồm ồng ộc phun ra, nàng cắn lưỡi liều mình”[70, tr.117]. Nếu Mai Kham đã hi sinh tấm thân mình cho tình yêu, cho người mình yêu thì người thiếu phụ trong Sóng nước Lô Giang cũng hi sinh thân mình thuận theo giặc để bảo vệ chồng con khỏi cái chết: “Quan lớn hãy thong thả cho tôi được nhìn chồng con tôi đến khi khuất bóng đã. Tôi cam đoan xin hầu hạ quan lớn hết lòng”[70, tr.111]. Thật đau khổ xiết bao khi Lan Khai miêu tả hình ảnh người vợ dõi theo bóng chồng con để rồi văng mình xuống dòng sông Lô lặng sóng: “Nàng dán mắt trông theo hút bóng chồng
mỗi lúc một xa, một nhỏ, lắng nghe tiếng con thơ gào mẹ mỗi lúc một tắt trong yên lặng trời thu, đau lòng như dao cắt, nỗi oan khổ lắm lúc muốn tung ra một tiếng thấu trời”[70, tr.111]. Người thiếu phụ đã gieo mình xuống dòng sông để giữ tấm lòng chung thủy với chồng. Cô Nhình, Mai Kham cũng như người thiếu phụ đều là người phụ nữ đẹp. Ở họ, vẻ đẹp hình thức hòa trộn với cái đẹp tâm hồn. Sự hồn nhiên trong sáng cùng tình yêu chân thành mà thủy chung đã tạo nên hình tượng người phụ nữ miền núi tuyệt đẹp.
Họ còn là những người phụ nữ thủy chung son sắt trong tình yêu, rất dũng cảm, can đảm, mạnh mẽ trong cuộc sống. Lô Hli là một cô gái trẻ, mới mười bảy tuổi đầu mà đã có cái bản lĩnh phi thường trước thú dữ: “Thốt nhiên, Lô Hli đứng sững lại, sắc mặt tái xanh... Bên lề đường, một con báo nhơ nhỡ đang nép mình dim mắt, ngoe nguẩy đuôi chờ... Qua cái phút sửng sốt lúc đầu, Lô Hli lại chấn tĩnh như thường. Gái sơn lâm chẳng những hạng yếu bóng vía, trói gà không nổi. Nàng rút phăng dao lưng quả quyết chờ...
Nhanh như chớp, Lô Hli ném theo cả chiếc chuôi gỗ, nhảy cưỡi ngay lên cổ con báo, hai tay nắm chặt lấy hai tai, giúi mõm nó xuống mặt đường. Con báo gầm thét dữ dội, quật lên lưng Lô Hli đen đét, cố sức hắt nàng rơi xuống. Lô Hli cũng không vừa, nàng nghiến răng, lấy hết sức đè chúi con báo xuống, nó lên nàng cũng lên, nó lùi nàng cũng lùi, đem hết tấm lòng thiết tha sự sống của mười bảy cái xuân xanh cự lại với thần chết”[70, tr.71].
Trong tiểu thuyết Cô Dung, bạn đọc gặp ở đó một cô gái mang vẻ đẹp tiêu biểu cho lối thuần phong mĩ tục. Không muốn phiền lòng cha, cô đồng ý lấy Nhuận. Vì muốn chồng hạnh phúc, muốn vun đắp cho gia đình nhà chồng mà cô định cưới vợ lẽ cho chồng. Cũng vì chồng mà cô đem đứa con riêng của chồng về nuôi. Khi chồng chết, Dung đã ở vậy thờ chồng mà không tái giá. Cô đã tuân theo đúng cái nề nếp cổ tục di truyền thời phong kiến: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Đúng như nhà nghiên cứu
Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Dung cũng như nhiều cô gái quê phác thực, là người không biết đến cá nhân chủ nghĩa”. Ngược lại với Dung, ý thức về con người trần thế bản năng của người phụ nữ trong truyện ngắn Lan Khai luôn vượt thoát con người của cương thường đạo lý. Việc người con gái dám vượt qua hàng rào phong tục chủ động đến với tình yêu không nằm ngoài cái khát vọng chân chính ngàn đời của con người. Họ, những người phụ nữ không quản ngại mọi thế lực đen tối, can đảm vượt lên tất cả để giữ gìn hạnh phúc.
Đó cũng chính là những nhân vật đại diện cho thế hệ trẻ miền núi muốn phá bỏ cái cũ đã lạc hậu, cản trở con người tiến đến với hạnh phúc chính đáng.
Trong họ, ta thấy tiềm ẩn một sức sống vô cùng mãnh liệt. Họ toát lên niềm khát khao hạnh phúc, khát khao yêu đương tự do đến cháy bỏng. Những cổ lệ, sức mạnh đồng tiền cùng âm mưu độc ác của Tsi Nèng không khuất phục được Lô Hli. Cô đã dõng dạc tuyên bố và chứng minh được tình yêu chân chính luôn luôn chiến thắng. Mặc dù mối thù giữa hai nhà là một rào cản lớn, nhưng Pàng Nhả trong truyện ngắn cùng tên vẫn một lòng đến với Lo Trồng, người đã cứu nàng thoát chết khỏi con trăn trong rừng. Mặc dù cả hai truyện đều có kết thúc bi thảm nhưng cái kết thúc ấy không những cho ta thấy số phận của người phụ nữ miền núi trước cách mạng mà còn thể hiện quan niệm của Lan Khai về tình yêu. Với một lòng thủy chung son sắt cùng khát vọng chân chính sẽ luôn là nguồn sức mạnh giúp con người vượt lên trên tất cả để tìm đến hạnh phúc đích thực. Đó là một quan niệm mang giá trị nhân bản và giá trị nhân đạo sâu sắc.
Nhưng người phụ nữ lại là đối tượng chịu nhiều bất hạnh trong xã hội thực dân nửa phong kiến miền núi. Lô Hli trong Tiền mất lực, có một tình yêu chân thành với Tsi Tôđây, một chàng trai tốt bụng nhưng nghèo. Tsi Nèng đã đứng ra lo ma chay cho cha Lô Hli nên theo tục lệ cô phải làm vợ của hắn. Nhưng nửa tháng sau lễ cưới, cô đã quyết trốn vào rừng sống với
người mình yêu. Đôi tình nhân quyết không để cho đồng tiền có thể chiến thắng một cách hỗn hào đã chọn một cái kết cục bi thảm: cả hai cùng tự vẫn để được mãi bên nhau. Lô Hli là đại diện cho người phụ nữ miền núi trước cách mạng. Tác giả lên tiếng đòi quyền tự do yêu đương, quyền sống cho người phụ nữ. Họ là những nạn nhân đáng thương trong cái xã hội mà đồng tiền lên ngôi, dưới sự áp chế của những cổ lệ lạc hậu mà bọn thống trị gian ác đã lợi dụng để đè đầu cưỡi cổ người dân đẩy họ vào hoàn cảnh khốn cùng.
Sống trong thời loạn lạc, người phụ nữ cũng là đối tượng của mọi éo le, ngang trái. Cảnh ngộ người thiếu phụ trong Sóng nước Lô Giang để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Trên dòng sông Lô tràn ngập tang thương: “dòng nước trong xanh nổi lều bều những xác người, những hòm không, rá rách, những bọt nước trắng như bông”. Dân gian, cũng như chim ngàn thú nội đều lẩn đi đâu mất cả, lẩn vào những hang sâu, bụi rậm, cố giữ lấy cuộc sống gieo neo. Hai vợ chồng trẻ tuổi cùng đứa con thơ ẵm ngửa đang trèo thuyền lánh nạn, ngỡ tưởng “thoát khỏi chốn hang hùm tổ rắn” thì bất ngờ phải đối đầu với bọn giặc Cờ Đen khát máu. Người thiếu phụ đã đổi lấy cả tính mạng của mình để chồng con được bình an vô sự.
Nhìn sâu vào từng cảnh ngộ, từng số phận của người phụ nữ ta thấy mỗi người có một sự éo le riêng. Nhưng nhìn chung, nguyên nhân bất hạnh của họ chính là sự áp bức bóc lột, sự đè nén của các thế lực thống trị, của những tập tục, lề thói, những định kiến cũ cùng sự chi phối của cuộc sống đói nghèo tăm tối. Lan Khai đã trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn của người phụ nữ miền núi. Ông cảm thông và xót xa, thương cảm cho người phụ nữ bất hạnh. Nhà văn cho người đọc thấy sức mạnh của tình yêu, nó giúp con người vượt qua được mọi trở ngại trong cuộc sống.