Kết cấu theo mạch phát triển tâm lý

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 60 - 65)

7. Dự kiến đóng góp mới

1.2.2. Một số kiểu kết cấu trong truyện ngắn Lan Khai

1.2.2.3. Kết cấu theo mạch phát triển tâm lý

Đó là kiểu kết cấu của những tác phẩm có cốt truyện tâm lý nhằm diễn tả những diễn biến tinh vi, phức tạp trong đời sống nội tâm của nhân vật.

Trong những câu chuyện này, sự việc chiếm tỉ lệ rất ít, chủ yếu là những cảm giác, suy nghĩ, những hồi ức, những liên tưởng và độc thoại nội tâm của nhân vật. Các sự kiện trong truyện chỉ đóng vai trò khơi gợi dòng chảy nội tâm.

Kiểu kết cấu này cũng tương đối mới trong văn học Việt Nam. Sáng tác của nhà văn Lan Khai mở những hướng cách tân mới cho nền văn học hiện đại, để rồi sau đó những truyện ngắn tâm lý trở thành một phong cách nghệ thuật độc đáo và đặc sắc tạo nên tên tuổi của những nhà văn lớn như: Thạch Lam, Thanh Tịnh, Nam Cao... Với kết cấu theo mạch phát triển tâm lý, Lan Khai đã tạo được diện mạo mới cho nền văn học hiện đại. Các truyện ngắn tiêu biểu

như: Tiếng sáo đêm thu, Chiếc xe trên đường, Đêm ấy, Bên rừng xuân, Lẩn sự đời, Giông tố, Nơi ước hẹn, Anh xẩm, Cô Bụt, Ngày qua, Khổ tình...

Truyện ngắn Chiếc xe trên đường, chủ yếu khai thác những dòng suy tưởng, cảm xúc của nhân vật “khách”. Hàng loạt những động từ “thấy”, “cảm thấy” được huy động tối đa để người đọc có thể khám phá tâm trạng của nhân vật: “khách cảm thấy thân mình như cát bụi”, “thấy rùng mình sởn gáy”,

“thỉnh thoảng khách cũng thấy mình được đôi chút khoan khoái”, “khách cảm thấy mình cô độc... muốn có ai để san sẻ cái cảm giác của mình”. Khi đơn độc trên chiếc xe, trước cảnh tráng quang hùng vĩ của vũ trụ, bao trùm lên sự cô độc của khách đó là khát khao muốn có ai đó để san sẻ cái cảm giác của mình.

Hồi hộp theo dõi những dòng tâm sự ấy, người đọc lại được thỏa trí tò mò khi có một “người thiếu nữ vai đeo giỏ cam” xin đi nhờ xe đã tạo ra những “hiệu ứng” mạnh khiến cho tâm trạng của khách đột ngột chuyển sang những sắc thái đối lập. Khi biết cô gái xin đi nhờ xe, khách đã “vui mừng”, “cảm động”

biết bao. Cái cười đằm thắm chứa chan tình tứ của cô đã “đưa tâm hồn khách lên mấy tầng mây cao ngất của trời xanh. Vẫn xuất hiện hàng loạt các động từ: “cảm thấy”, “thấy”, “nghĩ”... đã di chuyển điểm nhìn trần thuật từ bên ngoài vào bên trong nội tâm của nhân vật: “Khách sung sướng cảm thấy mình cao quý tài ba hơn vũ trụ, bao nhiêu cảnh nguy nan trước mắt khách thấy nó vô vị nhỏ nhen”, “khách thấy tinh thần thanh sảng, bao nhiêu quãng đường gồ ghề khúc khuỷu khách cho là đã trải nhựa thẳng băng”, “tôi cảm thấy yêu cô bao nhiêu”, “Khách nghĩ: vũ trụ đối với ta là nhỏ nhen rồi... không có nghĩa gì cả...”, khách “tự hào tự đắc như đã được làm bá chủ cả không gian”. Khi cô gái xuống xe, tâm trạng của “khách” lại trở về như lúc ban ban đầu. “Khách thấy mình như bị tê liệt”, “Khách lại thấy mình nhỏ nhen như cũ. Khách chán nản không muốn đi nốt quãng đường còn dở”, “Trong trí khách luôn nghĩ đến cái vực thẳm... Khách buồn rầu...”. Rồi kết thúc câu chuyện vẫn là những

mảnh xúc cảm rất mạnh của nhân vật: là cái cảm giác dịu ngọt: “khiến cho khách khinh khoái tâm hồn” khi thấy hình ảnh cô phảng phất trong đám sương mù của chiều thu, để rồi khi tất cả tan đi “khách lại triền miên trong giấc mơ buồn tẻ” với những bâng khuâng cảm tiếc chân thành. Truyện ngắn đã thực sự đi vào thế giới nội tâm của nhân vật để rồi người đọc nhận ra rằng tình yêu có một sức mạnh diệu kì, nó có thể khiến cho con người ta vượt qua mọi nguy nan của con đường đời vốn gồ ghề, nguy hiểm.

Với Khổ tình, ngay từ khi mở đầu truyện ngắn này, người đọc đã bắt gặp con người “bên trong” của Thanh với những băn khoăn, trăn trở về cuộc sống tù đày của một tâm hồn đa cảm. Sự đối lập giữa cảnh thiên nhiên bên ngoài rộn ràng, tưng bừng, vui đẹp của vạn vật với cuộc sống bên trong tù ngục đã khiến Thanh nảy sinh nhiều suy ngẫm. Tâm trạng ấy được biểu hiện qua tiếng thở dài, qua những lời độc thoại nội tâm của chàng: “Thanh thở dài lẩm bẩm”, “Thanh tự hỏi như thế rồi tự đáp”, “Thanh càng nghĩ càng buồn rầu, càng thấy cuộc đời có lắm chỗ khó hiểu, đau đớn cho những tâm hồn đa cảm”. Trong tù, Thu - người thiếu nữ bị bắt vì tình nghi có dúng tay vào quốc sự xuất hiện đã gợi bao suy tư trong lòng chàng trai đa cảm này: “Thanh cảm thấy một sự thương xót vô cùng. Chàng bùi ngùi tưởng có thể khóc được”,

“rồi chàng nói tiếp như cần phải giải tỏa những ý nghĩ của mình ra dưới ánh sáng”, “chàng cảm thấy thương hơn...”. Và những âu yếm, những câu khuyến khích, thái độ thân mật, chàng đã bước và kéo cả thiếu nữ vào con đường tình ái. Sự đối lập giữa xó tù lạnh lẽo và thứ tình cảm êm đềm của hai người lại gieo vào lòng họ nhiều nỗi éo le dằn vặt. Tình cảnh dồn Thanh đến “xúc động đến ứa nước mắt” khi Thu được tha nhưng cô sẽ chết vì bệnh tình quá nặng, nhất là khi Thu trực tiếp thổ lộ tình cảm của mình: “Lòng em đã yêu anh từ lâu rồi. Em yêu anh lắm, yêu anh bằng cả trái tim trinh bạch, cả trái tim cô độc của một con tù”. Với Khổ tình, Lan Khai đã khai thác được những tình

cảnh đối lập và tình huống khá éo le trong chuyện tình của hai chính trị phạm Thu và Thanh để từ đó giúp người đọc có thể theo dõi những suy nghĩ, tâm tư tự bộc lộ của nhân vật. Kết cấu tâm lý cho phép nhà văn có thể tự do trong việc triển khai các thành phần của cốt truyện, đảo lộn trật tự thậm chí có những truyện chỉ chú trọng đến việc khai thác những dòng chảy nôi tâm mà cốt truyện trở nên mờ nhạt. Với sự hỗ trợ của những tình cảnh đối lập, của tình huống éo le, Lan Khai đã có thể phá đi kết cấu truyền thống của truyện để đi vào khai thác những diễn biến trong đời sống tâm lý nhân vật, vì vậy khi nghiên cứu về nghệ thuật mô tả nhân vật trong truyện ngắn đừng rừng, tác giả Nguyễn Thanh Trường đã đưa ra nhận xét: “Lan Khai đặc biệt chú ý những diễn biến phức tạp của thế giới nội tâm nhân vật. Đồng thời tác giả còn chú ý từng cá tính riêng của mỗi người”[67, tr.100]. Bạn đọc có thể thấy kiểu kết cấu tâm lý với các truyện ngắn khác của Lan Khai như: Tiếng sáo đêm thu, Đêm ấy, Bên rừng xuân, Lẩn sự đời, Giông tố, Nơi ước hẹn, Anh xẩm, Cô Bụt, Ngày qua...

Tuy nhiên, kết cấu truyện ngắn của Lan Khai không dừng lại ở ba kiểu như chúng tôi đã trình bày mà còn thấy nhiều kiểu kết cấu khác, như: kết cấu đảo ngược trật tự của thời gian và sự kiện (tiêu biểu là các truyện: Mũi tên dẹp loạn, Pàng Nh... ), kết cấu dưới hình thức thư từ, nhật kí (tiêu biểu là các truyện: Chung tình, Một nạn nhân của lãng mạn...). Nhưng chúng tôi chỉ đi sâu vào ba kiểu kết cấu chính, đó là: kết cấu đơn tuyến, kết cấu truyện lồng truyện và kết cấu theo mạch phát triển tâm lý. Bởi lẽ những tác phẩm viết theo các kiểu kết cấu này chiếm số lượng lớn trong truyện ngắn của Lan Khai, đồng thời đây chính là thế mạnh tạo nên phong cách nghệ thuật của nhà văn đàn anh thế giới sơn lâm. Không chỉ nổi trội với ba kiểu kết cấu như trên mà truyện ngắn của Lan Khai còn có sự đan xen giữa các hình thức kết cấu trong cùng một truyện ngắn. Đó là những truyện ngắn đa kết cấu. Ví dụ như

truyện ngắn: Nơi ước hẹn, Kiếp con tằm... vừa được xây dựng theo kết cấu đơn tuyến, lại vừa đan xen cả kết cấu tâm lý; hay truyện ngắn Mưu thằng Đợi, Mũi tên dẹp loạn vừa sử dụng kết cấu đơn tuyến, vừa sử dụng kết cấu truyện lồng truyện...

Như vậy, kết cấu nghệ thuật trong các truyện ngắn của Lan Khai rất sinh động và đa dạng. Dù viết theo lối cũ hay mới, cổ điển hay hiện đại thì truyện ngắn Lan Khai vẫn là một bông hoa lạ ngát hương thơm giữa núi rừng của đại ngàn kì bí.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 60 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)