Hình tượng các chàng trai miền núi

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 69 - 72)

Chương 2: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI

2.1. Một số kiểu nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai

2.1.2. Nhân vật chính diện

2.1.2.1. Hình tượng các chàng trai miền núi

Hình tượng các chàng trai miền núi đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng bạn đọc. Không phải ngẫu nhiên PGS.TS Trần Mạnh Tiến lại khẳng định: “Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam hiện đại xuất hiện hình tượng những thanh niên miền núi khỏe đẹp, dũng cảm, tài hoa, trong sáng, thủy chung, say mê lao động, yêu cái đẹp và cái thiện”[67, tr.38]. Đây là những nhân vật được tác giả xây dựng theo quan niệm thẩm mỹ của người dân miền núi. Những chàng trai như: Ma Thái Ảnh, Lô Hli, Tsi Tôđay và rất nhiều những chàng trai không có tên riêng... trong các truyện ngắn của Lan Khai hiện lên với ngoại hình khỏe khoắn, vững chãi. Như hình ảnh chàng trẻ tuổi trong Mũi tên dẹp loạn xuất hiện với ngoại hình thật khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh và đầy uy lực: “Chàng trẻ tuổi cao lớn, khỏe mạnh, đầu bịt khăn vải, mình mặc áo xanh, lưng đeo dao, chân quấn xà cạp, tay cầm chiếc nỏ cánh dâu. Chàng ngẩng nhìn, lộ ra khuôn mặt bầu bầu, da bánh mật, cặp mắt to sáng quắc dưới đôi mày rậm, mũi sư tử, miệng rộng, môi dày, điểm loáng thoáng mấy sợi râu non”[70, tr.49].

Không những được khắc họa qua vẻ đẹp ngoại hình, các chàng trai miền núi còn là những con người có những phẩm chất rất cao đẹp: thật thà, chăm chỉ, chất phác, ngay thẳng, dũng cảm, tài hoa, yêu cái đẹp, cái thiện...

Họ sống và chiến đấu cho lẽ phải, cho chính nghĩa, chống lại cái ác. Họ suy nghĩ và hành động nhất quán với nhau. Chúng ta có thể bắt gặp các chàng trai

của miền đường rừng này trong các truyện ngắn: Gò thần, Mũi tên dẹp loạn, Bên rừng xuân, Pàng Nhả, Tiền mất lực...

Mặc lời khuyên can của mọi người, nhân vật Bếp Nai trong truyện ngắn Gò thần vẫn khăng khăng phát gò thần để tra lúa. Anh ta lại còn dám cam đoan rằng: “Nếu xảy ra tai nạn gì... xin hoàn toàn chịu trách nhiệm” dù biết tục vẫn gọi cái gò đất ấy là “gò thần” và cổ lai dân tổng không người nào dám bén mảng đến đấy chém tre, ngả gỗ hay đốt phá gì cả. Mọi người bất lực trước thái độ ngang tàn của anh thế nên “dù chê trách, dù khuyên lơn, anh chàng chỉ cười nụ, ưỡn cái ngực nhà binh một cách bệ vệ ra dáng ta đây chẳng cần gì”[70, tr.83]. Ý định táo bạo ấy thể hiện bản lĩnh gan góc của chàng trai trẻ miền rừng. Đây là một phẩm chất rất đáng quý của chàng trai miền núi.

Trong Mũi tên dẹp loạn, khi tất cả mọi người đều thoái thác và định bụng hàng giặc Mèo thì: “Chàng trẻ tuổi bồn chồn, vùng dậy ra sân, những ý nghĩ bề bộn, trái ngược hẳn nhau thúc giục chàng như những tiếng trống trận, chàng ngẩng đầu nhìn trăng sao, thở dài than rằng: đánh không được, hàng không xong, ta biết làm cách nào bây giờ?... Hay là trốn? Vợ con thân thích không một người, ruộng nương thóc lúa chẳng có mấy, nếu ta khăn gói vắt vai, trốn tránh đi xa thì dễ yên thân lắm. Nhưng đối với con nghiệt phụ ấy, chẳng lẽ bọn đàn ông không ai dám nhìn mặt nó hay sao? Đi để cầu lấy cái sự sống của con chim lạc đàn, của một cái cây đứt rễ, chẳng thà ở mà tìm lấy cái chết xứng đáng với đời nam nhi”[70, tr.56]. Suy nghĩ cùng hành động diệt trừ Tiên Nhân trong hoàn cảnh đơn thương độc mã của “chàng trẻ tuổi” đã chứng tỏ chàng là một người mưu trí, quả cảm. Sống chiến đấu cho lẽ phải, cho chính nghĩa, chống lại cái ác và sự bất công luôn luôn là lẽ sống cao đẹp của chàng trai trẻ miền sơn cước này. Nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là tình cảm lớn lao mà chàng trẻ tuổi dành cho quê hương yêu dấu của mình. Ngắm nhìn làng

mạc, ruộng đồng lại càng hun đúc trong chàng sự quyết tâm tiêu diệt giặc để bảo vệ quê hương. Cái giọng điệu khẳng khái, quả quyết và tràn đầy lòng quyết tâm tiêu diệt giặc Mèo của chàng trẻ tuổi đã nói lên tất cả: “Không!

Nhất định không! Dù có phải chết đi nữa cũng cam lòng chứ không khi nào ta chịu để giống Mèo tàn phá cái cảnh đẹp này”[70, tr.51]. Thế rồi một thân một mình chàng trai quyết chí lên đường tiêu diệt bọn giặc Mèo hung ác: “Thốt tiên có tiếng dây nỏ bật giòn, mũi tên trúng ngay trước ngực Tiên Nhân. Nàng kêu rú lên, ngã quay xuống đất. Đồng thời, một chàng trẻ tuổi từ trong rừng rậm nhảy ra hét lên rằng: Chém được đầu Tiên Nhân rồi, anh em đâu, mau giết sạch lũ chó này đi... Nguyên khi bắn trúng tướng giặc rồi, chàng nhảy ra quát tháo mở vòng thế là cốt làm loạn quân thù chứ ngoài chàng ra, có ai là người dám làm cái việc không tiền tuyệt hậu ấy”[70, tr.59]. Chàng trai ấy còn là người khiêm tốn, hành động vì nghĩa, không tham danh lợi phú qúy. Khi quan đề đốc có ý khuyên chàng về với triều đình, chàng đã khiêm tốn tạ ơn mà nói rằng: “Tiểu dân xin cụ lớn tận trừ loài thảo khấu, để cho bách tính được an hưởng phúc trạch của hoàng triều, riêng phần tiểu dân, cái việc đáng làm đã xong rồi, xin cụ lớn rộng cho về nơi thảo dã, vui với dân làng là đủ”[70, tr.60].

Với truyện ngắn Bên rừng xuân, nhân vật Khâu cùng với gia đình đã để lại nhiều dấu ấn đẹp bởi tình người cao đẹp, hào hiệp, nhân từ. Bản đã được gia đình Khâu cứu khi anh cận kề cái chết; chăm sóc anh ân cần, tận tình như người thân trong gia đình. Điều ấy để lại ấn tượng sâu sắc khiến cho Bản vô cùng xúc động: “Bản không ngờ trong rừng thẳm, trong những bộ áo chàm xanh kia lại có ẩn cái tình cao thượng, những tấm lòng vị tha nhân từ và quảng đại, nó làm cho rõ rệt cái tình nghĩa của đời người”[70, tr.133].

Hay trong truyện ngắn Pàng Nh, chàng Lo Trồng bỏ qua mối thù hai họ, không quản nguy hiểm mà cứu Pàng Nhả khỏi con trăn dữ. Tsi Tôđay

chẳng ngại báo dữ đã lao vào cứu Lô Hli thoát chết. Hành động đó của họ thật đẹp, đáng trân trọng, ngợi ca.

Đi vào khám phá vẻ đẹp tâm hồn của những chàng trai miền núi, trong tình yêu, các chàng trai miền núi đều thủy chung, son sắt, cao thượng và hào hiệp. Tiền mất lực là mối tình đẹp nhưng bi thảm của Tsi Tôđay và Lô Hli.

Vốn bản tính ngay thẳng, Tôđay chẳng quản hiểm nguy mà cứu Lô Hli khỏi miệng báo. Nhưng anh lại nghèo, cái nghèo đã khiến anh không thể trở thành chú rể trong ngày cưới của Lô Hli. Mặc dù gia đình Lô Hli đã gả bán cô cho Tsi Nèng, một kẻ giàu, có thế lực trong vùng nhưng Tôđay vẫn dành trọn tình cảm cho người mình yêu. Tôđay đã cùng Lô Hli trốn vào rừng. Đến khi tình yêu của hai người bị đặt trước bờ vực thẳm bởi sự xảo trá của Tsi Nèng thì Tôđay đã cùng người yêu tự sát. Cái chết của họ thể hiện một tình yêu thủy chung cùng sự phản kháng mạnh mẽ đối với thế lực cường quyền đen tối và những cổ tục lạc hậu ở miền núi.

Nhìn chung, khi xây dựng hình tượng những chàng trai miền núi, Lan Khai chú ý khắc họa vẻ đẹp khỏe khoắn, vạm vỡ của họ. Ở họ, ta nhìn thấy một tính cách thật thà, ngay thẳng mà đầy nghĩa hiệp. Họ đại diện cho lẽ phải, sống và chiến đấu chống lại cái ác. Trong tình yêu, họ là những người chung thủy, hết lòng vì người mình yêu thương.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)