7. Dự kiến đóng góp mới
1.2.2. Một số kiểu kết cấu trong truyện ngắn Lan Khai
1.2.2.2. Kết cấu truyện lồng truyện
Kiểu kết cấu này hết sức phức tạp, có thể gọi là đa kết cấu bởi lẽ bản thân mỗi truyện cũng là một tổ chức chịu sự chi phối của một tổ chức lớn hơn bao trùm. Kết cấu này đòi hỏi nhà văn phải khéo léo xâu chuỗi những câu chuyện nhỏ thành một thể thống nhất cả về nội dung lẫn hình thức, tạo thành một chỉnh thể trọn vẹn. Các truyện này có quan hệ chế định, ràng buộc, chi phối lẫn nhau và cùng hướng về một chủ đề chung của tác phẩm. Đây là điểm mới so với kết cấu truyện truyền thống, nó tạo ra sự luân phiên điểm nhìn nghệ thuật, đồng thời tạo nên một cái nhìn đa diện về nhân vật, và đặc biệt nó cho phép nhà văn đi sâu khám phá nội tâm của nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên trước mắt bạn đọc tự nhiên và sinh động hơn. Đây là một sáng tạo đem lại sức hút cho truyện ngắn Lan Khai.
Với kết cấu truyện lồng truyện, nhà văn Lan Khai đã đem đến cho các truyện ngắn: Người lạ, Ma Thuồng luồng, Khảm Khắc, Lyđêan, Người hóa hổ, Người hóa beo... một cách trần thuật linh hoạt, sáng tạo và mới lạ. Với những truyện ngắn này, sự tham gia của người trần thuật và các yếu tố không gian, thời gian chiếm một vị trí thiết yếu trong việc cấu thành nên sự thành công của kết cấu truyện lồng truyện. Tất cả đều diễn ra trong khoảng không
gian của núi rừng đại ngàn kỳ bí, huyền ảo; vào những thời điểm đêm khuya, đêm trăng hay buổi trưa - dễ khiến con người ta sợ hãi tin vào thế giới tâm linh, cái thời điểm mà con người ta dễ xúc cảm nhất để xây dựng hình tượng và phát triển cốt truyện, làm tăng thêm cảm giác hư thực trong khoảng sáng tối đan xen khiến cho người tiếp nhận lo âu, hồi hộp, hãi hùng. Mỗi truyện ngắn thuộc loại kết cấu này đều có hai nhân vật kể chuyện. Do đó tồn tại hai khoảng không gian, thời gian khác nhau. Nhưng cái đặc sắc của Lan Khai là ông khéo léo tạo ra những tương đồng như hòa vào làm một của những khoảng không gian, thời gian, cảnh vật, con người trong hai thế giới ấy.
Khoảng không gian, thời gian thứ nhất bao trùm trong truyện ngắn Người lạ là khoảng không gian, thời gian do nhân vật “tôi” trần thuật. Đây là khoảng không gian, thời gian biết “co duỗi nhịp nhàng” vừa chân thực lại vừa uyển chuyển theo cảm xúc của người kể chuyện xưng “tôi”. Nhân vật “tôi” đã dẫn người đọc đến với thời điểm của “một đêm đông”, với không gian là “cái khuôn bếp cổ điển của những nhà mạn ngược... bên ngoài, giọt sương gieo lộp độp... gieo cái cảm giác tê tái vào lòng người”, “sương vẫn rơi nặng trên mặt đất, gió vẫn rền rĩ đầu cành cây... tự ngoài đêm tối, mấy tiếng cú kêu thảm đạm đã làm tôi hãi hùng”[70, tr.13]. Cái không gian ấy, cái thời điểm và cảnh vật lúc ấy như đồng điệu với lòng người, với câu chuyện đầy bí mật, hãi hùng của ông Hội Cảnh. Nó rút ngắn lại khoảng cách giữa hai người trần thuật, làm cho kết cấu truyện trở nên chặt chẽ, liền mạch và hấp dẫn. Không những vậy, người trần thuật xưng “tôi” còn kéo cho câu chuyện của ông Hội Cảnh trở nên gần gũi, chân thật hơn với người nghe, với thời điểm “hiện tại” mà nhân vật
“tôi” đang trần thuật. Đó chính là những khoảnh khắc ông Hội Cảnh dừng câu chuyện đang kể, nối vào đó ông lại trở thành đối tượng của sự miêu tả: “Ông già kéo mấy hơi thuốc lá, thở khói mù mịt như bao quanh mình thêm một cái màng bí mật nữa”, “Cái điếu con nạp đầy thuốc tự lúc nào đã thấy kề lên
miệng ông Hội Cảnh. Ông lấy hai ngón tay nhúp vội hòn than nhỏ để vào điếu, hít mạnh lấy hơi, nhổ nước bọt vào bếp rồi lặng yên... Trong lúc ấy, tôi nhận rõ trên mặt ông ta cái gì như dấu vết một sự kinh hoàng...”[70, tr.16].
Chính cái màng bí mật hay cái dấu vết kinh hoàng như đang sống trong câu chuyện xưa của ông Hội Cảnh, tưởng như ngắt quãng nhưng lại liền mạch và tăng độ tin cậy cho truyện ngắn của Lan Khai.
Khoảng không gian, thời gian thứ hai là khoảng không gian, thời gian được trần thuật trực tiếp từ ông Hội Cảnh. Đó là địa điểm và thời gian diễn ra cuộc gặp lạ lùng của chính ông với cô gái dị thường: “lúc ấy vào khoảng trưa một ngày mùa hè. Tôi một mình ngồi trên chòi canh giữa nương lúa”,
“khoảng đang trưa, ngồi trên chòi nhìn cảnh vật ngủ ly bì dưới ánh nắng và nghe suối đổ mơ hồ điểm thêm một đôi tiếng cúc cu của con chim cu gáy ẩn hình nào đó, tôi tưởng cái buồn không gì ví được... cái tịch mịch bao trùm, lòng tôi không khỏi rờn rợn”[70, tr.15]. Tất cả đều dồn tâm điểm cho sự xuất hiện của cô gái lạ lùng, cho những cảm xúc rất đỗi tự nhiên của ông Hội Cảnh và làm thỏa trí tò mò, hiếu kì của nhân vật tôi cũng như của độc giả.
Ông Hội Cảnh kể câu chuyện gặp người lạ; còn nhân vật “tôi” vừa là người nghe, vừa là người kể lại câu chuyện về cuộc sống, phong tục, tính cách, con người vùng mạn ngược (trong đó có ông Hội Cảnh), vừa gián tiếp trần thuật lại câu chuyện Người lạ và khéo léo sâu chuỗi, lắp ghép hai câu chuyện lại với nhau một cách lôgíc, hấp dẫn và độc đáo. Điều đó đã tạo nên những điểm nhìn nghệ thuật đa dạng, lối kể chuyện linh hoạt, sinh động, tự nhiên và đầy mới lạ. Không chỉ trong truyện ngắn Người lạ, ông Hội Cảnh còn đóng vai trò là người trần thuật trực tiếp của rất nhiều các câu chuyện lạ đường rừng khác như: Ma Thuồng luồng, Người hóa hổ... Mỗi câu chuyện ấy đều đi vào khám phá những điều huyền bí chốn sơn lâm một cách “có biệt tài” giống như nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã nói: Lan Khai “đưa người ta
vào tận rừng thẳm, dắt người ta thân mật vào các gia đình Thổ Mán, và cho người ta được thấy những tâm tính dị kỳ”. Dù mỗi câu chuyện trên là một màn bí mật riêng của chốn “non cao rừng thẳm” nhưng chúng đều được xây dựng theo mạch kết cấu truyện lồng truyện tạo nên lối trần thuật mới lạ, đa dạng hóa điểm nhìn và bộc lộ được những tâm tư sâu kín trong đời sống nội tâm của các nhân vật.
Vẫn theo kết cấu truyện lồng truyện, Lan Khai tiếp tục đưa người đọc vén bức màn bí mật chốn đường rừng bằng câu chuyện Khảm Khắc của nàng Khao. Nhân vật “tôi” kể lại câu chuyện về một đêm thu tàn lạnh ngồi vãn chuyện với nàng Khao. Còn nàng Khao lại kể về cái tiền kiếp của con chim khảm khắc đa tình. Chính tiếng hót của con chim khảm khắc đã khởi nguồn cho cả hai câu chuyện đan quyện và hòa nhập vào nhau từ lúc mở đầu cho tới hồi kết của câu chuyện. Lan Khai đã tài tình đan cài hai câu chuyện bằng một
“chất dẫn” giàu cảm xúc. Nó khiến nhân vật “tôi” lần đầu tiên nghe thấy đã phải chú ý ngay đến tiếng hót “cao mà hay” nhưng lại thật “não nùng” và thấm trong đó “cái buồn xa xôi của một cảnh cô hồn”. Còn với nàng Khao, tiếng hát đó là “bài ca đau đớn của đôi tim đã chết với tình”. Và rồi sự tích về một thiên tình sử không cùng của đôi chim khảm khắc đã được nàng khao kể lại “bằng một giọng buồn rầu và uể oải như một kẻ chán đời khi giãy bày tâm sự với người tri kỷ”. Cũng như truyện ngắn Người lạ, với kết cấu truyện lồng truyện, yếu tố người trần thuật cũng như toàn bộ yếu tố không gian, thời gian luôn chiếm một vị trí quan trọng, nhất là thời gian, không gian do nhân vật
“tôi” trần thuật lại. Trong truyện ngắn Khảm khắc, đó là “một đêm thu tàn lạnh. Bên ngoài ánh trăng khuya pha sương trắng nhuộm sự vật một vẻ mơ màng như cảnh mộng” và sự xuất hiện đặc biệt của tiếng con chim khảm khắc. Khi câu chuyện của nàng Khao kết thúc cũng là lúc có sự giao cảm mạnh mẽ của thế giới tâm linh, của sự hòa nhập giữa hai câu chuyện: “Nàng
Khao vừa kể tới đó thì bên ngoài... con khảm khắc cất lên tiếng véo von... Nó hót hay, mà buồn lạ, tiếng nhẹ như đường tơ, tiếng gắt như dòng suối, một bản đàn bi thảm giữa cảnh vô cùng tận đang hòa nhịp với đêm trường”. Kết thúc câu chuyện khảm khắc, nàng Khao lại kể tiếp câu chuyện riêng của mình, câu chuyện vẫn khởi nguồn từ tiếng chim khảm khắc. Ngay lúc mở đầu truyện, tiếng chim đã chạnh tới nỗi lòng khiến nàng Khao dưới điểm nhìn trần thuật của nhân vật “tôi” hiện lên: “như một thi sĩ chán đời”, “thở dài”, “hai mắt lừ đừ, nét mặt ngẩn ngơ như đang để tâm hồn phiêu du ở một nơi nào xa thẳm”. Để rồi khi cái thiên hận sử không cùng trong rừng khuya đóng vào, nàng Khao lại mở ra cái tâm trạng sâu kín của cõi lòng: “Ngày nay bọn gái vô duyên chúng tôi đều lấy tiếng con khảm khắc làm tiếng khóc của cõi lòng.
Thật thế đấy, những đêm như đêm nay, biết bao người tình duyên lỡ dở nghe tiếng nó mà không thể không sa giọt lệ dài”[70, tr.117]. Truyện ngắn kết thúc bằng lời trần thuật của nhân vật “tôi” về cái giọng hát rất buồn của nàng Khao:
Trang khứn nòn bố đắc Đẩy nhì tiếng khảm khắc loọng sói
(Đêm khuya mà ngủ không say Nghe chim khảm khắc nó bay gọi đàn)
Như vậy Lan Khai luôn chọn được những nhân vật kể chuyện rất tài tình; những khoảng không gian, thời gian, con người và cảnh vật biết “lồng”
vào nhau để hướng đến một chủ đề, một ý nghĩa nhất định. Người trần thuật luôn gửi tất cả hồn mình trong những bí mật chốn đường rừng qua ngoại hình, dáng điệu và nhất là những xúc cảm trong họ truyền vào tâm hồn người đọc một cách chân thật, độc đáo và đầy sức sống.
Có thể thấy, với kết cấu truyện lồng truyện, nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Lan Khai đã trở nên năng động hơn trong việc liên kết các văn
bản lại với nhau thành một thể thống nhất. Lan Khai đã lấy nhân vật trần thuật, bối cảnh không gian, thời gian làm trung tâm để tạo dựng kết cấu. Sự huyền bí, kì ảo, éo le... tự bản thân chúng đã có một sức hấp dẫn tự bên trong, lại được soi chiếu bởi nhiều điểm nhìn trần thuật, sự sâu chuỗi một cách nghệ thuật giữa các điểm nhìn và tài diễn xuất của người trần thuật đã tạo ra một sự cách tân nghệ thuật, phá vỡ lối kết cấu truyền thống. Chúng ta cũng có thể bắt gặp kiểu kết cấu truyện lồng truyện qua các truyện ngắn khác của nhà văn Lan Khai như: Ma Thuồng luồng, Lyđêan, Người hóa hổ, Người hóa beo...
Có thể thấy, nhà văn Lan Khai đã tạo ra phong cách nghệ thuật riêng khi ông vén những màn bí mật của chốn đường rừng bằng tài năng, tâm huyết của một người nghệ sĩ lớn. Có thể khẳng định và tự hào về những thành công ấy của nhà văn chốn lâm tuyền khi ông có những cách tân đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng kết cấu truyện ngắn của nền văn học Việt Nam hiện đại những năm đầu bước vào quá trình hiện đại hóa.