Chương 2: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI
2.1. Một số kiểu nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai
2.1.1. Nhân vật kỳ ảo
Trong các truyện ngắn đường rừng của Lan Khai, để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất chính là các nhân vật kỳ ảo. Nhân vật kỳ ảo đóng vai trò trung tâm trong từng câu chuyện. Sự xuất hiện của nhân vật kỳ ảo bao giờ cũng tạo ra sự đột biến trong quá trình phát triển của cốt truyện. Thực tế cho thấy mức độ đậm nhạt và sức hút của từng câu chuyện phụ thuộc rất nhiều vào sự xuất hiện của loại hình nhân vật này.
Hệ thống nhân vật kỳ ảo trong truyện ngắn Lan Khai rất phong phú và đa dạng. Nhưng dù được xây dựng dưới góc độ nào thì các nhân vật ấy đều xuất hiện với ngoại hình và hành động kỳ lạ, dị thường. Có nhân vật là ma (Người lạ), có nhân vật là thú (Con bò dưới Thủy tề), có nhân vật nửa người nửa thú hoặc từ người biến thành thú (Người hóa hổ); có nhân vật rất dị biệt, khác thường (Mũi tên dẹp loạn, Ma thuồng luồng, Con thuồng luồng nhà họ Ma )... đã hiện hình muôn màu muôn vẻ mà ta chưa từng bắt gặp trong thế
gian này. Như PGS.TS Trần Mạnh Tiến đã nhận xét về nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật kỳ ảo của Lan Khai: “với các biện pháp nghệ thuật liên tưởng và gợi tả, so sánh ví von; sử dụng các yếu tố thời gian, không gian linh hoạt, cùng hệ thống ngôn từ tạo hình biểu cảm cao, gợi nên những hình tượng hư hư thực thực; trong thực có hư, trong hư có thực để chinh phục người đọc bằng tưởng tượng tạo nên một kênh tiếp nhận mới... Sự hòa trộn khéo léo giữa cái hư và cái thực, tự nhiên với bất ngờ, bình thường với phi thường, khơi gợi tính hiếu kỳ của độc giả”[70, tr.8]. Tất cả đều mang đậm dư vị của Liêu Trai, gây ra bao nỗi bàng hoàng, sửng sốt cho người tiếp nhận. Lan Khi đã đưa người đọc rơi vào nhiều trạng thái cảm xúc của sự hồi hộp, kinh hoàng khi xuất hiện trước mắt bạn đọc một người phụ nữ đẹp một cách dị thường trong truyện ngắn Người lạ: “răng người đâu mà nhọn hoắt như răng mèo! Y phục không ra Kinh không ra Mán, chẳng phải Khách chẳng phải Nùng. Toàn thân có một mùi thơm như hoắc hương... Cô ta cất tiếng nói, líu ríu như tiếng chim... đi lơ lửng ở không trung, như người đi lên một cái thang vô hình”[70, tr.16]. Dựa vào những nét tâm lý hoang tưởng về chốn rừng thiêng nước độc trong tiềm thức nhiều người, Lan Khai đã đưa ra một nhân vật quái dị trong Ma thuồng luồng cùng với cái kết thúc bi thảm tạo nên bao nỗi lo sợ, kinh hãi. Đó là một con ma thuồng luồng “người chẳng ra người, thú chẳng ra thú, mình trần như nhộng, tóc tai không có, da dẻ nhợt nhạt như kẻ chết trôi, nhớt dề dề nhỏ xuống, chân tay ngắn ngủi chẳng tày gang. Nó ngồi vắt vẻo trên xà nhà mắt nhìn xớn xác như muốn tìm đường trốn”[70, tr.24]. Người ta rùng mình, kinh hãi, sởn tóc gáy khi thấy con quái vật “nhe bộ răng nhọn hoắt cười nhăn nhở” cưỡng hiếp vợ và giết chết đứa con của anh thầy cúng: “Trên giường, vợ bác thầy cúng nằm đờ ra như một cái xác (...) Đứa bé thì lăn khóc bên mình mẹ, hai mắt trợn ngược,... tiếng kêu đuối dần”[70, tr.24]... Và còn rất nhiều những nhân vật kỳ ảo khác, như: con thuồng luồng nhà họ Ma, con
bò dưới Thủy Tề, đôi vịt con, người hóa thành hổ, Tiên Nhân... Mỗi câu chuyện đều để lại những dư vị riêng của chốn non cao rừng thẳm, xa lạ mà gần gũi; kỳ ảo mà vẫn mang được cái mạch nguồn của cuộc sống hiện thực.
Nhân vật kỳ ảo xuất hiện ngay lập tức trở thành trung tâm trong mỗi truyện ngắn của Lan Khai. Cái mới lạ, khác thường từ ngoại hình đến hành động của các nhân vật kỳ ảo đã thực sự lôi cuốn làm thỏa trí tò mò, tính hiếu kỳ của độc giả. Để rồi ẩn đằng sau mỗi câu chuyện ấy là những bài học mang đầy giá trị nhân sinh về tình người, tình yêu, tình mẫu tử... Với cái kết thúc rất đau buồn qua các truyện ngắn: Đôi vịt con, Con bò dưới Thủy Tề, Ma thuồng luồng, Người hóa hổ... người ta nhận ra nhiều điều giá trị trong cuộc sống nhân sinh.
Nếu cô Nhình trong truyện Đôi vịt con tin tưởng tuyệt đối vào chồng cô, không dùng thuật yểm bùa thì gia đình cô sẽ có ngày đoàn tụ chứ không phải là cái chết đau lòng, thương tâm của cả ba mạng người. Nếu Ma Thái Ảnh và đám người đi săn trong truyện Con bò dưới Thủy Tề không động vào con bò thiêng dưới Thủy Tề thì dân làng sẽ không phải gánh chịu trận phong ba làm
“chìm đắm bao cuộc đời”. Và cũng như truyện Con bò dưới Thủy Tề, nếu người dân trong xóm không “cả gan giết một con bò dưới Thủy Tề lạc lên” thì vua Thủy đã không nổi giận làm sụt gò để phạt kẻ táo bạo. Nếu người chồng nghèo trong truyện ngắn Người hóa hổ biết phòng xa không để đứa con ở nhà với người mẹ có nhiều dấu hiệu sắp hóa hổ thì đứa con thơ của họ đâu phải chịu cái chết đầy xót xa, và người vợ không vì vậy mà giảm bớt tình thương với người mẹ chồng tội nghiệp... Vừa kỳ lạ, lý thú, lôi cuốn và tạo được nhiều sắc thái cảm xúc cho người tiếp nhận, Lan Khai đã xây dựng thành công các nhân vật kỳ ảo của mình và để lại những hình tượng nghệ thuật trở thành thế mạnh riêng của nhà văn đường chốn rừng tươi đẹp. Qua hình tượng các nhân vật kỳ ảo, chúng ta còn nhận thấy rằng truyện ngắn của Lan Khai luôn tuân theo những quy luật tất yếu của tư duy, tự nhiên và xã hội.
Và đặc biệt hơn, đúng như nhận xét của PGS.TS Trần Mạnh Tiến: “Các truyện ngắn kỳ ảo cho thấy, năng lực tưởng tượng độc đáo của một cây bút trong việc sử dụng các yếu tố hoang đường để tạo nên nhưng hình tượng nghệ thuật mới lạ nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của bạn đọc, góp thêm một thêm một thể tài mới cho nền văn học Việt Nam hiện đại”[67, tr.38].