Giọng điệu khẳng khái, mạnh mẽ và quyết liệt

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 106 - 109)

Chương 3: NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LAN KHAI

3.1. Giọng điệu trần thuật

3.1.3. Giọng điệu khẳng khái, mạnh mẽ và quyết liệt

Cốt truyện của Lan Khai được tạo thành từ chuỗi những hành động của nhân vật. Khảo sát các truyện ngắn của ông chúng tôi nhận thấy phần lớn các nhân vật chính diện đều có những suy nghĩ, hành động mạnh mẽ và quyết liệt.

Họ dám suy nghĩ, dám hành động vì chính nghĩa. Điều đó đã chi phối đến giọng điệu chủ đạo giúp nhà văn thể hiện đúng bản chất con người của nhân vật. Những con người dũng cảm, ý chí và khí phách hơn người đã đem đến cho truyện ngắn Lan Khai cái chất giọng hoàn toàn mới lạ: rất khẳng khái, mạnh mẽ và quyết liệt.

Trong truyện ngắn Mũi tên dẹp loạn, tình yêu quê hương làng mạc, lòng căm thù bọn giặc Mèo tàn ác đã khiến chàng trẻ tuổi quyết tâm tiêu diệt bọn chúng dù có chết cũng phải chết cho xứng đáng với một đời nam nhi:

“Những quân chó này, không giết cho hết để làm gì! Tao đây không phải là kẻ để cho chúng bay ăn hiếp được... Không! Nhất định không! Dù có phải chết nữa cũng cam lòng chứ không khi nào ta chịu để cho giống Mèo tàn phá cái cảnh đẹp này”, “chém được đầu Tiên Nhân rồi, anh em đâu, mau giết sạch lũ chó này đi!”[70, tr.59]. Đối với lũ giặc tàn ác, chàng trẻ tuổi không ngại ngần xưng “tao đây”, gọi chúng bằng những từ ngữ mạt sát, coi thường:

“quân chó”, “chúng bay”, “lũ chó”... kết hợp với những từ phủ định “không”, những cụm động từ mạnh như: “giết cho hết”, “giết sạch”... Qua chính giọng điệu khẳng khái, mạnh mẽ, quyết liệt và hành động một mình dám đối chọi

với bọn giặc Mèo có tiếng hung tàn cho thấy con người có chí khí mạnh mẽ, dũng cảm hơn người thường của chàng trẻ tuổi.

Không chỉ “chàng trẻ tuổi” trong Mũi tên dẹp loạn, truyện ngắn: Mưu thằng Đợi còn xuất hiện một em nhỏ mới mười lăm tuổi nhưng đã có cái dũng khí mạnh mẽ chẳng kém gì “chàng trẻ tuổi” trên. Từ tình yêu thương với người cha, lòng căm giận lũ giặc cờ Đen, cậu bé Đợi đã quyết tâm nhất định phải trả thù cho bố: “Tao mà có súng thì tao quyết bắn chết hết chúng mày để báo thù cho bố tao”. Nói là làm, nó “nhất định làm như thế! Đợi đứng phắt dậy. Nó hăng hái lắm, không cần gì cả. Nó phải báo thù cho bố nó bằng được nó mới nghe”. Nó lần theo con đường bọn giặc đã bắt bố nó, nó thông minh nhận ra rằng: “Chúng mày ranh lắm, nhưng tao còn khôn hơn chúng mày kia.

Cứ gọi là chui xuống đất cũng không thoát được!”. Cậu bé Đợi thông minh, hiếu thảo đã được các quan ngợi khen sau khi bọn giặc cờ Đen bị tiêu diệt sạch dưới thung lũng. Đợi đã tự mình lần theo tung tích quân giặc rồi lập thế trận rất hợp với ý của quan huyện. Từ ngôn ngữ, giọng điệu và hành động của nhân vật đều cho thấy cậu bé “sẽ trở thành một bậc anh hùng của nước Nam”

sau này như lời nhận xét của quan huyện.

Hay truyện ngắn Tiền mất lực xuất hiện cô gái Lô Hli can đảm, mạnh mẽ dám chống lại thế lực của đồng tiền, của cường quyền để ở bên người mình yêu. Khi tình yêu của hai người có nguy cơ bị chia rẽ, chính cô là người đã đưa ra quyết định chọn cái chết để hai người ở bên nhau. Bằng một giọng

“quả quyết”, cô đã nói với Tsi Tôđay “vậy hai ta cùng chết với nhau chẳng hơn ư?”. Trước mặt quân của thầy lục sự và Tsi Nèng, cô gái dõng dạc khẳng định tình yêu của mình, rằng lẽ phải sẽ chiến thắng: “Các người định bắt ta?...

Bắt sao được? Mà ta có tội gì. Ta yêu Tôđay vì Tôđay đã cứu ta khỏi chết. Tsi Nèng là đứa nào mà dám đem đồng tiền đến rẽ nhân duyên của ta?... Tsi Nèng cậy ở thần thế đồng tiền, nhưng lần này thì đồng tiền quyết phải thua!...”.

Những câu hỏi xoáy sâu vào những điều phi lý, bất công đã vạch mặt bọn người xấu xa, bất chính. Lời khẳng định: “nhưng lần này thì đồng tiền quyết phải thua” của Lô Hli đã đập tan những điều bất công trong xã hội kim tiền, đã đưa nhân vật nữ của Lan Khai mang trong mình những cá tính riêng độc đáo. Tô Đay cũng như Lô Hli, chàng kiên quyết, mạnh mẽ và cứng rắn đe dọa những kẻ có thế lực, bảo vệ Lô Hli, bảo vệ tình yêu của mình: “Đứng yên!

Đứa nào lại gần sẽ toi mạng ngay. Cứ yên mà xem đây này!”[70, tr.81]. Lời nói và hành động của đôi tình nhân diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, nhanh chóng và hành động của họ vô cùng quả quyết được thể hiện qua những lời trần thuật rất nhanh, mạnh mẽ, ngắn gọn, dứt khoát như chính cá tính của nhân vật: “Đoàng!... Lô Hli ngã vựt xuống. Dưới chòi một tiếng kêu kinh hoảng... Đoàng!... Tiếng súng thứ nhì tiếp liền ngay... Trên vũng máu đào, đôi tình nhân cố trao nhau một nụ cười trước khi nhắm mắt...”[70, tr.82].

Hay trong truyện Sóng nước Lô Giang, thật cảm động và thương xót cho người thiếu phụ vì chồng con đã phải đổi lấy mạng sống của chính mình.

Trước tình thế phải lựa chọn cho sự sống còn, người thiếu phụ “bằng một giọng van nài nhưng quả quyết” đã thuyết phục chồng: “Nhà nghe tôi. Đã đành vợ chồng mình có thể chết với nhau cùng một lúc nhưng con thơ nào có tội tình gì?”[70, tr.111]. Tình yêu thương vô hạn vì chồng con của các nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai thật cao đẹp và đáng trân trọng biết bao.

Giọng điệu khẳng khái, mạnh mẽ, quyết liệt cũng xuất hiện trong rất nhiều truyện ngắn khác, như: Người lạ, Đôi vịt con, Cái của nợ, Khóc thông reo, Khổ tình, Ngày qua... Cho dù mỗi nhân vật một cảnh ngộ riêng, nhưng có thể thấy bằng chính ngôn ngữ độc thoại, đối thoại và hành động trực tiếp của nhân vật, Lan Khai đã tạo được thứ giọng điệu riêng phù hợp với bản chất, tính cách của chính các nhân vật đó. Có thể nói đây cũng là một thế

mạnh, một thành công đặc sắc trong nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn của Lan Khai.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của lan khai (LV00929) (Trang 106 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)