Tình hình nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu Tái cơ cấu ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (LA tiến sĩ) (Trang 26 - 29)

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ ĐỀ LUẬN ÁN

1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước

Một số công trình nghiên cứu trong nước được công bố có liên quan đến tái cơ cấu và chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam dưới nhiều góc độ.

- “Hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ nay đến năm 2020”, đây là luận án tiến sĩ kinh tế do Nguyễn Xuân Minh thực hiện dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Đoàn Thị Hồng Vân và TS.Thái Đắc Liệt, hoàn thành năm 2006. Nội dung của luận án đã đánh giá toàn diện thực trạng xuất khẩu thủy sản Việt Nam giai đoạn 1990 - 2006, rút ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức và từ đó đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh hiện tại. Do luận án được thực hiện và hoàn thành năm 2006 nên các số liệu và tư liệu dùng để phân tích chủ yếu là trước 2006. Do cách tiếp cận và yêu cầu nội dung nên tác giả luận án có phân tích thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhưng chưa phân tích về tái cơ cấu ngành hàng thủy sản xuất khẩu trên cơ sở chuỗi giá trị toàn cầu. Các giải pháp mà tác giả luận án đề nghị để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản chủ yếu cho ngành thủy sản Việt Nam, tuy nhiên trong những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam liên tục phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2010 – 2020

nên cần có các giải pháp khác để phù hợp với tình hình mới. Hơn nữa, tác giả luận án cũng chưa phân tích đến tái cơ cấu trên cơ sở chuỗi giá trị và các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trên toàn cầu.

- “Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường liên minh Châu Âu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”, luận án tiến sĩ kinh tế do Lê Minh Tâm thực hiện được sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Văn Trình và PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình được hoàn thành năm 2012. Nội dung luận án đánh giá toàn cảnh thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Luận án đã phân tích rất kỹ lưỡng những điểm mạnh, yếu kém và cơ hội của ngành thủy sản Việt Nam và từ đó đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh hiện tại. Luận án đã hoàn thành vào năm 2012 do vậy đã thể hiện được số liệu mới nhất về tình hình xuất khẩu của ngành thủy sản.

Đây là điểm mạnh của luận án và cũng đưa ra được những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên luận án cũng chưa phân tích được hết những khía cạnh của ngành và chưa có các giải pháp về tái cơ cấu lại ngành hoặc xuất khẩu theo chuỗi giá trị.

- “Giải pháp vượt rào cản phi thuế đẩy mạnh xuất khẩu bền vững hàng thủy sản của Việt Nam trong điều kiện là thành viên của WTO” là đề tài cấp bộ trọng điểm do GS.TS Đỗ Đức Bình, Trường Đại học kinh tế quốc dân thực hiện năm 2009. Nội dung đề tài đề cập đến một vấn đề không mới nhưng có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam trong điều kiện là thành viên của WTO – vấn đề đáp ứng rào cản phi thuế quan trong thương mại quốc tế, giới thiệu kinh nghiệm vượt rào của một số quốc gia như: EU, Thái Lan và Trung Quốc; Phân tích tác động rào cản phi thuế quan trong xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam thời gian qua; Dự báo các rào cản mới, đồng thời đề ra những giải pháp chiến lược vượt rào hữu hiệu nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững mặt hàng thủy sản của Việt Nam và xây dựng rào cản đối với hàng thủy sản nhập khẩu vào nước ta trong thời gian tới.

- “Đề án tái cơ cầu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” là Đề án cấp Bộ, do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

thực hiện theo quyết định số 2760/QĐ - BNN - TCTS ngày 22 tháng 11 năm 2013.

Với mục tiêu của đề án là phát triển thủy sản bền vững cả về KT - XH - Môi trường.

Xây dựng ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Đề án này đã được phê duyệt và triển khai rất chi tiết cả về mục tiêu, định hướng, nội dung, giải pháp. Đề án thể hiện bức tranh toàn diện về tái cơ cấu ngành thủy sản thông qua các bước cụ thể từ mục tiêu cho đến giải pháp, từ nội dung cho đến cách tiếp cận rất hoàn chỉnh. Mặc dù đề án tái cơ cầu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã nghiên cứu rất kỹ và hoàn chỉnh nhưng vẫn còn mặt hạn chế của đề án là trong quá trình thực hiện đề án chưa thể hiện rõ sự gắn kết giữa tái cơ cấu và xuất khẩu theo chuỗi giá trị toàn cầu. Trên cơ sở kế thừa của đề án, đề tài sẽ tập trung phân tích vào điểm mới là tái cơ cấu ngành hàng thủy sản Việt Nam để xuất khẩu theo chuỗi giá trị toàn cầu, đây là điểm khác so với đề án của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- “Tham gia vào chuỗi giá trị hàng nông sản toàn cầu thông qua các công ty xuyên quốc gia (TNC) - Bài học cho Việt Nam”. Đây là đề tài cấp Bộ, Bộ Công Thương, do Viện nghiên cứu Thương Mại thực hiện, có mã số 10.12.RD/HD - KHCN năm 2012. Đề tài nghiên cứu việc tham gia vào chuỗi giá trị hàng nông sản toàn cầu thông qua các công ty xuyên quốc gia (TNC) - bài học cho Việt Nam. Mặc dù nghiên cứu về hàng nông sản nhưng nội dung và thông tin cung cấp trong đề tài có liên quan đến ngành hàng thủy sản. Do vậy, việc nghiên cứu đó rất có ý nghĩa với việc nghiên cứu của đề tài.

- “Một số vấn đề lý luận về phân tích chuỗi giá trị thủy sản” đăng trên tạp chí Khoa học và phát triển, 2013, tập 11, số: 125 – 132 của các tác giả Nguyễn Thị Thúy Vinh, Trần Hữu Cường, Dương Văn Hiếu. Bài viết khái quát tình hình nghiên cứu về chuỗi giá trị trên thế giới và Việt Nam, thảo luận các quan điểm về chuỗi giá trị thủy sản, phân tích chuỗi giá trị thủy sản bao gồm các khái niệm, bộ phận, tác nhân của chuỗi giá trị thủy sản. Bài viết thể hiện một số mô hình và phương pháp phân tích đánh giá kết quả chuỗi giá trị thường được áp dụng để phân tích chuỗi giá trị thủy sản.

- Đề tài “Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu của hàng nông nghiệp Việt Nam” của PGS.TS Phan Huy Đường (2012) nghiên cứu vai

trò then chốt của các công ty xuyên quốc gia trong chuỗi giá trị hàng nông sản toàn cầu và một số công đoạn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có lợi thế so sánh, phù hợp tiềm lực, kỹ năng và kinh nghiệp cạnh tranh của từng doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi giá trị của công ty xuyên quốc gia, nhằm tạo lập chỗ đứng trên thị trường thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa và sự bành trướng ngày càng lớn của các công ty xuyên quốc gia và công ty đa quốc gia.

Tại Việt Nam, còn có một số bài báo, bài viết đề cập đến tái cơ cấu ngành hàng thủy sản như: “Tái cơ cấu doanh nhiệp thủy sản” của PGS TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep). Bài báo đề cập đến một số định hướng tái cơ cấu các doanh nghiệp trong ngành thủy sản nhằm đáp ứng bối cảnh mới của nền kinh tế Việt Nam.

Ngày 26/12/2015 tại Tp Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2015”, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát đã cho thấy bức tranh của ngành thủy sản năm 2015 vẫn bị sụt giảm cả về giá cũng như tỷ trọng xuất khẩu và cũng đưa ra nguyên nhân chính trong việc trong việc sụt giảm như vậy. Qua bài tồng kết của ngành thủy sản 2015 cho thấy, việc tái cơ cấu lại ngành để tham gia vào chuỗi giá trị là rất cần thiết.

Một phần của tài liệu Tái cơ cấu ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (LA tiến sĩ) (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)