Cơ sở lý luận về tái cơ cấu ngành hàng thủy sản

Một phần của tài liệu Tái cơ cấu ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (LA tiến sĩ) (Trang 44 - 47)

Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TÁI CƠ CẤU NGÀNH HÀNG THỦY SẢN XUẤT KHẨU VIỆT NAM ĐỂ THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU

2.2. Cơ sở lý luận về tái cơ cấu ngành hàng thủy sản

2.2.1. Khái niệm thuỷ sản, xuất khẩu thuỷ sản, tái cơ cấu và tái cơ câu ngành hàng thủy sản

2.2.1.1. Khái niệm về thuỷ sản và xuất khẩu thuỷ sản

Thủy sản là một thuật ngữ chỉ chung về những nguồn lợi, sản vật đem lại cho con người từ môi trường nước và được con người khai thác, nuôi trồng, thu hoạch sử dụng làm thực phẩm, nguyên liệu hoặc bày bán trên thị trường. Trong các loại thủy sản, thông dụng nhất là hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và khai thác các loại cá như cá trích, cá tuyết, cá cơm, cá ngừ, cá bơn, cá đối, tôm, cá hồi, hàu, sò điệp... có năng suất khai thác cao. Khái niệm về ngành thủy sản có liên quan đến việc đánh bắt cá tự nhiên hoặc thông qua việc nuôi cá. Nuôi trồng thủy sản đã trực tiếp hoặc gián tiếp tác động lớn đến đời sống của hơn 500 triệu người ở các nước đang phát triển.

Hoạt động thủy sản là việc tiến hành khai thác, nuôi trồng, vận chuyển thủy sản khai thác; bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; dịch vụ trong hoạt động thủy sản, điều tra, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Khai thác thủy sản là việc khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác. Đánh bắt quá mức, bao gồm cả việc lấy cá vượt quá mức bền vững, giảm trữ lượng cá và việc làm ở nhiều vùng trên thế giới.

Khái niệm xuất khẩu thủy sản nghĩa là trong quá trình mua bán, trao đổi giữa hai quốc gia, hai vùng lãnh thổ khác nhau, hai chủ thể kinh tế ở hai quốc gia khác nhau, thủy sản là đối tượng của hoạt động này, quá trình này. Điều đó có nghĩa là hàng hóa trong quá trình xuất khẩu là thủy sản.

2.2.1.2. Khái niệm tái cơ cấu và tái cơ cấu ngành hàng thuỷ sản xuất khẩu Khái niệm “tái cơ cấu ngành hàng thủy sản xuất khẩu” gắn với một số vấn đề có liên quan như cơ cấu kinh tế, cơ cấu kinh tế hợp lý, cơ cấu ngành và cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cơ cấu nền kinh tế là sự phân chia nền kinh tế thành những thành phần kinh tế khác nhau, trong đó tổng thể các bộ phận kinh tế thành phần là một thể hoàn chỉnh của cả nền kinh tế. Việc xác định tỷ trọng của các bộ phận kinh tế thành phần theo một đơn vị tính nhất định, tùy theo yêu cầu quản lý và mục đích nghiên cứu sẽ xác định được cơ cấu của nền kinh tế.

Từ khái niệm về cơ cấu nền kinh tế cho thấy, cơ cấu ngành kinh tế là một biểu hiện của cơ cấu nền kinh tế xác định theo các nhóm ngành chủ đạo. Những ngành sản xuất này tương đối độc lập với nhau, dựa trên những đối tượng và sản phẩm sản xuất khác nhau để phân loại được rõ ràng (Dương Ngọc Quang, 2014). Trong đó, theo các nhóm ngành chính hiện nay, cơ cấu ngành kinh tế bao gồm: Cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp; ngành công nghiệp và xây dựng; ngành thương mại và dịch vụ.

Cơ cấu kinh tế hợp lý là cơ cấu hình thành trên cơ sở khai thác, tận dụng tốt các ngành có lợi thế của nền kinh tế (Bùi Quang Vinh, 2013).

Cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong ba bộ phận lớn nằm trong cơ cấu ngành kinh tế, bằng cách phân chia ngành nông nghiệp thành các tiểu ngành nhỏ như: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp. Cơ cấu ngành nông nghiệp được cấu thành bởi chính cơ cấu của các tiểu ngành tương ứng như trên và nằm trong nội bộ của ngành nông nghiệp. Như vậy, cơ cấu ngành hàng thủy sản là một phân ngành trong ngành nông nghiệp.

Theo Michael Hammer và James A. Champy, tái cơ cấu là việc xem xét và cấu trúc lại một phần, một số phần hay toàn bộ một tổ chức, một đơn vị nào đó, mà thường là một công ty.

Theo Dương Ngọc Anh (2014), tái cơ cấu là sự thay đổi chiến lược, mục tiêu, tầm nhìn của một hệ thống hoặc là sự cơ cấu lại hệ thống bao gồm các hoạt động như sắp xếp lại, chuyển đổi hình thức hoạt động, xác định lại mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn và giá trị cốt lõi và chuẩn mực của tổ chức hay doanh nghiệp.

Đối với khái niệm tái cơ cấu ngành kinh tế, từ góc độ về việc sử dụng các nguồn lực, tái cơ cấu kinh tế được hiểu là quá trình phân bổ lại nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường, qua đó, nguồn lực xã hội sẽ được phân bổ lại hợp lý hơn, được sử dụng có hiệu quả hơn (Nguyễn Đình Cung, 2013).

Đối với khái niệm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo quyết định 899/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đề án đưa ra quan điểm rõ ràng: Tái cơ cấu nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân. Do đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và tái cơ cấu ngành hàng thủy sản nói riêng có quan điểm nhất quán với tái cơ cấu nền kinh tế.

Từ các quan điểm, nhận định và một số công trình nghiên cứu cho thấy, có thể hiểu: Tái cơ cấu ngành hàng thủy sản xuất khẩu là một hợp phần của tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có sự đổi mới căn bản và toàn diện về chiến lược, mục tiêu, tầm nhìn của ngành. Thông qua các tác động của chính sách đối với cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, lao động, khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, xúc tiền thương mại đối với ngành thủy sản xuất khẩu nhằm sử dụng các nguồn lực hợp lý và hiệu quả hơn nữa, từ đó giúp điều chỉnh cơ cấu của ngành hàng thủy sản từ chưa hợp lý, kém hiệu quả thành cơ cấu có hợp lý và hiệu quả hơn, phù hợp với tín hiệu thị trường.

2.2.2. Ý nghĩa của tái cơ cấu ngành hàng thủy sản

Đối với nền kinh tế, tái cơ cấu ngành hàng thủy sản là một bộ phận của tái cơ cấu nền kinh tế, do vậy việc tái cơ cấu thành công góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển, góp phần phân bổ nguồn lực hiệu quả và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, tái cơ cấu theo hướng tích cực góp phần gia tăng thu nhập quốc dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Đối với ngành nông nghiệp, tái cơ cấu ngành hàng thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung góp phần thúc đẩy phát triển ngành theo hướng bền vững hơn, cân đối hài hòa giữa các bên tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, cân đối giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Thông qua đẩy mạnh khoa học, công nghệ và kỹ thuật vào quản lý và sản xuất, tái cơ cấu ngành góp phần hiện đại hóa

ngành nông nghiệp theo hướng quản lý và sản xuất tiên tiến. Bên cạnh đó, tái cơ cấu giúp nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành thủy sản.

Đối với các doanh nghiệp có liên quan trong xuất khẩu thủy sản, việc sắp xếp, tổ chức lại lao động, hệ thống sản xuất, hệ thống tài chính, hệ thống phân phối và thị trường tiêu thụ… Sự sắp xếp, thay đổi một cách toàn diện, theo quy trình chuẩn sẽ tạo cho doanh nghiệp có khả năng để thực hiện những công việc của mình một cách hiệu quả và bền vững, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Đối với người dân, việc tái cơ cấu ngành thủy sản thành công giúp nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cộng đồng ngư dân ven biển, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cả trước mắt và lâu dài, giảm tỷ lệ đói nghèo.

Đối với chính phủ, việc tái cơ cấu ngành thủy sản thành công giúp nâng cao năng lực quản lý tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; chủ động quản lý rủi ro, phòng chống thiên tại, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Một phần của tài liệu Tái cơ cấu ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (LA tiến sĩ) (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)