Lý thuyết về chuỗi giá trị

Một phần của tài liệu Tái cơ cấu ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (LA tiến sĩ) (Trang 33 - 40)

Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TÁI CƠ CẤU NGÀNH HÀNG THỦY SẢN XUẤT KHẨU VIỆT NAM ĐỂ THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU

2.1. Lý thuyết chuỗi giá trị và chuỗi giá trị ngành thủy sản xuất khẩu

2.1.1. Lý thuyết về chuỗi giá trị

Theo Michael Porter (1985), công cụ quan trọng của doanh nghiệp để tạo ra giá trị lớn hơn cho khách hàng chính là chuỗi giá trị. Theo đó, chuỗi giá trị là một chuỗi các hoạt động. Các sản phẩm trải qua tất cả các hoạt động của chuỗi theo một thứ tự và tại mỗi hoạt động thì sản phẩm đó gia tăng thêm một số giá trị. Chuỗi các hoạt động cung cấp cho các sản phẩm giá trị gia tăng nhiều hơn so với số tiền được thêm vào các giá trị của tất cả các hoạt động đó. Một viên kim cương sau khi được gọt dũa với một chi phí nào đó sẽ có giá trị gấp nhiều lần so với viên kim cương đó lúc còn nguyên thủy. Đây là một sự khác biệt cơ bản về giá trị của viên kim cương sau khi nó đã trải qua một chuỗi các hoạt động gọt dũa. Về thực chất, đây là một tập hợp các hoạt động nhằm thiết kế, sản xuất, bán hàng, giao hàng và hỗ trợ sản phẩm của doanh nghiệp.

Chuỗi giá trị bao gồm 09 hoạt động tương ứng về chiến lược tạo ra giá trị cho khách hàng, trong đó, chia ra 5 hoạt động cơ bản (cung ứng đầu vào, quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, marketing - bán hàng và dịch vụ) và 4 hoạt động hỗ trợ (quản trị tổng quát, quản trị nhân sự, phát triển công nghệ và hoạt động thu mua).

Năm 1988, Durufle và cộng sự đã áp dụng phương pháp filiére (chuỗi, mạch) nghiên cứu đánh giá chuỗi về mặt kinh tế, tài chính. Gereffi và Korzenniewicz (1994), Kaplinsky và Morris (2001) đã đưa ra phương pháp tiếp cận toàn cầu về chuỗi giá trị. Một nghiên cứu gần đây, nghiên cứu của Gudmundsson & cs. (2006) đã nghiên cứu “Phân bổ thu nhập trong chuỗi giá trị hải sản” ở bốn nước Iceland, Tanzania, Moroccan, Đan Mạch đại diện bốn loại thủy sản khác nhau cho các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu dựa trên khái niệm chuỗi giá trị của Kaplinsky, đã mô tả chuỗi giá trị cho các sản phẩm thủy sản được chọn của từng nước (cá tuyết ở Iceland, cá rô ở Tanzania, cá cơm Moroccan, cá trích ở Đan Mạch) và chi phí, giá trị gia tăng mỗi

phân đoạn trong chuỗi giá trị được tính toán. Tiếp đó, xem xét trong toàn bộ chuỗi giá trị hải sản xuất khẩu, nước xuất khẩu kiểm soát bao nhiêu phần trăm và sự phân phối thu nhập được phân bổ như thế nào. Cuối cùng, so sánh chéo giữ̃a các chuỗi GTTS của các quốc gia.

Đối với Việt Nam, kể từ năm 2000 các nghiên cứu về phân tích chuỗi giá trị nói chung được chú ý, đặc biệt những năm qua đã xuất hiện một số nghiên cứu về chuỗi GTTS như các dự án “Phát triển chuỗi giá trị cá da trơn tại An Giang”, dự án:

“Phân tích chuỗi giá trị cá tra đồng bằng sông Cửu Long”, là công trình nghiên cứu nằm trong “dự án phân tích chuỗi giá trị cá vùng Mê Kông” với sự tài trợ của nước ngoài, nhằm đánh giá thực trạng sản xuất kinh doanh và chính sách can thiệp để đảm bảo phát triển bền vững. Nghiên cứu đã đánh giá lợi nhuận và chuỗi thu nhập phân bổ chưa hợp lý giữa các tác nhân trong chuỗi, chủ yếu tập trung vào công ty chế biến. Nghiên cứu đã chỉ ra tỷ trọng lợi nhuận và thu nhập mất cân đối giữa các tác nhân trong chuỗi như trên cho thấy tính kém bền vững trong chuỗi. Có thể nói, cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào đi sâu nghiên cứu phân tích đầy đủ một chuỗi giá trị nói chung và chuỗi giá trị thủy sản nói riêng. Đặc biệt để phát triển bền vững, chuỗi giá trị thủy sản cần được nhìn nhận một cách toàn diện để hướng tới nâng cao kết quả, hiệu quả không những của từng tác nhân tham gia mà còn cả toàn bộ chuỗi GTTS. Hơn nữa, cần có các nghiên cứu sâu hơn tới tính công bằng trong việc tiếp nhận thông tin, chia sẻ chi phí, lợi ích dựa trên đóng góp từng tác nhân trên chuỗi; về mặt quản trị chuỗi cần thiết đánh giá tính linh hoạt, khả năng đáp ứng và chất lượng sản phẩm được tạo ra từ chuỗi GTTS.

Tiếp đó, Kaplinsky và Morris (2006) mở rộng khái niệm và cho rằng: chuỗi giá trị là nói đến một loạt những hoạt động cần thiết để biến một sản phẩm (hoặc một dịch vụ) từ lúc còn là ý tưởng, thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau, đến khi phân phối tới người tiêu dùng cuối cùng và loại bỏ sau khi đã sử dụng.

Một khái niệm liên quan tới chuỗi giá trị là chuỗi cung ứng (supply chain) xuất hiện từ những năm 60 của thế kỉ XX. Chuỗi cung ứng là sự liên kết các công ty nhằm đưa sản phẩm hay dịch vụ vào thị trường (Lambert và Cooper, 2000). Như vậy, chuỗi cung ứng bao gồm mọi công đoạn có liên quan trực tiếp hay gián tiếp

đến việc đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chuỗi cung ứng là một mạng lưới các lựa chọn sản xuất và phân phối nhằm thực hiện các chức năng thu mua nguyên liệu, chuyển đổi nguyên liệu thành bán sản phẩm và thành phẩm, phân phối chúng cho khách hàng (Ganeshan và Terry, 1995). Chuỗi cung ứng không chỉ gồm nhà sản xuất hay nhà cung cấp, mà còn nhà vận chuyển, kho, người bán lẻ và bản thân khách hàng (Chopra và Peter, 2001).

Chuỗi giá trị thủy sản (GTTS) Áp dụng lý thuyết chuỗi giá trị vào trong ngành thủy sản, có thể hiểu chuỗi GTTS là tập hợp các hoạt động từ người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng gồm các tác nhân sau: (i) Người sản xuất (người nuôi trồng thủy sản; người đánh bắt thủy sản); (ii) Người chế biến; (iii) Người tiêu thụ. Đây là những tác nhân trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị. Quan hệ của các tác nhân này dựa trên dòng thông tin, dòng hàng hóa (dịch vụ) và dòng tiền trên chuỗi. Sự vận động của chuỗi giá trị còn chịu tác động bởi các tác nhân và yếu tố bên ngoài chuỗi như hệ thống cung ứng, hoạt động marketing, hệ thống luật pháp, cung cầu hàng hóa.

Cách tiếp cận theo phương pháp “filière” – Phân tích ngành hàng – Commodity Chain Analysis có các đặc điểm chính là:

1) Tập trung vào những vấn đề của các mối quan hệ định lượng và vật chất trong chuỗi

2) Sơ đồ hóa các dòng chảy của hàng hóa vật chất 3) Sơ đồ hóa các quan hệ chuyển dạng sản phẩm.

Trong phân tích, phương pháp phân tích ngành hàng có hai đường lối phân tích chính. Đường lối thứ nhất tập trung vào đánh giá kinh tế và tài chính, mà chủ yếu là tập trung vào phân tích việc tạo ra thu nhập và phân phối thu nhập trong ngành hàng, tách chi phí và thu nhập giữa các thành phần thương mại địa phương và quốc tế và phân tích vai trò của ngành hàng đối với nền kinh tế quốc gia và sự đóng góp của nó vào GDP. Đường lối thứ hai tập trung vào phân tích chiến lược, đánh giá sự ảnh hưởng lẫn nhau của các mục tiêu, sự ràng buộc và kết quả của từng tác nhân tham gia ngành hàng; xây dựng các chiến lược cá nhân và tập thể.

Chuỗi giá trị theo nghĩa rộng là một phức hợp những hoạt động do nhiều người tham gia khác nhau thực hiện (người sản xuất sơ cấp, người chế biến, thương

nhân, người cung cấp dịch vụ v.v...) để biến nguyên liệu thô thành thành phẩm được bán lẻ. Chuỗi giá trị theo nghĩa rộng bắt đầu từ hệ thống sản xuất nguyên vật liệu và chuyển dịch theo các mối liên kết với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, lắp ráp, chế biến,... Chuỗi giá trị bao gồm các chức năng trực tiếp như sản xuất hàng hóa cơ bản, thu gom, chế biến, bán sỉ, bán lẻ, cũng như các chức năng hỗ trợ như cung cấp vật tư nguyên liệu đầu vào, dịch vụ tài chính, đóng gói và tiếp thị. Khái niệm chuỗi giá trị bao gồm cả các vấn đề về tổ chức và điều phối, chiến lược và mối quan hệ quyền lực của các tác nhân khác nhau trong chuỗi. Chuỗi giá trị còn gắn liền với các khía cạnh xã hội và môi trường. Việc thiết lập (hoặc sự hình thành) các chuỗi giá trị có thể gây sức ép đến nguồn tài nguyên thiên nhiên (như nước, đất đai), có thể làm thoái hóa đất, mất đa dạng sinh học hoặc gây ô nhiễm, đồng thời sự phát triển của chuỗi giá trị có thể ảnh hưởng đến các mối ràng buộc xã hội và tiêu chuẩn truyền thống.

Luận án này sẽ sử dụng lý thuyết và mô hình chuỗi giá trị của Michael Porter để phân tích. Mô hình chuỗi giá trị được sử dụng để xác định một cách có hệ thống các thế mạnh và điểm yếu của các doanh nghiệp. Thông qua việc đánh giá những thế mạnh và điểm yếu đó mà các nhà quản lý có thể hiểu sâu hơn về khả năng của doanh nghiệp. Mô hình được xây dựng dựa trên cơ sở giả định rằng mục tiêu kinh tế cơ bản của doanh nghiệp là tạo ra giá trị. Lượng giá trị ở đây được tính bằng tổng doanh thu của doanh nghiệp. Theo cách phân tích Chuỗi giá trị, các hoạt động khác nhau của doanh nghiệp có tác dụng làm tăng thêm giá trị. Khi các doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh thì thì họ phải tiến hành một loạt các hoạt động, từ hậu cần đầu vào, sản xuất, hậu cần đầu ra, bán hàng, dịch vụ khách hàng cho đến các hoạt động hỗ trợ sản phẩm. Mỗi hoạt động trong số đó có thể làm tăng giá trị của sản phẩm hay dịch vụ. Các hoạt động tạo ra giá trị cho khách hàng, mang lại doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, được phân thành hai loại hoạt động đó là hoạt động hỗ trợ và các hoạt động cơ sở. Các hoạt động hỗ trợ bổ sung cho các hoạt động cơ sở và tự hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra giá trị cho khách hàng một cách gián tiếp được thể hiện ở phần trên Hình 2.1. Các hoạt động cơ sở là những hoạt động mang tính vật chất nhằm tạo ra sản phẩm, bán sản phẩm và dịch vụ sau bán hàng.

Các hoạt động cơ sở được chia thành năm loại tổng quát nối tiếp nhau và trực tiếp tạo ra giá trị cho khách hàng được thể hiện ở phần dưới Hình 2.1.

Mô hình chuỗi giá trị do Michael Porter đề xuất (Hình 2.1) cho thấy tất cả các hoạt động hỗ trợ có thể kết hợp với các hoạt động cơ sở một cách riêng biệt cũng như hỗ trợ cho toàn bộ chuỗi1.

Hình 2.1: Mô hình chuỗi giá trị

(Nguồn: Chiến lược kinh doanh, Michael E. Porter (1990) 2.1.1.1. Các hoạt động cơ sở

Hoạt động cơ sở bao gồm các hoạt động diễn ra theo thứ tự nối tiếp nhau và tạo ra giá trị cho khách hàng. Nhóm hoạt động này liên quan trực tiếp đến việc tạo ra giá trị cho sản phẩm. Có 05 hoạt động cơ sở là: Hoạt động hậu cần đầu vào, các hoạt động sản xuất, các hoạt động hậu cần đầu ra, hoạt động marketing và bán hàng, hoạt động dịch vụ khách hàng.

- Hậu cần đầu vào

Các hoạt động đầu vào gắn liền với các hoạt động nhận, tồn trữ và quản lý các yếu tố đầu vào như quản lý vật tư, tồn trữ, kiểm soát tồn kho, kế hoạch vận chuyển, trả lại hàng cho nhà cung cấp. Những hoàn thiện trong bất cứ hoạt động nào trong các hoạt động này đều dẫn tới giảm chi phí và tăng năng suất. Các hoạt động hậu cần đầu vào rất quan trọng, nó được thể hiện ở mức độ chắc chắn và ổn định của việc cung cấp nguồn nguyên liệu và hệ thống kiểm soát dự trữ. Ví dụ: đối với trường đại học đó là việc thực hiện công tác tuyển sinh nhằm đảm bảo yêu cầu của việc đào tạo, đối với nhà máy đó là việc nhận, cung ứng vật tư, nguyên liệu cho quá

1 Michael E. Porter (1990), Competitive Advantage – Creating and Sustaining Sustaining Superior Performance, The Free Press, A Division of Simon & Schuster Inc., New York.

trình sản xuất. Có thể nói hoạt động hậu cần đầu vào của doanh nghiệp tốt hay không sẽ quyết định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp

- Các hoạt động chế biến thủy sản

Các hoạt động sản xuất liên quan các tiến trình chế tạo, biến đổi các yếu tố đầu vào thành sản phẩm, dịch vụ cuối cùng phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hoạt động này của doanh nghiệp được thể hiện ở việc so sánh năng suất của thiết bị với năng suất của các đối thủ cạnh tranh chủ yếu, mức độ tự động hoá của các quá trình sản xuất, hiệu quả của hệ thống điều hành sản xuất trong việc nâng cao chiến lược sản phẩm và giảm giá thành, hiệu quả của mặt bằng sản xuất và bố trí nơi làm việc.

- Hoạt động hậu cần đầu ra

Khi thành phẩm được tạo ra, chúng cần được đưa tới khách hàng của công ty. Các hoạt động này là các hoạt động đầu ra, bao gồm những hoạt động như: tồn trữ, quản lý hàng hóa, vận hành các hoạt động phân phối và xử lý các đơn đặt hàng.

Việc hoàn thiện những hoạt động này luôn dẫn tới hiệu suất cao hơn và mức độ phục vụ tốt hơn đối với khách hàng của công ty.

- Hoạt động marketing và bán hàng

Các hoạt động Marketing và bán hàng bao gồm các hoạt động nghiên cứu thị trường để xác định khối khách hàng và nhu cầu, hoạt động xúc tiến và quảng cáo sản phẩm, hoạt động đánh giá các kênh phân phối, khả năng của đội ngũ bán hàng, việc phát triển thương hiệu cũng như uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, đánh giá mức độ trung thành của khách hàng và mức độ chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp là lớn hay nhỏ.

- Hoạt động dịch vụ khách hàng

Hoạt động dịch vụ khách hàng bao gồm các hoạt động thoả mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng như: đổi mới sản phẩm, tính kịp thời của việc giải quyết các khiếu nại của khách hàng, các chính sách bảo hành và bảo hiểm, chất lượng các hoạt động tư vấn hướng dẫn cho khách hàng, khả năng cung cấp các bộ phận thay thế hay dịch vụ sửa chữa...

2.1.1.2. Các hoạt động hỗ trợ

Ngoài các hoạt động cơ sở gắn trực tiếp với các sản phẩm và dịch vụ, trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp còn có các hoạt động tác động một cách gián tiếp đến

các sản phẩm và dịch vụ được gọi là các hoạt động hỗ trợ. Nhờ các hoạt động này mà các hoạt động cơ sở được thực hiện một cách tốt hơn. Tùy theo đặc điểm hoạt động của từng công ty, tùy theo thành phần của các hoạt động cơ sở trong dây chuyền giá trị mà cấu trúc của các hoạt động hỗ trợ có thể được xác định một cách linh hoạt. Tuy nhiên, dạng chung nhất của hoạt động hỗ trợ bao gồm các hoạt động: quản trị nguồn nhân lực, phát triển công nghệ, thu mua và cấu trúc hạ tầng của công ty.

- Hoạt động quản trị nguồn nhân lực

Hoạt động quản trị nguồn nhân lực là tất cả những hoạt động liên quan đến con người, bao gồm hoạt động tuyển dụng, đào tạo và đề bạt, hệ thống tiền lương, môi trường làm việc, hoạt động của tổ chức công đoàn, việc khuyến khích công nhân và mức độ thoả mãn với công việc...

- Hoạt động phát triển công nghệ

Công nghệ gắn liền với tất cả các hoạt động tạo ra giá trị trong một tổ chức, nó ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động rộng lớn từ việc phát triển sản phẩm tới việc nhận đơn hàng, phân phối sản phẩm và dịch vụ tới khách hàng. Điều này có nghĩa là sự phát triển công nghệ vượt ra ngoài khái niệm phát triển và nghiên cứu truyền thống. Nói cách khác, phát triển công nghệ mở rộng xa hơn những công nghệ chỉ được áp dụng cho 1 mình sản phẩm. Việc phát triển công nghệ được thực hiện thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển, mối quan hệ trong công tác giữa các nhân viên nghiên cứu và phát triển các bộ phận khác, chất lượng của phòng thí nghiệm và các phương tiện nghiên cứu, trình độ và kinh nghiệm của thợ kỹ thuật và các nhà khoa học, các chính sách khuyến khích tạo và đổi mới.

Tuy nhiên, đầu tư vào công nghệ cũng là một nguồn rủi ro cho các hoạt động kinh doanh liên quan tới nhiều nhân tố như sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, sự bắt chước một cách nhanh chóng của đối thủ cạnh tranh và sự thay đổi liên tục của công nghệ.

- Hoạt động cơ sở nguồn nguyên liệu

Hoạt động tạo lập nguồn nguyên liệu phải thường xuyên với chi phí thấp nhất có thể và có chất lượng đảm bảo. Phải tạo mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp nguồn nguyên liệu đáng tin cậy. Hoạt động tạo lập cơ sở nguồn nguyên liệu đóng góp rất nhiều vào chất lượng sản phẩm cuối cùng, mang lại giá trị cho khách hàng.

Một phần của tài liệu Tái cơ cấu ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (LA tiến sĩ) (Trang 33 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)