Cơ cấu theo phương thức xuất khẩu thuỷ sản

Một phần của tài liệu Tái cơ cấu ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (LA tiến sĩ) (Trang 77 - 82)

Chương 3: THỰC TRẠNG TÁI CƠ CẤU NGÀNH HÀNG THỦY SẢN XUẤT KHẨU VIỆT NAM ĐỂ THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU TRONG THỜI GIAN QUA

3.2. Thực trạng Cơ cấu hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam

3.2.4. Cơ cấu theo phương thức xuất khẩu thuỷ sản

Do ngành hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu hầu như chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ năng lực để chiếm những vị trí then chốt trong chuỗi cung ứng thủy sản nên hoạt động chủ yếu vẫn là xuất khẩu thủy sản thô và sơ chế. Phương thức xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp thuộc ngành thủy sản Việt Nam là xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu qua các công ty trung gian.

Xuất khẩu trực tiếp: Đây là hình thức xuất khẩu mà trong đó công ty kinh doanh quốc tế trực tiếp bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài thông qua các bộ phận xuất khẩu của mình, ví dụ công ty cổ phần Thủy sản Cà Mau (Seaprimexco – Vietnam) là một trong những công ty được phép xuất khẩu thủy sản trực tiếp ra nước ngoài. Công ty này hiện nay xuất khẩu trực tiếp sang nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật, EU, Úc,… với kim ngạch xuất khẩu trên 50 triệu USD hàng

năm. Xuất khẩu trực tiếp thường đòi hỏi chi phí cao và nguồn lực lớn để phát triển thị trường. Công ty xuất khẩu phải chịu rủi ro cao, vốn đầu tư lớn, tốc độ chu chuyển vốn chậm. Tuy nhiên hình thức này sẽ mang đến cho công ty những lợi ích quan trọng như: kiểm soát được sản phẩm, giá cả, hệ thống phân phối ở thị trường nước ngoài; nắm bắt được sự thay đổi nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, các yếu tố môi trường để đưa các hoạt động xuất khẩu của công ty thích ứng với thị trường nước ngoài,... chính vì thế mà nỗ lực bán hàng và xuất khẩu của công ty đạt kết quả tốt hơn. Phương thức xuất khẩu trực tiếp chỉ phù hợp áp dụng với những công ty có quy mô lớn, đủ yếu tố về nguồn lực như nhân sự, tài chính và quy mô xuất khẩu lớn. Hiện nay, hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu là xuất khẩu trực tiếp.

Cách thức xuất khẩu trực tiếp là các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu theo các qui định của nước nhập khẩu sẽ tự tìm đối tác và ký hợp đồng xuất khẩu. Hầu hết các hợp đồng đều xuất khẩu theo điều kiện FOB cảng việt nam nhưng được kiểm hàng ở cảng đến. Nếu hàng thủy sản đến cảng đến của nước nhập khẩu nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy theo đúng qui định của luật pháp nước nhập khẩu.

Xuất khẩu gián tiếp (hay ủy thác): Đây là hình thức xuất khẩu mà doanh nghiệp xuất khẩu không trực tiếp đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện hợp đồng xuất khẩu mà ủy thác cho bên trung gian tiến hành xuất khẩu. Trung gian có thể là công ty quản lý xuất khẩu, nhà ủy thác xuất khẩu, nhà môi giới xuất khẩu hay hãng buôn xuất khẩu,… Phương thức xuất khẩu ủy thác được áp dụng khi doanh nghiệp chưa có đủ thông tin cần thiết về thị trường nước ngoài như nhu cầu cụ thể về một mặt hàng thủy sản nhất định, tập quán và thị hiếu của người tiêu dùng, người cạnh tranh; hoặc doanh nghiệp lần đầu tiếp cận, thâm nhập thị trường; hoặc quy mô kinh doanh còn nhỏ; các nguồn lực công ty có hạn, chưa thể dàn trải cho các hoạt động ở nước ngoài; cạnh tranh gay gắt, thị trường quá phức tạp, rủi ro cao; rào cản thương mại từ phía Nhà nước. Xuất khẩu gián tiếp đem đến cho sản phẩm của công ty cơ hội thâm nhập thị trường nước ngoài mà không phải tự mình đối mặt với những rủi ro và rắc rối như xuất khẩu trực tiếp. Tuy nhiên vì phát sinh những khoản chi phí

trung gian nên lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm đi. Mặt khác không biết được nhu cầu thị trường nước ngoài biến động như thế nào cũng như tâm lý và thị hiếu khách hàng để cải tiến sản phẩm cho phù hợp.

Xét trong chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu, cách thức thực hiện phương thức xuất khẩu trực tiếp hiện nay là các doanh nghiệp nuôi trông thủy sản và ngư dân đánh bắt thủy sản biển sẽ bán thủy sản nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sẽ thực hiện chế biến thủy sản theo yêu cầu thư đặt hàng hoặc hợp đồng đã ký, toàn bộ các hoạt động hậu cần đầu ra do doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đảm nhiệm. Hoạt động đóng gói và ghi nhãn thủy sản nhìn chung đã đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu nước ngoài.

Tuy nhiên, xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản còn là khâu yếu, rất ít doanh nghiệp đã có thương hiệu và đăng ký thương hiệu trên các thị trường nhập khẩu. Do điểm yếu này mà xuất khẩu hầu hết được thực hiện với các nhà phân phối nước ngoài để họ phân phối thủy sản ra thị trường dưới thương hiệu của nhà phân phối, điều này cũng làm cho các doanh nghiệp Việt Nam không tham gia được vào hoạt động hậu cần đầu ra trong chuỗi cung ứng thủy sản xuất khẩu.

Ngành thủy sản Việt Nam hiện nay đại bộ phận là các doanh nghiệp nuôi trồng qui mô nhỏ, đánh bắt chủ yếu là ngư dân với số tàu không nhiều, công suất nhỏ. Các doanh nghiệp chế biến cũng đa phần qui mô vừa và nhỏ, vấn đề này làm hạn chế khả năng xuất khẩu trực tiếp tạo cơ hội cho xuất khẩu ủy thác phát triển.

Cách thức phổ biến của xuất khẩu thủy sản theo phương thức ủy thác tại Việt Nam là các doanh nghiệp nuôi và ngư dân đánh bắt sau khi sơ chế thủy sản theo các tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ ủy thác cho các doanh nghiệp có các hợp đồng theo thư đặt hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gộp thủy sản thành lô lớn để xuất khẩu và nhận phí ủy thác đối với khối lượng xuất ủy thác cho các doanh nghiệp khác.

Phương thức xuất khẩu ủy thác sẽ còn phát huy trong một thời gian dài do phù hợp với trình độ và điều kiện ngành thủy sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay. Vấn đề là các doanh nghiệp nuôi trồng và ngư dân đắt bắt thủy sản sẽ bị ngăn cách với thị trường thế giới, sẽ không tham gia vào các hoạt động hậu cần đầu ra và marketing nên không có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.

Xuất khẩu liên doanh: Đây là hình thức liên kết giữa hai hay nhiều doanh nghiệp trong đó có ít nhất một doanh nghiệp xuất khẩu. Do hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản hiện nay là doanh nghiệp tư nhân nên các liên doanh chế biến và xuất khẩu thủy sản hiện nay không nhiều. Tỷ trọng giá trị thủy sản xuất khẩu theo phương thức này không đáng kể, thường thực hiện theo từng thương vụ để đáp ứng các đơn hàng có qui mô lớn.

Thương mại đối ứng: Đây là phương thức giao dịch trao đổi hàng hóa, trong đó xuất khẩu kết hợp chặt chẽ với nhập khẩu, người bán đồng thời là người mua, lượng hàng hóa xuất khẩu có giá trị tương đương với lượng hàng hóa nhập về.

Phương thức xuất khẩu này hiện nay được thực hiện rất hạn chế, chỉ đối với một số doanh nghiệp cần nhập khẩu nguyên liệu thủy sản về chế biến sau đó tái xuất khẩu cho chính các đối tác xuất khẩu nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, Singapore.

Xét dưới góc độ chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu thì phương thức thương mại đối ứng không tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp việt nam tham gia chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu toàn cầu.

Xuất khẩu theo hình thức gia công quốc tế: Đây là một hoạt động kinh doanh thương mại trong đó một bên - bên nhận gia công nhập khẩu nguyên liệu hoặc bán thành phẩm của một bên khác là bên đặt gia công để chế biến ra thành phẩm giao lại cho bên đặt gia công và nhận thù lao gọi là phí gia công. Như vậy, trong gia công quốc tế hoạt động xuất nhập khẩu gắn liền với hoạt động sản xuất. Gia công quốc tế ngày nay khá phổ biến trong buôn bán ngoại thương của nhiều nước. Đối với bên đặt gia công, phương thức này giúp họ lợi dụng được giá rẻ về nguyên liệu phụ và nhân công của nước nhận gia công. Đối với bên nhận gia công, phương thức này giúp họ giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong nước hoặc nhận được thiết bị hay công nghệ mới về nước mình nhằm xây dựng nền công nghiệp.

Đối với ngành hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam, phương thức gia công hầu như chưa được thực hiện. Theo nghiên cứu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (2012), chỉ có một vài hợp đồng đơn lẻ do một số doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng dưới dạng gia công xuất khẩu FOB. Doanh nghiệp nước ngoài đặt gia công và mua theo giá FOB cảng Việt Nam nhưng cho phép doanh nghiệp gia công Việt

Nam được mua nguyên liệu trên thị trường (trong và ngoài nước) để gia công (chế biến) thủy sản thành phẩm. Dưới góc độ đối tác nhập khẩu, hàng thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu dưới hai phương thức chủ yếu là xuất qua các công ty thương mại hoặc công ty nhập khẩu đến thị trường tiêu thụ và xuất khẩu qua một số thị trường trung gian. Hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cho các công ty thương mại và công ty nhập khẩu trong mạng lưới phân phối ở nước ngoài. Các doanh nghiệp này thường ở các thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.

Các công ty thương mại dựa trên những tiêu chuẩn về hàng thủy sản chế biến được qui định bởi các quốc gia nhập khẩu và dựa trên những nhân tố môi trường kinh doanh thủy sản đã tiến hành đặt hàng, tiếp nhận hàng hóa và đưa vào hệ thống phân phối của họ. Hoạt động hậu cần đầu ra, marketing và bán hàng do các doanh nghiệp phân phối nhập khẩu đảm nhiệm. Thủy sản Việt Nam nhập khẩu được bán ra dưới nhãn hiệu và cam kết đối với người tiêu dùng của nhà nhập khẩu.

Các thị trường trung gian mà hàng thuỷ sản Việt Nam xuất sang là thị trường Singapore, Trung Quốc. Hàng năm khoảng 30% hàng thuỷ sản của Việt nam xuất sang thị trường trung gian này. Các trung gian này lại sơ chế lại như đóng hộp, tẩm gia vị và một số hình thức khác rồi xuất với giá cao hơn. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam qua các doanh nghiệp ở nước trung gian còn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vì những hạn chế về khả năng marketing và bán hàng, về hậu cần đầu ra, đặc biệt là vận chuyển và giao hàng nên không tiếp cận được thị trường để xuất khẩu trực tiếp. Điểm yếu này sẽ hạn chế các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản tham gia vào chuỗi giá trị trong nhiều năm tới.

Thực chất của vấn đề này là các doanh nghiệp ở quốc gia trung gian đã tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu thủy sản toàn cầu nên họ có khả năng liên kết để tiêu thụ với khối lượng lớn, thị trường rộng và có niềm tin với khách hàng. Rõ ràng, để giải quyết vấn đề này thì ngành hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu phải tái cơ cấu theo hướng gia nhập và giữ vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu.

Xu hướng ngày nay của ngành thuỷ sản là nâng cao năng lực chế biến, giảm bớt các thị trường trung gian, đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Vậy làm thế nào để thực hiện được xu hướng này và từng bước khẳng định được vị thế trong chuỗi cung ứng thủy sản. Câu trả lời là ở từng doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu phù hợp với định hướng tái cơ cấu toàn ngành trong xu thế hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới và tự do hóa thương mại quốc tế.

Với nhu cầu phát triển và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, hoạt động của ngành thủy sản cần có sự tham gia của một số tổ chức tài chính và các cơ quan kiểm định chất lượng thủy sản, điều này đã làm mối quan hệ giữa các chủ thể trong ngành ngày càng chặt chẽ hơn. Các tổ chức tài chính sẽ là nhân tố chính tham gia tái cơ cấu ngành hàng thủy sản xuất khẩu, tạo sự thay đổi và năng lực cho các doanh nghiệp tái cơ cấu để từng bước khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng thủy sản.

Một phần của tài liệu Tái cơ cấu ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (LA tiến sĩ) (Trang 77 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)