Quan điểm của Quốc tế Cộng sản

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 36 - 41)

Chương 2. QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC TỪ NĂM 1930 ĐẾN NĂM 1939

2.1. Những yếu tố tác động đến việc giải quyết vấn đề dân tộc

2.1.2. Quan điểm của Quốc tế Cộng sản

Vấn đề dân tộc là một trong những vấn đề quan trọng nhất, được đề cập thường xuyên trong các chương trình và nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản. Về mặt lý luận, hầu như ở Đại hội nào, vấn đề dân tộc cũng được đề cập đến. Tuy nhiên, hai Đại hội bàn nhiều nhất đến vấn đề dân tộc là Đại hội II năm 1920 và Đại hội VI năm 1928.

Tại Đại hội II diễn ra năm 1920, vấn đề dân tộc và thuộc địa trở thành một đề tài sôi nổi, thu hút sự tham gia của các đại biểu tham dự. Trong Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa do Lênin khởi thảo được trình bày và thảo luận tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: “Điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và

tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi vì chỉ có sự gần gũi ấy mới bảo đảm việc chiến thắng chủ nghĩa tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng” [111, tr.199].

Luận cương cho rằng: “Trong vấn đề dân tộc, phải đặt lên hàng đầu không phải là những nguyên tắc trừu tượng hoặc hình thức, mà, thứ nhất, là sự đánh giá đúng tình hình lịch sử cụ thể, và trước hết, là tình hình kinh tế; thứ hai, là sự phân biệt rõ rệt lợi ích của giai cấp bị áp bức, của những người lao động, của những người bị bóc lột, với cái khái niệm chung về lợi ích của nhân dân nói chung, nó chỉ biểu hiện những lợi ích của giai cấp thống trị; thứ ba, là phân biệt thật rõ rệt những dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, không được hưởng quyền bình đẳng, với những dân tộc đi áp bức, bóc lột được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi, để đập lại sự lừa dối kiểu dân chủ tư sản đang che giấu việc tuyệt đại đa số nhân dân trên trái đất bị một thiểu số nhỏ bé những nước tư bản tiên tiến rất mực giàu có, nô dịch về mặt thuộc địa và tài chính, - sự nô dịch này là đặc điểm của thời đại tư bản tài chính và chủ nghĩa đế quốc” [111, tr.198-199].

Luận cương đề ra nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản là phải “không ngớt tố cáo những việc vi phạm thường xuyên nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc”, đồng thời “luôn luôn chứng minh rõ ràng chỉ có chế độ xôviết là chế độ có thể thật sự bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, bằng cách thực hiện trước hết sự đoàn kết tất cả những người vô sản, rồi đến toàn thể nhân dân lao động, trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản”. Bên cạnh đó, các Đảng Cộng sản phải ra sức giúp đỡ, ủng hộ phong trào cách mạng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc; tố cáo trước đông đảo quần chúng lao động tất cả các nước sự lừa bịp một cách có hệ thống của các nước đế quốc chủ nghĩa lớn mạnh đang dùng chiêu bài xây dựng những quốc gia độc lập về phương diện chính trị, nhưng thực tế là nhằm tạo nên những quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào chúng về phương diện kinh tế, tài chính và quân sự.

Nhằm thực hiện sự liên kết và thống nhất về kinh tế và xã hội, đồng thời chống lại sự bao vây của các lực lượng giai cấp tư sản toàn thế giới chống nước Cộng hòa xôviết Nga, Luận cương chủ trương xây dựng một liên bang - hình thức quá độ tiến tới thống nhất hoàn toàn những người lao động thuộc các dân tộc khác

nhau. Đại hội II Quốc tế Cộng sản nhấn mạnh: “Vì thừa nhận liên bang là một hình thức quá độ tiến tới thống nhất hoàn toàn, nên chúng ta phải tiến tới một liên minh liên bang ngày càng chặt chẽ hơn nữa, phải luôn luôn lưu ý rằng, thứ nhất, nếu không có sự liên minh chặt chẽ nhất giữa các cộng hòa xô-viết thì không thể bảo toàn được sự tồn tại của các cộng hòa xô-viết ngay trong vòng vây của các nước đế quốc hùng mạnh trên toàn thế giới, mạnh hơn nhiều về lực lượng quân sự; thứ hai là, cần phải có một sự liên minh chặt chẽ về kinh tế giữa các cộng hòa xô-viết, nếu không thì không thể khôi phục được những lực lượng sản xuất đã bị chủ nghĩa đế quốc phá hủy và không thể đảm bảo được phúc lợi của những người lao động; thứ ba là, xu hướng tạo nên một nền kinh tế toàn thế giới duy nhất, với tính cách là một khối chỉnh thể do giai cấp vô sản thuộc tất cả các dân tộc quản lý theo một kế hoạch chung, xu hướng ấy đã biểu lộ một cách rất rõ rệt dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, và chắc chắn là sẽ được tiếp tục phát triển và hoàn thiện dưới chế độ xã hội chủ nghĩa”

[111, tr. 201]. Đây chính là cơ sở cho sự ra đời của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô-viết (Liên Xô) vào năm 1922.

Có thể nói, Đại hội II của Quốc tế Cộng sản đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển lý luận về vấn đề dân tộc trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc và thời kỳ đầu của quá trình từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội.

Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 đã dành 12 cuộc họp hội nghị toàn thể để thảo luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đại hội thông qua Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản, nhấn mạnh đến sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa; phân tích 3 loại hình cách mạng chủ yếu trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Đánh giá về vai trò của cách mạng thuộc địa, Cương lĩnh chỉ rõ: “Đứng về phương diện đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và phương diện giai cấp vô sản giành chính quyền, những cuộc cách mạng thuộc địa và những cuộc vận động giải phóng dân tộc đóng vai trò quan trọng” [11, tr.58].

Đặc biệt, Đại hội VI đã thông qua Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Đây là bản đề cương hết sức cụ thể và chi tiết, có vai trò quan trọng trong việc định hướng phong trào cách mạng các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Ngay ở phần Vào đề, Đề cương khẳng định: “Đề cương về vấn đề

dân tộc và thuộc địa do Lênin thảo ra và được Đại hội lần thứ II thông qua, cho tới nay vẫn giữ nguyên vẹn tầm quan trọng của nó và phải trở thành kim chỉ nam trong hoạt động của các đảng cộng sản từ nay về sau” [22, tr.35]. Tuy nhiên, để phù hợp với sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, đặc biệt là sự áp bức, bóc lột của các nước tư bản và sự vùng lên đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, Đại hội VI đã thông qua bản Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Đề cương cho rằng, tuyệt đại đa số nhân dân các nước thuộc địa gắn liền với ruộng đất. Toàn bộ chính sách kinh tế của chủ nghĩa đế quốc đối với các thuộc địa là để duy trì và tăng cường sự phụ thuộc của các thuộc địa, tăng cường bóc lột và ra sức ngăn cản sự phát triển độc lập của các nước đó. Do vậy, nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là giải phóng đất nước khỏi chủ nghĩa đế quốc; lật đổ chính quyền của các giai cấp bóc lột dựa vào chủ nghĩa đế quốc, lập chuyên chính công nông; thực hiện cách mạng ruộng đất, thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, tạo mọi điều kiện vững chắc, từng bước đưa cách mạng tiến lên chủ nghĩa xã hội, không phải trải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa… Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, điều quan trọng nhất là phải có sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, mà đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản: “Nếu không có sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, thì không thể thực hiện được đến cùng cuộc cách mạng dân chủ tư sản, đừng nói chi đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, bởi vì địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản là một bộ phận không thể tách rời của vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản” [22, tr.67].

Đề cương đã chỉ ra sự khác nhau giữa cách mạng dân chủ tư sản ở các nước thuộc địa với cách mạng dân chủ tư sản ở các nước độc lập. Sở dĩ có sự khác nhau đó là do, các nước thuộc địa liên quan chặt chẽ với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức, thống trị của các nước đế quốc. Từ sự phân tích đó, Quốc tế Cộng sản nhấn mạnh: “Yếu tố dân tộc có ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình cách mạng ở tất cả các nước thuộc địa và nửa thuộc địa… Điều hết sức quan trọng là phải tùy theo trường hợp cụ thể mà nghiên cứu cẩn thận ảnh hưởng đặc biệt của yếu tố dân tộc, là yếu tố quyết định phần lớn tính độc đáo của cách mạng thuộc địa; phải hết sức chú ý đến điểm ấy trong sách lược của Đảng Cộng sản” [22, tr. 61-62].

Vì tuyệt đại đa số nhân dân các nước thuộc địa gắn liền với ruộng đất, nên song song với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Quốc tế Cộng sản cũng nhấn mạnh vấn đề ruộng đất và coi đó là mấu chốt của cách mạng dân chủ tư sản ở các nước thuộc địa.

Bên cạnh những lý giải, phân tích và đề ra nhiều chủ trương đúng đắn, Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản cũng có những hạn chế nhất định, trong đó rõ nhất là nói quá nhiều về thái độ do dự, nước đôi của giai cấp tư sản [22, tr.62]. Đề cương chia giai cấp tư sản ra thành hai loại: giai cấp tư sản thương nghiệp, trực tiếp phục vụ lợi ích của tư bản đế quốc và chống lại toàn bộ phong trào dân tộc; giai cấp tư sản bản xứ, thì đứng về phong trào dân tộc. Nhưng đồng thời họ là những người do dự và sẵn sàng thỏa hiệp.

Đề cương còn cho rằng, “phần lớn các tầng lớp tư sản bản xứ đều có quan hệ về lợi ích với giai cấp tư bản đế quốc” [22, tr.64], vì vậy “bọn đế quốc có thể trực tiếp mua chuộc một số đông trong bọn họ…, biến họ thành giai cấp tư sản mại bản, thành người trung gian thương nghiệp, kẻ bóc lột được hưởng độc quyền tối cao”

[22, tr. 64]. Mặc dù sẵn sàng đáp ứng một số quyền lợi của giai cấp tư sản bản xứ, nhưng “chủ nghĩa đế quốc trước sau vẫn nắm được địa vị chủ nô, địa vị của kẻ độc quyền. Chủ nghĩa đế quốc không bao giờ tự nguyện để cho giai cấp tư sản dân tộc nắm độc quyền thống trị, có khả năng phát triển chủ nghĩa tư bản độc lập và “tự do”, và nắm quyền lãnh đạo dân tộc “độc lập”” [22, tr.64] và vì “giai cấp tư sản bản xứ yếu hơn, nên sẵn sàng đầu hàng đế quốc” [22, tr.64].

Nhận định về giai cấp tiểu tư sản, trí thức, Đề cương cho rằng, giai cấp này gồm nhiều tầng lớp khác nhau và mỗi tầng lớp giữ một vai trò khác nhau trong phong trào cách mạng. Tuy nhiên, Đề cương lại nhấn mạnh về tính dao động, do dự và chần chừ của giai cấp này: “Địa vị hết sức bấp bênh của tầng lớp ấy quyết định tính dao động của nó” [22, tr.67] và do có liên hệ với tư sản mại bản nên “những tầng lớp ấy không thành một khối đồng nhất” [22, tr.67].

Phân tích tính chất cách mạng của trí thức, tiểu tư sản, Đề cương tiếp tục có những nhận định tả khuynh, khi cho rằng “trong giai đoạn đầu của phong trào dân tộc, trí thức, tiểu tư sản thường thường là những người bênh vực tích cực nhất nguyện vọng dân tộc”. Tuy nhiên, “họ không thể là người bảo vệ lợi ích của nông

dân, vì họ xuất thân từ một tầng lớp xã hội có quan hệ tới chế độ chiếm hữu ruộng đất. Làn sóng cách mạng đang lên có thể đẩy họ tham gia vào phong trào công nhân, mang theo tư tưởng tiểu tư sản do dự và chần chừ” [22, tr.68].

Có thể thấy, Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 là một Đại hội đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng thế giới nói chung, với phong trào cách mạng ở các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa nói riêng. Đại hội đã phân tích, lý giải thấu đáo nhiều vấn đề, từ đó đề ra được nhiệm vụ cụ thể cho các Đảng Cộng sản và phong trào dân tộc ở các nước; thúc đẩy sự thành lập các Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa.

Tuy nhiên, Đại hội cũng có một số hạn chế trong việc nhận định, đánh giá quá nhiều về mặt hạn chế, đặc biệt là tính do dự, không triệt để cách mạng của giai cấp tư sản, tiểu tư sản, không thấy hết được tinh thần dân tộc của những giai cấp này. Đây là hạn chế có ảnh hưởng không nhỏ đến việc đoàn kết, tập hợp lực lượng trong phong trào cách mạng các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, trong đó có phong trào cách mạng ở Việt Nam và Đông Dương.

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)