Xây dựng khối đoàn kết dân tộc và chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 118 - 123)

Chương 3. CHỦ TRƯƠNG THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC VÀ SỰ CHỈ ĐẠO GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 1939-1945

3.2. Lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tiến hành khởi nghĩa toàn dân, thành lập nhà nước của chung toàn dân tộc

3.2.1. Xây dựng khối đoàn kết dân tộc và chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám

Sau Hội nghị Trung ương 8, Đảng ta khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng lực lượng cách mạng và căn cứ địa cách mạng. Nghị quyết của Hội nghị nhanh chóng được phổ biến tới các đảng bộ địa phương và quần chúng nhân dân.

Ngày 6-6-1941, Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng đặng cứu nước ra khỏi cảnh nô lệ. Bức thư có đoạn: “Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng…Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm” [19, tr.198]. Bức thư của Nguyễn Ái Quốc đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập, tự do của mỗi người Việt Nam, động viên và dẫn dắt cả dân tộc đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn” [19, tr.461]. “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Mặt trận Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật - Pháp để dựng nên một nước Việt Nam tự do và độc lập” [19, tr.461].

Chương trình cứu nước của Việt Minh gồm 44 điểm, là hệ thống chính sách trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao; những chính sách cụ thể đối với mỗi tầng lớp, giai cấp. Tinh thần cơ bản của Chương trình cốt thực hiện được hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước, đó là: làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập và làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do [19, tr.470]. Nhờ đó, Mặt trận Việt Minh đã thu hút bên mình mọi tầng lớp nhân dân. Từ cuối năm 1941 đến năm 1942, các hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc,… được thành lập khắp các tỉnh miền Bắc.

Cao Bằng trở thành trung tâm của phong trào cứu quốc trong cả nước. Không chỉ xây dựng cơ sở ở trong nước, Mặt trận Việt Minh còn có cơ sở trong Việt kiều ở nước ngoài. Dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, giới Việt kiều yêu nước ở Vân Nam (Trung Quốc) thành lập Hội giải phóng Việt Nam. Hội có mục đích đoàn kết tất cả Việt kiều, không phân biệt xu hướng chính trị, tín ngưỡng để đánh Nhật - Pháp, đòi Việt Nam độc lập.

Trước sự phát triển của thời cuộc, tháng 2 - 1943 Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị ở Võng La, Đông Anh, Phúc Yên bàn việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến khởi nghĩa vũ trang, Hội nghị nhận định: “Ở Đông Dương hiện nay thiếu một phong trào cách mạng quốc gia tư sản và phong trào thanh niên, học sinh. Do đó, cuộc vận động cách mạng ở Đông Dương vẫn hẹp hòi, có tính cách công nông hơn là tính cách toàn dân tộc” [19, tr.290]. Vì vậy, Hội nghị chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Việt Minh, liên minh với tất cả các đảng phái, phe nhóm yêu nước ở trong và ngoài chưa gia nhập Mặt trận Việt Minh; đẩy

mạnh công tác vận động công nhân, nông dân, tư sản, tiểu tư sản, địa chủ yêu nước;

lập Hội Văn hóa cứu quốc ở các thành phố nhằm đoàn kết các nhà trí thức và văn hóa. Hội nghị nhấn mạnh: “Phải luôn luôn củng cố và phát triển các tổ chức của thợ thuyền, dân cày, vì đó là xương sống của Mặt trận dân tộc thống nhất Nhật - Pháp.

Nhưng đồng thời phải hết sức phát triển các tổ chức cứu quốc của thanh niên, phụ nữ và tư sản, địa chủ, tiểu thương… nếu không, Mặt trận dân tộc không có tính cách toàn dân mà chỉ có tính cách công nông” [19, tr.294].

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 2 - 1943, các cấp đảng bộ đã đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố Mặt trận Việt Minh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các tầng lớp tiểu tư sản, tư sản, trí thức, học sinh, sinh viên được hướng vào con đường cứu quốc. Nhóm Văn hóa cứu quốc ra đời ở Hà Nội đã tập hợp được nhiều nhà trí thức yêu nước, tiến bộ. Tại Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh và một số tỉnh thành miền Nam, Xứ ủy Nam Kỳ đã lôi kéo, giác ngộ được nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên, trí thức vào hàng ngũ cách mạng, chọn lọc quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng,

Nhằm đoàn kết, tập hợp được nhiều trí thức tham gia cách mạng, tháng 6 - 1944, Đảng đã “giúp những anh em trí thức tiến bộ thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam để thu hút những thanh niên trí thức và công chức Việt Nam, và làm mau tan rã hàng ngũ bọn Đại Việt thân Nhật” [53, tr.158]. Cùng với đó, công tác vận động binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp cũng được xúc tiến, nhiều anh em đã tham gia Mặt trận Việt Minh.

Chủ trương đoàn kết, tập hợp lực lượng của Mặt trận Việt Minh đã lôi kéo, thu hút được tất cả các tầng lớp, giai cấp, đảng phái vào Mặt trận dân tộc cứu nước, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị lực lượng, chuyển cách mạng sang thời kỳ mới - thời kỳ tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Bên cạnh việc xây dựng lực lượng chính trị, Đảng khẩn trương xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ địa.

Quán triệt chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo củng cố, phát triển căn cứ và lực lượng cứu quốc quân ở Bắc Sơn - Võ Nhai.

Do sự khủng bố ác liệt của địch, Ban chỉ huy cứu quốc quân quyết định rút đại bộ phận Cứu quốc quân đang hoạt động ở Bắc Sơn về phía Cao Bằng, Lạng

Sơn, còn một tiểu đội bí mật ở lại Bắc Sơn hoạt động để giữ vững cơ sở quần chúng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hoàng Quốc Việt, lực lượng Cứu quốc quân ở Võ Nhai được củng cố lại để phát động chiến tranh du kích. Ngày 15-9-1941, Đội cứu quốc quân thứ hai được thành lập tại khu rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai gồm 47 chiến sĩ. Đội có một chi bộ đảng và xưng danh là Đệ nhị Trung đội Cứu quốc quân. Đội Cứu quốc quân thứ hai ra đời thể hiện tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân Bắc Sơn - Võ Nhai. Điều đó chứng tỏ rằng, trong hoàn cảnh khó khăn, bị địch càn quét, khủng bố ác liệt, lực lượng cách mạng vũ trang vẫn có thể tồn tại và phát triển khi Đảng có một đường lối cách mạng đúng đắn, phương pháp sáng tạo và được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân.

Vào những năm chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, các đội tự vệ cứu quốc quân được thành lập ở những nơi có các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh.

Từ trong lực lượng tự vệ cứu quốc ấy lại lập ra các đội tự vệ chiến đấu, còn gọi là tiểu tổ du kích làm hạt nhân được tổ chức chặt chẽ, trang bị đầy đủ. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, đội du kích (lấy tên là cứu quốc quân) được duy trì và phát triển, nhất là ở hai trung tâm cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai (sau lan rộng đến tất cả các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang) đã hình thành và phát triển các đội du kích thoát ly. Đó là lực lượng vũ trang tập trung làm nòng cốt cho phong trào du kích, cho việc xây dựng và bảo vệ các khu căn cứ tại các địa phương.

Trong điều kiện phong trào cách mạng đang trên đà phát triển, trên cơ sở các lực lượng tự vệ, du kích các địa phương Cao - Bắc - Lạng đã trưởng thành, để có một lực lượng chủ lực làm nòng cốt và chuẩn bị cho việc phát động chiến tranh du kích, ngày 22-12-1944, Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu sự ra đời của quân đội nhân dân Việt Nam. Với sự ra đời của đội quân chủ lực này, hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng gồm 3 thứ quân đã được manh nha hình thành, đó là: 1. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực; 2. Các đội vũ trang thoát ly ở các tỉnh, các châu, huyện và các đội quân địa phương; 3. Các đội tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc ở các làng xã, xí nghiệp, đường phố - lực lượng bán vũ trang địa phương.

Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (4-1945) quyết định thống nhất cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam giải phóng quân. Đây là đội quân chủ lực. Lực lượng vũ trang chính quy tập trung của cách mạng đã phát triển thành nhiều chi đội (tương đương cấp trung đoàn) với hàng nghìn chiến sĩ. Việt Nam giải phóng quân được nhân dân che chở, đùm bọc, ngày càng phát triển lớn mạnh.

Cho đến ngày Đảng phát động toàn quốc khởi nghĩa, lực lượng vũ trang cách mạng có khoảng 5.000 chiến sĩ. Hoạt động của lực lượng vũ trang chính quy tập trung, của các đội du kích, của các đội tự vệ… diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong khu giải phóng Việt Bắc, các chiến khu Đông Triều, Vần - Hiền Lương, Hòa - Ninh - Thanh, Quảng Ngãi, Đồng Tháp Mười và một số địa phương. Khi thời cơ tới, lực lượng vũ trang cách mạng trở thành lực lượng nòng cốt cùng toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa.

Cùng với việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, Đảng đẩy mạnh công tác xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Căn cứ địa là chỗ dựa của phong trào cách mạng, gắn chặt với khởi nghĩa vũ trang của quần chúng giành chính quyền. Xuất phát từ vai trò của căn cứ địa, trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1940-1945), Đảng tập trung xây dựng nhiều căn cứ địa. Ở các địa phương tổ chức được lực lượng quân sự và phát triển chiến tranh du kích, đều lập căn cứ địa cách mạng. Đầu tiên là căn cứ địa ở vùng Bắc Sơn - Võ Nhai. Cũng từ năm 1940, Nguyễn Ái Quốc đã chọn Cao Bằng để xây dựng thành căn cứ địa cách mạng. Từ đó, mở rộng căn cứ địa sang các địa phương khác trong cả nước, như căn cứ, chiến khu kháng Nhật ở Quỳnh Lưu (Nho Quan, Ninh Bình); căn cứ địa Đông Triều - Chí Linh (Hải Dương); căn cứ địa Ba Tơ, sau phát triển thành hai căn cứ địa liên hoàn (Vĩnh Sơn - Núi Lớn (Quảng Ngãi); căn cứ địa U Minh ở Nam Bộ. Đặc biệt, tháng 6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, trở thành căn cứ địa vững chắc. Căn cứ địa Việt Bắc và các chiến khu trở thành địa bàn hoạt động của các lực lượng vũ trang cách mạng, trung tâm của các cuộc đấu tranh vũ trang, là chỗ dựa để thúc đẩy phong trào vũ trang cách mạng phát triển và là bàn đạp để tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 118 - 123)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)