Chương 3. CHỦ TRƯƠNG THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC VÀ SỰ CHỈ ĐẠO GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 1939-1945
3.2. Lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tiến hành khởi nghĩa toàn dân, thành lập nhà nước của chung toàn dân tộc
3.2.2. Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa dân tộc và thành lập nhà nước của
Đầu năm 1945, phát xít Đức bên bờ diệt vong, phát xít Nhật gặp nhiều thất bại. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp. Khi tiếng súng Nhật, Pháp bắn nhau còn đang nổ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và nhận định thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần. Hội nghị ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12-3-1945).
Trên cơ sở nhận định và dự đoán thời cuộc, Đảng chủ trương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Khẩu hiệu được đưa ra là: “Đánh đuổi phát xít Nhật”, “Thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Giữa lúc cao trào kháng Nhật đang phát triển mạnh mẽ, một sự kiện quan trọng diễn ra: Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Cùng thời điểm đó, Hồng quân Liên Xô cùng các lực lượng chống phát xít đã giành thắng lợi quyết định trên các chiến trường. Phát xít Nhật đầu hàng đã đẩy quân Nhật ở Đông Dương vào tình thế tuyệt vọng như rắn mất đầu, hoang mang dao động đến cực độ. Chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim vốn đã hoang mang, rệu rã nay đã trở nên tê liệt.
Tin Nhật đầu hàng Đồng minh nhanh chóng lan ra toàn quốc. Toàn thể dân tộc đang hừng hực khí thế. Khắp nơi trong cả nước, các cuộc mít tinh, biểu tình thị uy vũ trang với sự tham gia của hàng vạn người khiến phát xít Nhật và tay sai bù nhìn khiếp sợ. Các tầng lớp trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng. Phần lớn binh lính trong quân đội phát xít Nhật và tay sai, lính bảo an, cảnh sát, các công chức trong chính quyền bù nhìn đồng tình ủng hộ Việt Minh giành độc lập. Thời cơ cho dân tộc ta giành chính quyền đã đến, không thể do dự, lừng chừng. Dù đang ốm nặng ở Tân Trào, Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị cho các đồng chí: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” [27].
Bên cạnh những thuận lợi như trên, cách mạng nước ta cũng gặp không ít khó khăn trước ngưỡng cửa tổng khởi nghĩa và cả nguy cơ tiếp tục bị nô dịch dưới ách thống trị của nước ngoài. Đó là sự chống đối của đủ loại kẻ thù trong nước và các thế lực ngoại xâm đang trông chờ sự giúp sức của quân Đồng minh hay chính
họ là Đồng minh đưa quân vào Việt Nam. Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta phải hành động ngay, không chút do dự, phải huy động được sức mạnh của cả dân tộc cho mục tiêu giành độc lập dân tộc trước khi quân Đồng minh tiến vào nước ta.
Ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa: “Hỡi quân dân toàn quốc!... Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập cho nước nhà! Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta” [19, tr.421-422].
Từ ngày 14 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang. Hội nghị nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, quân Nhật mất hết tinh thần, hàng ngũ chỉ huy chia rẽ đến cực điểm; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ. Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Để bảo đảm lãnh đạo Tổng khởi nghĩa đến thắng lợi, Hội nghị đề ra ba nguyên tắc: Tập trung: tập trung lực lượng vào những việc chính. Thống nhất:
thống nhất mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy. Kịp thời: kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội.
Hội nghị nhấn mạnh, phải “tập trung lực lượng vào những chỗ để đánh”,
“đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng không kể thành phố hay thôn quê”.
Ngoài việc quyết định những nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Hội nghị còn đề ra những chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại cần thực hiện sau khi cách mạng thành công.
Về đối nội, Hội nghị nhấn mạnh phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng, trước hết là tuyên truyền, giáo dục các đoàn thể Việt Minh; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, coi là chính sách cơ bản của chính quyền cách mạng sau khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi.
Về đối ngoại, Hội nghị nêu rõ chủ trương phải triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp, Mỹ, Anh, Tưởng, tránh trường hợp một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù trong cùng một lúc; phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Liên Xô và nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp và nhân dân Trung Quốc; đánh tan âm mưu
của thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa và âm mưu của Tưởng Giới Thạch định biến nước ta thành “một nước chư hầu”.
Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa kết thúc, Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã khai mạc tại Tân Trào từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu thay mặt cho nhân dân ba miền Bắc, Trung, Nam, kiều bào ở nước ngoài, các đảng phái, đoàn thể, dân tộc, tôn giáo, tiêu biểu cho ý chí thống nhất của toàn dân tộc.
Đại hội đã ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; quyết định thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; quy định quốc kỳ, quốc ca.
Quyết định triệu tập Quốc dân Đại hội trong thời điểm lịch sử quan trọng này là một sáng tạo, thể thiện sự nhạy bén trước thời cuộc của Đảng và Hồ Chí Minh.
Những quyết sách của Quốc dân Đại hội thực sự tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Ngay trong ngày 16-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới toàn thể quốc dân Việt Nam. Bức thư có đoạn: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ [50, tr. 554].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu đồng bào đã vùng dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 19-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Ngày 23-8, khởi nghĩa thành công ở Huế. Ngày 25-8, khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ.
Trong những ngày mùa thu lịch sử đó, trừ một số ít phần từ phản cách mạng, có thể nói toàn thể dân tộc Việt Nam đã nhất tề nổi dậy với một khí thế cách mạng lạ thường, mạnh mẽ chưa từng thấy. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa nhân dân Việt Nam thực sự trở thành người chủ đất nước để đón tiếp quân Đồng minh vào Việt Nam giải ráp quân Nhật.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với nhân dân ta và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và khẳng định quyết tâm sắt đá: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [50, tr.557].
Tiểu kết
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã tạo bước ngoặt cho phong trào cách mạng nước ta. Nó đặt nhân dân thế giới nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng đứng trước những cơ hội và thử thách to lớn. Yêu cầu đặt ra đối với cách mạng Việt Nam lúc này là thay đổi chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đánh đổ thực dân, phát xít Pháp, Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân.
Mở đầu cho quá trình thay đổi chiến lược của Đảng bắt đầu bằng Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 và được khẳng định dứt khoát tại Hội nghị Trung ương 8 tháng 5-1941 dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Tại Hội nghị Trung ương 8, Đảng đã giải quyết một cách đúng đắn và thỏa đáng vấn đề độc lập dân tộc ở Việt Nam trong quan hệ với hai nước Lào và Campuchia, mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; chủ trương tập hợp, đoàn kết lực lượng cách mạng toàn dân tộc vào Mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Mặt trận Việt Minh. Cơ sở cho quyết định thay đổi chiến lược đó xuất phát từ yêu cầu và nguyện vọng tha thiết của toàn thể dân tộc là đánh đổ ách thống trị của thực dân, phát xít, giải phóng dân tộc.
Quyết định thay đổi chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu đã tạo ra một động lực to lớn, thức tỉnh tinh thần dân tộc, ý thức độc lập tự do, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của cách mạng mỗi nước. Chủ trương đó là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Hội nghị thành lập Đảng, nhưng ở một mức độ cao hơn, hoàn chỉnh hơn về chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc...
Để chuẩn bị cho việc giành chính quyền, Đảng khẩn trương xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang, tập hợp lực lượng quần chúng trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cũng như xây dựng các hình thức chính quyền, tạo cơ sở cho sự ra đời của Chính phủ cách mạng sau này.
Theo sự phát triển của tình hình trong nước và thế giới, nhất là chiến thắng của Liên Xô và quân Đồng minh chống phát xít, Đảng kịp thời đề ra những chính sách và quyết định quan trọng nhằm hiện thực hóa chủ trương đó. Khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ ngàn năm có một đã đến, Trung ương Đảng kịp thời
phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Chỉ chưa đầy 2 tuần, Cách mạng Tháng Tám đã thành công trong cả nước.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên đất nước độc lập, tự do. Nó khẳng định tư tưởng, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, đồng thời là sự vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc.
Chương 4