Chương 3. CHỦ TRƯƠNG THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC VÀ SỰ CHỈ ĐẠO GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 1939-1945
3.1. Chủ trương thay đổi chiến lược
3.1.2. Giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương
- Quan điểm của Đảng trong việc giải quyết vấn đề dân tộc trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương:
Liên bang Đông Dương do thực dân Pháp lập ra vào cuối thế kỷ XIX để phục vụ cho chính sách thực dân của mình. Từ những nước độc lập, có chủ quyền, ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia bị xóa tên trên bản đồ thế giới, trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Việt Nam bị chia cắt làm 3 xứ với ba chế độ cai trị khác nhau. Cùng với việc bòn rút thuộc địa, thực dân Pháp còn thực hiện chính sách dùng người Đông Dương trị người Đông Dương, tìm cách chia rẽ tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với nhau và giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân hai nước Lào và Campuchia, làm cho người nước này mâu thuẫn, nghi kỵ với người nước kia.
Chính sách thâm độc đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới liên minh chiến đấu và tình đoàn kết giữa nhân dân ba nước Đông Dương.
Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, việc giải quyết một cách đúng đắn vấn đề dân tộc trong quan hệ dân tộc giữa ba nước Đông Dương được Đảng và Hồ Chí
Minh đặc biệt quan tâm. Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 đã phân tích một cách sâu sắc tình hình thế giới và trong nước, trên cơ sở đó đề ra quan điểm, chủ trương cụ thể, trong đó có chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc ở Đông Dương.
Vấn đề dân tộc ở Đông Dương được Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 xét ở hai mặt: “Một mặt là các dân tộc Đông Dương đoàn kết thống nhất đánh đổ đế quốc Pháp đòi Đông Dương hoàn toàn độc lập và các dân tộc được quyền tự quyết; một mặt nữa là phong trào dân tộc giải phóng ở Đông Dương phải liên lạc khăng khít với cách mệnh thế giới (là một bộ phận của vô sản cách mệnh thế giới) để đánh đổ kẻ thù chung là tư bản đế quốc và xây dựng một thế giới không có dân tộc bị áp bức, không có ranh giới quốc gia và chia rẽ dân tộc, nghĩa là thế giới cộng sản” [18, tr.532].
Trên cơ sở phân tích tình hình cụ thể, Hội nghị Trung ương tháng 11 - 1939 xác định nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do cho các dân tộc Đông Dương. Để cách mạng đi tới thành công, nhân dân Đông Dương cần đoàn kết thành một khối bền chặt và phải dựa vào nhau. Hội nghị khẳng định, “không có thể một bộ phận nào thoát khỏi nền thống trị ấy mà chẳng liên quan đến cả toàn thể nền thống trị của đế quốc Pháp” [18, tr.541]. Tuy nhiên, “sự liên hiệp các dân tộc Đông Dương không nhất thiết bắt buộc các dân tộc phải thành lập một quốc gia duy nhất vì các dân tộc như Việt Nam, Miên, Lào xưa nay vẫn có sự độc lập.
Mỗi dân tộc có quyền giải quyết vận mệnh theo ý muốn của mình, song sự tự quyết cũng không nhất định nghĩa là rời hẳn nhau ra” [18, tr.541-542].
Quan điểm giải quyết vấn đề dân tộc của Hội nghị Trung ương tháng 11 - 1939 là sự kế thừa và bổ sung quan điểm về vấn đề dân tộc và quyền dân tộc tự quyết của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Đảng đề cập đến trong nhiều văn kiện trước đó. Nhưng ở Hội nghị này, chủ trương đó được khẳng định rõ hơn. Theo đánh giá của Trần Văn Giàu, “tư duy chính trị này bắt đầu mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa ba dân tộc Việt, Miên, Lào. Một lấn cấn lớn bắt đầu được giải quyết về tư tưởng, đường lối cách mạng [24, tr.459]. Đây có thể coi là bước khởi đầu cho quyết định giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương ở Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941.
Ngày 28-1-1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, trong bối cảnh tình hình trong
nước và thế giới đang có những biến động to lớn. Từ ngày 10 đến ngày 19-5- 1941, tại Pắc Bó, Cao Bằng, Hội nghị Trung ương 8 diễn ra dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc.
Tại Hội nghị này, Trung ương Đảng đã nhận thức và giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương.
Trung ương cho rằng, chính sách dân tộc của thực dân Pháp đối với các dân tộc Đông Dương là hết sức dã man. Chính sách “chia để trị”, “dùng người Đông Dương trị người Đông Dương” đã để lại hậu quả nặng nề đối với các dân tộc Việt Nam, Cao Miên, Ai Lao, reo rắc sự mâu thuẫn và nghi ngờ lẫn nhau giữa nhân dân ba nước. Hội nghị nhấn mạnh: Đối với nước Việt Nam, một dân tộc, một lịch sử, một văn hóa, một tính sinh hoạt như nhau, thế mà chúng chia ra làm ba kỳ, dùng ba lối cai trị khác nhau, gây mối thù hằn cừu thị ở các xứ đó, làm cho sự đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng khó khăn.
Đối với các dân tộc Cao Miên, Lào chúng cũng làm cho xa cách hẳn dân Việt Nam, làm cho họ ác cảm dân tộc Việt Nam, không có chút thiện cảm nào đối với nhau [19, tr.111].
Không chỉ sử dụng chính sách ly gián, chia rẽ, ngăn trở sự giao thiệp, liên lạc giữa các dân tộc Đông Dương, thực dân Pháp còn “đem dân tộc này bắn giết dân tộc khác. Trong các phong trào cách mạng Đông Dương chúng nó thường đem dân tộc này chống dân tộc khác. Đem lính Nam qua Miên, Lào, đem lính Miên, Lào về Nam” [19, tr.111].
Từ sự phân tích tình hình, chính sách dân tộc của thực dân Pháp, Đảng chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trên cơ sở quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc Đông Dương. Hội nghị nhấn mạnh: “Nói đến vấn đề dân tộc tức là đã nói đến sự tự do, độc lập của mỗi dân tộc tùy theo ý muốn của mỗi dân tộc. Nói như thế nghĩa là sau lúc đánh đuổi Pháp - Nhật, ta phải thi hành đúng chính sách “dân tộc tự quyết” cho dân tộc Đông Dương. Các dân tộc Đông Dương sẽ tùy theo ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành một dân tộc quốc gia tùy ý. Một chính phủ cộng hòa mạnh hơn không có quyền bắt các dân tộc nhỏ yếu tuân theo chính sách mình và tham gia chính phủ mình… Văn hóa của mỗi dân tộc sẽ được tự do phát triển, tồn tại, tiếng mẹ đẻ của các dân tộc sẽ được tự do
phát triển, tồn tại và được bảo đảm. Sự tự do của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng” [19, tr.113].
Có thể nói, Hội nghị Trung ương tháng 5 - 1941 đã thể hiện dứt khoát quan điểm giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương, là sự trở lại với quan điểm giải quyết vấn đề dân tộc tại Hội nghị thành lập Đảng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân ba nước, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa…
của mỗi dân tộc Đông Dương, phù hợp với nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về quyền dân tộc tự quyết. Chủ trương đó đã phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của cách mạng mỗi nước, tạo cơ sở vững chắc cho tình đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống thực dân, phátxít Pháp - Nhật, giải phóng các dân tộc Đông Dương.
- Giải quyết vấn đề Mặt trận trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương:
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Hội nghị Trung ương tháng 11 -1939 quyết định “thay đổi chính sách”, thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc Phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Nếu Mặt trận Dân chủ là sự là sự liên hiệp của tất cả các giai cấp, tầng lớp, đảng phái, kể cả đảng phái tiến bộ và cải lương để đòi các quyền tự do, dân chủ, thì Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế là mặt trận cách mạng, là sự liên hiệp của các dân tộc, các giai cấp, đảng phái, các phần tử có tính chất phản đế trong toàn Đông Dương nhằm đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập, thực hiện quyền dân tộc tự quyết. Nghị quyết Hội nghị nhấn mạnh: “Nếu Mặt trận Dân chủ chưa làm liệt bại các xu hướng cải lương đề huề thì Mặt trận T.N.D.T.P.Đ là một mặt trận kịch liệt chống các đảng phái, các xu hướng cải lương đề huề, làm liệt bại chúng nó hoàn toàn trong phong trào giải phóng dân tộc” [18, tr.537-538].
Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ, lực lượng chính của cách mệnh là công nông, dựa vào các hạng tầng lớp trung sản thành thị, thôn quê và đồng minh trong chốc lát hoặc trung lập giai cấp tư sản bản xứ, trung, tiểu địa chủ. “So với các chủ trương lập Mặt trận thống nhất phản đế được đề ra tại các Hội nghị Trung ương trước, Hội nghị lần thứ 6 không chỉ thể hiện thái độ dứt khoát trong chuẩn bị chiến lược mà còn chỉ rõ nội dung, nhiệm vụ liên minh và cổ vũ cho sự bắt tay giữa công nông với
trung, tiểu địa chủ và tư sản dân tộc có tinh thần chống đế quốc nhằm thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là đánh đổ đế quốc Pháp, thực hiện Đông Dương hoàn toàn độc lập” [101, tr.251].
Cuộc cách mạng tư sản dân quyền do Mặt trận thực hiện nhằm giải quyết nhiệm vụ: đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bản xứ, tay sai phản động; Đông Dương hoàn toàn độc lập (thi hành quyền dân tộc tự quyết; lập Chính phủ Liên bang Cộng hòa Dân chủ Đông Dương; tịch thu và quốc hữu hóa đất ruộng của đế quốc, thực dân, cố đạo và bọn phản bội dân tộc, lấy đất đó chia cho nông dân cày cấy; ban hành các quyền tự do dân chủ… Chiến thuật tuyên truyền của Mặt trận là nêu cao khẩu hiệu “phản đế, giải phóng dân tộc”, tất cả lực lượng tuyên truyền phải xoay vào tinh thần phản đế với mục đích đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc.
Tiếp tục chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, Hội nghị Trung ương tháng 11 - 1940 nhấn mạnh đến việc liên lạc mật thiết giữa công nhân với bần nông, liên minh với trung nông và tiểu tư sản thành thị, bắt tay tư sản bản xứ và địa chủ phản đế; chủ trương đoàn kết tất cả các giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo nhằm mục đích đánh đổ đế quốc Pháp, Nhật, diệt trừ phong kiến và các hạng phản bội quyền lợi dân tộc, làm cho Đông Dương được hoàn toàn giải phóng.
Đặc biệt, Hội nghị hết sức chú ý đến việc vận động thành lập các đoàn thể phản đế của Miên, Lào để đưa vào Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế [19, tr.78].
Như vậy, cả Hội nghị Trung ương tháng 11 - 1939 và Hội nghị Trung ương tháng 11 - 1940 đều chủ trương thành lập một Mặt trận chung cho nhân dân ba nước Đông Dương. Mặt trận này có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết lực lượng phản đế của cả ba nước Đông Dương nhằm thực hiện mục tiêu đánh đổ thực dân Pháp, bọn phong kiến, giành độc lập, tự do cho nhân dân Đông Dương.
Khi Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, vấn đề Mặt trận đã được giải quyết trong phạm vi từng nước Đông Dương. Hội nghị Trung ương 8 tháng 5-1941 quyết định không thành lập Mặt trận chung cho cả ba nước Đông Dương mà chủ trương thành lập ở mỗi nước một mặt trận riêng, nhằm thức tỉnh tinh thần dân tộc ở mỗi nước. Ở Việt Nam sẽ thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh.
Nghị quyết Hội nghị cho rằng, “chiến thuật hiện tại của Đảng ta là phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân (hơn hết là dân tộc Việt Nam). Cho nên cái mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay không thể gọi như trước là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, mà phải đổi ra cái tên khác có tính chất dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại” [19, tr.122]. Đó là cơ sở cho sự ra đời của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh). Rõ ràng, Việt Nam độc lập đồng minh “dân tộc hơn” so với Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Chính cái “dân tộc hơn” ấy đã có một ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của cách mạng, kể cả trong hiện tại và tương lai.
Mặt trận Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nhằm đoàn kết toàn dân tộc đánh đổ thực dân, đế quốc, làm cho nước Việt Nam được độc lập. “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh Pháp, đuổi Nhật để dựng lên nước Việt Nam tự do và độc lập” [19, tr.461].
Việt Minh lấy ngọn cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu. Các đoàn thể của yêu nước của Mặt trận mang tên là “Hội cứu quốc”, như Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Quân nhân cứu quốc… Mặt trận Việt Minh lấy làng, đường phố, nhà máy làm cơ sở tổ chức và thu hút cả các đoàn thể quốc gia thành thật đánh Pháp, đuổi Nhật. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia hàng ngũ Mặt trận thống nhất dân tộc đều phải công nhận Chương trình và Điều lệ của Việt Minh. Việt Minh chỉ có hệ thống ngang mà không có hệ thống cơ sở dọc.
Chương trình Việt Minh bao gồm tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa…, cốt thực hiện được hai điều mà toàn thể đồng bào mong ước:
1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập;
2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do.
Chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh không có nghĩa là Đảng bỏ quên nhiệm vụ giúp đỡ, đoàn kết với nhân dân hai nước Lào và Cao Miên, mà qua đó còn
đánh thức tinh thần dân tộc, tính chủ động, sáng tạo của nhân dân mỗi nước trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nghị quyết Hội nghị chủ trương sẽ giúp đỡ nhân dân hai nước thành lập Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh, tiến tới thành lập Đông Dương độc lập đồng minh - hình thức Mặt trận chung cho nhân dân ba nước Đông Dương. Nghị quyết Hội nghị viết: “Mặt trận thống nhất tất cả dân tộc Đông Dương giành quyền độc lập cho Đông Dương với một cái tên vắn tắt dễ hiểu và có ý nghĩa từng dân tộc như thế, ta chắc chắn rằng sự kêu gọi các dân tộc, các đoàn thể lên hàng ngũ tranh đấu sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn” [19, tr.122].
Sau Hội nghị Trung ương tháng 5-1941, Trung ương Đảng họp và ra nhiều nghị quyết về vấn đề xây dựng, phát triển Mặt trận Việt Minh, cũng như chủ trương giúp đỡ Ai Lao và Cao Miên thành lập mặt trận riêng của mình, hợp thành Đông Dương độc lập đồng minh.
Trong Chỉ thị về công tác ngày 17-12-1941, Đảng nhấn mạnh, “bất cứ một giai cấp nào, một giới nào ở Đông Dương hiện thời cũng đều có mục đích chung là đánh Pháp đuổi Nhật, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập, nên hết thảy các tổ chức của tất cả các giới đều phải liên hiệp lại thành một Mặt trận thống nhất phản đế đặng có sức mạnh đánh kẻ thù chung là Pháp - Nhật” [19, tr.217]. Chỉ thị nhấn mạnh, mặt trận của ba nước Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên hợp lại thành Đông Dương độc lập đồng minh, một hình thức mặt trận thống nhất phản đế của nhân dân Đông Dương.
Ngày 28-2-1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra nghị quyết một lần nữa nhấn mạnh việc tổ chức Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh. Nghị quyết giao nhiệm vụ cho Xứ ủy Trung Kỳ và Xứ ủy Nam Kỳ phải đặc biệt giúp đỡ nhân dân Lào và Cao Miên phát triển những tổ chức nói trên. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử khi đó, các tổ chức đảng ở Trung Kỳ và Nam Kỳ đang trong quá trình khôi phục, nên chủ trương trên của Trung ương không thực hiện được.
Sự thành lập Mặt trận Việt Minh đánh dấu một bước tiến mới của Đảng trong việc nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc và giai cấp trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương. Đây là nội dung và kết quả cụ thể của sự bổ sung, phát triển, hoàn thiện quyết định thay đổi chiến lược của Đảng, mở ra thời kỳ mới trong việc