Chương 4. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.1.2. Quá trình giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam là cuộc đấu tranh quyết liệt về quan điểm, tư tưởng trong nội bộ Đảng
Để đi đến một đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, sáng tạo, trong suốt những năm 30 của thế kỷ XX, trong nội bộ Đảng đã trải qua một quá trình đấu tranh quyết liệt giữa quan điểm đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và chủ trương tập hợp, đoàn kết lực lượng cách mạng toàn dân tộc của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng với quan điểm giải quyết song song, đồng thời vấn đề dân tộc và giai cấp trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, chỉ coi công nông là lực lượng cách mạng của Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 và nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở các giai đoạn sau đó.
Cùng với quan điểm đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, giữa độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất, chống đế quốc và chống phong kiến, cuộc đấu
tranh về quan điểm, tư tưởng trong nội bộ Đảng còn diễn ra xoay quanh việc giải quyết vấn đề quốc gia dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam hay trong cả 3 nước Đông Dương; thành lập một Đảng, Nhà nước, Mặt trận của riêng dân tộc Việt Nam hay của chung 3 nước Đông Dương? Những vấn đề nêu trên là chủ đề xuyên suốt trong quan điểm, đường lối của Đảng trong những năm 30 của thế kỷ XX.
Nhìn chung, sau Hội nghị thành lập Đảng cho đến năm 1935, quan điểm chiếm ưu thế chủ đạo trong Đảng là nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, đặt nhiệm vụ dân tộc và dân chủ ở vị trí và tầm mức như nhau, có mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau. Cùng với tư duy ấy, lực lượng trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền cũng chỉ thu hẹp chủ yếu trong giai cấp công nhân và nông dân. Vấn đề quốc gia dân tộc ở Việt Nam được nhìn nhận trong mối quan hệ chung với các dân tộc Đông Dương, tức là chủ trương một mô hình nhà nước chung cho 3 dân tộc Việt Nam, Lào, Cao Miên. Quan điểm chủ đạo đó đã chi phối việc xác định nhiệm vụ và vấn đề tập hợp lực lượng của Đảng ở giai đoạn này.
Do nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, nên chủ trương đặt nhiệm vụ dân tộc lên hàng đầu, tập hợp lực lượng cách mạng toàn dân tộc, chủ trương một nước Việt Nam độc lập sau khi cách mạng thành công của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng bị phủ nhận. Bản thân Nguyễn Ái Quốc bị Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương và một số học trò và là đồng chí của mình phê phán nặng nề, gay gắt. Quốc tế Cộng sản cho rằng, chủ trương tập hợp, đoàn kết các giai cấp tư sản, tiểu tư sản, lôi kéo, phân hóa địa chủ vừa và nhỏ, việc đặt tên Đảng… của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng là sai lầm, là đại diện cho “tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm”.
Sở dĩ có sự khác nhau trong chủ trương, quan điểm, cách giải quyết vấn đề dân tộc của Đảng là do sự nhận thức, hiểu biết, tầm nhìn khác nhau giữa các chủ thể. Nguyễn Ái Quốc đặt vấn đề dân tộc lên trên, lên trước vấn đề giai cấp, chủ trương tập hợp, đoàn kết lực lượng toàn dân tộc trong cách mạng tư sản dân quyền, chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam là xuất phát từ điều kiện, thực tế của cách mạng Việt Nam. Ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, trong lòng xã hội Việt Nam tồn tại nhiều mâu thuẫn, lợi ích đan xen nhau, nhưng mâu thuẫn chủ yếu vẫn là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với sự
xâm lược, áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và tay sai phản động. Độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân là yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam, chứ chưa phải là yêu cầu đánh đổ phong kiến, ruộng đất về tay nông dân. Trong khi đó, Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 và nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng lại đặt vấn đề dân tộc và giai cấp ở tầm mức quan trọng như nhau, có mối quan hệ chặt chẽ lẫn nhau, chỉ coi công nông là lực lượng của cách mạng, còn các giai cấp, tầng lớp khác là đi về phe đế quốc hoặc tư tưởng cải lương, dao động là không phản ánh đúng tình hình thực tế, mâu thuẫn, nguyện vọng của đại đa số nhân dân.
Trải qua quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sau những thành công và bài học kinh nghiệm, xuất phát từ thực tiễn, sự khác biệt về quan điểm, tư tưởng trong nội bộ Đảng dần được rút ngắn, sự tương đồng ngày càng lớn hơn. Sau Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản năm 1935, mặc dù Nguyễn Ái Quốc chưa về nước, nhưng nhiều quan điểm, tư tưởng của Đảng đã tương đồng với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng. Tuy vậy, đây chưa phải là dòng mạch chủ lưu, chưa phải là nhận thức thống nhất trong nội bộ Đảng.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra năm 1939, Đảng đã kịp thời đề ra chủ trương, đường lối mới, mở đầu là ở Hội nghị Trung ương tháng 11 -1939 và được khẳng định dứt khoát tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương tháng 5 - 1941. Tại Hội nghị này, Đảng quyết định thay đổi chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam, thành lập ở mỗi nước Đông Dương một mặt trận riêng. Đến đây, quan điểm, đường lối, tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc đã được khẳng định. Trong những năm tháng sau đó, chủ trương này tiếp tục được cụ thể hóa, hoàn thiện qua từng diễn biến của thời cuộc. Nó là bước ngoặt, tạo cơ sở, tiền đề cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể nói, để đi đến một đường lối cách mạng giải phóng dân tộc nhất quán, Đảng đã vượt qua những rào cản tả “khuynh”, giáo điều, biệt phái có từ giai đoạn trước. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ tả “khuynh”, giáo điều, biệt phái, cô độc và cái mới sáng tạo, mềm dẻo trong quan điểm, đường lối của Đảng, cả trên diễn đàn báo chí, trong những người lãnh đạo cao nhất của Đảng là sâu sắc. Sự khác nhau về
quan điểm, tư tưởng, cách thức giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam phản ánh tầm nhìn, nhận thức, đánh giá của các chủ thể trong bối cảnh chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ và trình độ còn non yếu về nhiều mặt của một Đảng mới ra đời như Đảng ta. Nhận thức là cả một quá trình, việc có những quan điểm, chủ trương khác nhau cũng là điều bình thường trong sự vận động, phát triển của mỗi sự vật, hiện tượng. Ta không nên cho đó là sự đấu tranh để triệt tiêu lẫn nhau mặc dù cách dùng từ ngữ nhiều khi gay gắt.