Chương 2. QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC TỪ NĂM 1930 ĐẾN NĂM 1939
2.4. Vấn đề dân tộc trong những năm 1936 - 1939
2.4.1. Tình hình mới và chủ trương mới của Đảng
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929 - 1933 kết thúc, nhưng hậu quả của nó vẫn đè nặng lên nhân dân các nước tư bản và thuộc địa. Mâu thuẫn
trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa và giữa các nước tư bản chủ nghĩa với nhau ngày càng gay gắt. Để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đó, giai cấp tư sản lũng đoạn âm mưu dùng bạo lực để đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng, đưa đất nước vào con đường phát xít hóa, ráo riết chuẩn bị chiến tranh để chia lại thị trường thế giới. Chủ nghĩa phát xít đã lên nắm chính quyền ở một số nước, như Đức, Ý, Nhật Bản. Tháng 10 - 1936, các thế lực phát xít này ký kết Hiệp ước liên minh, hình thành một trục, tuyên bố chống Quốc tế Cộng sản, chuẩn bị phát động chiến tranh thế giới, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh thế giới.
Trong bối cảnh đó, tháng 7 - 1935, Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản họp, xác định mục tiêu trước mắt của phong trào cách mạng thế giới: “Ngày nay trong nhiều nước tư bản chủ nghĩa, quần chúng lao động trước mắt phải lựa chọn một cách cụ thể không phải giữa nền chuyên chính vô sản với chế độ dân chủ tư sản mà là chế độ dân chủ tư sản với chủ nghĩa phát xít” [31, tr.219]. Quốc tế Cộng sản xác định, kẻ thù nguy hiểm trước mắt của phong trào cách mạng thế giới chưa phải là chủ nghĩa đế quốc nói chung mà là chủ nghĩa phát xít. Nhiệm vụ trước mắt chưa phải là tiến hành cách mạng vô sản, lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, thiết lập nền chuyên chính vô sản và xây dựng chế độ cộng sản mà là phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào bộ phận phản động nhất của giai cấp tư sản, tức là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh thế giới. Để thực hiện được nhiệm vụ cấp bách đó, Quốc tế Cộng sản chủ trương Đảng Cộng sản ở tất cả các nước phải thiết lập được một liên minh dân chủ rộng rãi, tập hợp mọi giai tầng xã hội cùng đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, vì tự do, cơm áo và hòa bình.
Đại hội chỉ rõ, vấn đề lập mặt trận thống nhất chống đế quốc có tầm quan trọng đặc biệt ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa.
Tại Pháp, năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp thành lập gồm: Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Xã hội, Đảng Cấp tiến, Tổng Liên đoàn Lao động và các đoàn thể quần chúng của các đảng. Tháng 5-1936, Mặt trận Nhân dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và đứng ra lập chính phủ mới do lãnh tụ Đảng Xã hội là Lêông Blum làm Thủ tướng. Chính phủ này tuy vẫn là chính phủ tư sản, vì nó không xóa bỏ hệ thống thuộc địa, song trước sự đấu tranh của Đảng Cộng sản Pháp và cao trào đấu tranh chống phát xít của nhân dân Pháp, Chính phủ Blum phải thi hành một số
điểm trong chương trình tranh cử của Mặt trận Nhân dân Pháp. Đối với thuộc địa, Chính phủ này có 3 quyết định quan trọng: thả tù chính trị; thành lập ủy ban điều tra tình hình thuộc địa và thi hành một số cải cách xã hội cho người lao động. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi cho cuộc đấu tranh vì các quyền dân sinh, dân chủ ở Việt Nam và Đông Dương.
Sau Đại hội VII, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu của Quốc tế Cộng sản, tình hình trong nước và kinh nghiệm của các Đảng Cộng sản để áp dụng vào phong trào cách mạng Việt Nam. Đảng xác định, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến, giành độc lập dân tộc, lập chính quyền công nông, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, cách mạng nước ta chưa có điều kiện trực tiếp để thực hiện chiến lược đó mà phải đề ra chiến sách mới cho phù hợp với tình hình trong nước, thế giới và đường lối chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản. Đó là chiến sách lập Mặt trận nhân dân phản đế, tập trung đấu tranh vào “kẻ địch nguy hiểm nhất” là đế quốc Pháp và bọn phản động tay sai của chúng, đòi các quyền tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Mặc dù những yêu cầu tối thiểu này không thỏa mãn nguyện vọng của quần chúng, nhưng đó cũng là những quyền lợi của dân tộc và phải đấu tranh để đòi từ tay kẻ thù của dân tộc.
Giải thích về mối quan hệ giữa nhiệm vụ chiến lược và sách lược, Đảng cho rằng “một chính đảng không biết tùy theo hoàn cảnh mà thay đổi chiến sách thì không bao giờ làm xong mục đích của cuộc cách mạng. Vậy cho nên thay đổi chiến sách không thể cho rằng thay đổi mục đích được [18, tr.140] và “một người chiến sĩ cách mạng hiểu chiến lược mà không biết dùng chiến sách, thì chiến lược ấy không bao giờ thực hiện được. Trái lại, biết dùng chiến sách không khéo mà không có chiến lược (mục đích) thì cũng như người đi đánh giặc gặp đâu đánh đấy, không có chiến lược nhất định để tiến đánh địch nhân. Người cộng sản mà mập mờ chiến sách với chiến lược thì thực hành dễ sinh ra tả khuynh và hữu khuynh, do dự làm ngăn trở công việc. Bởi vậy, sự hiểu rõ chiến lược và chiến sách là cần thiết cho mỗi người chiến sĩ cách mạng” [18, tr.140].
Chủ trương đoàn kết tất cả các giai cấp, dân tộc vào Mặt trận dân tộc phản đế, Đảng hết sức chú ý đến việc vận động, lôi kéo giai cấp địa chủ, tư sản, tiểu tư
sản, phú nông (trừ bọn thủ cựu và phản động); kiên quyết loại bỏ mọi xu hướng bè phái, chia rẽ trong sách lược và tổ chức đang tồn tại ở Đông Dương.
Đối với những người lầm đường, lạc lối hay trước kia “họ có nghịch với chủ nghĩa cộng sản”, chống lại quyền lợi của dân chúng, nhưng nay đã đổi mới, biết hy sinh cái riêng vì quyền lợi chung cho đồng bào và xứ sở, Đảng chủ trương khoan hồng đại lượng, sẵn sàng tha thứ và hợp tác với họ. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với các đảng phái, các tầng lớp nhân dân nhấn mạnh: “Chúng tôi, những người cộng sản, theo luật duy vật biện chứng, chúng tôi nhận thấy thì giờ đi qua, hoàn cảnh thay đổi, nhân tâm thay đổi và mỗi một người đều có sai, miễn họ thức thời thế biến thiên mà sửa đổi thì chúng tôi có thể nguyên lượng những sai lầm đã qua của họ mà tiếp cận và hợp tác với họ, nếu sự hợp tác ấy có ích cho quyền lợi quần chúng và xứ sở. Trái lại, dầu người nào đã có công lao với quần chúng, đã tranh đấu vì cách mạng, mà nay họ đi sai đường lạc lối, hữu ý hay vô tình trở nên phản động, thì chúng tôi sẽ kịch liệt công kích không kiêng nể, đó là lập trường của chúng tôi” [18, tr.461]. Chủ trương trên vừa thể hiện sự bao dung, độ lượng của Đảng đối với những người lầm đường, lạc lối, vừa thể hiện lập trường kiên quyết, dứt khoát đối với những phần tử phản động, chống lại lợi ích của nhân dân và dân tộc.
Đảng còn chủ trương đoàn kết với các đảng quốc gia cách mạng và các đảng quốc gia cải lương. Phương châm của Đảng trong việc hợp tác với các đảng phái này là cố gắng ở mức cao nhất để giảm bớt những bất đồng, cùng nhau hợp tác vì lợi ích của quần chúng nhân dân. Đảng đưa ra nguyên tắc đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết và Đảng chỉ hợp tác với các đảng hay nhóm mà đằng sau họ có lực lượng quần chúng, không hợp tác với các cá nhân, nhân vật không được ai ủng hộ và không hợp tác với những người từ chối làm việc có lợi cho quần chúng.
Về phương pháp tổ chức, Đảng chủ trương “phải thay đổi triệt để các phương pháp tổ chức quần chúng” [18, tr. 84]. “Các tổ chức quần chúng đã tồn tại trước đây, trong thực tế không có chỗ dựa trong quần chúng. Vì thế cho nên đến nay phần lớn quần chúng ở Đông Dương vẫn không được tổ chức” [18, tr.84-85]. Do đó,
“nhiệm vụ cấp thiết là phải từ bỏ những hình thức tổ chức thiển cận, bè phái” [18, tr.84], sử dụng tất cả các hình thức công khai, bán công khai, hợp pháp và bán hợp pháp, để lôi kéo quần chúng vào hàng ngũ cách mạng. “Hình thức này không được,
ta xoay hình thức khác, tổ chức ái hữu, tương tế không được, ta xoay ra các hội chơi họ; chơi họ không được, xoay qua đám ma; đám ma không được, xoay hội lợp nhà, hàng phe, hàng giáp, v.v.. Nói tóm lại, chính sách và chủ trương của ta không phải như cái máy, cứ theo khuôn khổ nhất định. Trái lại, phải tùy hoàn cảnh từng xứ, từng địa phương, tùy trình độ quần chúng, tùy chính sách chính trị mỗi nơi mà thay đổi thiên hình vạn trạng. Điều chính là làm sao tổ chức được quảng đại quần chúng và làm lan tràn ảnh hưởng Đảng là được” [18, tr.276].
Về khẩu hiệu đấu tranh, đây là thời kỳ chúng ta chưa ở vào tình thế trực tiếp cách mạng, mà là trong thời kỳ đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, hòa bình, nên Đảng chỉ đưa các khẩu hiệu thích hợp với các quyền lợi cần kíp, và có thể thực hiện được. “Muốn thâu phục mau rộng rãi và chiến thắng quân thù không phải bằng cách đem những khẩu hiệu tả mà nhát quần chúng, mà dọa bọn thống trị, mà chính phải biết xu hướng, nguyện vọng và trình độ của quần chúng đề ra khẩu hiệu vừa phải, làm cho những cuộc đấu tranh thường có kết quả tốt, ít bị khủng bố, làm cho quần chúng thấy rằng, do sự lãnh đạo của ta khôn khéo mà được nhiều cái lợi cần thiết, là cho họ có tinh thần và tín nhiệm vào phương pháp tranh đấu đặng tiến lên đòi những quyền lợi khác cao hơn” [18, tr.280]. Và “không phải nói rằng có mục đích cách mạng cao xa là kéo được đa số quần chúng, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại mà trình độ chính trị và văn hóa của quần chúng còn thấp kém; trái lại, muốn kéo quần chúng vào hàng ngũ cho đông thì chỉ có chủ trương tranh đấu đòi quyền lợi thiết thực hàng ngày và dễ hiểu mới làm cho họ theo mình thôi” [18, tr.231]. Cuộc đấu tranh hiện thời của chúng ta chưa thể vượt qua được các khẩu hiệu đấu tranh đó. Từ nước ngoài chỉ đạo cách mạng ở trong nước, Nguyễn Ái Quốc viết: “Lúc này, Đảng không nên đưa ra những đòi hỏi quá cao (độc lập dân tộc, nghị viện, v.v..
Chỉ nên đòi các quyền dân chủ, tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do báo chí và tự do ngôn luận” [18, tr.507].
Có thể nói, chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc phản đế của Đảng là hoàn toàn đúng đắn nhằm đoàn kết tất cả các dân tộc, giai cấp, đảng phái trong toàn Đông Dương đấu tranh vì các quyền tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Đây không phải là sự thỏa hiệp giai cấp mà trái lại, là một sách lược khôn khéo, mềm dẻo và hiệu quả nhất nhằm lôi cuốn toàn thể nhân dân Đông Dương vào một mặt trận chung,
đưa quần chúng lên trận tuyến cách mạng. Việc Đảng hợp tác với các đảng phái, giai cấp bắt nguồn từ lợi ích của toàn thể nhân dân. Đây không phải là Đảng từ bỏ chương trình và mục đích của mình, từ bỏ nguyên tắc giai cấp tranh đấu, từ bỏ mục tiêu làm cách mạng phản đế và điền địa mà Đảng vẫn luôn giữ sự độc lập của mình về phương diện tổ chức và vẫn trung thành với mục đích, cương lĩnh chính trị của mình [18, tr.170].