Chương 4. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.2. Bài học kinh nghiệm
4.2.1. Xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở thực tiễn Việt Nam để đề ra chủ trương, đường lối
Thực tiễn thời kỳ đấu tranh giành chính quyền 1930-1945 đã để lại nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học về việc phải xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở thực tiễn để đề ra chủ trương, đường lối.
Việt Nam là một quốc gia dân tộc được hình thành sớm trong lịch sử, có truyền thống yêu nước nồng nàn, trong đó cốt lõi là tư tưởng độc lập, tự do, ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chính chủ nghĩa yêu nước chân chính, lòng tự hào dân tộc là một trong những động lực to lớn giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần.
Từ khi thực dân Pháp đặt ách xâm lược lên đất nước ta, triều đình phong kiến nhà Nguyễn vì sự yếu kém và bạc nhược, vì quyền lợi giai cấp đã chống cự một cách yếu ớt và từng bước đầu hàng. Từ một nước có chủ quyền, độc lập, tự do, Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Sau khi đặt xong ách bình định trên đất nước ta cũng như ở Lào và Campuchia, thực dân Pháp lập ra Liên bang Đông Dương, bao gồm 3 dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia, nằm trong khối liên hiệp Pháp.
Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam tồn tại nhiều mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và tay sai phản động. Do đó, yêu cầu cấp bách của dân tộc ta lúc này là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Muốn thực hiện được điều đó, cần có một giai cấp tiên phong lãnh
Có thể khẳng định, đối với một nước thuộc địa, nửa phong kiến như Việt Nam, một dân tộc có ý thức sâu sắc tinh thần độc lập, tự do, về chủ quyền quốc gia dân tộc, việc đề ra chủ trương, đường lối cách mạng cần và phải bám sát thực tiễn trên.
Lịch sử Việt Nam từ khi Đảng ra đời đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhất là trong giai đoạn 1930-1941 đã chứng tỏ rằng, khi nào Đảng xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở thực tiễn Việt Nam để đề ra chủ trương, đường lối thì khi đó phong trào cách mạng phát triển, thắng lợi; còn khi nào Đảng áp dụng một cách dập khuôn, giáo điều chủ trương, đường lối chỉ đạo từ bên ngoài, thì khi đó đường lối rơi vào tả khuynh hoặc hữu khuynh, gây hệ quả xấu cho phong trào cách mạng. Đây là một kinh nghiệm sâu sắc không chỉ trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền mà còn là bài học quý báu cho các giai đoạn cách mạng sau này.
Xuất phát từ việc am hiểu sâu sắc đặc điểm lịch sử, chính trị, xã hội, địa lý của Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan chính trị sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 đã giải quyết một cách thỏa đáng mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tập hợp, đoàn kết lực lượng của tất cả các giai cấp, dân tộc trong mặt trận dân tộc thống nhất, chủ trương sau khi đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai phản động sẽ thành lập một nước Việt Nam độc lập.
Từ Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đến trước tháng 7 - 1935, đường lối, chủ trương của Đảng chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản.
Theo Quốc tế Cộng sản, việc Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh vấn đề giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết tư sản dân tộc, tiểu tư sản, trung, tiểu địa chủ là sai lầm; đặt tên Đảng Cộng sản Việt Nam là biểu hiện của tư tưởng dân tộc hẹp hòi, là không nắm được đặc điểm, tình hình Đông Dương.
Trên thực tế, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Quốc tế Cống sản đối với các nước thuộc địa và phụ thuộc chủ yếu xuất phát từ hiện thực châu Âu, mà chưa khảo sát, nghiên cứu một cách thấu đáo tình hình thực tế ở các nước thuộc địa. Khác với các nước tư bản châu Âu, mâu thuẫn chủ yếu ở các nước thuộc địa là mâu thuẫn dân tộc chứ không phải mâu thuẫn giai cấp, do đó nhiệm vụ dân tộc mới là nhiệm vụ chính yếu. Mà muốn làm cách mạng giải phóng dân tộc, cần tập hợp, đoàn kết được
tất cả các giai cấp, tầng lớp vào Mặt trận dân tộc thống nhất. Quốc tế Cộng sản do không hiểu đầy đủ đặc điểm, mâu thuẫn chủ yếu ở các nước thuộc địa, nhấn mạnh thái quá đấu tranh giai cấp, nên không đoàn kết, tập hợp được lực lượng của tất cả các dân tộc, giai cấp. Là một bộ phận của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ quan điểm chỉ đạo này.
Đường lối nhấn mạnh đấu tranh giai cấp của Quốc tế Cộng sản đã gây ra những hậu quả không tốt cho phong trào cách mạng Việt Nam nói riêng, cách mạng ba nước Đông Dương nói chung. Quan điểm này đã hạn chế khả năng tập hợp rộng rãi các lược lượng có khả năng chống đế quốc, đẩy một phần các lực lượng này sang phe đế quốc, tăng thêm kẻ thù cho cách mạng, không phát huy được tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của cách mạng mỗi nước Đông Dương.
Việc không xuất phát từ thực tiễn để đề ra chủ trương, đường lối của Đảng giai đoạn này còn có một nguyên nhân khác là do sự thiếu hiểu biết đầy đủ tình hình trong nước cũng như thực tiễn còn non yếu của một số đồng chí lãnh đạo của Đảng.
Các đồng chí Tổng Bí thư: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập là những chiến sĩ cộng sản được đào tạo một cách bài bản trong môi trường của Quốc tế Cộng sản, đầy nhiệt huyết cách mạng, nhưng vì còn trẻ, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn chưa nhiều, nên khi về nước lãnh đạo cách mạng trong nước đã áp dụng một cách máy móc, dập khuôn đường lối của Quốc tế Cộng sản.
Sau Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản năm 1935, nhất là khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, tình thế cách mạng xuất hiện, đường lối của Đảng đã dần bám sát thực tế phong trào cách mạng, vấn đề dân tộc và giai cấp được nhận thức một cách đầy đủ hơn, tinh thần dân tộc được đề cao. Ngay cả nhận thức về việc giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương cũng có những chuyển biến mới, theo hướng đề cao quyền dân tộc tự quyết... Cơ sở cho những chuyển biến đó là sự am hiểu đầy đủ hơn tình hình trong nước và thế giới, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân cũng như sự trưởng thành của Đảng qua mỗi cao trào cách mạng. Đến đây, có thể khẳng định, “như một quy luật, những quan điểm không hợp lý, xa rời thực tiễn Việt Nam nhanh chóng bị loại bỏ. Đường lối “tả” khuynh do những người cộng sản Đông Dương “nhập cảnh” từ Quốc tế Cộng sản đã có lúc giữ vai trò chủ đạo, chi phối hoạt động ở bộ phận đầu não của Đảng. Song, không bao lâu
chính những người cộng sản Đông Dương đã xem xét và phê phán sự bất cập của đường lối “tả” khuynh đối với cách mạng Việt Nam” [82, tr.150-151].
Bước ngoặt của cách mạng Việt Nam chỉ đến khi Nguyễn Ái Quốc về nước và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941. Xuất phát từ thực tiễn đất nước và tình hình thế giới, mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa dân tộc ta với thực dân Pháp và phát xít Nhật xâm lược, đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do của toàn thể dân tộc, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đã được khẳng định; quyền dân tộc tự quyết được đề cao. Trung ương Đảng quyết định thay đổi chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương, thành lập ở mỗi nước một mặt trận riêng nhằm đoàn kết tất cả các giai cấp, đảng phái, dân tộc vào mặt trận dân tộc thống nhất, thức tỉnh tinh thần dân tộc, ý thức độc lập, tự chủ trong nhân dân mỗi nước Đông Dương.
Cơ sở cho sự thay đổi chiến lược đó xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, từ đặc điểm lịch sử, chính trị, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới bắt đầu từ Hội nghị này.
Trong giai đoạn 1941 - 1945, dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc của Đảng và Mặt trận Việt Minh, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy.
Nhân dân ta thuộc đủ thành phần giai cấp, dân tộc, các đảng phái khác nhau, từ nông thôn tới thành thị, từ miền núi tới đồng bằng đã nô nức đi theo tiếng gọi của Đảng. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, cách mạng đã thành công trong cả nước. Ngày 2 - 9 - 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dân tộc bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên đất nước độc lập, tự do.