Chương 2. QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC TỪ NĂM 1930 ĐẾN NĂM 1939
2.3. Quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc (từ tháng 10-1930 đến tháng 3-1935)
2.3.2. Giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất
Hai mặt tranh đấu đó có liên lạc mật thiết với nhau, vì có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa” [14, tr.94].
Thậm chí, Luận cương còn nhấn mạnh “vấn đề thổ địa là cái cốt của cuộc cách mạng tư sản dân quyền”.
Dự án Luận cương nêu lên 10 nhiệm vụ cụ thể của cách mạng tư sản dân quyền là:
- Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ;
- Lập chính phủ công nông;
- Tịch thu hết thảy ruộng đất của bọn địa chủ ngoại quốc, bổn xứ và các giáo hội; giao ruộng đất ấy cho trung và bần nông, quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chính phủ công nông;
- Sung công tất cả các sản nghiệp lớn của bọn tư bổn ngoại quốc;
- Bỏ các sưu thuế hiện thời, lập ra thuế lũy tiến;
- Ngày làm công tám giờ, sửa đổi sự sinh hoạt cho thợ thuyền và quần chúng lao khổ;
- Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập, thừa nhận quyền dân tộc tự quyết;
- Lập quân đội công nông;
- Nam nữ bình quyền;
- Ủng hộ Liên bang Xôviết; liên kết với vô sản giai cấp toàn thế giới và phong trào cách mạng thuộc địa và bán thuộc địa [14, tr.95].
Nhận xét về việc xác định nhiệm vụ của cuộc cách mạng tư sản dân quyền tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, cố Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định, “hồi cuối 1930 đến đầu 1931, cán bộ tất cả đều tán thành 2 nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng Đông Dương, nhưng nhiều đồng chí thấy rằng phải xác định cách mạng Đông Dương là cách mạng phản đế và điền địa thì đúng hơn là nói điền địa và phản đế; 2 nhiệm vụ đều phải làm cùng lúc là đúng; không làm cách mạng điền địa thì cách mạng phản đế không thành, không làm cách mạng phản đế thì cách mạng điền địa tất nhiên không làm được, song xếp trật tự thì phải nói cách mạng phản đế và cách mạng điền địa mới thật là hợp lý, kẻ địch lớn là thực dân Pháp” [29, tr.186].
Án nghị quyết của Hội nghị Trung ương Trung ương tháng 10-1930 về vấn đề Nông dân vận động đã nêu lên những sai lầm, khuyết điểm trong việc vận động nông dân của Hội nghị thành lập Đảng, đó là “… chỉ tuyên truyền phản đế quốc chủ nghĩa mà ít để ý đến việc phản địa chủ quan làng” [14, tr.153] và chỉ ra nhiệm vụ công tác về nông vận là phải “làm cho khẩu hiệu cách mạng thổ địa (tịch thu hết
ruộng đất của địa chủ ngoại quốc, bổn xứ phân phát cho bần và trung nông) lan sâu rộng trong quần chúng dân cày, lại phải làm cho hiểu ý nghĩa các khẩu hiệu chính của cách mạng tư sản dân quyền [14, tr.154]. “Muốn cho quần chúng dây cày nổi lên rung động giai cấp thống trị địa chủ, quan lang, thì phải hiệu triệu cho thực hành các cách thị oai chống thuế, chống địa tô, phản đối mệnh lịnh quan làng, v.v. liên kết sự tranh đấu kinh tế với sự tranh đấu chính trị, nhân mọi cơ hội tranh đấu truyền bá cho sâu rộng những khẩu hiệu cách mạng thổ địa” [14, tr.154].
Về lực lượng cách mạng, Luận cương xác định, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chính của cách mạng, do giai cấp vô sản lãnh đạo. Ngoài công nông, còn có các phần tử lao khổ ở thành thị, như những người bán hàng rong đường phố, người làm nghề thủ công nhỏ, trí thức thất nghiệp vì đời sống cực khổ nên đều đi theo cách mạng. Các giai cấp, tầng lớp, đảng phái khác không thuộc hàng ngũ cách mạng. Cụ thể:
Đối với tiểu tư sản, “do có nhiều hạng, địa vị mỗi hạng lại khác nhau và trong mỗi thời kỳ cách mạng thì địa vị ấy lại đổi khác”, nên tầng lớp này có thái độ do dự, không tán thành cách mạng, có liên hệ với bọn địa chủ. Luận cương nhấn mạnh: “Bọn trí thức, tiểu tư sản, học sanh, v.v. là bọn xu hướng quốc gia chủ nghĩa, chúng nó đại biểu quyền lợi cho tất cả giai cấp tư bổn bổn xứ, chớ không phải chỉ bênh vực quyền lợi riêng cho bọn tiểu tư sản mà thôi. Trong thời kỳ chống đế quốc chủ nghĩa thì bọn ấy cũng hăng hái tham gia, nhưng chỉ lúc đầu mà thôi; chúng nó không thể binh vực quyền lợi cho dân cày được, vì chúng nó phần nhiều có dây dướng với bọn địa chủ” [14, tr.96].
Đối với giai cấp tư sản, Luận cương viết: “Bọn tư bổn thương mại vì có quyền lợi dính dáng với đế quốc cho nên đứng về một phe với đế quốc chủ nghĩa và địa chủ mà chống cách mạng” [14, tr.95], còn “bọn tư bổn công nghệ… có dính dáng với địa chủ, sợ phong trào vô sản và chịu ảnh hưởng phản cách mạng của bọn tư bổn Tàu và Ấn Độ, cho nên chúng nó không thể đứng về phía quốc gia cách mạng mà chỉ đứng về mặt quốc gia cải lương” [14, tr.95-96].
Đối với các đảng phái tiểu tư sản, Luận cương cho rằng, “các đảng phái ấy đều dính dáng với giai cấp địa chủ và tư bổn bổn xứ… Khi phong trào cách mạng phản đế mới nổi lên thì họ chống đế quốc chủ nghĩa và binh vực quyền lợi cho giai
cấp tư bổn bổn xứ. Nhưng đến lúc cách mạng phát triển đã cao; lúc phải giải quyết các vấn đề căn bổn nhứt là vấn đề thổ địa cách mạng và vấn đề công nông chuyên chính, thì các đảng phái ấy sẽ bỏ cách mạng mà chạy về cải lương và hiệp tác với đế quốc chủ nghĩa” [14, tr.98-99]. Bởi vậy, “về mặt chính trị và tổ chức ngay từ lúc đầu, chúng ta phải phân tách giới hạn của Đảng Cộng sản và các đảng phái tiểu tư sản cho thiệt rõ, nhất là phải đánh đổ những xu hướng tiểu tư sản” [14, tr.98-99].
Và, muốn lập chuyên chính công nông, “Đảng phải chú ý vào việc tập trung ruộng đất phát triển ra thế nào, và sự mâu thuẫn giai cấp ở thôn quê. Ngay từ lúc đầu, Đảng phải lãnh đạo dân cày chống đế quốc và địa chủ. Bần và trung nông là phần tử hăng hái làm cách mạng thổ địa, cho nên phải hết sức tổ chức họ khắp trong xứ”
[14, tr.100-101]. “Còn bọn phú nông thì ngay từ lúc bây giờ phải chú ý đừng cho bọn ấy xen vào nông hội, và ảnh hưởng đến trung và bần nông” [14, tr.100-101].
Có thể nói, những nội dung trên cho thấy, Luận cương chính trị đã không thấy được mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và tay sai phản động, chưa xác định đúng tính chất và nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam là nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai giành độc lập dân tộc; đánh giá không đúng vai trò cách mạng của tầng lớp tiểu tư sản, phủ nhận mặt tích cực của tư sản dân tộc và chưa thấy được khả năng phân hóa, lôi kéo một bộ phận vừa và nhỏ của giai cấp này trong cách mạng giải phóng dân tộc; không đề ra được một chiến lược liên minh, đoàn kết dân tộc và giai cấp rộng rãi trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược và tay sai.
Sau Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, những quan điểm về việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất của Hội nghị thành lập Đảng tiếp tục chịu sự phê phán, chỉ trích của Quốc tế Cộng sản và các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng chỉ rõ, nhiệm vụ nặng nề của Trung ương là “phải làm cho rõ ràng những sự mập mờ, sửa đổi những sự sai lầm trong công việc của H.n.h.n*” [14, tr.233].
Đồng chí Hà Huy Tập, trong bài viết Kỷ niệm 3 năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất, đăng trên Tạp chí Cahier du Bol sesvisme (Cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp, số 8, ngày 1-3-1933) cho rằng, Hội nghị hợp nhất và
đồng chí Nguyễn Ái Quốc “đã đề ra sách lược sai lầm: dựa vào nông dân nghèo đoàn kết với trung nông, tiểu tư sản, trí thức, trung lập phú nông, tiểu và trung địa chủ”. “Cương lĩnh của Hội nghị hợp nhất là trái ngược với học thuyết Lêninnít, với đường lối chính trị của Quốc tế Cộng sản” [80, tr.261].
Hà Huy Tập cho rằng, Nguyễn Ái Quốc là người có sáng kiến lãnh đạo Hội nghị hợp nhất, có công lao lớn trong việc tập hợp lực lượng phân tán thành một khối.
“Nhưng đồng chí đã phạm một sai lầm cơ hội chủ nghĩa trong thời gian Hội nghị hợp nhất mà chúng ta không thể bỏ qua” [80, tr.262]. “Hội nghị hợp nhất không hiểu rằng tính chất của cách mạng Đông Dương là tư sản dân chủ gồm hai nhiệm vụ (cách mạng phản đế và cách mạng ruộng đất). Hai nhiệm vụ ấy là những bộ phận khăng khít của cách mạng tư sản dân chủ và gắn bó mật thiết với nhau” [80, tr.271]. “Hội nghị lại không hiểu rằng, cách mạng ruộng đất là cái trục của cách mạng tư sản dân chủ” [80, tr.272]. “Cương lĩnh của Hội nghị hợp nhất đề ra vấn đề làm cách mạng điền địa, nhưng không đả động một lời nào đến giai cấp địa chủ. Hội nghị chỉ nói đến việc tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, nhưng không nói gì đến việc tịch thu ruộng đất của địa chủ. Như vậy là cuộc cách mạng ruộng đất mà Hội nghị hợp nhất đề ra chỉ là một cuộc cách mạng bộ phận, vì thế nó không có khả năng xóa bỏ các hình thức bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa ở nông thôn Đông Dương” [80, tr.273].
Hà Huy Tập cho rằng, “chẳng những Hội nghị hợp nhất không nêu khẩu hiệu đánh đổ giai cấp địa chủ, tịch thu hết ruộng đất của chúng, mà còn nêu ra vấn đề sử dụng, hoặc ít ra cũng trung lập bọn tiểu và trung địa chủ. Như thế là Hội nghị không hiểu phải tiêu diệt chúng về mặt giai cấp” [80, tr.273-274]. “Hội nghị cũng nêu ra vấn đề sử dụng hoặc trung lập giai cấp tư sản bản xứ. Đề ra một sách lược như thế có nghĩa là từ bỏ cuộc đấu tranh chống lại ảnh hưởng tai hại của giai cấp tư sản bản xứ trong quần chúng lao động Đông Dương” [80, tr.274]. “Đối với phú nông, Hội nghị cũng đề ra vấn đề sử dụng hoặc trung lập. Quốc tế Cộng sản không đồng ý với ý kiến đó” [80, tr.275]. “Đối với trí thức và giai cấp tiểu tư sản, Hội nghị cũng nêu vấn đề liên minh. Đây là một sách lược sai lầm” [80, tr.275].
Cũng sau Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, Quốc tế Cộng sản tiếp tục gửi nhiều thư chỉ đạo phong trào cách mạng Đông Dương, trong đó yêu cầu phải tiến hành song song, đồng thời nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến. Thư của Ban phương
Đông gửi Đảng Cộng sản Đông Dương, đề ngày 13-11-1930, viết: “Những nhiệm vụ trước mắt là: giải phóng khỏi ách thống trị và áp bức của đế quốc giành độc lập dân tộc hoàn toàn. Đồng thời tiến hành cuộc cách mạng điền địa triệt để, không thỏa hiệp và xóa bỏ mọi quan hệ và di tích phong kiến và nửa phong kiến” [14, tr.275].
Quốc tế Cộng sản kiên trì quan điểm đấu tranh giai cấp, nhấn mạnh cần phải
“tiêu diệt” địa chủ với tính cách là một giai cấp: “Nhiệm vụ trung tâm, điều cốt yếu của cách mạng điền địa là triệt để tiêu diệt bọn địa chủ với tính cách là một giai cấp và chia đều ruộng đất cho quần chúng dân cày nghèo và tá điền nghèo. Chú ý đừng rơi vào sai lầm nguy hiểm là phân địa chủ thành loại “tốt” và “xấu”” [14, tr.277].
“Chúng ta phải tỏ ra không thương xót và kiên định nhất trong việc tiêu diệt bọn địa chủ như một giai cấp, và tiêu diệt sạch về mặt thể chất những kẻ nào tìm cách ngăn cản phong trào cách mạng” [14, tr.277]. “Xương sống của cách mạng điền địa là bần nông liên minh với trung nông” [14, tr.278]. Nhiệm vụ khẩn thiết của Đảng trong lúc này là triển khai và tổ chức ở mọi nơi cuộc chiến tranh của nông dân vì ruộng đất và kết hợp với phong trào công nhân và phong trào chống đế quốc; khẩu hiệu tịch thu toàn bộ ruộng đất của bọn địa chủ và chủ đồn điền, chia ruộng đất đó cho nông dân cần được biến thành khẩu hiệu hành động, khẩu hiệu đấu tranh quần chúng [15, tr.265]. “Động lực của cách mạng Đông Dương là: giai cấp vô sản và giai cấp nông dân… Đồng minh trực tiếp của bọn đế quốc là: địa chủ, phong kiến, kỳ hào và giai cấp tư sản dân tộc” [14, tr.275].
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương ra nhiều nghị quyết, chỉ thị nhấn mạnh đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất; tiếp tục phê phán chủ trương của Hội nghị hợp nhất về tập hợp lực lượng trong cách mạng tư sản dân quyền: “Chúng ta không thể chia địa chủ làm đại tiểu trung; hạng thì phản cách mạng, hạng thì theo cách mạng, v.v. như vậy được.
Chúng ta phải xét bọn địa chủ về phương diện giai cấp mới được, chúng nó là một giai cấp tuy đất ruộng không như nhau, nhưng đều là một bọn chỉ dùng cái quyền có đất để bóc lột dân nghèo, hãm hại kinh tế dân cày và ngăn cản sức sanh sản trong xứ, thù địch của dân cày không kém gì đế quốc chủ nghĩa. Vả lại quyền lợi của chúng nó quan hệ mật thiết với quyền lợi của đế quốc chủ nghĩa cho nên chúng nó liên kết với đế quốc mà bóc lột dây cày. Vậy nên Đảng phải có cái chính sách thổ địa cho thiệt rõ ràng, chẳng những không chủ trương lợi dụng hay làm cho chúng nó
trung lập mà lại chủ trương tiêu diệt địa chủ, tịch ký tất cả ruộng đất của chúng nó mà giao cho bần và trung nông” [14, tr.235].
Trong cách mạng tư sản dân quyền, cách mạng điền địa được xác định là một trung tâm điểm, cần được tiến hành song song với cách mạng phản đế.
“Không thể nói rằng đánh đổ đế quốc rồi sẽ đánh đổ địa chủ, mà cũng không thể nói rằng đánh đổ địa chủ rồi sẽ đánh đổ đế quốc. Cách mạng phản đế và cách mạng điền địa phải song song với nhau: nhược bằng so le thì tự do chẳng có, ruộng đất cũng không” [16, tr.100].
Đối với giai cấp tư sản, Đảng cho rằng, quyền lợi của giai cấp này tuy có xung đột với quyền lợi của đế quốc Pháp, nhưng tư tưởng cách mạng không triệt để.
“Khi phong trào công nhân còn yếu thì nó ra mặt chống đế quốc, nhưng lúc cách mạng đã tới nơi, lúc công nông sắp giải quyết các vấn đề thuộc về tư sản dân quyền cách mạng (phản đế và thổ địa) thì bộ phận tư sản ấy cũng theo phe đế quốc mà chống cách mạng”. “Ảnh hưởng của bọn tư bản trong quần chúng công nông là một sự nguy hiểm cho phong trào cách mạng” [11, tr.236].
Chính vì không thấy hết được tinh thần cách mạng của những lực lượng cách mạng to lớn này, nên trong các khẩu hiệu tuyên truyền của Đảng, chỉ thấy công nông và liên minh công nông mà không thấy kêu gọi, tập hợp tư sản, tiểu tư sản và giai cấp địa chủ vào hàng ngũ cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, đấu tranh giai cấp được đặt ngang hàng với đấu tranh chống đế quốc. Do vậy, “nếu không triển khai rộng khắp phong trào điền địa thì sẽ nảy sinh nguy cơ làm cho cuộc đấu tranh cách mạng ngưng phát triển và thậm chí suy thoái” [16, tr. 479].
Đại hội I của Đảng (tháng 3 - 1935) do Hà Huy Tập chủ trì đánh dấu sự khôi phục tổ chức của Đảng sau thời kỳ khủng bố trắng quyết liệt. Tuy nhiên, qua các văn kiện của Đại hội, qua các báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản sau đó của Hà Huy Tập có thể thấy, quan điểm nhấn mạnh đấu tranh giai cấp vẫn chiếm ưu thế chủ đạo trong tư tưởng, đường lối của Đảng.
Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Đông Dương (Dự thảo) tại Đại hội lần thứ I của Đảng tiếp tục phân tích mối quan hệ giữa cách mạng phản đế và cách mạng điền địa giống như Luận cương chính trị tháng 10-1930. Cương lĩnh cho rằng: “Người ta không thể “làm cách mạng phản đế, sau đó mới làm cách mạng điền địa”. Cách mạng