Giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 111 - 118)

Chương 3. CHỦ TRƯƠNG THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC VÀ SỰ CHỈ ĐẠO GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 1939-1945

3.1. Chủ trương thay đổi chiến lược

3.1.3. Giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất

Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, tại Bà Điểm, Gia Định, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì sau khi phân tích tình hình trong nước và thế giới, mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam, thái độ chính trị của các giai cấp đã mở đầu cho quyết định thay đổi chiến lược. Hội nghị cho rằng, chiến lược cách mạng tư sản dân quyền bây giờ cũng phải thay đổi ít nhiều cho phù hợp với tình thế mới. Nếu như trước đây, trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, Đảng xác định hai nhiệm vụ: chống đế quốc và chống phong kiến có vị trí, vai trò như nhau, tác động qua lại lẫn nhau, thì ở Hội nghị Trung ương này, Đảng chủ trương thay đổi chiến lược cho phù hợp với tình hình. Đó là chỉ thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là đánh đổ ách áp bức, bóc lột của đế quốc, thực dân giải phóng dân tộc. Hội nghị nhấn mạnh: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập” [18, tr.536].

Từ quyết định thay đổi chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Trung ương Đảng đã nhận thức và giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất. Hội nghị Trung ương tháng 11- 1939 cho rằng, “cách mạng phản đế và điền địa là hai cái mấu chốt của cách mạng tư sản dân quyền. Không giải quyết được cách mạng điền địa thì không giải quyết được cách mạng phản đế. Trái lại không giải quyết được cách mạng phản đế thì không giải quyết được cách mạng điền địa - cái nguyên tắc chính ấy không bao giờ thay đổi được, nhưng nó phải ứng dụng một cách khôn khéo thế nào để thực hiện được nhiệm vụ chính cốt của cách mạng là đánh đổ đế quốc” [18, tr.538]. Trong giai đoạn hiện tại, ở nước ta, nhiệm vụ cấp bách nhất là đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai phản động giành lại độc lập dân tộc. Vì thế, “đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết” [18, tr.539].

Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, Hội nghị Trung ương tháng 11- 1939 không chủ trương tịch thu ruộng đất của toàn bộ địa chủ, phong kiến, mà “chỉ mới tịch thu ruộng đất của những địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc” [18, tr.539]

chia cho dân cày. Nói cách khác là tạm gác khẩu hiệu “ruộng đất cho dân cày” để đoàn kết, lôi kéo, tập hợp tất cả những địa chủ có tinh thần yêu nước vào Mặt trận

dân tộc phản đế Đông Dương “để đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bổn xứ và tất cả bọn tay sai của đế quốc phản bội dân tộc”.

Hội nghị hết sức nhấn mạnh và đề cao tinh thần dân tộc trong nhân dân, nhằm đoàn kết, thống nhất lực lượng toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh giành lấy độc lập, tự do. Hội nghị khẳng định, việc “mở rộng và nâng cao tinh thần dân tộc, làm cho mỗi người trong các giai cấp có ý thức về sự tồn vong của dân tộc và sự liên quan mật thiết của vận mạng dân tộc với lợi ích cá nhân mình; đặt quyền lợi dân tộc lên trên các quyền lợi khác, thống nhất lực lượng dân tộc là điều kiện cốt yếu để đánh đổ đế quốc Pháp” [18, tr.544].

Có thể nói, Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 đã nhận định đúng tình hình, xác định đúng mâu thuẫn của xã hội Việt Nam, đáp ứng được nguyện vọng giành độc lập, tự do của dân tộc. Nhiệm vụ đánh đổ địa chủ, phong kiến giải quyết từng phần, chỉ đánh đổ địa chủ, phong kiến tay sai, phản bội quyền lợi dân tộc. Chủ trương “đặt nhiệm vụ phản đế lên trên hết, trước hết, nhận rõ tính độc lập của nhiệm vụ phản đế đối với nhiệm vụ phản phong chính là sự phát triển quan điểm về vấn đề dân tộc và nhiệm vụ giải phóng dân tộc đã từng được Đảng ta đề cập trong “chiến sách mới” vào năm 1936” [72, tr.35]. Quan điểm, chủ trương giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất là sự trở lại tương đồng với chủ trương của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930.

Sau Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, tình hình trong nước và thế giới có sự thay đổi nhanh chóng. Ở trong nước, phần lớn các Ủy viên Trung ương bị địch bắt, gây tổn thất to lớn cho Đảng. Tháng 9 -1940, phát xít Nhật vào Việt Nam. Quân Pháp chống cự yếu ớt và từng bước đầu hàng. Tháng 11 - 1940, khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại.

Trong bối cảnh đó, với tinh thần và trách nhiệm cao trước Đảng và dân tộc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 11-1940 quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Hội nghị phân tích tình hình trong nước và thế giới, xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là đế quốc chủ nghĩa Pháp - Nhật, kẻ thù phụ là phong kiến bản xứ; chủ trương tập hợp lực lượng toàn dân tộc vào Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế… Tuy nhiên, khác với Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, Hội nghị Trung ương lần này lại đặt vấn đề cách mạng phản đế và cách

mạng điền địa ở vị trí như nhau, coi cách mạng điền địa là một yếu tố bảo đảm cho cách mạng thành công. Hội nghị chỉ rõ: “Có một số đồng chí và quần chúng tưởng rằng lúc này cuộc cách mạng Đông Dương chỉ có tính chất cách mạng dân tộc giải phóng, thậm chí có nơi các đồng chí bỏ rơi nhiệm vụ thổ địa, sợ rằng nêu khẩu hiệu ấy ra sẽ có hại cho việc tập hợp các lực lượng phản đế thành: Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế” [19, tr.65]. “Cách mạng phản đế và cách mạng thổ địa phải đồng thời tiến, không thể cái làm trước, cái làm sau. Vô sản giai cấp Đông Dương không thể đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa nếu không đồng thời đánh đổ phong kiến bản xứ và những bọn địa chủ làm tay sai cho đế quốc chủ nghĩa, tịch thu ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa, của phong kiến và hạng địa chủ phản động chia cho dân cày, đặng kéo cho được dân cày tham gia tranh đấu cách mạng… Trái lại không thể đánh đổ được phong kiến, bọn thực dân, bọn địa chủ phản động, nếu không đồng thời đánh luôn cả kẻ đỡ đầu cho chúng là đế quốc chủ nghĩa, nếu dân cày không đi đôi với vô sản giai cấp và các tầng lớp nhân dân phản đế đặng đánh đổ đế quốc chủ nghĩa.

Tóm lại, cách mạng phản đế và cách mạng thổ địa là hai bộ phận khăng khít của cách mạng tư sản dân quyền” [19, tr.68]. Hội nghị nhấn mạnh, mặc dù lúc này khẩu hiệu cách mạng phản đế, cách mạng giải phóng dân tộc cao hơn và thiết dụng hơn, song nếu không làm được cách mạng thổ địa thì cách mạng phản đế khó thành công. Tình thế hiện tại không thay đổi gì tính chất cơ bản của cuộc cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương [19, tr.68].

Như vậy, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1940 lại trở về với việc giải quyết song song, đồng thời vấn đề dân tộc và giai cấp, chống đế quốc và chống phong kiến, không đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Những hạn chế này chỉ được khắc phục dứt khoát tại Hội nghị Trung ương tháng 5-1941.

Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 sau khi phân tích nguồn gốc, đặc điểm, tính chất của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thái độ chính trị của các giai cấp ở trong nước dưới ách áp bức, bóc lột của Pháp - Nhật, đã khẳng định: “Đế quốc Pháp - Nhật chẳng những áp bức các giai cấp thợ thuyền, dân cày mà chúng còn áp bức, bóc lột cả các dân tộc không chừa một hạng nào. Dẫu là anh tư bản, anh địa chủ, một anh thợ hay một anh dân cày đều cảm thấy cái ách nặng nề của đế quốc là không thể nào sống được. Quyền lợi của tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mệnh

cách mạng nguy vong không lúc nào bằng. Pháp - Nhật ngày nay không phải chỉ là kẻ thù của công nông mà là kẻ thù của cả dân tộc Đông Dương” [19, tr.112]. Hội nghị dự đoán rằng: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công” [19, tr.100].

Đặc biệt, Hội nghị này đã đi đến một quyết định dứt khoát về thay đổi chiến lược: “Sự thay đổi về kinh tế, chính trị Đông Dương, sự thay đổi thái độ, lực lượng các giai cấp Đông Dương, buộc Đảng ta phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho phù hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương, cho phù hợp với tình hình thay đổi, Đảng ta phải có một chính sách cách mạng thích hợp với tình trạng ấy, mới chỉ dẫn cuộc cách mạng đến thắng lợi chắc chắn được” [19, tr.118]. Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”[19, tr.119]. Vì vậy, “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” [19, tr.113]. “Trong giai đoạn hiện tại ai cũng biết rằng: nếu không đánh đuổi được Pháp - Nhật thì vận mạng của dân tộc phải chịu kiếp ngựa trâu ngựa muôn đời mà vấn đề ruộng đất cũng không làm sao giải quyết được. Vậy thì trong lúc này muốn giải quyết nhiệm vụ giải phóng không thể đưa thêm một nhiệm vụ thứ hai chưa cần thiết với toàn thể nhân dân, giải quyết mà có hại cho nhiệm vụ thứ nhất” [19, tr.119].

Chưa chủ trương làm cách mạng tư sản dân quyền mà chủ trương làm cách mạng giải phóng dân tộc không có nghĩa là Đảng bỏ quên, từ bỏ nhiệm vụ phản phong, không phải là Đảng thủ tiêu vấn đề đấu tranh giai cấp, mà chỉ là tập trung sức để giải quyết cho nhiệm vụ cấp bách nhất của cách mạng là giải phóng dân tộc.

Lý giải về vấn đề này, Nghị quyết Hội nghị viết: “Không phải giai cấp vô sản Đông Dương bỏ mất nhiệm vụ điền địa đi đâu, cũng không phải đi lùi lại một bước, mà

chỉ bước một bước ngắn hơn để có sức mà bước một bước dài hơn” [19, tr.119].

“Không! Vấn đề giai cấp đấu tranh vẫn tồn tại mãi. Nhưng trong giai đoạn hiện tại, quốc gia trước hết, thì tất thảy những yêu sách của bộ phận mà có hại đến quyền lợi của toàn thể, của giai cấp mà có hại đến quyền lợi của dân tộc, thì phải gác lại để giải quyết sau” [19, tr.113]. Hội nghị nhấn mạnh: “Đừng tưởng rằng chưa giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân sẽ làm giảm bớt sức chiến đấu đâu. Không, nông dân vẫn không giảm bớt sự hăng hái tranh đấu mà vẫn nỗ lực tranh đấu mạnh hơn vì trong cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc họ cũng được hưởng nhiều quyền lợi to tát”

[19, tr.120]. “Chưa cải cách ruộng đất, nhưng không phải vì thế mà người nông dân giảm bớt tinh thần đấu tranh của mình, vì giải phóng dân tộc họ sẽ thoát khỏi ách áp bức nặng nề, nhất là của đế quốc Nhật - Pháp, họ cũng được hưởng các quyền lợi kinh tế, chính trị chung mà toàn thể nhân dân được hưởng, được chia ruộng đất của đế quốc và Việt gian phản động… Vả lại bản thân họ không phải chỉ là người nông dân khát khao ruộng cày, mà lúc này, cao hơn hết, họ còn là người dân mất nước khát khao độc lập, tự do” [95].

Trong công trình Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, Giáo sư Trần Huy Liệu cho rằng, “Cách mạng Tháng Tám chưa thực hiện một cách đầy đủ nhiệm vụ của cách mạng dân chủ là tiêu diệt mọi tàn dư của chế độ phong kiến, nghĩa là chưa giải quyết triệt để vấn đề ruộng đất lúc ấy? Nhưng đó không phải là tính chất dân chủ của cách mạng bị hạn chế, mà là do yêu cầu của cách mạng phải tiến theo đường lối như thế. Trước hết là đánh đổ đế quốc, phá tan bộ máy của vua quan phong kiến, thực hiện đầy đủ quyền tự do dân chủ cho nhân dân, nam nữ bình quyền, dân tộc bình đẳng, thi hành pháp luật lao động, đưa lại ruộng đất dần dần cho dân cày để chuẩn bị một bước cao hơn là thủ tiêu hoàn toàn lối bóc lột phong kiến? Như vậy, ai dám đánh giá thấp tính chất dân chủ của cuộc Cách mạng Tháng Tám? Ai dám phủ nhận cuộc Cách mạng Tháng Tám đã kết hợp cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng dân chủ trong một xứ thuộc địa, nửa phong kiến dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân” [60, tr.223].

Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Hội nghị tiếp tục tạm gác khẩu hiệu đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày, thay vào đó là khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, việt gian (tức ruộng đất đang nằm trong tay kẻ thù của

dân tộc, chứ không phải của địa chủ nói chung, nhằm đánh lại kẻ thù của dân tộc cả về chính trị và kinh tế), chia cho dân cày nghèo, giảm địa tô, địa tức. Vì thế, “trong khi tuyên truyền, không được dùng những khẩu hiệu quá thời… không nên nói đánh đổ Nam triều phong kiến và tịch thu ruộng đất của địa chủ mà nói diệt trừ bọn Việt gian phản quốc” [19, tr.127] và “nếu ta nêu khẩu hiệu đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày, như thế chẳng những ta bỏ mất một lực lượng đồng minh, một lực lượng hậu thuẫn trong cuộc cách mạng đánh đuổi Pháp - Nhật mà còn đẩy lực lượng ấy về phe địch làm thành hậu bị quân cho phe địch nữa” [19, tr.120].

Chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất ở Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 là một quyết định sáng suốt, đáp ứng được nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đó là sự thống nhất giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ trương, đường lối của Đảng, là sự trở lại với tư tưởng độc lập, tự do của Hội nghị thành lập Đảng; thể hiện tư duy nhạy bén, tầm nhìn của Đảng trước bước ngoặt của thời cuộc;

tạo cơ sở để tập hợp, đoàn kết lực lượng toàn dân tộc, không phân biệt giai cấp, đảng phái cho nhiệm vụ đánh Pháp, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc Việt Nam.

Chiến lược giải phóng dân tộc của Đảng còn được trình bày trong nhiều văn kiện tiếp theo: Lời kêu gọi nhân dân bản xứ của Đảng Cộng sản Đông Dương, Kính cáo đồng bào, Lời kêu gọi đồng bào, các đảng phái cách mạng và các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương, Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng… Trong Kính cáo đồng bào, ngày 6-6-1941, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi các bậc phụ huynh, hiền nhân, chí sĩ; sĩ, nông, công, thương, binh - hơn 20 triệu đồng bào cả nước đoàn kết lại để đánh đổ thực dân, phát xít xâm lược, bọn Việt gian để cứu nước, giải phóng dân tộc. Bức thư có đoạn: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng.

Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mạng cũng không nề” [19, tr.167].

Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 2 - 1943) khẳng định, vì điều kiện mới của cách mạng Đông Dương, chúng ta không thể hoàn thành một lúc cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng thổ địa.

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 111 - 118)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)