Thực tiễn vấn đề dân tộc ở Việt Nam và Đông Dương

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 44 - 48)

Chương 2. QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC TỪ NĂM 1930 ĐẾN NĂM 1939

2.1. Những yếu tố tác động đến việc giải quyết vấn đề dân tộc

2.1.4. Thực tiễn vấn đề dân tộc ở Việt Nam và Đông Dương

Việt Nam là dân tộc được hình thành sớm trong lịch sử. Sự hình thành nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt Nam cũng giống như đối với nhiều dân tộc phương Đông khác ngoài tiền đề là sự phân hóa xã hội còn có hai nhân tố khác là thủy lợi và tự vệ. Đối với loại hình nhà nước phương Đông, Ph.Ăngghen đã nêu rõ luận điểm mẫu mực, giải thích về quá trình ra đời nhà nước ở đây như sau: “Trên cơ sở phân hóa xã hội là tiền đề vật chất không thể thiếu được, yêu cầu tổ chức công trình tưới nước và yêu cầu đấu tranh tự vệ làm cho nhà nước lúc ban đầu vốn là “chức năng xã hội” tiêu biểu cho lợi ích chung của cộng đồng, rồi chuyển sang địa vị độc lập với xã hội” và cuối cùng “vươn lên thành thống trị đối với xã hội” [76, tr.252].

Đối với Việt Nam, quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc đi liền với nhu cầu trị thủy, thủy lợi và đấu tranh chống ngoại xâm. Ở vào một vị trí xung yếu, mang tính chất tiếp xúc của bán đảo Đông Dương và Đông Nam Á, nằm trên đầu mối của những luồng giao thông tự nhiên nối liền đại lục với đại dương, nên Việt Nam bị nhiều thế lực nhòm ngó, tìm cách tấn công từ nhiều phía để chiếm đoạt. Bởi vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đứng lên để chiến đấu chống những kẻ thù xâm lược, đặc biệt là phong kiến phương Bắc.

Chính vì yêu cầu trị thủy, thủy lợi và đặc biệt là yêu cầu chống giặc ngoại xâm, nên người Việt Nam đã hình thành trong mình một tinh thần, truyền thống cố kết dân tộc, ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia dân tộc. Bởi thế, mỗi khi chủ quyền đất nước bị đe dọa, dân tộc bị mất độc lập, tự chủ, phải đứng lên kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do thì cũng là lúc tinh thần, ý thức cộng đồng dân tộc của người Việt Nam được đẩy lên ở mức cao nhất. Tính thống nhất của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hình thành, trải qua một quá trình vô cùng khó khăn, với nhiều thử thách cam go đã ngày càng bền chặt cho đến ngày hôm nay.

Thử thách về lòng yêu nước, sự cố kết cộng đồng và sức sống trường tồn của dân tộc được khẳng định qua những năm tháng dân tộc bị các thế lực ngoại bang đô hộ. Trước sự chia cắt về cương vực lãnh thổ, âm mưu và thủ đoạn đồng hóa của phong kiến phương Bắc, người Việt Nam vẫn giữ được những đặc điểm riêng có, không bị nuốt trôi bởi quá trình Hán hóa. Là một nước lớn, có nhiều kinh nghiệm

nô dịch và đồng hóa, kẻ thù hoàn toàn có khả năng thực hiện mưu đồ của mình.

Lịch sử đã cho thấy, trong hoàn cảnh đó, một số quốc gia đã thành lập hoặc trên đường thành lập, cuối cùng đã bị đồng hóa thực sự.

Lãnh thổ chung là cơ sở tồn tại đầu tiên của một quốc gia thống nhất. Sau khi chiếm nước ta, bọn đô hộ xóa bỏ tên nước Âu Lạc rồi chia lại các khu vực hành chính, đem sáp nhập vào lãnh thổ phương Bắc. Chúng muốn thủ tiêu tính thống nhất của lãnh thổ nước ta, biến nước ta thành một bộ phận của lãnh thổ phương Bắc.

Nhưng vốn là lãnh thổ của một nước thành lập sớm, nhân dân Việt Nam luôn giữ vững ý thức sâu sắc về quê cha đất tổ, về non sông đất nước, về sự thống nhất của cộng đồng dân tộc mình. Vượt qua mọi thủ đoạn chia rẽ và sáp nhập bằng bạo lực của kẻ thù, phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam vẫn luôn có xu hướng đoàn kết lại trên phạm vi cả nước và cuối cùng đã làm thất bại âm mưu của các thế lực phong kiến phương Bắc. Sau nhiều cách thực hiện âm mưu chia tách, kẻ thù vẫn không sao có thể đồng hóa được dân tộc Việt Nam và coi nước ta trước sau chỉ là

“ngoại địa”, nghĩa là không thể sáp nhập được.

Trong lịch sử Việt Nam, có nhiều giai đoạn khuynh hướng cát cứ nổi lên, như trong vào thời điểm sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), các thế lực phong kiến địa phương trỗi dậy, gây thành nạn cát cứ của 12 sứ quân kéo dài trong 23 năm (944-967). Đó là khoảng thời gian đấu tranh quyết liệt nhất giữa cát cứ và thống nhất, phân quyền và tập quyền, nhưng xu thế tập quyền và thống nhất trước sau vẫn chiếm ưu thế và nhanh chóng giành được thắng lợi. Cuối năm 967, Đinh Bộ Lĩnh đánh bại và buộc các sứ quân đầu hàng, khôi phục quốc gia thống nhất.

Đến thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam đi vào thời kỳ suy thoái. Một trong những biểu hiện của tính chất suy thoái đó là các phe phái phong kiến tranh giành, xâu xé nhau quyết liệt dẫn đến tình trạng chia cắt và nội chiến kéo dài. Đó là cuộc xung đột Nam - Bắc triều, Vua Lê - Chúa Trịnh, rồi xung đột Trịnh - Nguyễn bùng nổ trong thế kỷ XVII và tình cảnh phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài đến cuối thế kỷ XVIII.

Như vậy, trong gần ba thế kỷ, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, nền thống nhất bị phá vỡ, đất nước lâm vào cảnh chia cắt và nội chiến. Đối với nhiều quốc gia phong kiến trên thế giới, đó là hiện tượng bình thường và không tránh khỏi trong quá trình

phát triển. Nhưng đối với lịch sử Việt Nam, hiện tượng đó có hoàn cảnh và lý do của nó, là một bước gấp khúc, đi ngược lại xu thế tiến bộ của lịch sử dân tộc. Tính thống nhất lâu đời của lịch sử dân tộc lại trải qua một phen thử thách ác liệt.

Nhưng, như Nguyễn Trãi nói “trải biến cố nhiều thì mưu kế sâu, lo công việc xa thì thành công lạ”. Qua thử thách ác liệt này, một lần nữa lịch sử lại chứng minh hùng hồn tính thống nhất bền vững của dân tộc Việt Nam.

Các tập đoàn phong kiến có thể cát cứ từng vùng, chia cắt đất nước, nhưng không bao giờ có thể hủy bỏ được ý thức, tư tưởng, tình cảm thống nhất đã thấm sâu vào cuộc sống và tâm hồn nhân dân. Nam triều hay Bắc triều, đàng trong hay đàng ngoài, đó chỉ là những khu cát cứ, những ranh giới tạm thời do phong kiến gây ra. Chiều dài của đất nước, địa hình sông núi ngăn trở không thể chia cắt được lòng dân đàng trong và đàng ngoài luôn coi nhau là đồng bào ruột thịt, là con một nước lập quốc từ thuở Hùng Vương, là thành viên của một dân tộc.

Có thể nói, “tính thống nhất là sản phẩm của cả một quá trình lịch sử lâu dài trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là một đặc điểm nổi bật, một di sản vô giá mà nhân dân ta từ thế hệ này qua thế hệ khác đã đấu tranh không mệt mỏi để xây dựng và phát triển. Đoàn kết, tập hợp lại trong cộng đồng quốc gia, rồi tiến lên trong cộng đồng dân tộc là xu thế phát triển khách quan của lịch sử, là cội nguồn sức sống cơ bản để nhân dân ta đẩy mạnh công cuộc chinh phục thiên nhiên và chiến thắng giặc ngoại xâm lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Trong quá trình lịch sử đó, những cơ sở tạo ra sự thống nhất từ lãnh thổ, tiếng nói, kinh tế, văn hóa, tư tưởng… càng ngày càng được xác lập, củng cố và phát triển” [102, tr.103-104].

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tiến công Đà Nẵng, triều đình nhà Nguyễn chống cự một cách yếu ớt và từng bước đầu hàng thực dân Pháp. Từ một nước độc lập, tự do, có chủ quyền, Việt Nam đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp.

Không chịu kiếp nô lệ, mặc dù triều đình nhà Nguyễn bạc nhược đã đầu hàng, nhưng lòng yêu nước, căm thù giặc, ý thức về chủ quyền quốc gia dân tộc trong mỗi người Việt Nam không bao giờ tắt. Hàng loạt cuộc khởi nghĩa, nổi dậy của nhân dân ở ba miền đã diễn ra, làm cho thực dân Pháp nhiều phen khốn đốn.

Tuy nhiên, do diễn ra lẻ tẻ, rời rạc, không đoàn kết được toàn dân và nhất là không

có một lực lượng đủ sức lãnh đạo phong trào, các cuộc khởi nghĩa này đều bị dìm trong biển máu.

Sau khi áp đặt được ách thống trị trên đất nước ta, thực dân Pháp sử dụng chính sách “chia để trị”, dùng người Việt đánh người Việt. Chúng chia nước ta thành ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau, thiết lập bộ máy cai trị trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, âm mưu đồng hóa nhân dân ta. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn, cuộc sống của nhân dân vô cùng ngột ngạt.

Song song với việc tiến hành xâm lược Việt Nam, thực hiện Pháp cũng ra sức thiết lập sự thống trị của mình đối với hai nước Lào và Campuchia. Giống như Việt Nam, từ những nước có độc lập, chủ quyền, Lào và Campuchia đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp.

Để sớm khẳng định chủ quyền của người Pháp trên mảnh đất Đông Dương, tạo cơ sở cho sự áp bức, bóc lột và chia rẽ nhân dân ba nước, năm 1887, thực dân Pháp lập ra Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, bao gồm Việt Nam và Campuchia, đến năm 1899 có thêm Lào, trở thành một bộ phận của lãnh thổ Pháp, dưới quyền điều khiển tập trung của một viên toàn quyền người Pháp. Từ đây, ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia đã mất độc lập, chủ quyền, phải dựa vào thực dân Pháp, trở thành thuộc địa của thực dân Pháp.

Nhằm thiết lập bộ máy cai trị ở Đông Dương, thực dân Pháp bỏ qua tất cả những đặc điểm riêng biệt của từng nước. Chúng dùng mọi thủ đoạn nhằm phá vỡ sự đoàn kết nội bộ của từng dân tộc, kích động mâu thuẫn giữa các nhà nước phong kiến, chặt đứt mối liên hệ giữa các dân tộc; chúng dựng lên câu chuyện về mối thù truyền kiếp giữa các dân tộc Đông Dương để từ đó giành lấy cái ơn cao cả đã cứu nhân dân các nước này thoát khỏi sự tiêu diệt lẫn nhau và khai hóa cho các dân tộc này.

Sự thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương đã gây ra hai hậu quả lớn. Hậu quả đầu tiên là tính thống nhất về lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia bị phá vỡ nghiêm trọng. Hậu quả thứ hai là sự mất cân đối trầm trọng giữa năm xứ ở Đông Dương. Thực dân Pháp chủ trương duy trì phương thức sản xuất phong kiến kết hợp với phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa. Chúng chỉ tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực bỏ ít vốn đầu tư nhất, nhưng nhanh chóng thu được lợi nhuận nhanh và lớn nhất.

Vì vậy, qua các đợt khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, bộ mặt Đông Dương bị

biến đổi theo tính chất của một xã hội thuộc địa. Đặc trưng kinh tế, xã hội bao trùm của Đông Dương là sự phát triển bất đồng đều giữa năm xứ. Việt Nam trở thành nơi tập trung đầu tư chủ yếu của thực dân Pháp, trong khi Lào và Campuchia ít được quan tâm đầu tư. Nhưng ngay cả khi được quan tâm đầu tư, kinh tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế què quặt, mất cân đối nghiêm trọng.

Sự thống trị, bóc lột của thực dân Pháp đối với nhân dân ba nước Đông Dương không thể khuất phục được lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trong nhân dân mỗi nước. Chính sách chia rẽ, dùng người Đông Dương chống người Đông Dương của thực dân Pháp không làm cho truyền thống đoàn kết giữa ba nước bị rạn nứt, trái lại tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam, Lào, Campuchia ngày càng bền chặt, gắn kết. Những hoạt động liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung đã xuất hiện cùng với cuộc chiến đấu chống xâm lược ở mỗi nước.

Sự đô hộ, ách áp bức của thực dân Pháp không thể xóa bỏ những mâu thuẫn trong nội bộ mỗi dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó mâu thuẫn lớn nhất, cần phải giải quyết không còn là những mâu thuẫn giai cấp mà là mâu thuẫn dân tộc. Yêu cầu bức thiết của nhân dân ba nước Đông Dương lúc này là đánh đổ ách áp bức dân tộc của thực dân Pháp, giành lại độc lập, chủ quyền quốc gia của mỗi dân tộc Đông Dương.

Thực tiễn vấn đề dân tộc ở Việt Nam cho thấy, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trước những thăng trầm, biến cố của lịch sử, dân tộc Việt Nam vẫn là một khối thống nhất, đoàn kết. Ý thức về chủ quyền quốc gia dân tộc, về độc lập, tự do luôn thường trực trong mỗi người Việt Nam. Độc lập dân tộc và thống nhất đất nước là lẽ sống của dân tộc Việt Nam. Nếu có sự chia cắt, phân ly vì chiến tranh hay tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến cũng chỉ là tạm thời, không thể chia cắt khối thống nhất của dân tộc Việt Nam. Đây có thể coi là một đặc điểm độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)