Tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 147 - 151)

Chương 4. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

4.2. Bài học kinh nghiệm

4.2.5. Tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Cho đến hôm nay, 70 mươi năm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bài học về việc tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà cuộc cách mạng này để lại vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, nhất là trong công cuộc xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Điểm quy tụ trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng ở thời kỳ này là giải quyết một cách thỏa đáng mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, giữa độc dân tộc và cách mạng ruộng đất. Giương cao ngọn cờ dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đánh đổ thực dân Pháp xâm lược và tay sai phản động chính là điểm xuất phát để tập hợp tất cả các giai cấp, dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất.

Trong những năm 30, không phải lúc nào Đảng cũng tập hợp được bên mình mọi tầng lớp, đảng phái, dân tộc. Lịch sử cho thấy, khi Đảng đặt nhiệm vụ dân tộc và giai cấp ở vị trí và tầm mức ngang nhau, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tức là cùng lúc giải quyết hai nhiệm vụ này, thì khi đó, lực lượng cách mạng chủ yếu là công nông, mà không lôi kéo được các giai cấp, tầng lớp khác vào mặt trận. Trải qua mỗi giai đoạn cách mạng, nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò của mỗi giai cấp được đầy đủ hơn, hình thức tập hợp lực lượng trong mặt trận dân tộc thống nhất cũng có sự thay đổi theo hướng sát hợp với tình hình và sự phát triển của phong trào cách mạng. Đặc biệt, từ nửa sau những năm 30, khi có Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, quan điểm của Đảng về việc tập hợp lực lượng cách mạng đã có sự phát triển mới. Mặt trận không chỉ có công nông mà đã bao gồm tất cả các giai cấp, dân tộc.

Trong bối cảnh những năm 30 tồn tại rất nhiều đảng phái, xu hướng chính trị, mà đảng phái nào cũng muốn tranh giành ảnh hưởng và lực lượng cách mạng, nhưng chỉ có Đảng của những người cộng sản là kêu gọi được sự tham gia của

toàn thể dân tộc. Quần chúng nhân dân không phải ngẫu nhiên đứng về phía Đảng Cộng sản Đông Dương. Bằng cương lĩnh chính trị đúng đắn, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, trong đó hơn hết chủ trương, đường lối đó hợp với quyền lợi và nguyện vọng của toàn thể nhân dân, nên dân tin và đi theo Đảng.

Không chỉ vậy, nhân dân tin và theo Đảng còn bởi sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân, bởi những chiến sĩ cộng sản kiên trung, tận tụy, hết lòng vì nhân dân.

Những tấm gương anh dũng hy sinh trong các cuộc khủng bố, trong nhà tù, nhà lao của kẻ thù đã minh chứng cho điều đó. Sức mạnh, ảnh hưởng của Đảng là sự gắn bó máu thịt với nhân dân.

Nói đến thành công của Đảng trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc giai đoạn này, không thể không nhắc đến quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng mình, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh. Từ tên gọi đến chính sách, chương trình, chủ trương của Mặt trận đều thấm đẫm tinh thần dân tộc, khát vọng độc lập, tự do. Tôn chỉ của Mặt trận là đoàn kết tất cả các tầng lớp, giai cấp, cá nhân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái chính trị miễn là có chung nguyện vọng đánh Pháp, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc. Chủ trương như thế đã mở rộng đến mức cao nhất mọi đối tượng, chỉ loại trừ những bọn phản động, tay sai, bọn cướp nước. Ở Mặt trận Việt Minh, không có chỗ cho lợi ích của bất cứ giai cấp, nhóm phái nào, chỉ có quyền lợi của dân tộc là tối cao.

Mặt trận Việt Minh tập hợp, đoàn kết được tất các các giai cấp, tầng lớp, đảng phái còn là bởi chương trình, mục đích, tôn chỉ của nó. Đây là một hệ thống toàn diện chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và những chính sách cụ thể đối với từng giai cấp, tầng lớp dân chúng, không trừ một ai. Sau này, trong cuộc kháng chiến thần thánh chín năm chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ thành quả vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh có Thư gửi tổng bộ Việt Minh, một lần nữa khẳng định chính sách đại đoàn kết đúng đắn của Việt Minh:

“Có người nghĩ rằng các nhân sĩ có danh vọng chưa chắc vui lòng hợp tác với Việt Minh. Song vì Việt Minh đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết và lấy lòng chí công vô tư mà làm việc, cho nên các bậc có tài đức danh vọng đều vui lòng hợp tác trong Chính phủ” [52, tr.412].

Khi tổng khởi nghĩa diễn ra, Mặt trận dân tộc thống nhất càng được mở rộng, thu nạp thêm nhiều đảng phái, tổ chức yêu nước, đoàn thể cứu quốc, thu hẹp lực lượng chống đối và lưng chừng, tạo thành một lực lượng chính trị hùng hậu. Dưới sức mạnh của quần chúng nhân dân, chỉ chưa đầy hai tuần sau tổng khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám đã thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Tiểu kết

Nghiên cứu quá trình Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam thời kỳ 1930-1945, tác giả rút ra được 3 nhận xét và 5 bài học kinh nghiệm. Những vấn đề được rút ra và trình bày trong chương này đều xuất phát từ thực tế hoạt động lãnh đạo của Đảng, phản ánh một cách trung thực, khách quan chủ trương, quá trình nhận thức, sự chỉ đạo của Đảng trong trong việc giải quyết vấn đề độc lập dân tộc ở Việt Nam trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương và mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với cách mạng ruộng đất. Các bài học được rút ra có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần cho Đảng hoạch định chủ trương, đường lối trong việc giải quyết vấn đề dân tộc, mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, cũng như định hướng cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, bài học quan trọng nhất là phải xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở thực tiễn Việt Nam để đề ra chủ trương, đường lối.

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 147 - 151)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)