Quá trình giải quyết vấn đề dân tộc khẳng định sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc ở thuộc địa, bản lĩnh và sự trưởng thành của Đảng qua mỗi giai đoạn cách mạng

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 134 - 137)

Chương 4. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

4.1.3. Quá trình giải quyết vấn đề dân tộc khẳng định sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc ở thuộc địa, bản lĩnh và sự trưởng thành của Đảng qua mỗi giai đoạn cách mạng

Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh được hình thành trên những nét cơ bản vào cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỷ XX, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong suốt những năm 30 của thế kỷ XX, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh đã trải qua thử thách nặng nề trên nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề căn cốt như tập hợp lực lượng cách mạng, giữa nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, vấn đề tên Đảng… Trong một thời gian dài, nhiều quan điểm, tư tưởng cách mạng đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng đã được thay đổi bằng chiến lược đấu tranh giai cấp của Quốc tế Cộng sản.

Thực tiễn đã chứng minh, chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tập hợp, đoàn kết lực lượng cách mạng toàn dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc đã phản ánh đúng mâu thuẫn và nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc trên cơ sở hiểu biết về đặc điểm lịch sử, văn hóa, chính trị và mâu thuẫn chủ yếu ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến như Việt Nam đã không đặt ngang bằng vấn đề dân tộc và giai cấp, mặc dù hai vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, quyền lợi của dân tộc bao giờ cũng cao hơn quyền lợi của giai cấp. Vấn đề giai cấp chỉ là một bộ phận của vấn đề dân tộc, và chưa có một giai cấp nào từ khi có dân tộc, lại tồn tại ngoài dân tộc. Do vậy, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, thì không những công nông mà tất cả các giai cấp, tầng lớp khác cũng không thể được giải phóng. Đây là

cơ sở cho việc đề ra chiến lược đại đoàn kết dân tộc và giải quyết vấn đề độc lập dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương.

Tuy đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng là đúng đắn, sáng tạo, nhưng lại trái với quan điểm, chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, nên bị phê phán, chỉ trích nặng nề. Trong những năm tháng đó, đường lối, tư tưởng của Người mặc dù bị phủ nhận ở tầng trên, nhưng qua thực tiễn phong trào quần chúng đã chứng tỏ sức sống của mình. Sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, trong văn kiện của Đảng và trong những bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng không thấy phê phán, chỉ trích quan điểm của Nguyễn Ái Quốc và cũng từ đây nhiều quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là về vấn đề tập hợp, đoàn kết lực lượng cách mạng đã tương đồng với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc.

Sự đúng đắn trong đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc còn được thể hiện bằng sự thừa nhận của nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong những năm 30, có một số chỉ thị, nghị quyết của Đảng tương đồng với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Nhiều cán bộ, đảng viên nhận thấy sự không phù hợp trong nhiều chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, do trong giai đoạn này, sức mạnh, ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản là quá lớn, nên về cơ bản, các Đảng Cộng sản chỉ có quyền tuân theo, chứ không thể bày tỏ công khai ý kiến trái với sự chỉ đạo đó.

Chủ trương giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc của Nguyễn Ái Quốc đã bắt mạch đúng nguyện vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam;

là sự vận dụng một cách sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vấn đề dân tộc trong điều kiện một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Quan điểm này cũng thể hiện tư tưởng của Người trong nhiều bài viết cũng như thông qua các tổ chức do Người sáng lập vào những năm 20 của thế kỷ XX. Có thể nói, “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sản phẩm đặc sắc của Hồ Chí Minh, không lẫn lộn được chương mới viết ra, không phải sách cũ in lại” [73, tr.41].

Trải qua thành công và bài học kinh nghiệm qua mỗi chặng đường cách mạng, Đảng ta dần có sự điều chỉnh về quan điểm, đường lối theo hướng sát hợp với thực tiễn Việt Nam. Sự khác biệt với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc dần được rút ngắn, sự tương đồng ngày càng lớn hơn. Đầu những năm 30, Hà Huy Tập là người có nhiều

bài viết phê phán gay gắt quan điểm của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng. Tuy nhiên, sau khi về nước, từ giữa năm 1936, khi đã thâm nhập vào thực tiễn các cuộc đấu tranh ở trong nước, không thấy những bài viết của Hà Huy Tập có nội dung phê phán Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng.

Nhưng không phải từ đây đã hết sự khác biệt trong quan điểm, chủ trương của Đảng xung quanh việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với cách mạng ruộng đất cũng như vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương. Cho đến Hội nghị Trung ương 7 tháng 11-1940, quan điểm cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng không phải đã thắng thế ngay, chưa phải là tư tưởng nhất quán, thông suốt trong nhận thức của các nhà lãnh đạo Đảng. Nếu như tại Hội nghị Trung ương 6 tháng 11-1939, Trung ương Đảng đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiện cách mạng ruộng đất, thì chỉ một năm sau đó, đến Hội nghị Trung ương tháng 11-1940, vấn đề dân tộc lại được đặt ngang hàng với vấn đề giai cấp. Chỉ đến khi Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ta mới đi đến một sự nhật thức chung, thống nhất trong toàn Đảng về việc giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam.

Như vậy, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 đến Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, tức là phải 11 năm, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng mới trở thành nhận thức trong toàn Đảng, trở thành ngọn cờ dẫn đường cho cả dân tộc làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Quá trình Đảng giải quyết vấn đề dân tộc trong những năm 30 của thế kỷ XX đã khẳng định bản lĩnh, sự trưởng thành của Đảng qua mỗi giai đoạn cách mạng.

Nhận thức là cả một quá trình. Trong điều kiện mới ra đời, đội ngũ cán bộ của Đảng còn non yếu về nhiều mặt, lại bị áp đặt tư tưởng chỉ đạo từ bên ngoài, nên không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót trong đường lối, chủ trương. Tuy nhiên, qua mỗi giai đoạn, Đảng ngày càng trưởng thành, dạn dày về kinh nghiệm, uy tín của Đảng ngày càng lên cao trong phong trào quần chúng. Sự hy sinh, gắn bó của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong phong trào quần chúng đã tăng thêm sức ảnh hưởng của Đảng trong bối cảnh những năm 30 đầy khó khăn, phức tạp đó.

Cách mạng là sáng tạo. Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản Việt Nam bằng quan điểm khách quan, khoa học, bằng thực tiễn cách mạng phong phú đã không ngừng tìm tòi, đổi mới, vượt lên những hạn chế để đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, lãnh đạo toàn dân tộc làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đưa tới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở việt nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 134 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)