Chương 4. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.1.1. Chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc của Đảng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quan điểm và sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản
Kể từ khi Quốc tế Cộng sản ra đời, cách mạng Việt Nam nói riêng, cách mạng các nước thuộc địa phương Đông nói chung luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của tổ chức này trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, vận động thành lập Đảng cũng như chỉ đạo về chủ trương, đường lối, đào tạo cán bộ, v.v.. Sự giúp đỡ này là to lớn, toàn diện và sâu sắc.
Cách mạng Việt Nam là một bộ phận trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là một phân bộ của Quốc tế Cộng sản và đương nhiên chịu sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản trong việc đề ra chủ trương, đường lối. Đường lối cách mạng của Quốc tế Cộng sản được đề ra qua mỗi kỳ Đại hội và Hội nghị của tổ chức này, trong đó Đại hội VI năm 1928 và Đại hội VII năm 1935 là hai Đại hội có ảnh hưởng to lớn đến mỗi Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân ở các nước dân tộc và thuộc địa. Ra đời năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chịu ảnh hưởng to lớn của hai Đại hội này.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930, Quốc tế Cộng sản hết sức quan tâm đến phong trào cách mạng Việt Nam, Đông Dương, thể hiện qua việc đào tạo về cán bộ, chỉ đạo về đường lối, tổ chức, ủng hộ về tinh thần, vật chất. Các đồng chí Tổng Bí thư: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng đã được học tập tại Trường Đại học Phương Đông, trường đại học của Quốc tế Cộng sản và chịu ảnh hưởng bởi đường lối, quan điểm của Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc tuy có nhiều năm sống và hoạt động trong các tổ chức của Quốc tế Cộng sản, có mối quan hệ gần gũi với nhiều lãnh đạo của tổ chức này, nhưng tư tưởng, quan điểm của Người là độc lập, sáng tạo, không bị chi phối bởi tư tưởng, quan điểm của Quốc tế Cộng sản.
Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 có nhiều nội dung trái với Nghị quyết của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 và chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản về việc thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Đông Dương vào năm 1929. Khi biết điều đó, Quốc tế Cộng
sản phê phán nặng nề Nguyễn Ái Quốc và tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, dưới sự chủ trì của Trần Phú, nhiều quan điểm đúng đắn của Hội nghị thành lập Đảng bị phê phán, bác bỏ, Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ cũ của Đảng bị thủ tiêu. Hội nghị chỉ rõ, phải dựa vào nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, chính sách và kế hoạch của Đảng “làm căn bổn mà chỉnh đốn nội bộ, làm cho Đảng Bônsơvích hóa”.
Từ Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đến trước Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (năm 1935), quan điểm, đường lối cách mạng Việt Nam, Đông Dương chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quan điểm, chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, nhất là trên vấn đề xác định nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến, độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất, cùng vấn đề về tên Đảng, về tập hợp lực lượng cách mạng trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Nói chung, Quốc tế Cộng sản yêu cầu, trong cách mạng tư sản dân quyền, cần phải tiến hành đồng thời, cùng lúc việc chống đế quốc và chống phong kiến, mang lại ruộng đất cho nông dân; động lực của cách mạng Đông Dương là giai cấp vô sản và giai cấp nông dân… Đồng minh trực tiếp của bọn đế quốc là địa chủ, phong kiến, kỳ hào và giai cấp tư sản dân tộc. Quốc tế Cộng sản nhấn mạnh, “nhiệm vụ trung tâm, điều cốt yếu của cách mạng điền địa là triệt để tiêu diệt bọn địa chủ với tính cách là một giai cấp và chia đều ruộng đất cho quần chúng dân cày nghèo và tá điền nghèo. “Chúng ta phải tỏ ra không thương xót và kiên định nhất trong việc tiêu diệt bọn địa chủ như một giai cấp, và tiêu diệt sạch về mặt thể chất những kẻ nào tìm cách ngăn cản phong trào cách mạng”. Tinh thần của đường lối của Quốc tế Cộng sản là được khái quát là “lấy giai cấp chống giai cấp” [2, tr.2].
Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, tên đảng đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập Mặt trận chung cho cả 3 nước Đông Dương, chủ trương sau khi đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến sẽ thành lập một chính phủ chung cho nhân dân 3 nước Đông Dương. Theo Quốc tế Cộng sản, việc đặt tên Đảng Cộng sản Việt Nam là biểu hiện của tư tưởng hẹp hòi, cô độc, “là không nắm được đặc điểm chung của tình hình Đông Dương”.
Có thể nói, thông qua Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản đã có nhiều sự chỉ đạo, giúp đỡ toàn diện về cán bộ, tư tưởng, tổ chức, chu cấp tài chính, thiết lập
đường dây liên lạc,… đối với cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng, như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập thường xuyên nhận các chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, không thể làm trái những điều được Quốc tế Cộng sản chỉ dẫn.
Tuy nhiên, phải thẳng thắng nhìn nhận, do chưa thấu hiểu đặc điểm lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam và các nước Đông Dương, chưa thấy được mâu thuẫn chủ yếu ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến như Việt Nam…, Quốc tế Cộng sản có những chỉ đạo không sát, không đúng với tình hình. Phần lớn các đồng chí lãnh đạo Quốc tế Cộng sản đều sinh ra và lớn lên ở các nước phương Tây, nơi mâu thuẫn giai cấp là chủ yếu, chứ không phải là mâu thuẫn dân tộc như ở các nước phương Đông, lại chưa nghiên cứu, khảo sát đầy đủ thực tế tình hình các nước thuộc địa, đề cao quá mức mô hình xô-viết, nên đã áp dụng một cách dập khuôn, máy móc trong việc đề ra chủ trương, đường lối đối với Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa phương Đông, trong đó có Đảng ta. Việc Quốc tế Cộng sản chủ trương chỉ coi công nông là động lực của cách mạng, còn các giai cấp, tầng lớp địa chủ, tư sản… là đi về phe đế quốc, chủ trương đặt nhiệm vụ dân tộc ngang bằng với nhiệm vụ dân chủ, chỉ đạo đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương là không phù hợp với tình hình, đặc điểm và nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam và các dân tộc Đông Dương. Hậu quả của quan điểm tả “khuynh” này là không lập được Mặt trận thống nhất rộng rãi của các giai cấp, tầng lớp trong nội bộ mỗi quốc gia, cũng như trên phạm vi toàn thế giới; không đặt được nhiệm vụ dân tộc lên hàng đầu; không phát huy được tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của cách mạng mỗi nước.
Trong những năm 30 của thế kỷ XX, nhiều cán bộ, đảng viên đã nhận thấy những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam và Đông Dương là thiếu thực tế: “Quốc tế Cộng sản không biết những điều kiện cụ thể của tình hình Đông Dương, vì thế mà không thể ra những chỉ thị đúng đắn cho Đảng Cộng sản Đông Dương”. Tổng Bí thư Hà Huy Tập trong bài Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, viết tháng 11-1931 lập tức phê bình quan điểm trên, cho rằng cách trình bày như vậy là “cuộc đấu tranh công khai chống lại Quốc tế Cộng sản, do đó cũng là chống lại Ủy ban Trung ương Đảng”, gọi đó là quan điểm của “những kẻ cơ hội chủ nghĩa tệ hại”. Hà Huy Tập chỉ rõ: “Quốc tế
Cộng sản là bộ tham mưu của cuộc đấu tranh cách mạng trên toàn thế giới, là nhà tư tưởng, nhà tổ chức, nhà chiến thuật, nhà chiến lược của phong trào cộng sản thế giới. Tất cả mọi chỉ thị và quyết định của Quốc tế Cộng sản có uy lực đối với tất cả mọi người cộng sản, không trừ một ai, và chúng ta chỉ có việc thực hiện, trung thành, chứ không xuyên tạc chúng thành những giáo lý cơ hội chủ nghĩa. Đây là một kỷ luật sắt” [15, tr.425-426].
Tuy nhiên, từ Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản năm 1935, trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới, Quốc tế Cộng sản có sự điều chỉnh quan trọng về đường lối chiến lược và sách lược cho phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của các Đảng Cộng sản là tập hợp tất cả các lực lượng, giai cấp, đảng phái để chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới. Đối với cách mạng Việt Nam, nhờ những văn kiện của Đại hội, Đảng ta đã xác định chủ trương, phương hướng mới, đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới, cao trào cách mạng 1936-1939 và trong cả quá trình cách mạng cho đến Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau Đại hội VII, cách mạng Việt Nam, Đông Dương tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản về đường lối, phương hướng, giúp đỡ Đảng ta đào tạo cán bộ, tài chính và các phương tiện hoạt động khác. Tuy nhiên, cũng từ giai đoạn này mối quan hệ giữa Quốc tế Cộng sản với Đảng và phong trào cách mạng nước ta bị yếu dần và bắt đầu từ năm 1940 mối quan hệ thực tế đã bị cắt đứt [99, tr.168].