Chương 4. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.2. Bài học kinh nghiệm
4.2.2. Giương cao ngọn cờ dân tộc, giải quyết đúng đắn nhiệm vụ dân tộc và dân chủ
Lịch sử Việt Nam trong quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền 1930 - 1945 đã cho thấy giá trị và ý nghĩa của bài học nêu cao ngọn cờ dân tộc, giải quyết đúng đắn nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, giữa cái chung và cái riêng.
15 năm đấu tranh giành chính quyền là khoảng thời gian không dài trong chặng đường lịch sử dân tộc, nhưng lại là thời kỳ diễn ra nhiều sự kiện trọng đại:
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân, phát xít và chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm trên đất nước ta, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã đề ra phương hướng chiến lược của cách mạng nước ta là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, tức mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Muốn thực hiện được phương hướng chiến lược đó lại là ở vấn đề sách lược. Cách mạng cần thực hiện song song, đồng thời vấn đề dân tộc và dân chủ hay đặt nhiệm vụ dân tộc lên trên, lên trước; lực lượng của cách mạng bao gồm những giai cấp, tầng lớp nào; độc lập dân tộc của Việt Nam được giải quyết riêng biệt hay trong mối quan hệ trong cả 3 nước Đông Dương, v.v.. Đây là những vấn đề đã diễn ra những tranh luận gay gắt trong nội bộ những người cộng sản Việt Nam trong những năm 30 của thế kỷ XX.
Kinh nghiệm thời kỳ này cho thấy, trong nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, giữa cái chung và cái riêng, giữa bộ phận và toàn thể, cần và phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ dân tộc, nhiệm vụ dân chủ được thực hiện từng bước phù hợp, nhưng không được làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ dân tộc. Quyền lợi của bộ phận phải phục tùng quyền lợi của toàn thể dân tộc, quyền lợi của một giai cấp phải đứng sau quyền lợi của cả nhân dân. Trong thời kỳ này, nhiệm vụ dân tộc là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai phản động giành độc lập dân tộc. Nhiệm vụ dân chủ, chủ yếu là ruộng đất cho nhân dân phải phục tùng nhiệm vụ dân tộc và được tiến hành từng bước.
Giương cao ngọn cờ dân tộc, giải quyết đúng đắn nhiệm vụ dân tộc và dân chủ còn là việc phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, nêu cao quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng trong quan hệ giữa 3 nước Đông Dương. Cần phải hiểu độc lập, tự do ở đây không có nghĩa là tách biệt, là thoát ly sự liên minh, đoàn kết, mà trái lại, nó chính là cơ sở cho sự đoàn kết thống nhất. Do vậy, phải luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quan hệ giữa 3 nước Đông Dương trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Đây là nguyên tắc cao nhất mà cũng là gốc rễ của mối quan hệ bền vững trong quan hệ quốc tế. Thực tiễn việc Hồ Chí Minh chủ trương và giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương tại Hội nghị thành lập Đảng và đặc
biệt là tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương là một quyết định đúng đắn, sáng tạo, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân mỗi nước, phù hợp với đặc điểm chính trị, lịch sử, địa lý, văn hóa và tinh thần dân tộc mỗi nước Đông Dương, phá tan âm mưu chia rẽ, xuyên tạc của kẻ thù, tăng cường một bước về chất liên minh chiến đấu giữa 3 nước Đông Dương, tạo cơ sở cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giương cao ngọn cờ dân tộc còn là việc phát huy và nắm lấy sức mạnh chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc được nói đến ở đây không phải là chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi mà là chủ nghĩa dân tộc chân chính, chủ nghĩa quốc tế vô sản. Hồ Chí Minh từng nói, chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước. Do đó, cần
“phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản… Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi…nhất định chủ nghĩa dân tộc đó sẽ biến thành chủ nghĩa Quốc tế”. Đó là một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời.
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam minh chứng một điều, vấn đề dân tộc có ý nghĩa to lớn. Vì dân tộc, người Việt Nam sẵn sàng gác lại những mâu thuẫn, chia rẽ trong các giai cấp, tầng lớp xã hội. Nhân tố dân tộc vì thế chi phối mạnh mẽ tới đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi người, tất nhiên nó còn phụ thuộc vào địa vị kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi người trong cộng đồng mà tinh thần đó được biểu hiện khác nhau, nhưng đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói yêu nước “là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn; nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” [53, tr.171].
Lịch sử đã ghi nhận, mỗi khi dân tộc Việt Nam trước họa ngoại xâm và sự thống trị của bên ngoài, thì mẫu thuẫn chủ yếu luôn là mâu thuẫn giữa dân tộc ta với kẻ thù xâm lược. Mọi mâu thuẫn khác đều vận động và phụ thuộc vào mâu thuẫn này. Bởi vì, mất nước là mất tất cả. Mọi giai cấp, dân tộc đều bị áp bức, bóc lột.
Đảng ta trong thời kỳ 1939-1945 đã kịp thời nhận thức đúng mức vai trò của nhân tố dân tộc, giải quyết được thỏa đáng mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, do đó phát huy được sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Quan hệ giữa 3 dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia cũng được Đảng giải quyết đúng đắn, trên nguyên tắc bình đẳng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.