Chương 4. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.2. Bài học kinh nghiệm
4.2.4. Tôn trọng quyền dân tộc tự quyết và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, cơ sở cho việc phát huy sức mạnh từng dân tộc và liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương
Việt Nam, Lào, Campuchia là ba nước nằm trên bán đảo Đông Dương, có độc lập, chủ quyền và ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia dân tộc của mình.
Trong lịch sử, ba dân tộc luôn đoàn kết bên nhau trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Từ khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách đô hộ lên bán đảo Đông Dương, Việt Nam, Lào, Campuchia từ những quốc gia độc lập, đã trở thành thuộc địa của Pháp, bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Vào năm 1887, thực dân Pháp lập ra Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, bao gồm Việt Nam và Campuchia, đến năm 1899 có thêm Lào, dưới sự cai trị của một viên Toàn quyền Đông Dương. Liên bang này được lập ra nhằm mục đích đàn áp, bóc lột và khai thác thuộc địa một cách hiệu quả nhất để làm lợi cho chính quốc.
Bên cạnh đó, thực dân Pháp còn sử dụng chính sách chia để trị, dùng người Đông Dương trị người Đông Dương, gây mất đoàn kết trong nội bộ mỗi dân tộc, đồng thời chia rẽ, gây mối thù hằn, nghi kỵ giữa 3 dân tộc Đông Dương. Chính sách đó đã gây ra những hậu quả xấu cho phong trào cách mạng của 3 nước Đông Dương.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền 1930 - 1945, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930) đã có cách giải quyết khác nhau về vấn đề dân tộc trong quan hệ giữa 3 nước Đông Dương. Nếu Hội nghị thành lập Đảng chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương, thì từ Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đến năm 1940, Đảng lại giải quyết vấn đề dân tộc trong cả 3 nước Đông Dương. Chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong cả 3 nước Đông Dương không đại diện cho ý nguyện của nhân dân mỗi nước, mà là kết quả của sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản cũng như bối cảnh phong trào cộng sản thế giới lúc bấy giờ. Trên thực tế, Việt Nam, Lào, Campuchia là ba quốc gia dân tộc khác nhau, mỗi quốc gia đều có ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia dân tộc, về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. Quốc tế Cộng sản do không nắm rõ đặc điểm này, nên có những chỉ đạo không đúng với thực tiễn tình hình Đông Dương.
Do không nắm vững quyền dân tộc tự quyết, lại chịu tác động từ chính sách chia để trị, dùng người Đông Dương trị người Đông Dương của thực dân Pháp, nên trong một bộ phận dân chúng người Lào và Cao Miên đã xuất hiện ý nghĩ và tư tưởng là dân tộc Việt Nam xâm lược Lào và Cao Miên, rằng Pháp mới là người
“cứu tinh” đối với họ. Điều đó vô hình chung đã làm cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan xuất hiện ở một bộ phận dân chúng 2 nước này và được thực dân Pháp sử
dụng làm công cụ tinh thần lợi hại để chống phá cách mạng Đông Dương, chĩa mũi nhọn vào cách mạng Việt Nam. Thậm chí, Nghị quyết chính trị của Đại hội lần thứ nhất của Đảng năm 1935, mục III - Chính sách mới của bọn đế quốc Pháp và mưu mô của bọn thống trị bản xứ, mục g) viết: “Bọn phản động ở Lào, bọn vị chủng ở Cao Miên cùng các bọn tù trưởng trong các dân tộc thiểu số đương hô hào “đế quốc chủ nghĩa An Nam”, đấy là mưu mô của đế quốc để gây lòng ác cảm trong quần chúng lao động các dân tộc ở xứ Đông Dương” [17, tr.15].
Cuối những năm 30, khi nhận thức của Đảng ngày càng rõ hơn, đúng đắn hơn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, giữa độc lập dân tộc và người cày có ruộng, thì trong quan hệ giữa 3 nước Đông Dương, quyền dân tộc tự quyết được Đảng đề cao, nhất là tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1939. Tuy nhiên, quyền dân tộc tự quyết, chủ trương giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc ở Đông Dương chỉ được nhận thức một cách đúng đắn và dứt khoát khi Hồ Chí Minh về nước và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941. Trên cơ sở tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc Đông Dương, xuất phát từ đặc điểm lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội và truyền thống dân tộc của mỗi nước, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương. Hồ Chí Minh đã rất tế nhị và có lý khi không phủ nhận Liên bang Đông Dương, tuân thủ quyền tự quyết của hai dân tộc Lào và Campuchia. Nhưng đối với dân tộc mình - dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chủ trương sau khi đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp sẽ thành lập một nhà nước riêng của dân tộc Việt Nam, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Không chỉ vậy, để phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc ở mỗi nước, Hội nghị đã quyết định thành lập ở mỗi nước Đông Dương một mặt trận riêng. Ở Việt Nam sẽ thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh). Mặt trận Việt Minh có trách nhiệm giúp đỡ dân tộc Lào và Cao Miên thành lập Mặt trận Ai Lao độc lập đồng mình và Cao Miên độc lập đồng minh.
Quyết định của Hội nghị đã quán triệt một cách sâu sắc quyền dân tộc tự quyết trong quan hệ giữa các quốc gia dân tộc. Đặc biệt, nó đã phát huy tinh thần độc lập, tự chủ của cách mạng mỗi nước Đông Dương, góp phần tạo cơ sở cho sự
đoàn kết trong từng dân tộc và đoàn kết trong cả 3 nước Đông Dương; làm thất bại âm mưu chia rẽ, gây nghi kỵ, thù hằn giữa các dân tộc Đông Dương của thực dân Pháp, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.