Chương 2. QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC TỪ NĂM 1930 ĐẾN NĂM 1939
2.1. Những yếu tố tác động đến việc giải quyết vấn đề dân tộc
2.1.3. Quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề dân tộc
Vấn đề dân tộc trong quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là vấn đề dân tộc thuộc địa. Theo Nguyễn Ái Quốc, thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa là đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc. Những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc thuộc địa càng nặng nề, thì phản ứng của các dân tộc bị áp bức càng quyết liệt. Không chỉ công nhân và nông dân, mà cả các giai cấp và tầng lớp trên trong xã hội, như tiểu tư sản, tư sản, địa chủ đều phải chịu nỗi nhục của người dân mất nước, của một dân tộc mất độc lập, tự do. Ngay giai cấp tư sản ở các nước thuộc địa cũng khác với giai cấp tư sản phương Tây, mặc dù vẫn là giai cấp bóc lột, nhưng không phải là giai cấp thống trị. Hộ không phải là đối tượng của cách mạng, trái lại có thể trở thành lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc.
Trước khi chủ nghĩa tư bản phương Tây tiến hành xâm lược các quốc gia phương Đông, thì những quốc gia này vẫn đang trong chế độ phong kiến ở giai đoạn suy vong, với cấu trúc xã hội gồm hai giai cấp: địa chủ phong kiến và nông dân. Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, cơ cấu xã hội
Việt Nam đã có sự thay đổi, với việc ra đời nhiều giai cấp mới: công nhân, tiểu tư sản, tư sản. Tất cả các giai cấp này đều nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp.
Trong nhiều tác phẩm, như Tâm địa thực dân, Bình đẳng, Vực thẳm thuộc địa, Công cuộc khai hóa giết người…, Nguyễn Ái Quốc tập trung tố cáo chủ nghĩa thực dân, vạch trần cái gọi là “khai hóa văn minh” của chúng. Người viết: “Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột giết người, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn điểm trang cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng:
Bác ái, Bình đẳng, v.v.” [48, tr.75]. Trong những bài có tiêu đề Đông Dương và nhiều bài khác, Nguyễn Ái Quốc lên án mạnh mẽ chế độ cai trị hà khắc, sự bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp ở Đông Dương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Người chỉ rõ sự đối kháng giữa các dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc, thực dân là mâu thuẫn chủ yếu ở thuộc địa, đó là mâu thuẫn không thể điều hòa được. Sự áp bức, thống trị dân tộc càng nặng nề, thì phản ứng dân tộc càng quyết liệt về tính chất, đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức. Nghiên cứu tình hình Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến” [48, tr.28]. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc lên án mạnh mẽ tội ác của chế độ thực dân đã tước bỏ tất cả quyền con người và quyền dân tộc ở các thuộc địa.
Nếu như C.Mác bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, V.I.Lê- nin bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thì Hồ Chí Minh tập trung bàn về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Nếu C.Mác và V.I.Lê-nin bàn nhiều về đấu tranh giai cấp ở các nước tư bản chủ nghĩa, thì Hồ Chí Minh bàn nhiều về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là trong tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc phân biệt ba loại cách mạng: cách mạng vô sản, cách mạng tư sản và cách mạng giải phóng dân tộc; xác định tính chất và nhiệm vụ của cách mạng thuộc địa là giải phóng dân tộc. Cách mạng giải phóng dân tộc “chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ nông công thương đều nhất trí chống lại cường quyền”. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn dân tộc, trong đó công nông là
“gốc cách mạng”, là “chủ cách mạng”, còn các tầng lớp khác như học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là “bầu bạn cách mạng của công nông”.
Dưới ách thống trị của thực dân, xã hội thuộc địa tồn tại nhiều mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu là mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với kẻ thù đi xâm lược. Các mâu thuẫn khác, kể cả mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến đều phụ thuộc vào việc giải quyết mâu thuẫn chủ yếu này. Yêu cầu bức thiết nhất của xã hội thuộc địa là phải tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc chứ chưa phải cuộc đấu tranh giai cấp như trong các xã hội tư bản chủ nghĩa phương Tây. Đối tượng của cách mạng thuộc địa là chủ nghĩa thực dân, chứ chưa phải là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc nói chung. Do vậy, thực chất của vấn đề dân tộc ở thuộc địa nói chung là đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai phản động, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Người nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Để thực hiện được khát vọng đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, đối với các dân tộc thuộc địa phương Đông, “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” [48, tr.466]. Vì vậy, “người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ” [48, tr.467].
Người kiến nghị về Cương lĩnh hành động của Quốc tế Cộng sản là “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản… Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi…, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế” [48, tr.467].
Nguyễn Ái Quốc thấy rõ sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc với tư cách chính là chủ nghĩa yêu nước chân chính của các dân tộc thuộc địa. Đó là sức mạnh chiến đấu và thắng lợi trước bất kỳ thế lực ngoại xâm nào. Trong quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa dân tộc chính “là một bộ phận của tinh thần quốc tế”, “khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động”.
Xuất phát từ sự phân tích quan hệ giai cấp trong xã hội thuộc địa, từ truyền thống dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá cao sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc mà những người cộng sản phải nắm lấy và phát huy và Người cho đó là
“một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời”.