Chửụng 2 QUAN HEÄ VIEÄT NAM - CUBA 1975 - 1991
2.1. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ MỚI CỦA QUAN HỆ VIỆT NAM - CUBA
2.1.3. Đế quốc Mỹ tiếp tục bao vây, cấm vận và bước phát triển mới của cách mạng Cuba
Trên thực tế, chính sách bao vây, cấm vận chống Cuba đã được các chính quyền ở Washington liên tục tiến hành kể từ khi Cách mạng Cuba thành công (1-1-1959).
“Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ đã từng biện bạch cho chính sách thù địch chống Cuba bằng các lý do: quan hệ Cuba với Liên Xô ảnh hưởng đến nền an ninh của Mỹ, Cuba đưa quân sang châu Phi và giúp đỡ phong trào cách mạng Mỹ Latinh”[127, tr.202].
Chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo khắc nghiệt ấy, Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Cuba thêm một lần nữa thể hiện bản lĩnh cách mạng kiên định trên tầm cao mới khi xác định “Cách mạng, Tổ quốc và CNXH là một thể thống nhất”[151]. Đây không chỉ là một khẩu hiệu cách mạng mà còn là sự tìm tòi xác lập một nhãn quan chiến lược đúng đắn về sự nghiệp cách mạng Cuba trong sự hòa quyện giữa độc lập dân tộc, Tổ quốc tự do và CNXH.
Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, đứng đầu là Chủ tịch Fidel Castro, bất chấp bao gian nan do cuộc bao vây cấm vận ngày càng ráo riết của đế quốc Mỹ gây ra, nhân dân Cuba đã nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, từng bước làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại, bao vây cấm vận kéo dài hàng chục năm của các thế lực thù địch và vững bước tiến lên, làm cho thế và lực của cách mạng Cuba ngày càng vững mạnh. Với tất cả những thắng lợi đó, Cuba đã có vai trò quan trọng và uy tín ngày càng cao ở khu vực Mỹ Latinh và trên trường quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của các dân tộc trên toàn thế giới.
Tháng 12-1975, Đảng Cộng sản Cuba tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất.
“Mười sáu năm sau khi cách mạng Cuba thành công, lần đầu tiên Đại hội đã chính thức đề ra Cương lĩnh, đường lối xây dựng CNXH, phương hướng nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1976 - 1980) và chính sách đối nội, đối ngoại của Cuba”.Đường lối đối ngoại được Đại hội I Đảng Cộng sản Cuba đúc kết thành những nguyên tắc và mục tiêu sau: Gắn lợi ích của Cuba với lợi ích của cuộc đấu tranh vì CNXH và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống đế quốc, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân cũ, chủ nghĩa thực dân mới và mọi hình thức bóc lột, phân biệt chủng tộc; đoàn kết trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin với các nước XHCN, với phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế; thúc đẩy hòa dịu và cùng tồn tại hòa bình giữa các nước, vì một nền hòa bình trên thế giới; thiết lập quan hệ quốc tế và hữu nghị với các nước trên thế giới trên cơ sở triệt để tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ [152, tr.76]. Sau Đại hội Đảng lần thứ nhất, tình hình Cuba nổi lên những vấn đề cơ bản sau:
* Về đối nội
Về chính trị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành quá trình thể chế hóa bộ máy chính quyền. Ngày 24-2-1976Cubacông bố Hiến pháp XHCN đầu tiên.
Ngày 2-12-1976, Quốc hội XHCN đầu tiên chính thức thành lập thông qua bầu cử.
Quốc hội đã bầu ra các cơ quan Nhà nước Trung ương. Các cấp từ tỉnh đến xã cũng
hoàn thành bầu cử Hội đồng nhân dân. Ủy ban hành chính các cấp chính thức thành lập. Tiếp đến, năm 1977 là “Năm thể chế hóa”, tập trung giải quyết cơ bản các vấn đề cụ thể.
Song song với việc củng cố và hoàn thiện bộ máy lãnh đạo, công tác giáo dục chính trị tư tưởng và động viên nhiệt tình cách mạng của quần chúng được đặc biệt chú ý. Cuba nhấn mạnh vai trò của quần chúng trong cách mạng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giáo dục tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần hy sinh khắc phục khó khăn, tiến công cách mạng, tinh thần hăng hái xung phong tình nguyện đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Angola, Ethiopiav.v.
Về kinh tế, năm 1976 Cuba bắt đầu triển khai kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1976 - 1980). Nhằm đạt một bước tiến cơ bản về kinh tế, Cuba đặt ra trong kế hoạch 5 năm này những chỉ tiêu khá cao, phấn đấu đến năm 1980 tổng sản phẩm xã hội sẽ tăng 34% so với năm 1975, với tốc độ phát triển kinh tế hàng năm là 6%. Trọng tâm trong 5-10 năm tới là đẩy mạnh công nghiệp hóa. Nhưng cũng thời gian đó, giá đường trên thị trường quốc tế giảm mạnh; sau thắng lợi của cách mạng Angola, Mỹ gây nhiều khó khăn cho Cuba trong quan hệ kinh tế với các nước TBCN; và thời tiết không thuận lợi, nên Cuba gặp phải những khó khăn rất lớn. Kế hoạch năm 1976 - 1977 bị ảnh hưởng, các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phải giảm bớt 40% [276, tr.1-2].
* Về đối ngoại
Dựa trên nghị quyết do Đại hội Đảng lần thứ nhất thông qua, Cuba đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động đối ngoại. Nổi bật là sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực và có hiệu quả của Cuba đối với phong trào giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc ở châu Phi, thể hiện cao nhất là sự đóng góp có tính chất quyết định vào thắng lợi của cách mạng Angola; những hoạt động tích cực trong Phong trào Không liên kết nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ VI họp tại La Habana vào tháng 9-1979; chủ trương tăng cường cuộc đấu tranh tư tưởng, kiên quyết vạch trần những âm mưu và thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế chống lại phong trào cách mạng thế
giới; tiếp tục tăng cường quan hệ mọi mặt với Liên Xô và các nước XHCN anh em khác [128, tr.170].
Đầu năm 1976, Cuba đã kịp thời đưa hơn 2 vạn quân sang giúp cách mạng Angola thắng lợi. Cùng với nhiều yếu tố khác, “sự kiện này đã làm cho uy tín của Cuba trên thế giới, nhất là trong Phong trào Không liên kết và các lực lượng cách mạng lên cao, vai trò và ảnh hưởng của Cuba ở châu Phi được tăng cường và mở rộng rõ rệt”[275, tr.3]. Tuy nhiên, Mỹ cũng đã lợi dụng sự kiện này ráo riết hoạt động chống Cuba, gây nhiều khó khăn cho Cuba trong quan hệ với khu vực chiến lược của mình là châu Mỹ Latinh và ảnh hưởng không tốt đến quan hệ kinh tế giữa Cuba với các nước TBCN.