THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM
3.4 PHÂN TÍCH KẾT QUẢ BẢNG HỎI
3.4.5 Thái độ đối với các tình huống thực tế
Qua điều tra, chúng tôi nhận thấy học sinh có hai khuynh hướng đối với những tình huống thực tế mà các em được tiếp xúc qua giai đoạn thực nghiệm.
Thái độ Số học sinh (%)
Thích 71,74
Ít thích / không thích 28,26
Phần lớn học sinh thích làm việc với các tình huống thực tế bởi vì các em tìm thấy niềm vui, ích lợi và sự thú vị khi giải quyết tình huống. Những lý do được đưa ra là:
- Giúp ôn lại, hiểu thêm về các kiến thức toán đã học; nâng cao khả năng giải quyết vấn đề;
- Thấy được ứng dụng của những kiến thức toán đã học trong thực tiễn;
- Đem lại cảm giác thích thú mỗi khi khám phá một tình huống mới, cảm giác vui sướng khi giải được, tạo động lực để học toán giỏi hơn, tạo cảm giác thú vị về môn toán, ngoài ra giúp hiểu biết thêm nhiều vấn đề về thực tế.
Trong khi đó, những học sinh không thích hay ít thích làm việc với các tình huống thực tế là do các em nhận thấy những tình huống này khó, phức tạp và không tìm được phương pháp giải.
Tóm tắt chương 3
Chương này trình bày quá trình dạy học thực nghiệm và đánh giá thực nghiệm dựa trên bộ công cụ đã được thiết kế ở chương hai. Thông qua việc phân tích bài làm của học sinh đối với bốn tình huống thực nghiệm, hai bài kiểm tra pretest, posttest và các câu trả lời bảng hỏi để thấy rằng học sinh có thể nắm được ba trong bốn bước của quá trình THH (chuyển đổi từ tình huống toán học hóa sang mô hình toán học, giải toán, chuyển đổi từ kết quả toán sang kết quả thực tế) và giải quyết tình huống theo các bước của quá trình này. Ngoài ra, phân tích cũng cho thấy sự tiến bộ về khả năng giải quyết các tình huống THH chứa đựng các yếu tố định lượng của học sinh qua đợt dạy thực nghiệm, hay nói cách khác là các năng lực HBĐL của các em có sự tiến bộ. Điều này được khẳng định hơn khi điểm trung bình của mỗi năng lực HBĐL tăng qua mỗi tuần dạy thực nghiệm. Tuy nhiên, do thời gian thực nghiệm chưa đủ dài nên sự phát triển các năng lực ở một số nhóm học sinh chưa thể hiện rõ.
Ngoài ra, qua quá trình thực nghiệm chúng tôi cũng nhận thấy một số khó khăn học sinh thường gặp khi giải quyết các tình huống THH, đó là:
- Học sinh không nhận ra hết những thông tin quan trọng của tình huống cần để chuyển đổi sang ngôn ngữ toán học, biểu diễn sai các mối quan hệ, hiểu chưa đúng yêu cầu của tình huống, và thường bị chi phối bởi những hình ảnh minh họa cho tình huống. Những điều này dẫn đến các em xây dựng mô hình toán của mình thiếu phù hợp hoặc chưa đầy đủ.
- Học sinh hay quên những kiến thức cũ, vẫn còn những sai lầm trong tính toán, trong áp dụng công thức, sai lầm trong suy luận toán học hoặc đôi khi lập luận không có cơ sở do chưa hiểu rõ, nắm vững kiến thức toán liên quan.
Học sinh chưa linh hoạt trong việc tìm ra phương pháp giải cho mô hình toán đã xây dựng, thường bị chi phối bởi những kiến thức mới học, thường theo đuổi một cách giải hình thành ban đầu và hài lòng với việc tìm ra một lời giải cho bài toán.
- Học sinh quan tâm đến kết quả toán tìm được chứ chưa thực sự quan tâm đến việc tìm câu trả lời cho tình huống, xem xét tính hợp lý của kết quả thực tế.
- Ngoài ra còn một số khó khăn khác như học sinh chưa có động lực để giải quyết các tình huống, thiếu kĩ năng làm việc hợp tác, không đủ thời gian.
Những khó khăn trên có thể được khắc phục nếu học sinh nắm vững, thành thạo các kiến thức, kĩ năng toán liên quan và có cơ hội thực hành các loại tình huống THH một cách thường xuyên để hình thành kĩ năng, thói quen, kinh nghiệm chuyển đổi từ môi trường thực tế sang môi trường toán học cũng như khả năng phản ánh kết quả toán học trong thực tế.