Trương Thị Hồng Hà, Pháp luật về vận động hành lang của một số nước trên thế giới và một vài gợi ý đối với Việt Nam [46]. Tác giả tóm tắt những luật về vận động hành lang ở Mỹ và Canada, từ đó đưa ra những gợi ý cho Việt Nam về vấn đề này nhằm “đổi mới nhận thức từ các nhà lãnh đạo đến mọi công dân, mọi tầng lớp và các nhóm lợi ích…” để đem lại lợi ích hợp pháp cho các đối tượng và cộng đồng như: ban hành luật vận động hành lang, tăng cường hoạt động giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân về vận động hành lang để xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…; đấu tranh loại bỏ các hình thức vận động hành lang nhằm mục đích thu lợi bất chính; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát đối với quan chức Chính phủ và Quốc hội khi tham gia các hoạt động vận động hành lang.
Trần Bách Hiếu trong bài viết Vận động hành lang trong nền chính trị Mỹ và một số liên hệ tới Việt Nam [51] nêu khái quát những vấn đề liên quan đến vận động hành lang trong nền chính trị nước Mỹ, trong đó đề cập đến mối quan hệ giữa vận động hành lang và nhóm lợi ích: “lobby được hiểu là sự vận động của các nghị sĩ, dân biểu trong Quốc hội Mỹ ở cả Thượng viện và Hạ viện để họ đưa ra hay ủng hộ các đạo luật, các nghị quyết, các quyết định mang tính chính sách có lợi cho các nhóm lợi ích khác nhau” [51, tr.55] hay nói cách khác là “Tại Mỹ, quá trình xây dựng các chính sách và pháp luật chịu ảnh hưởng khá mạnh từ hoạt động vận động hành lang mà những người thực hiện hoạt động này là các nhóm lợi ích”
[51, tr.56]. Do đó, nước Mỹ vừa phải thừa nhận tính đa dạng về lợi ích, vừa phải ngăn ngừa các nhóm lợi ích này thông qua hoạt động vận động hành lang để lũng đoạn chính sách. Một mặt, Mỹ tạo ra hàng loạt luật bảo vệ hệ thống chính trị và các đảng phái khỏi ảnh hưởng lobby về tài chính, mặt khác, họ thừa nhận và luật hóa các nhóm lợi ích, các công ty vận động hành lang. Từ những mặt tích cực và tiêu cực trong hoạt động lobby của các nhóm lợi ích ở Mỹ, tác giả đưa ra những gợi ý cho Việt Nam. Tuy ở Việt Nam, lợi ích là thống nhất nên việc lobby trong
lập pháp thực chất không tồn tại. Tuy nhiên, hoạt động lobby trong kinh tế có rất nhiều lợi ích to lớn. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu nó để vận dụng vào Việt Nam là hết sức cần thiết.
Nguyễn Anh Hùng, Tìm hiểu các nhóm lợi ích ở Mỹ [60]. Bài viết tóm tắt nguồn gốc và lịch sử các nhóm lợi ích Mỹ, bắt đầu từ thói quen gia nhập nhóm, hội, đoàn hoặc một tổ chức nghiệp dư nào đó do những người thân quen khởi xướng. Sau đó, các nhóm này dần trở nên có hệ thống, có khuynh hướng bày tỏ, tác động đến giới chức về vấn đề mà họ quan tâm và mong muốn. Qua quá trình phát triển, đến những năm 1830, nhiều nhóm đã bắt đầu tham gia vận động tranh cử nghị sĩ, tổng thống hoặc ủng hộ hội viên tham gia vào các đảng phái chính trị…
để làm lợi cho nhóm mình. Cụm từ “lợi ích nhóm” chính thức xuất hiện. Bài viết cho biết những cách phân loại nhóm lợi ích ở Mỹ, phổ biến nhất là theo 2 cách:
theo tính chất thành viên có nhóm nguyên thủy, nhóm mục tiêu, nhóm chính trị và các nhóm lợi ích khác; theo mục tiêu có nhóm kinh tế, nhóm lý tưởng, nhóm quốc gia, nhóm cơ quan chính quyền, các nhóm lợi ích khác. Ở phần thứ ba, tác giả chỉ ra sự tác động chính trị của các nhóm lợi ích Mỹ. Các nhóm lợi ích Mỹ sử dụng công cụ tác động là tài chính, số đông lực lượng thành viên, kiến thức chuyên môn và các công cụ khác như biểu tình, đình công, bạo động…; phương thức tác động là tác động trực tiếp tới bộ phận hoạch định chính sách, tác động bằng vận động hành lang, tác động qua sự công khai và phương tiện truyền thông, tác động bằng các ủy ban hành động chính trị, tác động bằng gây rối và bạo loạn. Bài viết cho một cái nhìn tổng thể về nhóm lợi ích Mỹ - là nơi xuất hiện khái niệm lợi ích nhóm. Điều đó giúp tác giả luận án có thêm một góc nhìn về vấn đề này một cách khách quan và có tương quan so sánh giữa lợi ích nhóm theo quan niệm phương Tây và vấn đề lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay.
Lưu Văn An trong công trình Vận động hành lang trong đời sống chính trị các nước phương Tây [1] định nghĩa “Vận động hành lang là quá trình tác động của chủ thể lên đối tượng có quyền lực nhằm đạt tới các quyết định có lợi cho mình. Đó là những hoạt động có tính hệ thống nhằm tiếp cận, cung cấp thông tin, gây ảnh hưởng, thuyết phục các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình
hoạch định và thực thi chính sách, vì lợi ích của cộng đồng, nhóm lợi ích hoặc của cá nhân” [1, tr.11]. Một trong những chủ thể của vận động hành lang là lợi ích nhóm. Trong đời sống chính trị phương Tây, vận động hành lang là phương thức giúp truyền tải quan điểm của nhóm lợi ích đến các cơ quan công quyền. Nó giúp các nhóm lợi ích liên kết với nhau, hình thành những lực lượng quan trọng trong đời sống chính trị. Cũng nhờ vận động hành lang mà trong các hoạt động của cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, trong hoạt động của các đảng chính trị hay trong chính hoạt động chính trị của công dân, các nhóm lợi ích sẽ góp phần tham gia vào quá trình hình thành, bổ sung các dự luật; việc thực hiện chính sách dễ dàng hơn, cung cấp thông tin cho quá trình xét xử, gây quỹ trong quá trình tranh cử… Bên cạnh những giá trị đó, vận động hành lang cũng có những hạn chế như “vận động hành lang rất tốn kém,… vì vậy chỉ giới chủ giàu có mới có nhiều khả năng tiến hành vận động hành lang; còn ý kiến, nguyện vọng của những người dân nghèo yếu thế khó có cơ hội đến với chính quyền và được thể hiện trong chính sách [1, tr.174]; “là môi trường cho tham nhũng, hối lộ, thúc đẩy sự tha hóa quan chức” [1, tr.177]; “có thể đưa đến nguy cơ bế tắc trong chính sách” [1, tr.180]. Từ thực tiễn vận động hành lang ở các nước phương Tây, tác giả khẳng định cần đẩy mạnh hoạt động vận động hành lang và đưa ra một số kiến nghị về hoạt động này ở Việt Nam. Bài viết cung cấp cho tác giả luận án một cách nhìn về vấn đề vận động hành lang - vốn quen thuộc ở các nước phương Tây nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam. Vận động hành lang có quan hệ mật thiết với nhóm lợi ích. Và với cách hiểu như các nước phương Tây, nó không chỉ có những điểm tiêu cực (cũng được trình bày trong bài này) mà còn có những yếu tố tích cực có thể cho Việt Nam học hỏi và nếu nhìn nhận nó một cách nghiêm túc, có thể giúp kiểm soát lợi ích nhóm tiêu cực.
Bài viết Mối quan hệ giữa Đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức hiện đại của Tống Đức Thảo và Phan Duy Anh [104] trình bày lược khảo lịch sử mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức;
nét đặc trưng của mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích, các yếu tố định hình mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức hiện
đại. Bài viết khẳng định, “các đảng chính trị có vai trò quan trọng trong xã hội Đức hiện đại, đặc biệt trong quá trình nắm giữ quyền lực chính trị, hình thành ý thức chính trị và đại diện ý chí chính trị của dân tộc Đức” [104, tr.101]. Vai trò của các nhóm lợi ích là “có thể cung cấp cho đảng chính trị những người có chuyên môn, thông tin về ý kiến và khiếu nại của cử tri, nguồn lực tài chính và hỗ trợ tổ chức các cuộc bầu cử” [104, tr.102]. Các tác giả chỉ ra đặc trưng nổi bật của mối quan hệ giữa các đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức hiện đại là sự hợp tác thể hiện ở sự kết nối giữa hai bên dựa trên định hướng chính sách. Các nhóm luôn cố gắng ảnh hưởng đến chương trình chính sách của đảng và đảng cũng không thể chi phối một chiều mà nhiều khi còn phụ thuộc vào nhóm lợi ích.