Chương 3 NHẬN DIỆN LỢI ÍCH NHÓM Ở VIỆT NAM
3.2.4. Lợi ích nhóm góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế
Trong nông nghiệp, điều này biểu hiện rất rõ qua “khoán 100”, “khoán 10”.
Xuất phát điểm là “khoán hộ”, “khoán chui”, ban đầu nhằm đảm bảo lợi ích của một bộ phận nông dân ở một số địa phương. Lúc đó, lợi ích nhóm này còn bị coi là mang tính chất tiêu cực, không phù hợp bởi nhận thức: “…còn chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và lối làm ăn riêng lẻ thì vẫn còn cơ sở vật chất và
điều kiện xã hội cho khuynh hướng tư bản chủ nghĩa tự phát nảy nở” [20]. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, lợi ích nhóm này không hề đi ngược lại với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta mà góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống người nông dân.
Nhu cầu bức xúc về lương thực và cần phải tìm cách cải cách khâu quản lý trong nông nghiệp đã dẫn đến việc một số địa phương chủ động chuyển sang khoán gọn đến từng hộ gia đình. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Khóa VI: “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” ra đời. Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị chính thức cho ra đời Nghị quyết 10 (gọi tắt là khoán 10). Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức rõ sai lầm trong mô hình hợp tác xã trước đây:
việc chủ quan, nóng vội, gò ép nhân dân vào hợp tác xã, tập đoàn sản xuất; việc đưa hợp tác xã lên quy mô to lớn khi trình độ quản lý không tương ứng; việc hợp tác hóa triệt để tư liệu sản xuất trong khi không đủ khả năng quản lý… là nguyên nhân cơ bản dẫn mô hình hợp tác xã vào chỗ lụn bại… Như vậy, để tự giải quyết lợi ích của người nông dân, một số địa phương “khoán chui” đến hộ gia đình. Đó là cơ sở thực tiễn để Đảng ra Nghị quyết về khoán 100 và sau đó là khoán 10, đảm bảo lợi ích nhóm của nông dân, của hộ gia đình. Chính việc thỏa mãn lợi ích của nông dân đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, tiếp tục phát triển.
Từ đó, Đảng tuyên bố: “Công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế cá thể tư nhân, đảm bảo quyền làm ăn chính đáng và thu nhập hợp pháp của các hộ cá thể tư nhân”. Nghị quyết đưa ra 3 quyết định quan trọng trong quản lý nông nghiệp: Thứ nhất là: coi hộ nông dân là đơn vị sản xuất tự chủ. Hộ nông dân là đơn vị nhận khoán với hợp tác xã, được giao đất ổn định 15 năm, mức khoán ổn định 5 năm, được tự chủ hoàn toàn từ A đến Z trong quá trình sản xuất;
được làm chủ hoàn toàn số nông sản làm ra sau khi nộp thuế nông nghiệp cho nhà nước; Thứ hai: tạo điều kiện cho người nông dân tự do cả đầu vào như vật tư, phân bón và đầu ra là sản phẩm nông nghiệp trên thị trường theo cơ chế “thuận mua vừa bán”; Thứ ba: chuyển hợp tác xã sang làm công tác dịch vụ cho nông dân. Nghị quyết nhanh chóng được người nông dân đón nhận và đi vào cuộc sống.
Sự “cởi trói” chính thức có ý nghĩa giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, đem lại sinh khí mới cho nền nông nghiệp nước nhà. Kết quả là, sau đó chỉ một năm, từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 sản lượng lúa gạo nước ta đạt con số 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo. Sản lượng lúa gạo của cả nước ngày càng tăng; trong năm 2012, Việt Nam đạt con số 43,7 triệu tấn, sản lượng lúa gạo xuất khẩu đạt 7,7 triệu tấn, mang lại 3,5 tỉ USD, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới (sau Ấn Độ).
Trước thời kỳ đổi mới, chỉ có lợi ích của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân được quan tâm. Còn các giai cấp, tầng lớp khác chưa được chú ý một cách đúng mức, nhất là đội ngũ doanh nhân. Cùng với đó, các thành phần kinh tế như kinh tế tư nhân không được phép tồn tại, mà chỉ có 2 thành phần kinh tế là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Kể từ khi đổi mới, chúng ta chuyển sang xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có cả kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Đại hội X đã quy định, đảng viên được phép làm kinh tế tư nhân. Tại Đại hội XII, Đảng ta xác định, khuyến khích kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Đội ngũ doanh nhân cũng đang ngày càng có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nhờ quan tâm đến lợi ích của nhóm lợi ích này, mà cùng với nó là việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế nước ta đã có bước tiến lớn. Đáp lại, từ khi được tham gia xây dựng kinh tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, nhất là trong quá trình hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hai là, lợi ích nhóm giúp chính phủ có được nguồn lực để thực hiện các chính sách. Chính sách của chính phủ khi được quốc hội thông qua để thực hiện đương nhiên đã bao hàm cả dự trù kinh phí và nhân lực cho việc thực hiện, nhưng trên thực tế thường không đáp ứng đủ. Do đó, việc có được sự tài trợ từ các nhóm xã hội, nhóm lợi ích và các tổ chức phi chính phủ là hết sức cần thiết và được
chính phủ tạo điều kiện thực hiện. Nhờ đó, chính phủ có thêm được nguồn lực to lớn cho việc thực hiện các chính sách.
Xây dựng nông thôn mới là một chính sách thu hút được các nhóm lợi ích tham gia, không chỉ có nhóm lợi ích của nông dân mà cả nhóm lợi ích cả các doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trong đó, có thể nói, các doanh nghiệp là lực lượng tham gia tích cực và có hiệu quả thiết thực, đặc biệt là trong thực hiện đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Bằng những tư duy và hành động thiết thực, hiệu quả, doanh nghiệp đã tập trung giúp đỡ và hỗ trợ các địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới dưới nhiều hình thức như: ủng hộ về tinh thần và vật chất;
đầu tư trực tiếp về nông thôn; cam kết sử dụng lao động; giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Các công ty, ngân hàng cũng đã triển khai nhiều chương trình về an sinh xã hội, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở cho hộ nghèo… với giá trị hàng chục tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
3.3. ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA LỢI ÍCH NHÓM ĐẾN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY