Lợi ích nhóm tiêu cực làm giảm sút hiệu lực quản lý của Nhà nước

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của lợi ích nhóm đến chủ nghĩa xã hội ở việt nam hiện nay (Trang 106 - 111)

Chương 3 NHẬN DIỆN LỢI ÍCH NHÓM Ở VIỆT NAM

3.3.2. Lợi ích nhóm tiêu cực làm giảm sút hiệu lực quản lý của Nhà nước

Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa quản lý nền kinh tế bằng công cụ kế hoạch. Lợi ích nhóm tiêu cực (cục bộ, địa phương) tác động xấu đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sự chi phối của lợi ích nhóm tiêu cực đã khiến các nhà lãnh đạo, quản lý chỉ nhìn thấy lợi ích bộ phận, không nhìn thấy lợi ích toàn thể. Do đó, trong hoạt động, họ chỉ nghĩ đến lợi ích địa phương mình, ngành mình. Hiện nay, có một thực trạng là việc phát triển tràn lan trong rất nhiều ngành mà không có quy hoạch mang tầm quốc gia dẫn đến tình trạng ế thừa hoặc nơi thừa, nơi thiếu;

lại có tình trạng chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà quên các vấn đề khác như môi

trường, dân sinh… Sự xuất hiện tràn lan các nhà máy xi măng, sắt thép, thủy điện, sân golf… bất chấp quy hoạch chung của cả nước, gây thiệt hại về kinh tế, môi trường và bức xúc trong xã hội là những ví dụ.

Điều này dẫn đến nhiều nghịch lý. Ví dụ, tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam từ lâu đã chỉ ra rằng, từ năm 2013, Việt Nam sẽ phải nhập than đá nhưng cũng chính tập đoàn này trong năm 2009 đã xuất khẩu 29 triệu tấn than đá và năm 2010 lại đề nghị xuất khẩu tiếp 18 triệu tấn. Việc khai thác, chế biến cũng như xuất khẩu khoáng sản vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu. Phải chăng đó là vì lợi ích cục bộ của chính tập đoàn này? Vấn đề xây dựng ồ ạt hồ thủy điện trong những năm qua cũng là một ví dụ. Quy hoạch mỗi hồ thủy điện không dựa trên quy hoạch tổng thể, không có quy hoạch chiến lược, đánh giá môi trường của toàn bộ lưu vực con sông. Trong khi đó, việc phân cấp cho địa phương làm quy hoạch thường dẫn đến việc địa phương chỉ lo quyền lợi của mình. Thế nên, ở thượng nguồn thì phá rừng còn hạ nguồn phải gánh chịu lũ lụt.

Cũng đã từng tồn tại quan niệm cho rằng, thị trường sẽ “tự điều tiết”, cần hạn chế tối đa sự “can thiệp”, quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế. Thực tế của không chỉ các nước xã hội chủ nghĩa mà cả các nước tư bản chủ nghĩa cũng cho thấy nếu nhà nước không tham gia quản lý nền kinh tế sẽ dẫn đến những hậu quả như thế nào. Các nhà quản lý và các nhà khoa học đã nhìn thấy “lỗ hổng của bàn tay vô hình”. Những nhược điểm của chủ nghĩa tự do mới khiến nhiều nước từ chối đi theo con đường này. Sự phục hồi sau khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới từ năm 2008 đến nay cũng là nhờ sự can thiệp của nhà nước. Chủ nghĩa xã hội cũng cần kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản cũng cần tới kế hoạch. Việc phá vỡ các kế hoạch, quy hoạch của nhà nước vì những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm là cản trở, làm chậm việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

3.3.2.2. Lợi ích nhóm tiêu cực tác động đến công tác tổ chức, cán bộ Trong công tác tổ chức, cán bộ, biểu hiện của lợi ích nhóm tiêu cực cũng rất đa dạng, phức tạp, có trong tất cả các công đoạn, các khâu, các bước trong quy trình hoạt động của công tác tổ chức, cán bộ, có thể kể đến như sau:

Lợi ích nhóm tiêu cực trong việc ban hành chủ trương, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ. Một bộ phận cán bộ tham mưu, khi tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành chính sách có liên quan đến công tác cán bộ thì không vì chính sách, lợi ích chung mà tham mưu, ban hành những chính sách có lợi cho họ (ví dụ: nới lỏng hơn các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, đề bạt, nâng lương, chuyển ngạch, nâng ngạch,…). Biểu hiện khác của tình trạng này là những cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ đã nghiên cứu, tham mưu xây dựng, ban hành chính sách cán bộ “dưới tiêu chuẩn, điều kiện cơ bản” (như điều kiện tiếp nhận, điều chuyển, bố trí công tác, luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt hoặc được đi học, đi công tác nước ngoài) để người thân của họ, hoặc cán bộ lãnh đạo có đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện đó; ban hành chính sách, quyết định, nhiều khi mang tính “nội bộ”, có tính chất đặc quyền, đặc lợi cho một số ít cán bộ, trái với quy định hoặc theo quy định của Nhà nước nhưng không minh bạch để trục lợi.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của nhân dân” [55].

Lợi ích nhóm tiêu cực trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của cấp trên về công tác tổ chức, cán bộ thành các quy định, quy chế, quy trình cụ thể của cấp dưới để trục lợi. Có tình trạng quy định của cấp trên về chính sách, chế độ chung của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ không được cấp dưới cụ thể hóa bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục. Họ “vận dụng” ban hành chính sách, chế độ đối với cán bộ vì lợi ích nhóm tiêu cực của số ít cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ dẫn đến việc thực hiện trái quy định của cấp trên vì nhiều lý do hoặc luôn có sự thay đổi để cho “vừa” với những tiêu chuẩn, điều kiện cá biệt của một số ít cán bộ lãnh đạo, quản lý để trục lợi cho bản thân hoặc cho người thân của mình theo kiểu “trên có chính sách, dưới có đối sách” làm thiệt hại cho lợi ích chung của cán bộ, công chức, viên chức, gây bất

bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có nơi, đáng lẽ phải vận dụng quy định của cấp trên để ban hành chính sách về công tác cán bộ của cấp mình phù hợp nguyên tắc, chủ trương, quy định, nhưng lại vận dụng ban hành trái quy định nhằm “lách luật” để có lợi cho bản thân hoặc người thân của mình trong việc tuyển dụng, đề bạt, thực hiện các chính sách cán bộ khác, như mở tuổi để được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, kéo dài thời gian công tác,…

Lợi ích nhóm tiêu cực trong việc chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ. Biểu hiện của lợi ích nhóm tiêu cực này dễ thấy nhất và đang phổ biến hiện nay là cán bộ lãnh đạo trong một số doanh nghiệp nhà nước đã chỉ đạo xây dựng chính sách lương, chính sách thu nhập có lợi cho họ, dẫn đến biểu hiện lương “khủng” - “thu nhập quá cao và không minh bạch” trong một số cán bộ lãnh đạo, quản lý của một số doanh nghiệp, lĩnh vực ngành, nghề… Theo thông báo của đại diện Kiểm toán Nhà nước, tại cuộc họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2012, việc phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong các Tập đoàn, Tổng công ty và giữa các đơn vị, các bộ phận còn chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra như tại Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), mặc dù Tập đoàn này báo cáo kinh doanh thua lỗ 1.671 tỉ đồng, nhưng Ban Lãnh đạo, Chủ tịch Tập đoàn cũng như hội đồng thành viên vẫn có mức lương từ 40 - 58 triệu đồng/người/tháng. Trong khi mức lương bình quân của cán bộ, nhân viên tại Tập đoàn này đều ở mức trên 6 triệu đồng/người/tháng [91]. Trong 2 năm 2011- 2012, tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có gần 20 vị Chủ tịch, Tổng Giám đốc hưởng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Mức thu nhập "khủng" này gấp 4-5 lần so với thu nhập bình quân chung của các lãnh đạo khối doanh nghiệp Nhà nước và gấp vài chục lần so với lương của người lao động [50].

Bên cạnh đó là việc ban hành, thực hiện những chủ trương, chính sách cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm đi nghiên cứu, tham quan, học tập ở nước ngoài quá nhiều lần, gây tốn kém, lãng phí, thất thoát kinh phí của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Một biểu hiện nữa là có những cán bộ cấp trên, cán bộ lãnh đạo, quản

lý tuy biết cán bộ cấp dưới thuộc “phe cánh” của mình, có trình độ năng lực hạn chế, nhưng vẫn bổ nhiệm, đề bạt, bao che để tạo thành một “ê-kíp” cán bộ làm việc vì lợi ích nhóm nhằm trục lợi. Trong khi đó, cán bộ có đủ năng lực, trình độ, điều kiện thì không được quan tâm quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đúng khả năng, sở trường của họ, khiến họ “bất bình”, thậm chí đi tìm cơ hội làm việc ở những nơi khác.

Lợi ích nhóm tiêu cực trong việc tổ chức thực hiện công tác tổ chức, cán bộ. Biểu hiện này thể hiện ở việc một số cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thuộc phe, cánh của người lãnh đạo đã tham mưu trong việc bố trí người thân của họ dù trình độ năng lực yếu, phẩm chất đạo đức kém, kinh nghiệm công tác không có vào những chức vụ, vị trí công tác có nhiều “lợi thế, màu mỡ, quyền thế” để trục lợi theo kiểu “quyền đi liền với lợi lộc, quyền đi liền với tiền”. Trong khi những cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt và có kinh nghiệm trong công tác, có uy tín thì không được xem xét bố trí đảm nhiệm các công việc đó. Tình trạng này đã hình thành “cơ quan”, “chi bộ” mang tính chất gia đình như ở vụ PMU18 trước đây và một số vụ việc tiêu cực khác. Có cán bộ lãnh đạo khi sắp hết nhiệm kỳ, hết thời hạn làm lãnh đạo quản lý đã ban hành những quyết định bổ nhiệm, đề bạt, nâng lương, thay đổi vị trí công tác tốt hơn cho cán bộ thuộc diện “thân tín”, cho người thân trong gia đình mình không đúng theo chế độ, tiêu chuẩn, điều kiện. Vụ việc của Trần Văn Truyền - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan Thanh tra Chính phủ là một ví dụ. Đặc biệt nghiêm trọng là, chỉ trong 2 ngày (1/8/2011 và 3/8/2011), ông Truyền đã kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011, ông kí bổ nhiệm 22 người. Trong ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền đã kí bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng ở văn phòng, 3 hàm Phó Vụ trưởng ở Trường Cán bộ Thanh tra, 3 hàm Cục phó ở Cục III, 2 hàm Phó Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Cục I, 2 hàm Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Tạp chí, nhiều Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, hàm Vụ trưởng, hàm Phó Vụ trưởng ở các cục, vụ, đơn vị trực thuộc [38].

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của lợi ích nhóm đến chủ nghĩa xã hội ở việt nam hiện nay (Trang 106 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)