Chương 3 NHẬN DIỆN LỢI ÍCH NHÓM Ở VIỆT NAM
3.2.3. Lợi ích nhóm góp phần thúc đẩy dân chủ, công bằng xã hội
Một là, dựa vào thông tin đa chiều từ các nhóm lợi ích nên những chính sách đưa ra thể hiện được lợi ích của đa số người dân hơn. Vì vậy, có thể khẳng định vai trò tích cực của lợi ích nhóm là góp phần nâng cao tính công bằng đúng đắn trong quyết sách của nhà nước.
Bằng những hoạt động của mình, các nhóm lợi ích còn thúc đẩy sự phát triển dân chủ ở các cấp, đặc biệt là thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng giữa các nhóm lợi ích, qua đó, góp phần nâng cao sự hiểu biết của dân chúng trong việc tham gia quản lý nhà nước. Nhờ có quá trình nhóm lợi ích tham gia vào quá trình ra quyết sách của nhà nước mà tính hiệu quả của công dân trong việc tham gia vào chính trị được nâng cao, phát huy tính tích cực của công dân và thúc đẩy dân chủ ở các cấp phát triển. Nói cách khác, các công dân thông qua đại diện lợi ích nhóm
của mình để tác động đến quá trình hoạch định chính sách nên có thể coi nhóm lợi ích là một hình thức dân chủ đại diện tự nguyện.
Ở Việt Nam, vai trò của nhóm lợi ích trong việc phát huy dân chủ thể hiện ở vai trò phản biện xã hội của nó và được thừa nhận về mặt chính sách, qua Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ban hành theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Có thể kể đến hàng loạt hoạt động tư vấn, phản biện, giám định của Liên hiệp hội các tỉnh thành ở nước ta như: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội đồng phản biện Đề án hiện trạng môi trường tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện dự án: “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng CT229 tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2010-2020” do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần tư vấn xây dựng thủy lợi soạn thảo; Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006”; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang vừa tổ chức Hội nghị tư vấn phản biện đối với dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Liên hiệp Hội Quảng Bình chủ trì phối hợp với Hội Luật gia tham gia phản biện, đóng góp ý kiến vào các dự thảo Luật như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo sửa đổi, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)…
Qua đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội các đề án, chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách của nhà nước.
Hai là, lợi ích nhóm góp phần thúc đẩy sự công bằng xã hội
Nhiều nhóm lợi ích đại diện và bảo vệ lợi ích cho nhân dân lao động, góp phần thúc đẩy sự công bằng xã hội.
Các nhóm người lao động như công nhân, nông dân tuy chiếm số đông trong xã hội nhưng lại đang chịu nhiều khó khăn và trở thành nhóm “yếu thế”
trong xã hội. Việc họ liên kết lại thành các nhóm lợi ích trong những hiệp hội như Công đoàn hay Hội Nông dân giúp cho người công nhân, nông dân có chỗ dựa, có tiếng nói và nguyện vọng của họ được đề đạt và đến được với các nhà hoạch định chính sách một cách dễ dàng hơn.
Chính vì vậy mà từ khi ra đời đến nay, Công đoàn Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, hàng loạt các vấn đề bức xúc, nhất là các vấn đề xã hội đang đặt ra đòi hỏi phải giải quyết như việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân, quan hệ lao động. Công đoàn đã tham gia xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về lao động, nhất là Luật Tiền lương tối thiểu, đảm bảo tiền lương tối thiểu ít nhất phải bằng mức sống tối thiểu được quy định trong bộ Luật Lao động năm 2012, tiến tới mức sống tối thiểu của công nhân phải bằng mức trung bình của xã hội. Công đoàn Việt Nam tăng cường hơn nữa sự tham gia với Hội đồng Tiền lương quốc gia, nhằm góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu hợp lý cho người lao động. Năm 2015, có cuộc thương lượng về mức tăng tiền lương cho công nhân. Trong đó, VCCI đại diện cho các doanh nghiệp, muốn tăng 6%, còn Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện cho công nhân, muốn tăng 16%. Cuối cùng, Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt mức tăng là 12,4%. Tuy người lao động Việt Nam chưa hài lòng với mức tăng đó nhưng họ chấp thuận và điều này phần nào góp phần nâng cao đời sống của công nhân lao động.
Công đoàn đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tổ chức vận động và thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, lao động, như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương, tiền thưởng, chính sách bảo hộ lao động, chính sách giải quyết việc làm, chính sách
đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động; hướng dẫn, giúp công nhân, lao động ký giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động; đại diện cho công nhân, lao động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng quy chế doanh nghiệp; vận động, tổ chức cho công nhân, lao động thực hiện thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế doanh nghiệp; luôn chủ động tham gia và tổ chức vận động công nhân, lao động tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách về lĩnh vực lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích của công nhân, lao động với lợi ích của người sử dụng lao động, lợi ích nhà nước và xã hội. Tham gia giải quyết tranh chấp lao động ở cơ sở, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, chế độ chính sách của Nhà nước đối với công nhân, lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Công đoàn cơ sở tích cực, chủ động, đổi mới tổ chức, đa dạng hóa các hình thức vận động nhằm tập hợp công nhân, lao động trong các doanh nghiệp, cơ quan, các thành phần kinh tế gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn. Đến tháng 6/2012, Công đoàn Việt Nam đã có hơn 113.000 công đoàn cơ sở với hơn 7,7 triệu đoàn viên công đoàn; từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực xây dựng, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật, các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân; vận động người sử dụng lao động và công nhân chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế doanh nghiệp.
Công đoàn còn có vai trò hết sức quan trọng trong giải quyết tranh chấp lao động, đình công. Khi đình công xảy ra, công đoàn cơ sở là người trực tiếp tiếp xúc lắng nghe, tập hợp những yêu cầu, kiến nghị của những người tham gia đình công.
Thống kê hằng năm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, từ tháng 01/2000 đến tháng 6/2011, có 3.602 cuộc ngừng việc tập thể và đình công, trong đó, đình công xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2.718 cuộc, chiếm tỷ lệ 75,4%. Nếu những năm 1995 - 2000, tại các doanh nghiệp FDI xảy ra 231 cuộc, chiếm tỷ lệ 56,4% số cuộc đình công trong cả nước, thì trong 5 năm tiếp theo (2001- 2005), số cuộc đình công tăng gần gấp 3 lần, với 627 cuộc, chiếm
64,1%. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, có 331 cuộc ngừng việc tập thể và đình công, trong đó, ở các doanh nghiệp FDI có 259 cuộc, chiếm 78,25%.
Hội Nông dân Việt Nam có vai trò là người đại diện và phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Trường hợp như vụ kiện của nông dân thành phố Hồ Chí Minh, nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu, nông dân Đồng Nai đối với công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, kinh tế của họ là một minh chứng. Vụ kiện này có sự tham gia của Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhờ có sự tham gia của Bộ và các Hội này, cùng với việc hàng ngàn nông dân đồng loạt kiện công ty Vedan, tác động mạnh mẽ tới dư luận trong nước, buộc công ty Vedan phải bồi thường hơn 200 tỉ đồng cho nông dân 3 tỉnh nêu trên.
Như vậy, chính nhờ có sự liên kết của nông dân hay công nhân thành các nhóm với đại diện lợi ích cho họ là các tổ chức như Hội Nông dân hay Công đoàn mà quyền lợi của những nhóm này được bảo vệ, quan tâm, giúp họ đảm bảo đời sống, củng cố niềm tin vào Đảng và chính quyền. Ăngghen khẳng định, hệ tư tưởng mà xa rời lợi ích thì tự nó bôi nhọ mình. Đảng ta khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động, nghĩa là lấy hệ tư tưởng của giai cấp công nhân là hệ tư tưởng của mình. Vì vậy, việc chăm lo tốt lợi ích của công nhân và “những người bạn đồng hành” của họ là nông dân chính là củng cố nền tảng tư tưởng đó, là củng cố “vũ khí vật chất” của Đảng, bảo vệ chế độ.