Chương 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ LỢI ÍCH NHÓM
2.1.3. Vai trò của lợi ích đối với sự phát triển xã hội
Từ điển Bách khoa Việt Nam viết: “Lợi ích là nguyên nhân thật sự, căn bản của hoạt động lịch sử và hành vi xã hội của con người. Lợi ích được con người ý thức trở thành động cơ tư tưởng của hoạt động thực tiễn có mục đích”. Những lợi ích của các chủ thể vừa thống nhất, vừa đấu tranh với nhau, tạo nên động lực cơ bản thúc đẩy xã hội phát triển, thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, lợi ích là động lực thúc đẩy sự phát triển theo hướng xã hội hóa.
Theo Mác, Ăngghen, mỗi cá nhân đều chỉ theo đuổi những lợi ích của mình nhưng muốn vậy, họ phải tham gia vào các quan hệ xã hội, qua đó tạo ra một phương thức hợp tác theo những cách thức nhất định, tạo thành “sức sản xuất”
mới. Động lực sâu xa thúc đẩy con người hoạt động chính là lợi ích. Khi nói về vai trò của lợi ích, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng lợi ích là cái liên kết các thành viên trong xã hội, nó được đặt trong quan hệ giữa con người với nhau, làm cơ sở cho việc xác lập các quan hệ giữa họ. V.I.Lênin cũng cho rằng, cần “tìm nguồn gốc của những hiện tượng xã hội ở trong những quan hệ sản xuất, và phải quy những hiện tượng ấy vào lợi ích của những giai cấp nhất định” [126, tr.670]. Theo các ông, hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội suy cho cùng đều nhằm tìm kiếm lợi ích hoặc những điều kiện để thực hiện những lợi ích khác nhau. Bắt đầu từ cái cá nhân nhưng tính chất xã hội của hoạt động lại là điều kiện để thực hiện lợi ích và bao hàm trong mục đích xã hội.
Trước đó, Adam Smith (1723 - 1790), nhà kinh tế chính trị học người Anh cũng khẳng định vai trò của lợi ích. Ông cho rằng, trong nền kinh tế thị trường tự do, mỗi cá nhân theo đuổi một mối quan tâm và lợi ích riêng của cá nhân mình, và chính các hành động của những cá nhân này lại có xu hướng thúc đẩy nhiều hơn và củng cố lợi ích cho toàn cộng đồng thông qua một "bàn tay vô hình". Ông lý giải rằng, mỗi một cá nhân đều muốn thu lợi lớn nhất cho mình sẽ tối đa hóa lợi ích của cả cộng đồng, điều này giống như việc cộng toàn bộ tất cả các lợi ích của từng cá nhân lại. Ý tưởng cốt lõi trong lý thuyết của Smith là con người có thiên hướng theo đuổi lợi ích cá nhân và chính điều này dẫn đến sự giàu có của xã hội.
Như vậy, sự theo đuổi lợi ích của mỗi con người tuy được cắt nghĩa khác nhau về tính chất, nhưng các nhà kinh điển đều thừa nhận xu thế xã hội hóa của lợi ích. Xu thế xã hội hóa này chính là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Thực tế là, chính chủ nghĩa tư bản, trong quá trình phát triển, luôn phải tìm cách điều chỉnh để vượt qua khủng hoảng, cũng như tìm cách làm dịu đi những mâu thuẫn nội tại của nó. Điều đó nhiều khi lại khiến cho các nước tư bản chủ nghĩa tiến gần hơn một bước đến với chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, giải quyết những mâu thuẫn lợi ích thông qua nhiều biện pháp trong đó có cách mạng xã hội là động lực thúc đẩy lịch sử phát triển.
Theo Mác, Ăngghen, động lực của lịch sử là từ các mâu thuẫn xã hội. Mà mọi mâu thuẫn xã hội, xét đến cùng là mâu thuẫn về lợi ích giữa các giai cấp, tập đoàn người, các lực lượng, khuynh hướng xã hội.
Theo quan điểm của các ông, mọi xung đột lịch sử đều bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, biểu hiện ra trong xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất mới, tiến bộ và giai cấp thống trị đại diện cho quan hệ sản xuất cũ, lạc hậu. Việc giải quyết vấn đề lợi ích giữa hai giai cấp đối lập ấy thông qua cách mạng là động lực cho sự phát triển xã hội.
Mác viết: “Tất cả những gì mà con người đấu tranh để giành lấy đều dính liền với lợi ích của họ” [7, tr.98].
Trong các cuộc cách mạng xã hội, cải biến xã hội này, lợi ích cũng chính là động lực của quần chúng nhân dân nhằm thúc đẩy lịch sử phát triển.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, quần chúng nhân dân làm cách mạng bởi họ thấy lợi ích của mình được phản ánh và gắn bó trong lợi ích chung.
Đó cũng là lý do khiến giai cấp thiểu số lôi kéo quần chúng tham gia cách mạng bằng cách nhân danh lợi ích chung. “Thật ra, mỗi giai cấp mới thay thế cho giai cấp thống trị trước mình, muốn thực hiện được mục đích của mình, đều nhất thiết phải biểu hiện lợi ích của bản thân mình thành lợi ích chung của mọi thành viên trong xã hội…” [9, tr.68-69]. Tuy nhiên, sự thống nhất lợi ích trong các nhà nước còn tồn tại đối kháng giai cấp chỉ là tạm thời. Sau khi cách mạng thành công, giai cấp thống trị mới lại nhanh chóng biến lợi ích chung thành lợi ích riêng của giai cấp mình.
Mác chỉ ra rằng trong mọi chế độ còn phân chia giai cấp thì “lợi ích chung”
chỉ mang tính chất của “cái chung ảo ảnh, giả tạo”, bởi vì lợi ích của “toàn thể xã hội” thực chất chỉ là biểu tượng cho lợi ích của giai cấp thống trị, còn nhà nước là công cụ để bảo vệ và thực hiện các lợi ích của nhóm thống trị đó. Chỉ có trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, lợi ích của giai cấp công nhân phù hợp với lợi ích
của quần chúng nhân dân lao động thì mới giải quyết được triệt để vấn đề đối kháng về lợi ích giữa các giai cấp trong xã hội.
2.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ LỢI ÍCH NHÓM
Lợi ích nhóm là một thực tại khách quan tồn tại trong đời sống xã hội loài người. Khái niệm lợi ích nhóm cũng đã xuất hiện từ lâu trong đời sống chính trị - xã hội ở Mỹ và các nước phương Tây. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, lợi ích nhóm được nhắc đến khá nhiều nhưng vì một số lý do mà lợi ích và lợi ích nhóm hay được xem xét dưới góc độ tiêu cực. Vì vậy, cần nhận thức về nguồn gốc, bản chất của lợi ích nhóm một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan để thấy được cả mặt tích cực và tiêu cực của nó. Từ đây, mới tìm hiểu được thực trạng ảnh hưởng, phương hướng và kiến nghị phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của lợi ích nhóm đến chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.