Chương 3 NHẬN DIỆN LỢI ÍCH NHÓM Ở VIỆT NAM
3.3.3. Lợi ích nhóm tiêu cực ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế ở nước ta
Có một nhận định đáng quan tâm cho rằng:
Hiện nay, “lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Đó là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công;
trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành… Tức là tình hình xấu đã lan rộng, khá phổ biến và khá ngang nhiên, nghiêm trọng đến mức báo động [56].
Việc lợi ích nhóm tiêu cực đang len lỏi vào các cấp, các ngành, các lĩnh vực và tác động tiêu cực ngày càng tăng là nguyên nhân gây nên sự tụt hậu về kinh tế ở nước ta, mà biểu hiện rõ nhất là lợi ích nhóm tiêu cực làm gia tăng tình trạng tham nhũng
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi [89, tr.8]. Tổ chức Minh bạch quốc tế định nghĩa:
“Tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được tin cậy giao phó vì lợi ích cá nhân”.
Tham nhũng được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau. Trong đó, một trong những đặc trưng quan trọng của tham nhũng là tính chất vụ lợi của hành vi, nghĩa là công chức tham nhũng vì muốn thu được các lợi ích dưới các hình thức khác nhau. Như vậy, bản chất của tham nhũng là sự tư lợi cá nhân. Trong khi đó, lợi ích nhóm tiêu cực cũng là một “biến thể của chủ nghĩa cá nhân phát triển đến mức độ cao khiến tham nhũng phát triển sâu rộng, tính chất ngày càng phức tạp” [68, tr.50]. Người ta coi lợi ích nhóm tiêu cực là một dạng tham nhũng đặc biệt. Chính lợi ích nhóm tiêu cực làm sâu sắc thêm vấn đề tham nhũng ở Việt Nam, và ngược lại tham nhũng chính là nguyên nhân của sự phát triển lợi ích nhóm tiêu cực. Như Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhận định: “Năng lực không
thiếu, tổ chức bộ máy không thiếu, quyết tâm không thiếu nhưng vẫn không phát hiện được tham nhũng, phải chăng có vấn đề về lợi ích nhóm, về bao che trong đội ngũ cán bộ?” [45]. Trong các dạng tham nhũng, cần đặc biệt lưu ý đến tham nhũng chính sách.
Như đã phân tích ở phần trên, tham nhũng chính sách hình thành nhờ sự cấu kết giữa những người có quyền lực trong hệ thống chính trị nhằm tạo ra những quyết định hoặc tìm cách tác động vào những chính sách của nhà nước để phục vụ lợi ích của một cá nhân, doanh nghiệp hay một nhóm lợi ích nào đó. Tham những chính sách có khi còn nhằm thay đổi các quy định của pháp luật để phục vụ quyền lợi của những kẻ tham nhũng.
Nói về tác hại của loại tham nhũng này, một đại biểu Quốc hội cho rằng:
Tham nhũng chính sách là loại tham nhũng cực kỳ nguy hiểm! Về kinh tế, nó tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, thiếu bình đẳng, khiến doanh nghiệp không cần nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, chỉ cần có “quan hệ” là giành được những hợp đồng béo bở. Từ đó gây lãng phí tiền của, cản trở sự phát triển nhanh và bền vững, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam. Về xã hội, nó bóp méo các chính sách của Đảng, Nhà nước để phục vụ nhóm lợi ích, thương mại hóa quyền lực, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân [4].
Ở Việt Nam, biểu hiện của tham nhũng dạng này thể hiện ở hành vi lợi dụng kẽ hở hoặc cố tình tạo ra kẽ hở để làm ăn phi pháp hay bán thông tin kinh tế, xã hội, làm lộ thông tin về các chủ trương, chính sách mới, đầu tư, dự án, về quy hoạch đất đai, xuất nhập khẩu… Ví dụ như vụ vi phạm quản lý đất đai ở thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng, một bộ phận tham mưu và cán bộ chủ chốt đã lợi dụng việc quy hoạch giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng để đặt hẳn ra một cơ chế riêng cấp bán đất cho cán bộ quản lý của thị xã, thành phố và dùng để “đối ngoại”. Hay vụ việc gần đây ở tỉnh Bình Dương, khi dự án bất động sản mới chỉ có quy hoạch 1/2000, chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng vẫn cho phép doanh nghiệp phân lô,
bán nền. Hơn nữa, cơ quan chức năng tỉnh còn “sáng tạo” ra giấy phép trái quy định pháp luật để cho khách hàng của doanh nghiệp được xây nhà trái phép [80].
Cùng với sự phát triển của nhóm lợi ích tiêu cực, vấn đề tham nhũng chính sách lại càng trở nên phức tạp hơn. Trong đó, đặc biệt là một số doanh nghiệp, doanh nhân đã “móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm trầm trọng thêm các tiêu cực xã hội” [27]. Đó là sự cấu kết để tạo ra lợi ích nhóm giữa những chủ đầu tư với những kẻ thoái hóa, biến chất trong bộ máy Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ở những cơ quan có chức năng và khả năng soạn thảo, thông qua và điều hành cơ chế, chính sách, các cơ quan tư pháp. Tham nhũng chính sách là dạng tham nhũng phức tạp và tinh vi bởi các nhóm lợi ích hoạt động, tung hoành không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong chính trị, xã hội.
Hơn nữa, lợi ích nhóm tiêu cực thông qua vận động hành lang để điều chỉnh, hướng các chính sách, quyết định có lợi cho nhóm mình. Nếu không kiểm soát được lợi ích nhóm tiêu cực, để đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về số đông, bảo đảm công bằng xã hội cho tất cả mọi người, sẽ nảy sinh một số nhóm lợi ích theo nghĩa đặc quyền, đặc lợi, có khả năng tác động mạnh mẽ hoặc trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết sách của nhà nước. Những nhóm này sử dụng chính trị để trục lợi kinh tế, dùng lợi ích kinh tế để củng cố quyền lực chính trị.
Lợi ích thu được từ chính sách là “siêu lợi nhuận”, nhiều hơn bất kỳ thứ lợi nhuận nào thu được từ sản xuất hay kinh doanh, do vậy, những nhóm này tìm mọi cách tác động đến quá trình hoạch định chính sách của nhà nước, thực hiện các hoạt động “tham nhũng chính sách” [53].
Hậu quả là, tham nhũng làm thất thoát đáng kể công quỹ, tiền của tích cóp của nhân dân; dẫn đến năng suất lao động xã hội giảm sút, giá thành sản phẩm xã hội tăng cao, khả năng cạnh tranh của kinh tế đất nước đã yếu kém lại càng tụt hậu hơn. Nguy hại hơn, nó có thể làm suy giảm, thậm chí, có thể làm triệt tiêu động lực lao động. Qua một số vụ tham nhũng có thể thấy rằng, tham nhũng là ăn cắp các nguồn lực công cộng, làm suy yếu tính ổn định kinh tế vĩ mô, làm chậm lại hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tham nhũng chẳng những là sự bóc lột tiền
của người lao động mà trong tương lai và ngay cả bây giờ, chính họ và con cháu mình phải bù đắp sự thâm hụt ngân sách nhà nước một cách vô lý.
Bên cạnh đó, hậu quả mà lợi ích nhóm tiêu cực đối với nền kinh tế là nó làm tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư. Nên kinh tế vì thế mà bị kìm hãm không thể phát triển nhanh, thậm chí không thể phát triển bình thường, mất sức sống, nền kinh tế sẽ bị khiếm khuyết, dị tật, kinh tế “ngầm”, thị trường “ảo”, chụp giật, hoang dã, khống chế và “thanh toán” lẫn nhau để giành độc quyền, làm hỏng môi trường phát triển lành mạnh và bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.