Chương 4 PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG
4.2.2. Nhóm giải pháp về xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật
Một là, trên cơ sở thống nhất về nhận thức, cần sớm xây dựng hành lang pháp lý về các nhóm lợi ích và hoạt động của các nhóm lợi ích theo những giá trị chuẩn chung trên cơ sở điều chỉnh của luật pháp.
Ở Việt Nam hiện nay, các nhóm lợi ích đang hoạt động trong một không gian chủ yếu phi chính thức, bất hợp pháp, trong không ít trường hợp có quan hệ đến buôn lậu hay các hoạt động có tính chất phạm pháp ở mức độ khác nhau.
Bởi khung khổ pháp luật, môi trường thể chế chính thức cho hoạt động của các nhóm lợi ích chưa được xác lập, mặc dù cũng đã có các hiệp hội, nhóm lợi ích có tổ chức và đăng ký hoạt động chính thức như: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam… Tuy vậy, hoạt động của các nhóm lợi ích này vẫn mang tính tự phát và đôi khi ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Thực tiễn vận hành của các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, ở các quốc gia này đã có luật về lobby (vận động hành lang), các nhóm lợi ích hình thành và hoạt động một cách công khai nhằm tác động tới các chính sách của Quốc hội và Chính phủ một cách công khai và hợp pháp. Họ vận động qua nhiều kênh khác nhau, thậm chí còn sử dụng các chuyên gia và công ty tư vấn để thực hiện các hoạt động vận động của nhóm. Với cách thức như vậy, hoạt động của các nhóm lợi ích được bảo đảm tính hợp pháp và được phát huy một cách có hiệu quả ảnh hưởng tích cực của lợi ích nhóm.
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, hoạt động của các nhóm lợi ích thường diễn ra một cách tự phát, không chính thức nên nhóm lợi ích ở Việt Nam chưa có kênh tác động chính thức đến quá trình soạn thảo, ban hành luật pháp của Quốc hội và chính sách của Chính phủ, quá trình vận động chưa được công khai và luật hóa. Đồng thời, các nhóm lợi ích không bị điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật nên hoạt động với cả hình thức công khai và hoạt động ngầm.
Trong đó, hoạt động ngầm thiếu minh bạch, dễ dẫn đến tham nhũng và gây thiệt hại cho tập thể, cho xã hội hoặc cho các nhóm có lợi ích đối lập khác. Việc thiếu một khung pháp lý đầy đủ cho lợi ích nhóm tích cực hoạt động và ngăn ngừa, phòng chống lợi ích nhóm tiêu cực đã gây ảnh hưởng không tốt trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, càng không thể tạo ra một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Bởi vậy, ở Việt Nam hiện nay, cần có những đầu tư nghiên cứu một cách bài bản để xác định bản chất, hình thức, phạm vi hoạt động của các loại nhóm lợi
ích khác nhau; một mặt, đối với các lợi ích nhóm tiêu cực, giúp nhìn nhận một cách toàn diện hơn những “lỗ hổng” của luật pháp mà các nhóm lợi ích đã và đang lợi dụng, từ đó tìm cách khắc phục chúng; mặt khác, xây dựng và phát huy hoạt động của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tích cực của các nhóm cộng đồng mà nó đại diện.
Hai là, để phát huy ảnh hưởng tích cực của lợi ích nhóm, cần xây dựng một môi trường chính sách, pháp luật minh bạch, đầy đủ thông tin và được thực thi một cách có tổ chức.
Điều này xuất phát từ một thực tế là nguyên nhân hình thành và phát triển của lợi ích nhóm tiêu cực chính là do môi trường luật pháp thiếu minh bạch, hệ thống quản lý yếu kém, nhân dân thiếu thông tin. Một nhà nghiên cứu khẳng định, ở Việt Nam, quy trình ra quyết định chính sách không rõ ràng, không khoa học và không minh bạch; văn bản pháp luật quá nhiều những vẫn nằm trong tình trạng không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên liệu trước, không hợp lý, không hiệu quả, hiệu lực. Số lượng văn bản ban hành nhiều nhưng chất lượng chưa cao, chưa thể hiện nhất quán và thấu suốt tinh thần cải cách hành chính. Hệ thống văn bản còn thiếu tính toàn diện, đồng bộ, còn chồng chéo, trùng lặp; mục tiêu khắc phục tính cục bộ ngành, lĩnh vực trong việc chuẩn bị, soạn thảo các văn bản chưa đạt yêu cầu.
Thực tế đã chứng tỏ rằng, trong điều kiện của một chính quyền tốt, vững mạnh, những người ra quyết định chính sách tận tâm phục vụ quốc gia thì việc ảnh hưởng của các nhóm lợi ích cũng giúp những nhà hoạch định chính sách có những thông tin đầy đủ và toàn diện hơn để ra các quyết định chính sách tốt hơn.
Tuy nhiên, khi các hoạt động xã hội phát triển (đặc biệt là trong kinh tế), những lợi ích to lớn bắt đầu xuất hiện từ các chính sách phát triển thì hoạt động của các nhóm lợi ích trở nên mạnh mẽ và tinh vi hơn. Đặc biệt là trong môi trường luật pháp thiếu minh bạch, các quy trình ra quyết định chính sách không rõ ràng, thiếu thông tin và các nhóm khác có những lợi ích liên quan mà thiếu tổ chức…
thì các nhóm lợi ích sẽ gây ảnh hưởng, cấu kết, mua chuộc những người ra quyết
định để hướng chính sách về phía có lợi cho lợi ích của nhóm mình, bất chấp lợi ích của các nhóm khác, của số đông và lợi ích của quốc gia.
Vì thế, công khai, minh bạch là phương tiện rất quan trọng để bảo đảm sự công bằng, trung thực trong hoạch định và thực thi chính sách. Công khai, minh bạch sẽ ngăn chặn sự méo mó trong hoạch định và thực thi chính sách do sự ảnh hưởng, tác động của các nhóm lợi ích.
Muốn vậy, để các nhóm lợi ích không thể “lũng đoạn”, “thao túng”, cần có một hệ thống luật pháp và cơ chế ra quyết định công bằng và minh bạch. Cơ chế ra quyết định chính sách phải bảo đảm tính công khai, minh bạch dựa trên cơ chế đối thoại, tương tác cần thiết giữa các lợi ích có liên quan trong quá trình phát triển thông qua đối thoại, phản biện khoa học.
Hướng tới một sự phát triển đất nước thực sự bền vững trong điều kiện ghi nhận sự hiện diện và vận động của lợi ích nhóm, cần có các cơ chế giám sát để bảo đảm sự tách bạch giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách.
Để thực hiện được mục tiêu này, những đại biểu của nhân dân ở các cơ quan dân cử và các cơ chế giám sát cần phát huy đầy đủ vai trò, nghĩa vụ của mình và phải có đủ năng lực để thực sự bảo vệ những lợi ích chính đáng và hợp pháp của những người có liên quan. Cơ chế lên tiếng của người dân cũng cần được xây dựng và bảo đảm để người dân nói lên tiếng nói của mình khi lợi ích của họ bị xâm phạm. Ở đây, cần nâng cao năng lực cho các nhóm lợi ích có tổ chức (các hội và hiệp hội thương mại, nghề nghiệp, xã hội…) trong việc thực sự đại diện và bảo vệ cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên của mình.
Đồng thời, thực hiện việc tách bạch giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách để bảo đảm trách nhiệm của những công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền. Đây cũng là một xu hướng chung trong đổi mới quản lý công trên thế giới hiện nay.
Ba là, từ hai phân tích trên, cần ban hành các luật về tiếp cận thông tin, Luật về vận động hành lang, Luật về trưng cầu dân ý, Luật về hội:
Luật về tiếp cận thông tin cho phép quy trình ban hành chính sách được minh bạch, xã hội được biết, truyền thông được biết. Trong quá trình dự thảo
khung chính sách, pháp luật cần dự kiến tổ chức các cuộc tranh luận công khai giữa các nhóm lợi ích hợp pháp với sự chủ trì của các nhà làm luật. Việc công khai nhằm đi đến sự dung hòa của chính các bên lợi ích, làm cơ sở cho việc đưa ra các quyết sách được đúng đắn, hợp lý và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Luật về vận động hành lang tạo nên hành lang pháp lý để mọi chủ thể cùng tiếp cận và vận động được lợi ích chính đáng của nhóm mình và làm rõ ranh giới giữa vận động hành lang và tham nhũng.
Luật về trưng cầu dân ý là một trong các công cụ để nhân dân có ý kiến, phản ánh đầy đủ tiếng nói của toàn dân đối với những vấn đề trọng đại của quốc gia.
Luật về hội để bảo đảm quyền lập hội của công dân và xây dựng hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của hội, gồm các tổ chức có tư cách pháp nhân và các tổ chức không có tư cách pháp nhân trong cộng đồng để các tổ chức này hoạt động phù hợp với pháp luật, đồng thời, để Nhà nước có cơ sở quản lý hoạt động. Qua đó, giúp hình thành lợi ích nhóm hợp pháp, có tổ chức và hạn chế lợi ích nhóm tiêu cực. Trong đó, cần quy định rõ những hoạt động “bị hạn chế” hoặc “cấm” đối với các tổ chức xã hội, đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chuyên môn trong những lĩnh vực đặc thù mà tổ chức xã hội phải tuân thủ để định hướng cho các hội hoạt động theo chiều hướng tích cực. Quy định trách nhiệm giải trình của các tổ chức này trước cơ quan nhà nước cũng như quyền khiếu nại và khởi kiện của các tổ chức đó với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quyền và lợi ích của hội. Cùng với đó, cần phân loại các hội thành hội hoạt động
“vì lợi ích của hội viên” (nhóm lợi ích công) và các hội hoạt động “vì lợi ích cộng đồng” (nhóm lợi ích tư) để có những chính sách cho phù hợp. Các hội vì lợi ích công nên được hưởng các ưu đãi như miễn thuế, nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân và Nhà nước, song phải công khai, minh bạch các nguồn thu chi tài chính và chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước.
Bốn là, xóa bỏ cơ chế xin - cho trong quản lý.
Lợi ích nhóm tiêu cực được hình thành từ cơ chế xin - cho đã duy trì từ thời bao cấp đến nay trong mọi lĩnh vực. Cơ chế này đã hình thành một loại quan hệ mới trong đời sống và tồn tại trong nền kinh tế là có xin, có cho và có “lại quả”, làm trái với chủ trương, chính sách, gây bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cùng với đó là cơ chế độc quyền trong kinh doanh. Đây là vỏ bọc hợp pháp để hình thành nên lợi ích nhóm tiêu cực, lợi ích nhóm đặc quyền, đặc lợi. Cùng với đổi mới cơ chế quản lý nền kinh tế, cơ chế xin - cho đã dần bị loại bỏ, bị hạn chế. Tuy vậy, đến nay, tình trạng này vẫn còn tồn tại ở không ít lĩnh vực, như trong quản lý quy hoạch, đất đai, ngân sách, tài chính, biên chế… Bởi vậy, ngăn chặn sự ảnh hưởng của lợi ích nhóm đến sự lãnh đạo của Đảng cần kiên quyết hạn chế và đi đến xóa bỏ cơ chế xin - cho. Trong công tác tổ chức cán bộ cần tổ chức, cần tổ chức thực hiện tốt việc khoán biên chế, quỹ lương; trong quản lý kinh tế, cần để cho quy luật kinh tế thị trường xử lý những doanh nghiệp yếu kém; trong thu chi ngân sách, cần chấm dứt sự tùy tiện trong chi tiêu ngân sách. Quốc hội phải có thực quyền quyết định phân bổ ngân sách. Sự phân cấp chi tiêu ngân sách phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Năm là, để đảm bảo cho các chính sách trong tương lai thật sự đại diện cho lợi ích của số đông, phải tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích công hình thành.
Các nhóm lợi ích công (các nhóm bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ nông dân, công đoàn…) và truyền thông có thể là khắc tinh của các nhóm lợi ích tư. Tuy nhiên, muốn các nhóm lợi ích công phát triển và trở thành “đồng minh” tin cậy của mình, Nhà nước phải nới bớt quyền kiểm soát với chính các
“đồng minh” này. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải tạo ra cơ chế kiềm chế và đối trọng giữa các nhóm lợi ích tư nếu muốn độc lập về chính sách.