Chương 3 NHẬN DIỆN LỢI ÍCH NHÓM Ở VIỆT NAM
3.1.1. Các lợi ích nhóm chính thức
Ở Việt Nam, có thể xem lợi ích nhóm chính thức là các tổ chức chính trị - xã hội và một số tổ chức xã hội hiện nay. Trung thành với lợi ích chung của dân tộc, gắn bó với mục tiêu “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, được pháp luật thừa nhận vai trò đại diện cho lợi ích của quần chúng và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng là những tiêu chí xác định tính chính thức của các nhóm này. Các hội đoàn có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta coi những tổ chức này là những bộ phận hữu cơ của hệ thống chính trị Việt Nam. Dưới góc độ nghiên cứu của chúng tôi, cũng có thể xem như là thừa nhận sự tồn tại của các lợi ích nhóm chính thức ở nước ta hiện nay.
Hiện nay, cấu trúc của hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam có thể phân biệt ba loại thiết chế là:
Tổ chức chính trị (Đảng Cộng sản Việt Nam), Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng như:
Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh; và một số tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam...
Tổ chức xã hội: Các hiệp hội kinh tế, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác mà tiêu biểu là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Ở trong luận án này, chúng tôi đề cập đến một số nhóm lợi ích tiêu biểu, đại diện cho những tầng lớp quần chúng nhân dân đông đảo ở Việt Nam (giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân), có ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội như Công đoàn, Hội Nông dân, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Về các tổ chức chính trị - xã hội
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Chương I, Điều 10 đã ghi rõ:
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công đoàn Việt Nam có tính chất quần chúng và tính chất giai cấp của giai cấp công nhân. Vì thế, Công đoàn đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân thể hiện qua chức năng của mình là đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức - lao động.
Công đoàn Việt Nam phải thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích công nhân lao động. Do trình độ và kinh nghiệm quản lý của chính quyền các cấp còn non kém, bộ máy Nhà nước còn quan liêu, hành chính dẫn đến một số người, một
số bộ phận thờ ơ trước quyền lợi của công nhân, viên chức và lao động, tình trạng tham ô, lãng phí, móc ngoặc, hối lộ, tham nhũng, vi phạm đến lợi ích, đời sống người lao động vẫn còn tồn tại và không thể ngay một lúc xoá bỏ hết được. Vì vậy, Công đoàn phải là người bảo vệ lợi ích của công nhân, viên chức và người lao động chống lại tệ nạn quan liêu, chống lại các biểu hiện tiêu cực. Đó là sự bảo vệ đặc biệt, khác hẳn với sự bảo vệ trong chủ nghĩa tư bản.
Công đoàn Việt Nam thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động không bằng cách đấu tranh chống lại Nhà nước làm suy yếu Nhà nước.
Cuộc đấu tranh đó không mang tính đối kháng giai cấp, không phải là đấu tranh giai cấp. Ngược lại, Công đoàn còn vận động, tổ chức cho công nhân viên chức lao động tham gia xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Đồng thời, Công đoàn cũng bảo vệ chính lợi ích của Nhà nước - Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đấu tranh chống lại các thói hư tật xấu của một số người, nhóm người bị tha hoá, đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước, bảo vệ chính quyền Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện các nội dung hoạt động nhằm thực hiện chức năng bảo vệ lợi ích, cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc các vấn đề cơ bản như:
Một là, lợi ích của người lao động gắn liền với lợi ích của Nhà nước, của tập thể, sự tồn tại của Nhà nước chính là sự đảm bảo lợi ích cho người lao động.
Lợi ích của người lao động không chỉ thuần tuý ở cơm ăn, áo mặc mà cao hơn là lợi ích chính trị (đại diện là Nhà nước), lợi ích kinh tế, lợi ích văn hoá, tinh thần, lợi ích trước mắt, hàng ngày, lâu dài, lợi ích cá nhân, tập thể, Nhà nước.
Hai là, Nhà nước là người bảo đảm, Công đoàn là người bảo vệ lợi ích của công nhân, viên chức và người lao động. Đây là vấn đề quan trọng nói lên mối quan hệ khăng khít, biện chứng giữa nghĩa vụ và quyền lợi. Đồng thời, nó là cơ sở nhận thức về lợi ích của công nhân, viên chức và người lao động trong điều kiện mới, thể hiện đúng bản chất cách mạng của Công đoàn Việt Nam.
Hội Nông dân Việt Nam: là tổ chức chính trị, xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội
Nông dân Việt Nam đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước; đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân Việt Nam.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp Hội Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 121/HĐBT ngày 29/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội khác tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và đoàn kết.
Khi thành lập, Liên hiệp Hội Việt Nam mới có 15 hội thành viên, thì đến năm 2014, con số đó đã lên đến 134, trong đó có 74 hội ngành toàn quốc và 60 liên hiệp hội địa phương. Ngoài ra, trong hệ thống của Liên hiệp Hội Việt Nam còn có hơn 500 đơn vị nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo được thành lập theo Nghị định 81; 192 tờ báo, tạp chí, bản tin, đặc san, trang tin, báo điện tử. Có thể khẳng định rằng, hệ thống tổ chức của Liên hiệp hội Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh.
Liên Hiệp Hội Việt Nam tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ ở trong nước, trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài; điều hoà, phối hợp hoạt động của các hội thành viên; làm đầu mối giữa các hội thành viên và các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề chung trong hoạt động của Liệp hiệp Hội Việt Nam; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, hội thành viên, của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.
Như vậy, có thể nhận thấy rõ rằng, các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò vừa là trung tâm đoàn kết, tập hợp đông đảo các lực lượng quần chúng nhân dân, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên vừa thực hiện vai trò nền tảng chính trị của chính quyền nhân dân, tổ chức động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
Về một số tổ chức xã hội đại diện cho nhóm xã hội nghề nghiệp
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Đây là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ giữa Việt Nam với các nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là tổ chức độc lập, phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân và tự chủ về tài chính. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động ở Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế;
Thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học - công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của các doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài.
Tổ chức này thực hiện việc bảo vệ lợi ích của các thành viên thông qua một số hoạt động như:
Một là, tập hợp, nghiên cứu ý kiến của các doanh nghiệp để phản ánh, kiến nghị và tham mưu cho Nhà nước các vấn đề về pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh;
Hai là, tham gia xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, tham dự các hội nghị, các đoàn đàm phán về kinh tế và thương mại phù hợp với quy định của Nhà nước.
Ba là, tổ chức các diễn đàn, đối thoại, các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với các cơ quan Nhà nước, với đại diện người lao động và với các tổ chức hữu quan khác ở trong và ngoài nước để trao đổi thông tin và ý kiến về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.
Bốn là, tiến hành những hoạt động cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người sử dụng lao động trong các quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế.
Năm là, tập hợp và liên kết với các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, hợp tác với các Phòng Thương mại và Công nghiệp, các tổ chức hữu quan khác ở nước ngoài, tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế phù hợp với mục đích của Phòng và giúp đỡ các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong các tổ chức đó.
Cùng với đó là những hoạt động khác như tiến hành các hoạt động xây dựng, quảng bá và nâng cao uy tín doanh nghiệp, doanh nhân, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quan hệ kinh doanh và đầu tư ở trong và ngoài nước; tổ chức đào tạo bằng những hình thức thích hợp để phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nhân nâng cao kiến thức, năng lực quản lý và kinh doanh;
giúp đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam và ở nước ngoài; cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam và chứng thực các chứng từ cần thiết khác trong kinh doanh; xác nhận các trường hợp bất khả kháng; giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước giải quyết bất đồng, tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải hoặc trọng tài; thực hiện những công việc khác mà Nhà nước Việt Nam hoặc các tổ chức khác uỷ thác.
Năm 2013, theo một nghiên cứu của VCCI, có khoảng gần 400 hiệp hội doanh nghiệp hoạt động chính thức trên cả nước. Có 78 hiệp hội doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát này của VCCI. Trong đó, có 50 hiệp hội đa ngành cấp tỉnh (chiếm tỷ lệ hơn 64%) và 28 hiệp hội ngành cấp quốc gia (chiếm tỷ lệ gần 36%).
Có gần 53% các hiệp hội doanh nghiệp được thành lập do sáng kiến của nhóm doanh nghiệp. Khoảng 1/3 các hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo sáng kiến của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Khoảng gần 10% các hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo sáng kiến của một vài cá nhân. Trước đây, các hội, hiệp hội do Nhà nước thành lập và thành viên chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, hiện nay vẫn có một số ít các hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập bởi nhiều chủ thể khác nhau.
Hiệp hội kinh doanh ở Việt Nam hết sức đa dạng, nếu theo ngành nghề kinh doanh thì được phân chia thành các hiệp hội doanh nghiệp đa ngành (như:
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Công thương, Hiệp hội doanh nghiệp
trẻ Việt Nam…) và các hiệp hội doanh nghiệp cùng một ngành hàng (như: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HOREA)...). Nếu phân chia theo địa bàn hoạt động thì bao gồm các hiệp hội doanh nghiệp cấp quốc gia (như Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Mía đường Việt Nam…) và các hiệp hội cấp địa phương (như Hiệp hội Vận tải đường bộ thành phố Hải Phòng, Hiệp hội Nhựa thành phố Hồ Chí Minh…). Theo điều tra của VCCI, có khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam là thành viên của một hiệp hội doanh nghiệp nào đó, một doanh nghiệp có thể là thành viên của nhiều hiệp hội [86, tr.10].