Maira Martini, Influence of interest groups on policy - making (Ảnh hưởng của lợi ích nhóm trong việc hoạch định chính sách) [143] cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu ảnh hưởng tiêu cực và tích cực của các nhóm lợi ích đến việc ra quyết định, dựa trên thông tin công khai và các văn bản. Bài viết dựa trên khảo sát các nước Đông Nam Á và Đông Á bao gồm cả Trung Quốc.
Tác giả bài viết xác định các yếu tố kiểm soát và ngăn chặn các nhóm lợi ích có ảnh hưởng tiêu cực đối với các quyết định quản lý và chính sách trong một quốc gia (ví dụ như tính minh bạch, phương tiện truyền thông, loại bỏ các quyết định, cách ly và bảo đảm xung đột lợi ích được hủy bỏ), cung cấp các bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực này trong việc kiềm chế tham nhũng và ảnh hưởng bất hợp pháp bởi các nhóm lợi ích trong khi duy trì các lợi ích.
Pablo T. Spiller and Sanny Liao, Buy, Lobby or Sue: Interest Groups’
Participation in Policy Making - A Selective Survey (Mua bán, vận động hay khởi kiện: Khảo sát chọn lọc về sự tham gia vào hoạch định chính sách của các nhóm lợi ích) [144]. Sự tham gia của các nhóm lợi ích trong việc đưa ra chính sách công là điều tất yếu. Điều tất yếu khách quan đó vấp phải sự nghi ngờ của các nhà chính trị và cả dân chúng. Gần đây, đã có một tài liệu từ New Institutional Economics (NIE) nhằm kiểm tra sự tham gia của các nhóm lợi ích trong việc hoạch định
chính sách. Nét nổi bật của phương pháp tiếp cận NIE là nó nhấn mạnh việc mở ra mảng tối trong việc ra các quyết định. Cuốn sách giới thiệu NIE, trong đó phân tích mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích và các nhà hoạch định chính sách. Đồng thời, tác giả nhấn mạnh vai trò của môi trường thể chế trong việc tìm hiểu sự quan tâm của các nhóm.
Heike Kluver, Lobbying in coalitions: Interst group influence on European Union policy-making (Vận động hành lang trong các liên minh: Ảnh hưởng của nhóm lợi ích trong việc hoạch định chính sách ở khối EU [140]. Liên minh châu Âu được thành lập trở thành một cấu trúc cơ hội chính trị đầy hứa hẹn cho lợi ích có tổ chức. Thắng lợi hay thất bại nằm ở việc phân tích hoạch định chính sách. Có rất ít người nghiên cứu nó và trong các nghiên cứu hiện có vô số các giả thuyết và kết quả phần nào mâu thuẫn nhau. Bài viết này nhằm mục đích trình bày một mô hình trao đổi lý thuyết mới để nhận biết nguồn cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân và sức mạnh thị trường của liên minh vận động hành lang như các nhân tố chính ảnh hưởng nhóm lợi ích về xây dựng chính sách tại Liên minh châu Âu.
Những giả thuyết được thực nghiệm đánh giá dựa trên số lượng lớn các số liệu mới kết hợp phân tích định lượng văn bản đệ trình của nhóm lợi ích để Hội đồng tham vấn với một cuộc khảo sát trực tuyến giữa các nhóm lợi ích. Lý thuyết này đang được thử nghiệm trên một số chính sách. Phân tích thực nghiệm xác nhận những kỳ vọng lý thuyết chỉ ra rằng vận động hành lang là một hoạt động kinh doanh tập thể, trong đó cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân và sức mạnh thị trường của toàn bộ liên minh vận động hành lang thay đổi ảnh hưởng của nhóm lợi ích.
Heike Kluver, Biasing polictics? Interest group participation in European policy-making (Xu hướng chính trị? Sự tham gia của các nhóm lợi ích trong hoạch định chính sách ở châu Âu) [141]. Bài viết này trả lời cho câu hỏi sự thành công trong vận động ở Liên minh châu Âu có như nhau đối với các nhóm lợi ích không? Nhóm lợi ích vận động các tổ chức châu Âu để đạt được các quyết định chính sách phù hợp với lợi ích của mình. Trong khi một số người cho rằng các nhóm lợi ích khác nhau có khả năng như vậy trong việc tác động đến hoạch định
chính sách ở châu Âu, thì có những người khác cho rằng thành công của vận động hành lang là có thiên vị đối với một số nhóm lợi ích lớn. Các nghiên cứu trước đây tập trung tại một khu vực hay một vài chính sách cụ thể nên để rút ra kết luận chung là khá khó khăn. Vì vậy, bài này trình bày một phân tích dựa trên khảo sát rộng lớn các vận động thành công của một loạt các nhóm lợi ích và các vấn đề chính sách bằng cách kết hợp một phân tích định lượng văn bản của Ủy ban tham vấn với một cuộc khảo sát trực tuyến giữa các nhóm lợi ích. Nghiên cứu này chỉ ra rằng vận động thành công không có sự khác nhau giữa các loại nhóm lợi ích.
Frederick J. Boehmke, The Effect of Direct Democracy on the Size and Diversity of State Interest Group Populations (Ảnh hưởng của nền dân chủ trực tiếp vào quy mô và tính đa dạng của các nhóm lợi ích nhà nước) [139]. Bài viết này nghiên cứu sự ảnh hưởng của nền dân chủ trực tiếp đến quy mô và tính đa dạng của các nhóm lợi ích nhà nước, cung cấp một kiểm tra thực nghiệm một mô hình chính thức cách tiếp cận cơ hội ảnh hưởng đến sự hình thành và hoạt động nhóm như thế nào. Mô hình dự báo rằng nhóm biến động và hoạt động trong trạng thái chủ động hơn; dự đoán này được khẳng định: dân chủ trực tiếp làm tăng số thành viên của nhóm lợi ích công khoảng 17%; trong đó, nhóm lợi ích công dân được tăng 29% trong khi mức tăng chỉ là 12% cho tập đoàn kinh tế. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, dân chủ trực tiếp làm tăng sự đa dạng cho các nhóm lợi ích.
Thomas L. Brunell, The Relationship Between Political Parties and Interest Groups: Explaining Patterns of PAC Contributions to Candidates for Congress (Mối quan hệ giữa các đảng chính trị và nhóm lợi ích - Lý giải mô hình của PAC đóng góp cho ứng cử Quốc hội) [147]. Bài viết cho rằng, các nhóm lợi ích tìm mọi cách để đạt được lợi ích tối đa từ chính sách, trong khi đó, các đảng phái chính trị lại cố gắng để có số ghế cao nhất trong Quốc hội. Những mục tiêu này có ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích với các đảng chính trị. Trong nghiên cứu này, tác giả phát triển và thử nghiệm một giả thuyết liên quan đến mô hình đóng góp tiền từ Ủy ban hành động chính trị (PACs) cho các ứng viên của Quốc hội Hoa Kỳ. Tác giả lập luận rằng các nhóm lợi ích có sự ưu tiên cho đảng nào thực sự đảm bảo cho lợi ích của mình, tức là các nhóm lao động ưu tiên Đảng
Dân chủ, trong khi các nhóm doanh nghiệp lại ủng hộ Đảng Cộng hòa. Cũng có khi nhóm lợi ích lại đóng góp tiền cho đảng khác, nhưng đảm bảo rằng sự đóng góp đó tác động đến bầu cử càng ít càng tốt. Họ thực hiện chiến lược này bằng cách đóng góp tiền cho những người đang đương nhiệm - mà những người này thường không cần đến tiền để tái đắc cử.
Paul Burstein and April Liton, The Impact of Political Parties, Interest Groups, and Social Movement Organizations on Public Policy: Some Recent Evidence and Theoretical Concerns (Tác động của các đảng chính trị, nhóm lợi ích và và các tổ chức phong trào xã hội đến chính sách công: lý thuyết và thực tiễn) [145]. Bài viết này xem xét tác động trực tiếp của các đảng phái chính trị, nhóm lợi ích và các tổ chức phong trào xã hội (SMOs) đến chính sách. Giả thuyết chính là cả ba loại hình tổ chức đều có tác động đáng kể đến chính sách. Các giả thuyết phụ: 1/ Khi dư luận xã hội được quan tâm, ảnh hưởng của các đảng phái chính trị là hầu như không đáng kể; 2/ đảng phái chính trị có ảnh hưởng lớn hơn nhóm lợi ích và SMOs; 3/ nhóm lợi ích và SMOs có ảnh hưởng đến chính sách ở mức độ là các hoạt động của họ cung cấp cho các quan chức được bầu các thông tin và các nguồn lực có liên quan đến chiến dịch tranh cử của họ. Từ các giả thuyết nghiên cứu, dựa vào các tài liệu, văn bản những năm 1990 - 2000, tác giả đưa ra kết luận về các tác động của các tổ chức đến chính sách.
Fay Lomax Cook, Media and Agenda Setting: Effects on the Public, Interest Group Leaders, Policy Makers, and Policy (Truyền thông và nghị trường:
Ảnh hưởng trong công chúng, các lãnh đạo lợi ích nhóm, các nhà hoạch định chính sách và chính sách) [138]. Bài viết khảo sát tác động của các phương tiện truyền thông lên công chúng, các nhà lãnh đạo lợi ích nhóm, các nhà hoạch định chính sách và chính sách công. Kết quả cho thấy truyền thông có ảnh hưởng quan trọng đến quan điểm về các vấn đề giữa công chúng nói chung với các những người làm chính sách ở chính phủ. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, sự phản hồi trong dư luận không dẫn đến sự thay đổi trong chính sách tiếp theo. Thay vào đó, chính sách thay đổi là kết quả sự hợp tác giữa các nhà báo và nhân viên chính phủ.
Hugh A. Bone (1958), Political Parties and Pressure Group Politics (Các đảng chính trị và các nhóm áp lực chính trị) [142]. Bài viết khẳng định các đảng chính trị và các nhóm gây áp lực chính trị có sự phụ thuộc lẫn nhau. Các nhóm lợi ích tìm thấy ở các đảng chính trị cách thức để tiếp cận với những người trong cơ quan công quyền, trong khi đó, các đảng chính trị cần đến nhóm lợi ích trong các cuộc tranh cử để đảm bảo quyền lực. Chính cấu trúc của đảng và bản chất của hệ thống liên bang đã nuôi dưỡng mối quan hệ này. Các nhóm lợi ích tham gia cả bầu cử sơ bộ trong đảng và cả bầu cử giữa các đảng thông qua ứng cử viên mà họ ủng hộ, cung cấp cho những người này kinh phí cho chiến dịch bầu cử và tham gia vào các hoạt động của chiến dịch này. Cả hai bên đôi khi tìm cách thâm nhập vào nhau nhưng hiếm khi có nhóm lợi ích nào đó kiểm soát được hoàn toàn một tổ chức đảng.
Seth Binder, Eric Neumayer (2005), Environmental pressure group strength and air pollution: An empirical analysis (Một phân tích thực nghiệm về sức mạnh của nhóm gây áp lực về môi trường và ô nhiễm không khí) [146]. Bài viết khẳng định các nhóm lợi ích về môi trường có ảnh hưởng thực sự đến mức độ ô nhiễm. Các tác giả cung cấp hệ thống các kiểm tra định lượng chứng minh sức mạnh của các tổ chức phi chính phủ về môi trường (ENGOs) về mức độ ô nhiễm môi trường. Do đó, tăng cường các ENGO là một chiến lược quan trọng mà các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan sử dụng để cố gắng giảm mức độ ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới.
Douglas K. Stevenson, Cuộc sống và các thể chế ở Mỹ [16]. Cuốn sách trình bày về chính trị ở Mỹ, trong đó có phần tác giả phân tích về các nhóm đặc quyền đặc lợi ở Mỹ. Tác giả khẳng định:
Người Mỹ luôn quan tâm đến việc các chính trị gia đại diện cho lợi ích của họ thường lập nên các “nhóm áp lực”, vận động hành lang chính trị, ủy ban hành động công chúng (PACs), hay các nhóm lợi ích đặc biệt (SIGs). Các nhóm này tìm cách gây ảnh hưởng đối với các chính trị gia về hầu hết mọi vấn đề [16, tr.89].
Từ đó, tác giả lấy ví dụ và phân tích ra một số nhóm lợi ích ở Mỹ.
Alexis De Tocqueville, Nền dân trị Mỹ [3]. Tác giả dành chương V, VI, VII để bàn về cách thức người Mỹ sử dụng hình thức hiệp hội - đoàn thể trong đời sống dân sự; về mối quan hệ giữa các hiệp hội với báo chí; quan hệ giữa hiệp hội dân sự với hiệp hội chính trị. Trong đó, tác giả chỉ bàn đến những hiệp hội - đoàn thể được hình thành trong đời sống dân sự và không có tính chất chính trị. Nói về tầm quan trọng và sự ra đời của các hiệp hội, tác giả khẳng định, trong các xã hội quý tộc trị, con người không có nhu cầu kết hội bởi trong xã hội này có một nhóm nhỏ công dân rất giàu có và có thế lực, có khả năng tự mình làm nên những công trình lớn.
Mỗi công dân giàu có và có thế lực này đứng đầu một “hiệp hội” tồn tại thường xuyên và bắt buộc, gồm tất cả những ai lệ thuộc vào người công dân này và buộc phải thực hiện các ý đồ của anh ta. Trong các quốc gia dân trị thì khác, mọi công dân đều độc lập và không có thế lực gì cả. Vì thế họ không thể tồn tại nếu không biết cách tự do giúp đỡ lẫn nhau. Hiệp hội giúp cho việc điều hành kinh tế, chính trị, xã hội của chính quyền được tốt hơn. Tác giả khẳng định: “Tại các nước dân chủ, khoa học về sự kết hội và lập hội là khoa học mẹ; sự tiến bộ của các khoa học khác tùy thuộc vào những tiến bộ của “bà mẹ” này” [3, tr.178]. Trong sự tồn tại và ra đời của hiệp hội, báo chí giữ một vai trò quan trọng, nó là phương tiện để các thành viên trong hiệp hội có thể “tìm đến” với nhau cũng như giúp họ thống nhất hành động. Trong mối quan hệ với hiệp hội chính trị, “hiệp hội dân sự tạo điều kiện dễ dàng cho những hiệp hội chính trị; nhưng một mặt khác, hiệp hội chính trị lại đặc
biệt giúp cho việc phát triển và hoàn thiện hiệp hội dân sự” [3, tr.184].
1.3. GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG NỘI DUNG MỚI MÀ LUẬN ÁN THỰC HIỆN