Chương 3 NHẬN DIỆN LỢI ÍCH NHÓM Ở VIỆT NAM
3.3.4. Lợi ích nhóm tiêu cực ảnh hưởng tiêu cực đến những giá trị trong chủ nghĩa xã hội
Lợi ích nhóm tiêu cực gây ra hiện tượng bất công, bất bình đẳng, mất dân chủ nghiêm trọng trong đời sống kinh tế - xã hội.
Một là, đặc trưng tồn tại và hoạt động của các lợi ích nhóm ở các nước trên thế giới có tính cạnh tranh, thậm chí đối kháng để đạt tới trạng thái bình thường là cân bằng và chế ước lẫn nhau. Nhưng ở nước ta, nhà nước chưa cho phép và chưa có cơ sở xã hội cho sự đối kháng giữa các lợi ích nhóm. Tính chất cạnh tranh, chế ước và cân bằng, tùy thời điểm, tùy lĩnh vực và điều kiện cụ thể, có thể lúc mạnh, lúc yếu khác nhau nhưng luôn tồn tại trong quan hệ giữa các nhóm lợi ích khác nhau, với nhau và với xã hội. Do đó, xã hội cần có cơ chế tự điều chỉnh để sự cạnh tranh không phát triển thành đối kháng, nhưng lại đảm bảo tính dân chủ và công bằng để cho các nhóm lợi ích có thể tự chế ước lẫn nhau, giữ được trạng thái cân bằng cho xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay, do quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường chưa hoàn thành, các lợi ích nhóm chưa được thừa nhận chính thức, chưa trở thành chính thống, tính chất dân chủ và công bằng trong quan hệ giữa các nhóm chưa thật đảm bảo, nên trong nhiều trường hợp, một số nhóm lợi ích đã trở thành nhóm độc quyền, do vậy tính chất chế ước và cân bằng bị ảnh hưởng. Một số nhóm do “độc quyền” nên có cơ hội tốt hơn các nhóm khác trong tác động chính sách, trong tác động vào điều hành, quản lý các quá trình xã hội, thu lợi bất chính hoặc bất hợp lý. Trong khi đó, các nhóm lợi ích khác lại rơi vào điều kiện bất lợi, do không thể cân bằng, chế ước được nhóm đối tác. Theo tác
giả Nguyễn An Nguyên, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) là một tập đoàn lợi ích như thế. Được hưởng đặc lợi từ các loại thuế và lệnh cấm đánh vào ô tô nhập khẩu, giá ô tô sản xuất ở Việt Nam luôn cao gấp 3 - 5 lần so với giá ở các nước khác. Dù thế, VAMA vẫn dựa vào thế thống trị thị trường để cùng nhau nâng giá ô tô. Tuy nhiên, dù luôn cam kết nội địa hóa lên 30 - 40%
trong vòng 10 năm, đến nay tỉ lệ nội địa hóa mà các doanh nghiệp thực hiện mới chỉ đạt 2 - 10%. Vậy là, trong khi người tiêu dùng phải hi sinh, chịu thiệt thòi để hi vọng vào một nền sản xuất ô tô phát triển hơn thì ngược lại, VAMA có những khoản lợi nhuận khổng lồ mà nền sản xuất ô tô Việt Nam vẫn không phát triển được như mong đợi.
Hai là, lợi ích nhóm tiêu cực đã tác động khiến cho việc phân phối không còn công bằng, tạo sự phân hóa giàu nghèo không chính đáng - nghĩa là, phân hóa giàu nghèo không xuất phát từ tài năng, đóng góp mà do ý muốn chủ quan, sự điều chỉnh lợi ích của một nhóm người. Cần nhận thức rằng công bằng xã hội là tiêu chí quan trọng bậc nhất để phân biệt chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
Dưới góc độ công bằng xã hội, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các nhóm lợi ích, nhất là trong các nền chính trị không minh bạch, thông qua hình thức vận động hành lang, nhằm tác động tới cách thức, tỷ lệ phân bổ lợi ích của Nhà nước, để tạo dựng và thụ hưởng đặc quyền, đặc lợi là nguy cơ trực tiếp đối với công bằng xã hội. Sự bất công xã hội do lợi ích nhóm gây nên là sự bất công ngay từ
“gốc” chứ không chỉ ở phần “ngọn”. Nghĩa là, bất công diễn ra ngay từ sự phân phối cơ hội phát triển.
Hiện nay, có sự phân cực rất rõ giữa những nhóm giàu có quyền lực lớn và những nhóm dân cư yếu thế, chịu nhiều thua thiệt. Mặc dù nhóm giàu có chiếm số lượng nhỏ trong dân cư nhưng lại thu lợi lớn từ công cuộc đổi mới và phát triển.
Họ sở hữu một lượng tài sản lớn, nhờ đó có quyền lực mạnh, không những có thể bảo vệ lợi ích riêng của nhóm mà còn phát huy ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách thông qua nhiều phương tiện và mua chuộc những kẻ thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước để làm lợi cho họ. Ví dụ, các nhà đầu tư nước ngoài lót tay cho các cán bộ xét duyệt và cấp phép dự án FDI, nên được hưởng quá
nhiều ưu đãi, như miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế trong quá nhiều năm, được nhận những khu đất vàng..., không hề cân nhắc xem dự án đầu tư có tạo thêm nhiều việc làm không, có tăng thu ngân sách không, có tiếp nhận được công nghệ mới không… Hậu quả là tăng trưởng cao nhưng không cải thiện đời sống nhân dân mà chỉ lợi cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện nay, còn xuất hiện những kẻ làm giàu phi pháp, chủ yếu thuộc hai nhóm: nhóm thứ nhất là bọn buôn gian, bán lận, lừa đảo, đầu cơ trên thương trường; nhóm thứ hai là những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất chỉ lo tìm cách lợi dụng vị thế và quyền lực được giao (nhất là trong các lĩnh vực địa chính - nhà đất, xây dựng cơ bản, tài chính doanh nghiệp nhà nước, thuế vụ, hải quan...) để đục khoét tài sản của Nhà nước và của nhân dân.
Hơn thế nữa, thực tế nhiều vụ án kinh tế lớn còn cho thấy rõ có sự móc ngoặc tinh vi giữa hai nhóm trên.
Cả hai nhóm này đều có lợi ích đối kháng với lợi ích của toàn xã hội.
Chúng phải bị pháp luật trừng trị và xóa bỏ. Nếu để cho chúng tiếp tục phát triển và câu kết chặt chẽ với nhau thì sớm muộn chúng sẽ ngang nhiên phá hoại sự nghiệp đổi mới ngay từ bên trong, biến nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thành nền kinh tế thị trường "hoang dã", vừa cản trở tăng trưởng kinh tế nhanh, lành mạnh và bền vững vừa kìm hãm tiến bộ và công bằng xã hội, gây bất bình trong quảng đại nhân dân, tạo thành nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu để đạt tới.
Hậu quả của nó là ảnh hưởng đến chủ nghĩa xã hội, là làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, hình thành những nhóm tiêu cực, sa vào tham nhũng, lãng phí, thu vén lợi ích cá nhân làm giảm sút lòng tin của nhân dân, gây bất bình trong dư luận xã hội, thậm chí có cả biểu tình phản đối. Điều này cũng khiến các thế lực thù địch rất dễ lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu, kích động nhân dân chống lại Đảng, Nhà nước. Trên thực tế, có lúc, có nơi các thế lực thù địch đã kích động được một bộ phận nhân dân gây bạo
loạn làm mất ổn định chính trị. Nếu Đảng, Nhà nước không kiên quyết xử lý nghiêm minh, tiếp tục để lợi ích nhóm tiêu cực lộng hành, phát triển, gây bức xúc trong nhân dân và xã hội sẽ tạo thuận lợi thêm cho các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện những âm mưu gây bạo loạn đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Từ những phân tích trên, sự khẳng định dưới đây là có cơ sở:
Hậu quả thứ hai do “nhóm lợi ích” gây ra là nhất định sẽ chệch hướng khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính (và cũng xa lạ với chủ nghĩa tư bản hiện đại), đất nước đi theo một con đường khác, sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, đó là con đường không có tiền đồ và rất nguy hiểm, không có tự do và dân chủ (vì bị “nhóm lợi ích” độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn), để lại hậu quả lâu dài mà dân tộc phải gánh chịu [56].
3.4. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Một là, xu hướng hành chính, quan liêu hóa đang diễn ra trong một số tổ chức hội.
Điều này dẫn đến hạn chế dần tác dụng của các tổ chức hội, nhất là các tổ chức xã hội đặc thù với tư cách là các nhóm lợi ích đáp ứng các nhu cầu và lợi ích của các đoàn viên, hội viên mà nó đại diện. Đa số trường hợp các nhóm lợi ích hợp pháp ở nước ta hiện nay ra đời do các cơ quan của chính phủ trực tiếp xây dựng. Do vậy, chúng thường mang dấu ấn hành chính, công quyền, chính trị.
Ngay cả các lợi ích nhóm dưới hình thái các tổ chức nghề nghiệp cũng vậy. Trong nhiều trường hợp, chúng mất tính độc lập, công bằng, trở thành công cụ hành chính của Nhà nước. Nhiều tổ chức xã hội có xu hướng mong muốn trở thành tổ chức xã hội đặc thù, muốn trở thành “con đẻ” của Nhà nước để được cấp ngân sách hoạt động. Có thể thấy, sự hoạt động của một số Hội chưa thực sự hiệu quả như Hội Nông dân. Tiếng nói của Hội này chưa phát huy được vai trò thực sự…
Điều này khiến cho Hội chưa bảo vệ được tốt nhất quyền lợi của người nông dân.
Cũng như vậy, hoạt động của Công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích cho
công nhân, nhất là công nhân ở các doanh nghiệp FDI, vẫn còn nhiều bất cập, đôi khi trở nên hình thức, chưa thực sự trở thành chỗ dựa cho người công nhân. Có thể kể đến một số những mặt hạn chế trong tổ chức và hoạt động công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích người lao động trong các doanh nghiệp FDI hiện nay như: 1/ hiệu quả tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trực tiếp cho người lao động trên thực tế còn thấp, hầu hết mới dừng lại ở mức độ phổ biến, tuyên truyền pháp luật; 2/ sự đại diện cho tập thể người lao động tiến hành đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể còn mang tính hình thức. Trong đó, về thỏa ước lao động tập thể ngành, mới có 1 bản thỏa ước được ký kết giữa Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam năm 2010, và hiện nay, có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia; 3/ việc đại diện cho tập thể người lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động còn chưa được thực hiện tốt; 4/ chưa thể hiện được vai trò trong tổ chức và lãnh đạo đình công. Từ năm 1995 đến nay, trong hơn 4000 vụ đình công trong cả nước, mặc dù trong 70% số vụ xảy ra ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn… nhưng chưa có một vụ nào công đoàn là người tổ chức và lãnh đạo… [100, tr.155 - 157].
Có thể thấy, những nhóm lợi ích hoạt động kém hiệu quả ở Việt Nam thường phổ biến ở một số trường hợp như đại diện của nó không hưởng lợi trực tiếp từ nhóm lợi ích mà họ đại diện (Hội Nông dân, Công đoàn) hoặc hưởng lợi từ những hoạt động khác (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam). Việc không được hưởng lợi trực tiếp của các nhóm lợi ích này đã tạo ra hiện tượng tách biệt quyền lợi với trách nhiệm, làm giảm vai trò đối thoại chính sách của các nhóm hay đại diện của các nhóm này.
Kết quả là, môi trường sinh thái không những không được cải thiện mà còn có phần nghiêm trọng hơn; vấn đề an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái ngày càng tràn lan. Những vụ việc trầm trọng về môi trường, về quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam chủ yếu là do nhân dân lên tiếng, báo chí và các cơ quan quản lý Việt Nam vào cuộc. Các hội, hiệp hội trong lĩnh vực này hầu như không có tiếng nói và hành động bảo vệ cho những lợi ích công này. Điều này vừa đặt ra vấn về
tính hiệu quả trong hoạt động của một số hội, hiệp hội; nhưng cũng là một gợi ý trong việc đưa ra giải pháp về phát huy dân chủ và vai trò của báo chí, truyền thông trong việc bảo vệ các lợi ích nhóm tích cực.
Bên cạnh đó, các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam hiện khá tích cực và có nhiều nỗ lực trong hoạt động vận động chính sách; tuy nhiên, bản thân các hiệp hội cũng chưa thỏa mãn về hiệu quả của việc đóng góp ý kiến cho cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng của chính sách và văn bản pháp luật. Ở mức độ chung, chỉ có 38% các hiệp hội cho rằng việc đóng góp ý kiến của hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp địa phương, ngành đối với chất lượng của chính sách, văn bản pháp luật là hiệu quả.
Hai là, chưa có sự phân phối công bằng giữa các nhóm lợi ích trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có một thực tế là hiện nay, lợi ích nhóm của các doanh nhân nhiều khi được chú trọng nhiều hơn lợi ích nhóm của công nhân, nông dân - những nhóm được coi là lực lượng cơ bản trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Nhóm yếu thế hay nhóm bị thiệt hại thuộc về người dân, mà đa phần ở đây là nông dân. Một trong những nguyên nhân khiến người nông dân trở thành nhóm bị thiệt hại là do sự tham gia và tác động của nông dân (và các tổ chức đại diện quyền lợi của họ) trong các quyết định về phát triển liên quan đến họ còn ít và yếu. Các kết quả nghiên cứu và điều tra khảo sát xã hội học về nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam của các tổ chức trong nước và quốc tế đều có nhận định rằng, tiếng nói của nông dân ít được lắng nghe trong thiết kế, hoạch định, và càng ít được quan tâm hơn trong theo dõi, giám sát thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển. Vai trò và chức năng phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp có liên quan trực tiếp và nhiều tới đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của nông dân (như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…) còn ít được phát huy và tạo điều kiện đóng góp [94, tr.66].
Trong khi đó, lợi ích của một số nhóm doanh nghiệp cũng đang được hưởng quá nhiều ưu đãi. Vài năm trước đây, chúng ta luôn kêu gọi đầu tư, cải
cách, mở cửa, bằng mọi cách thu hút các nhà đầu tư, “trải chiếu hoa, thảm đỏ” đón họ vào. Việc quá chú trọng đến số lượng, thậm chí chạy theo thành tích thu hút đầu tư khiến các tỉnh quá dễ dãi về điều kiện đầu tư, môi trường. Kết quả là, trong khi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài được nhận hàng loạt ưu đãi thì công nhân vẫn phải sống trong những khu ổ chuột, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần đều ở mức thấp. Hay như vụ việc công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân, nhưng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vẫn tìm cách bảo vệ, “bao che” cho doanh nghiệp này.
Kết quả là những giai cấp, tầng lớp lao động, những người đi đầu trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội lại đang trở thành những nhóm yếu thế và chịu thua thiệt về lợi ích so với các nhóm lợi ích tiêu cực.
Ba là, lợi ích nhóm tiêu cực nằm trong các cơ quan quyền lực.
Đây là một thực tế đáng chú ý và có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Đảng và Nhà nước ta. Trong thực tế, nhiều lợi ích nhóm bất hợp pháp lại núp bóng cơ quan công quyền, núp bóng pháp luật, hoặc mượn danh các tổ chức nhà nước, các tổ chức và nhóm hợp pháp khác để ẩn nấp, giấu mình, ngấm ngầm thực hiện lợi ích riêng, gây tổn thất lớn cho xã hội, trở thành lực lượng phá hoại ghê gớm, gây hậu quả khó khắc phục.
Ở các quốc gia khác, nhất là các nước phát triển, các nhóm lợi ích thường nằm bên ngoài quyền lực, muốn tác động vào chính sách của Chính phủ phải thông qua vận động hành lang. Nhưng ở nước ta, lợi ích nhóm lại nằm bên trong các cơ quan quyền lực khiến nó trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát. Có nhà nghiên cứu cho rằng, nền kinh tế thị trường càng lớn thì lợi ích thu được từ việc ảnh hưởng chính sách càng khổng lồ. Do đó, từ giới tư bản nước ngoài, các tổng công ty, các đại gia tư nhân cho đến những tập đoàn tội phạm đều ra sức thâm nhập và ảnh hưởng vào bộ máy nhà nước để giành đặc lợi. Trong khi đó, bộ máy nhà nước cũng giảm dần sự thống nhất, trở thành đại diện cho các nhóm lợi ích khác nhau. Tình trạng phân hóa này đã được nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đề cập đến: “Mỗi ngành khi đi đàm phán đều có phương án đàm phán riêng của mình mà trưởng đoàn đàm phán không biết” [81].