Công cụ kiểm soát lợi ích nhóm

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của lợi ích nhóm đến chủ nghĩa xã hội ở việt nam hiện nay (Trang 68 - 71)

Chương 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ LỢI ÍCH NHÓM

2.2.4. Công cụ kiểm soát lợi ích nhóm

Từ kinh nghiệm của mình, các nước phát triển như Mỹ và phương Tây đã chỉ ra một số công cụ để kiểm soát lợi ích nhóm như sau:

Một là, sử dụng một số lợi thế của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường với những mặt tích cực của nó như năng động, đòi hỏi sự minh bạch, tạo cơ hội công bằng cho mọi người làm việc và phát triển - đã trở thành công cụ cho việc kiểm soát lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường hiện đại có đặc điểm là gắn với xu hướng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, gắn với công bằng xã hội, phúc lợi xã hội, đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… Xu hướng này là tiền đề của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nghĩa là góp phần kiểm soát lợi ích nhóm đi theo quỹ đạo của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hai là, nhà nước pháp quyền: thượng tôn pháp luật là cơ sở cho sự tồn tại, hoạt động và kiềm chế của các nhóm lợi ích. Hệ thống pháp luật là căn cứ xác định các lợi ích hợp pháp và các hành vi thực hiện lợi ích hợp pháp của các nhóm. Thực tiễn cho thấy, các quốc gia phát triển đều xây dựng các bộ luật chuyên biệt hướng dẫn các hoạt động thực hiện của các nhóm lợi ích: Luật Xung đột lợi ích của Canada ban hành năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 9 tháng 7 năm 2007; Luật Công bố thông tin và Vận động hành lang của Hoa Kỳ… Thậm chí, do đặc thù về tổ chức nhà nước, các tỉnh, các bang cũng xây dựng luật như: Luật Xung đột lợi ích của bang Michigan ban hành năm 1968; Luật Xung đột lợi ích của tỉnh Alberta (Canada)…

Việc thực thi pháp luật nghiêm minh buộc các nhóm lợi ích phải xem xét, cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích khi tiến hành các hoạt động của mình. Ở góc độ này, công cụ pháp lý tạo ra sức ép bên trong buộc các chủ thể lợi ích hoạt động phải hạn chế vi phạm tới lợi ích chung, đặc biệt là lợi ích quốc gia.

Như vậy, thị trường và nhà nước pháp quyền là hai công cụ cơ bản và quan trọng nhất trong quản trị xung đột lợi ích. Có thể nói, các quốc gia phát triển, ngoài những lợi thế về địa - kinh tế là các quốc gia có cơ chế thị trường và nhà nước pháp quyền hoàn thiện.

Ba là, kiểm soát lợi ích nhóm thông qua các tổ chức xã hội dân sự.

Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự được coi là ba trụ cột của sự ổn định và phát triển trong mỗi quốc gia, là xu hướng chung ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Tổ chức xã hội dân sự được hiểu là tổ chức của những người hoạt động phi nhà nước, phi lợi nhuận, không tìm kiếm quyền lực quản lý. Cốt lõi của tư tưởng về xã hội dân sự là lý thuyết về dân chủ, quyền con người, quyền công dân, về bản chất tự do của xã hội và mỗi cá nhân trong mối quan hệ với nhà nước và thị trường. Các tổ chức xã hội dân sự tập hợp, đoàn kết mọi người nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung và lợi ích chung. Các tổ chức này hiện diện trong đời sống công cộng, đại diện thể hiện lợi ích, giá trị của mình (thành viên, tổ chức) và của người khác được thành lập theo pháp luật và dựa trên cơ sở đạo đức, văn hoá, tôn giáo hoặc từ thiện... Các tổ chức xã hội dân sự bao gồm: các tổ chức phi chính phủ (NGO), hiệp hội nghề nghiệp, các quỹ, các viện nghiên cứu độc lập, các tổ chức cộng đồng (CBOs), các tổ chức tín ngưỡng, các tổ chức nhân dân, các phong trào xã hội và công đoàn.

Quan điểm phổ biến của phương Tây coi các tổ chức xã hội dân sự là một bộ phận cấu thành xã hội, không hoàn toàn tách biệt với nhà nước, không hẳn đối lập với nhà nước. Các nhà nước dân chủ tư sản luôn đề cao, nhấn mạnh vai trò của xã hội dân sự trong bảo vệ tự do cá nhân, dân chủ trước sự can thiệp của quyền lực nhà nước. Tổ chức xã hội dân sự có vai trò thúc đẩy các công dân tham gia vào các vấn đề công cộng, cụ thể là tham gia vào quá trình hình thành và thực thi chính sách của nhà nước. Đó cũng là cơ chế để người dân chủ động tham gia vào công việc của chính phủ nhằm kiểm soát và làm cân bằng mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội.

Ở Mỹ, các hội, hiệp hội có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chính sách của Chính phủ: Hiệp hội nghề nghiệp là một hình thức của các nhóm lợi ích trong xã hội, bao gồm Hiệp hội như Hội Y tế, Hội Luật gia, Hội Cựu chiến binh, Hội Nhà báo, Hội Những người về hưu… Các nhóm lợi ích có vai trò nhất định trong sự tham gia và giám sát hoạt động của quyền lực nhà nước, và là công cụ đắc lực giúp người dân tham gia quản lý xã hội. Nhóm lợi ích đại diện cho các hội viên

dựa trên lợi ích chung và bảo vệ lợi ích đó, thông qua các nhóm lợi ích góp phần giám sát quyền lực nhà nước.

Ở Nhật Bản, các tổ chức xã hội dân sự rất phát triển, đó là những hội, hiệp hội và tổ chức khác nhau hoặc liên kết hoặc độc lập luôn tác động, giám sát quyền lực nhà nước; nhà nước trên cơ sở pháp luật luôn mở rộng và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội dân sự phát triển. Chính phủ Nhật Bản luôn coi trọng, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến tham gia, đòi hỏi, yêu cầu hợp lý của các tổ chức xã hội dân sự và coi đó là một trong những biện pháp để Chính phủ phải có ý thức hơn về trách nhiệm trong sử dụng quyền lực nhà nước thông qua việc ban hành và thực hiện chính sách của mình.

Các nước Bắc Âu như Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Aixơlen, Phần Lan đều là những nước phát triển. Ngoài tự do, dân chủ, các đất nước trên đều đề cao tính công khai, minh bạch hoạt động quyền lực nhà nước và coi trọng phát triển các tổ chức xã hội dân sự. Ở Thuỵ Điển, hệ thống chính trị tạo điều kiện để các lực lượng xã hội tích cực tham gia các hiệp hội, đảng phái và thông qua đó sẽ tác động ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chính trị của quốc gia. Các tổ chức xã hội dân sự có vai trò bổ sung và đóng góp quan trọng vào quan điểm của Chính phủ, được coi như trường học cho dân chủ và quyền công dân và là công cụ để nhân dân tham gia hoạt động chính trị, chia sẻ trách nhiệm xã hội với nhà nước.

Bốn là, dư luận xã hội và truyền thông đại chúng là một công cụ quan trọng để kiểm soát lợi ích nhóm, thông qua đó, tạo sự minh bạch và cung cấp thông tin.

Dư luận xã hội, ngoài vai trò giáo dục con người, điều chỉnh hành vi cá nhân và các mối quan hệ xã hội, còn được xem xét như là thông tin giám sát của người dân và các tầng lớp xã hội đối với các cá nhân, nhóm lợi ích và đặc biệt là việc thực thi chức năng của các cơ quan, tổ chức xã hội. Tuy nhiên, với tính cách là một nguồn tin, dư luận xã hội chỉ phát huy vai trò công cụ của nó của nó khi hệ thống truyền thông đại chúng phát triển. Truyền thông đại chúng phản ánh và truyền tải dư luận xã hội mà nhờ đó, dư luận xã hội mới phát huy vai trò.

Dư luận xã hội và truyền thông đại chúng giúp cho các nhóm lợi ích nắm bắt được những xu hướng, hoạt động của các nhóm khác có liên quan đến lợi ích của mình, qua đó, họ có những động thái phản biện, đối phó để bảo vệ lợi ích hợp

pháp của mình. Chúng cũng góp phần truyền tải thông tin về hoạt động của các nhóm lợi ích và của các mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích để chủ động có những giải pháp phù hợp, kịp thời.

Cần nhấn mạnh rằng, những công cụ kể trên là dựa trên kinh nghiệm của các Mỹ và các nước phương Tây, vì vậy việc áp dụng và học tập cần dựa trên thực tiễn đất nước ta mới có hiệu quả thực sự.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của lợi ích nhóm đến chủ nghĩa xã hội ở việt nam hiện nay (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)