Lựa chọn mô hình ngân hàng tổng hợp

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động ngân hàng đầu tư tại Việt Nam (Trang 150 - 153)

CHƯƠNG 4: GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM

4.2. Giải pháp phát triển hoạt động ngân hàng đầu tư tại Việt Nam

4.2.2. Nhóm giải pháp phát triển mô hình ngân hàng tổng hợp

4.2.2.2. Lựa chọn mô hình ngân hàng tổng hợp

Lợi ích cũng như rủi ro tiềm ẩn của các ngân hàng thương mại khi thực hiện các nghiệp vụ chứng khoán phụ thuộc phần lớn vào phạm vi họ tích hợp nghiệp vụ đó với các hoạt động kinh doanh sẵn có. Phạm vi này lại phụ thuộc vào khả năng thực hiện các nghiệp vụ chứng khoán của ngân hàng với mô hình tổ chức của mình.

Ngân hàng có thể lựa chọn một vài mô hình tổ chức để kết hợp hoạt động ngân hàng và chứng khoán. Mô hình mà đa số lựa chọn là mô hình ngân hàng tổng

hợp/đa năng, mô hình ngân hàng có công ty con là công ty chứng khoán hoặc môt hình một tổng công ty có các công ty con độc lập là ngân hàng và công ty chứng khoán.

Một số lý do được đưa ra để lý giải tại sao hoạt động chứng khoán nên được thực hiện bên ngoài ngân hàng. Thứ nhất nhằm duy trì sự an toàn của các hoạt động ngân hàng truyền thống; loại bỏ được các xung đột lợi ích tiềm tàng; tách biệt ngân hàng với rủi ro phát sinh từ hoạt động chứng khoán và loại bỏ lợi thế cạnh tranh một tổ chức như ngân hàng tổng hợp/đa năng có thể có.Ngoài ra, sự tách biệt này giúp công tác quản lý được thực hiện dễ dàng hơn và với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra về lợi ích của việc chia tách do thị trường không lĩnh hội được rằng các đơn vị của một tập đoàn là độc lập với nhau.

Nguyên nhân là các tập đoàn/công ty mẹ có động cơ quản lý các đơn vị trực thuộc một cách tích hợp/hợp nhất thay vì coi đó là một danh mục đầu tư vào các công ty độc lập nhằm tận dụng lợi thế kinh tế theo phạm vi. Ngoài ra, khi một đơn vị con gặp khủng hoảng tài chính, công ty mẹ có động cơ để hành động vượt quá những gì cần đối với một đơn vị góp vốn. Tập đoàn/công ty mẹ có thể mở rộng khoản đầu tư nhằm bảo vệ danh tiếng, bảo vệ khả năng tiếp cận vốn vay của mình, và phòng chống sự lây lan khủng hoảng sang các đơn vị khác. Cuối cùng, trên thực tế một số tập đoàn và một số quy trình của cơ quan giám sát có thể tác động tới nhận thức của thị trường về sự độc lập của các công ty thành viên trong tập đoàn/ tổng công ty.

Ngoài ra, việc chia tách sẽ làm phát sinh chi phí, một số loại chi phí sẽ tăng lên khi tách biệt giữa đơn vị thành viên và tập đoàn. Quá trình này đòi hỏi tốn kém nhiều hơn chi phí vận hành và phát triển dành cho đơn vị độc lập về vốn, và hạn chế khả năng tận dụng lợi thế kinh tế theo phạm vi của ngân hàng. Từ đó dẫn đến những hệ quả khác nhau như vấn đề chủ sở hữu và người quản lý (agency problem) liên quan tới đội ngũ quản lý đa dạng. Ngoài ra, sự phân tách này có thể làm phát sinh xung đột lợi ích. Nếu ngân hàng con và công ty chứng khoán con có tỷ lệ sở hữu cổ

phần khác nhau đối với cùng một cổ đông, sẽ phát sinh trường hợp hy sinh lợi ích của nhóm cổ đông này để phục vụ lợi ích của nhóm cổ đông khác.

Do vậy mô hình tổ chức phân tách – mô hình ngân hàng mẹ hay mô hình công ty mẹ – không ảnh hưởng nhiều đến lợi thế hay hạn chế của việc chia tách ngân hàng và đơn vị chứng khoán. Tuy nhiên, một số yếu tố khác lại phụ thuộc vào loại mô hình. Trong mô hình ngân hàng mẹ, ngân hàng và công ty chứng khoán có mối liên hệ trực tiếp trong khi đó ở mô hình tổng công ty mẹ, mối quan hệ này là gián tiếp. Trong mô hình đầu tiên, vốn của công ty chứng khoán là tài sản của ngân hàng mẹ, lợi nhuận của công ty con sẽ được hợp nhất với ngân hàng mẹ, trong trường hợp công ty chứng khoán thua lỗ, trách nhiệm hữu hạn của ngân hàng là khoản góp vốn vào công ty con. Tại mô hình thứ hai, vốn của công ty chứng khoán là tài sản của Tổng công ty mẹ, do đó có một bước đệm – là Tổng công ty mẹ - giữa 2 đơn vị là ngân hàng và công ty chứng khoán, và mối quan hệ như trên sẽ là với Tổng công ty mẹ chứ không phải ngân hàng.

Một số ý kiến cho rằng mô hình tổng công ty và các công ty con thành viên sẽ dễ đảm bảo an toàn hơn đối với hoạt động ngân hàng truyền thống do có sự biệt lập giữa ngân hàng vào công ty chứng khoán cũng như ngân hàng sẽ có ít động cơ trợ giúp công ty chứng khoán hơn do đó là công ty thành viên cùng tập đoàn chứ không phải công ty con thuộc sở hữu trực tiếp. Tuy nhiên, mô hình ngân hàng mẹ - công ty con ít tốn kém chi phí phát triển và vận hành do không cần phải thành lập Tổng công ty để quản lý chung. Mô hình này cũng cho phép ngân hàng có lợi ích trực tiếp từ lợi nhuận của công ty chứng khoán và cho phép chủ nợ của ngân hàng tiếp cận số lượng tài sản lớn hơn do vốn của công ty chứng khoán là tài sản của ngân hàng. Kết quả là, nếu ngân hàng gặp khó khăn, bên thụ hưởng có thể đòi nợ từ khoản đầu tư tại công ty chứng khoán nếu cấu trúc của tập đoàn là ngân hàng mẹ - công ty con, nhưng không thể làm tương tự nếu cấu trúc tập đoàn là tổng công ty và các ngân hàng/công ty thành viên .

Như vậy, ngoài mô hình tổng công ty mẹ chủ yếu do yêu cầu của chính sách (nếu có),có thể nhận thấy cả hai mô hình còn lại đều có những ưu điểm và bất lợi nhất định. Việc lựa chọn mô hình nào để phát triển hoạt động ngân hàng đầu tư trong các ngân hàng thương mại là do đặc điểm riêng của mỗi quốc gia hoặc do khiếm khuyết của mỗi thị trường khiến mô hình đó trở thành tốt nhất. Với mô trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, các ngân hàng thương mại cần thiết phải tiếp tục thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư tại các công ty con nhằm duy trì trì sự an toàn của các hoạt động ngân hàng truyền thống; giảm thiểu các xung đột lợi ích tiềm tàng; tách biệt ngân hàng với rủi ro phát sinh từ hoạt động chứng khoán và loại bỏ nguy cơ độc quyền nhóm cũng như rủi ro “Quá lớn để thất bại”.

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động ngân hàng đầu tư tại Việt Nam (Trang 150 - 153)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(209 trang)